nha ban quan tan binh | mua nha quan tan binh

Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

VĂN HÓA BỊ VÀ ĐƯỢC TỪ CHỨC

Thời buổi khó khăn, hàng trăm ngàn doanh nghiệp nợ đầy đầu, không đủ tiêu chuẩn để được phép kê khai phá sản. Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp của đảng và nhà nước, lâu nay, là miếng mồi béo bở cho các giám đốc và tổng giám đốc để kiếm ăn bằng những công ty con của gia đình mình, nhưng khi bất động sản đóng băng thì, mọi việc phúc ngày xưa hôm nay thành họa. Và câu chuyện văn hóa từ chức ở nước Việt hôm nay là vấn đề đáng để lưu tâm.

Tôi có anh bạn, có cổ đông và là thành viên hội đồng quản trị ở một công ty chi nhánh ở một tỉnh, là công ty con của một tập đoàn nhà nước núp bóng tư nhân để đầu tư, kinh doanh bất động sản mà, thủ tướng chính phủ mới vừa ký quyết định xóa tập đoàn này trong tháng 10/2012. Ở công ty con này có một vị giám đốc, lâu nay, mọi hợp đồng xây dựng, thiết kế, mua bán về bất động sản thì ông giám đốc đưa về công ty con của gia đình để làm ăn. Bây giờ tổng công ty được chính phủ quyết định xóa và ngưng hoạt động. Công ty con kiểm toán lại thì, nợ ngập đầu, số nợ hơn cả trăm lần vốn pháp định. Mọi vay nợ ngân hàng hầu như là thế chấp bằng chữ ký của các quan đầu tỉnh và những sấp giấy lộn mà người ta vẫn gọi nhau là "dự án khả thi". Bây giờ phá sản thì không được, mà làm việc thì không lương, vì nợ bảo hiểm xã hội còn không có tiền để mà trả.

Thế là, hội đồng quản trị đề nghị giám đốc từ chức, ông giám đốc dứt khoát không từ chức, mà ông ta chờ hội đồng quản trị cắt chức. Không phải ông giám đốc không muốn từ chức, mà vì nếu từ chức thì ông chịu trách nhiệm khoảng nợ nần của công ty. Còn bị cắt chức thì là do khả năng quản lý kém, tội nhẹ hơn. Cuối cùng, hội đồng quản trị buộc phải họp và ra văn bảng buộc từ chức. Người thay thế ông là phó giám đốc kiêm bí thư đảng ủy công ty con này. 

Câu chuyện không dừng ở đó, mà có hai sự thật diễn ra. Ông tân giám đốc mới thì bị vợ hăm ly dị vì cái tội ngu đi nhận cái chức đổ nát. Ông tân giám đốc làm hồ sơ xin ra khỏi đảng để không nhận cái chức giám đốc, nhưng đảng vào đã khó, mà ra còn khó hơn vạn lần. Cuối cùng ông phải ngậm đắng nuốt cay nhận cái chức mà, có khả năng sẽ lên pháp đình trình tội trong tương lai với ông cựu giám đốc.

Ông cựu giám đốc thì tổ chức tiệc ăn mừng, vì đã thoát được cái gánh nặng mà mình là tội đồ gây ra, hay nói cách khác là ông ăn mừng vì ông ăn ốc lại được có người đổ vỏ. Ông được từ chức chứ không bị từ chức.

Thói đời, cái văn hóa từ chức cũng có lắm đường. Thời buổi bây giờ lắm người muốn được từ chức mà không được, chứ không phải là các quan nhà ta không muốn từ chức. Ngược lại, có người bị lên cái chức mà mình không muốn, nhưng vẫn phải cứ lên, vì đảng đã trao trách nhiệm thì phải nhận. Mọi việc còn lại, có đảng lo.

Thế có ai bảo rằng, ở xã hội ta ngày nay dưới sự lãnh đạo của đảng quang vinh không có văn hóa từ chức, và không có người không muốn thăng chức?

Asia Clinic, 9h22' ngày thứ Hai, 31/12/2012

Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

LIỆU LỊCH SỬ CÓ LẬP LẠI?

Có những quy luật xã hội bất di, bất dịch mà ai cũng phải công nhận, nhưng lo ngại không dám nghĩ đến. Một trong những quy luật ấy là, hễ có khủng hoảng thừa về kinh tế toàn cầu, ắt nó phải được giải quyết không bằng cái tài kinh bang tế thế của các nhà chính khách hoặc các khôi nguyên kinh tế tài ba, mà nó lại được giải quyết bằng chiến tranh. Hai lần chiến tranh thế giới đã qua đã minh chứng hùng hồn cho quy luật dùng chiến tranh để giải quyết khủng hoảng thừa kinh tế thế giới.

Nhân loại đang đối mặt với một cơn đại khủng hoảng thừa mứa hàng hóa, mà sức mua của con người lại ngày càng co hẹp vì nhiều lý do: thất nghiệp, giảm thu nhập, hàng hóa ứ đọng do giảm phát, đóng băng bất động sản kéo theo đình đốn tất cả mọi ngành, nghề có liên quan, v.v… Để giải quyết những vấn đề trên, các biện pháp kinh tế đã được các nước Âu, Mỹ áp dụng trong 4 năm qua, nhưng hiệu quả vẫn là rất chậm chạp và nguy cơ rơi vào cơn suy thoái kép lần 2 là có thật. Lúc ấy, chiến tranh là biện pháp cuối cùng buộc phải chọn lựa để kích thích kinh tế toàn cầu vào thời kỳ tăng trưởng mới! Nhưng tại sao là chiến tranh, mà không phải là các biện pháp hàn lâm ở các ngài giáo sư, tiến sĩ đình đám ở các giảng đường nổi tiếng?

Vì chiến tranh là đập phá tất cả, là để tạo ra một tiềm năng xây dựng mới. Mọi công ăn, việc làm sẽ sinh ra sau đó, và mọi việc sẽ tươi đẹp hơn vì nhu cầu xây dựng lại trên đống hoang tàn sau cuộc chiến. Trong khi đó, các lý thuyết hàn lâm như, giảm lãi suất trần, tung gói kích cầu kinh tế bằng nới lỏng tiền tệ, v.v… vẫn không có tác dụng, vì nó không mang lại cái công việc giải quyết nguyên nhân của vấn đề là hàng hóa thì thừa mứa, mà sức mua trong dân chúng lại yếu. Chỉ có chiến tranh mang lại nhu cầu mới trong tiêu thụ hàng hóa và sức mua tăng trong khi lực cung bị giảm hoặc mất vì chiến tranh.

Năm 1972, khi Nixon và Mao bàn tính qua cái Thông cáo Thượng Hải, Hoa Kỳ trả lại quyền cai quản Đông Dương cho Trung Hoa, để tạo và tăng mối bất hòa phe cộng sản giữa 2 đầu lĩnh Liên Xô và Trung Hoa. Vô hình trung cuộc chiến ý thức hệ giữa 2 phe hắc bạch – tư bản và cộng sản – trở thành cuộc đối đầu một mất, một còn giữa 2 đầu lĩnh cộng sản. Và cái gì đến ắt đã đến: Liên Xô sụp đổ vì không gánh nổi cái đám đàn em ăn bám và phải đối đầu với phe tư bản và cả thành viên cộng sản Trung Hoa bằng kinh tế tự cung tự cấp. Đây là điều hiển nhiên không thể tránh khỏi. Nhưng để có được quyết định trong Thông cáo Thượng Hải, người Mỹ và phương Tây cùng phe cộng sản đã phải chọn 3 nước Đông Dương – Việt Miên Lào – làm bãi chiến trường để thử bom đạn, chạy đua vũ trang suốt 3 thập niên nhục nhằn bằng máu của gần 10 triệu dân vô tội và cái ác của các chính khách ngu đần ở 3 nước Đông Dương đã vì lợi ích cá nhân mà làm tay sai cho cả 2 phe hắc bạch.

Sau thông cáo Thượng Hải, Hoa Kỳ chuyển vùng giám sát sang Trung Đông. Bắt đầu bằng cuộc khủng hoảng con tin ngoại giao mà Iran gây ra năm 1978, chiến tranh và bãi chiến trường lại di chuyển sang Trung Đông từ 4 thập niên qua vì thế giới ngày nay không còn là sự đối đầu ý thức hệ, mà là cạnh tranh nguồn năng lượng, nước sạch và lương thực. Không ở đâu trên quả đất này có nguồn năng lượng khí gas nhiều bằng Trung Đông. Đó là lý do vì sao Hoa Kỳ đến đây và để lại ở đây nhiều cuộc chiến tranh, kể cả các cuộc cách mạng hoa Nhài trong năm 2011.

Bây giờ, công việc ăn chia miếng bánh năng lượng ở Trung Đông tạm ổn, Hoa Kỳ lại quay về lại khu vực Thái Bình Dương, với lý do, khu vực tăng trưởng năng động với các cường quốc kinh tế mới nổi và là đầu tàu kinh tế toàn cầu trong tương lai. Mục tiêu quay lại khu vực Thái Bình Dương lần này không phải vì ý thức hệ hay vì nhu cầu an ninh năng lượng, lương thực hay nguồn nước, mà là, một ý nghĩa khác: sờ vào cái cách làm ra tiền của các cường quốc mới nổi, trong đó, có Trung Hoa, Nhật và Ấn Độ, và cũng không loại trừ Nga có một nửa giang sơn thuộc châu Á đầy tài nguyên trong lòng đất.

Nhưng bao giờ cũng vậy, khi chiến lược chuyển vùng của các cường quốc đến khu vực nào, họ cũng tìm những bãi chiến trường để chuẩn bị cho việc động binh đao. Ba mươi năm máu lửa chiến tranh với các hôn quân làm tay sai cho 2 phe hắc bạch ở 3 nước Đông Dương là quá khứ hùng hồn minh chứng. Và liên tu bất tận các cuộc chiến vùng Vịnh đã diễn ra ở Kowait, Iraq, các nước Bắc Phi Trung Đông một lần nữa lại chứng minh hùng hồn cho điều này là không tránh khỏi.

Thế thì, lần quay lại Thái Bình Dương này của Hoa Kỳ liệu bao lâu nửa khói lửa chiến tranh lại hiện hữu ở khu vực? Và liệu mãnh đất nào của khu vực sẽ là nơi làm bãi chiến trường để các cường quốc tỷ thí binh đao? Có lẽ, thời gian chỉ cần 1 thập niên trở lại là sẽ có chiến tranh trong khu vực, đặc biệt, trong hoàn cảnh khủng hoảng kinh tế như hiện nay, thì chiến tranh xảy ra sẽ không lâu. Còn ở đâu là bãi chiến trường cho cuộc chiến cũng không khó đoán, nếu các chính khách là những hôn quân như trong quá khứ.

Cầu chúc cho dân tộc tôi có một tương lai không đen tối như trong quá khứ gần. Những câu thơ cũ lại hiện về văng vẳng một thời: “Chiến tranh về anh mất mẹ cha/Tuổi trẻ sinh ra chưa lớn đã già”. Một thời mà ai nhắc đến cũng nghi ngại vì có quá nhiều dối lừa, mà dân tộc tôi chỉ biết bán máu xương để một số tầng lớp chính khách ăn trên ngồi trốc với lũ ngoại bang. Nhục!

Tư Gia, 21h22' thứ Ba, ngày 04/12/2012

Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

BƯỚC NGOẶT CỦA CHỦ NGHĨA DÂN TỘC NHẬT BẢN


Bài dịch của Quan Bảo

Bài viết của GS Joseph Nye thuộc Harvard University, ông là cha đẻ của lý thuyết quyền lực mềm.

Bài viết gốc: Japan’s Nationalist Turn

Trong các tin tức gần đây của Nhật Bản về việc tranh chấp với Trung Quốc hơn sáu cây số vuông các đảo cằn cỗi ở Biển Đông Trung Quốc mà Nhật Bản gọi là quần đảo Senkaku và Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư. Cả hai đều tuyên bố chủ quyền từ cuối thế kỹ 19,  nhưng gần đây bùng lên, dẫn tới những cuộc biểu tình lan rộng kháng Nhật tại Trung Quốc, bắt đầu vào tháng Chín khi Chính phủ Nhật Bản đã mua ba trong số các hòn đảo nhỏ từ chủ sở hữu tư nhân của một người Nhật.

Thủ tướng Yoshihiko Noda đã nói rằng ông đã quyết định mua những hòn đảo cho chính phủ trung ương. Nhật Bản để ngăn chặn Thống đốc Tokyo Shintaro Ishihara mua chúng bằng tiền của quỹ của thành phố. Ishihara, đã từ chức từ văn phòng để khởi động một đảng chính trị mới, mà nó được biết đến như là một hành động khiêu khích chủ nghĩa dân tộc, và Noda lo ngại việc ông sẽ cố gắng để chiếm các đảo hoặc tìm những cách khác để sử dụng chúng để kích động Trung Quốc và tận dụng các hỗ trợ cộng đồng tại Nhật Bản. Tuy nhiên, quan chức hàng đầu của Trung Quốc, đã không chấp nhận lời giải thích của Noda, và giải thích việc mua như là bằng chứng rằng Nhật Bản đang cố phá vỡ nguyên trạng.

Trong tháng 5 năm 1972, khi Hoa Kỳ trả lại quận Okinawa cho Nhật Bản, việc chuyển giao bao gồm quần đảo Senkaku, Mỹ đã quản lý từ Okinawa. Một vài tháng sau đó, khi Trung Quốc và Nhật Bản bình thường hóa mối ban giao sau Thế chiến II, Thủ tướng Nhật Kakuei Tanaka lúc bấy giờ hỏi Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai về quần đảo Senkaku, và đã được trả lời rằng ưu tiên cho việc bình thường hóa, lùi lại sự tranh chấp, và vấn đề này nên được để lại cho thế hệ tương lai giải quyết.

Vì vậy, cả hai nước đều duy trì tuyên bố chủ quyền của họ. Mặc dù Nhật bản có quyền kiểm soát hành chính, tàu thuyền Trung Quốc thỉnh thoảng vào vùng biển Nhật Bản để khẳng định vị trí pháp lý của họ. Đối với Trung Quốc, Nhật Bản đã đơn phương làm đảo lộn tình hình trong tháng Chín. Ở Bắc Kinh trong thời gian gần đây, các nhà phân tích Trung Quốc nói với tôi rằng họ tin rằng Nhật Bản đang bước vào một thời kỳ của chủ nghĩa dân tộc quân phiệt cánh hữu, và việc mua các hòn đảo là một nỗ lực cố ý để bắt đầu làm xói mòn việc giải quyết hậu Thế chiến II.

Trong khi những lời lẽ Trung Quốc đang quá nóng, chắc chắn có sự thay đổi tư tưởng tại Nhật bản, mặc dù nó sẽ là khó khăn để mô tả tư tưởng này là quân phiệt. Một nhóm lớn các sinh viên tại Đại học Waseda gần đây đã được thăm dò ý kiến về thái độ của họ đối với quân đội. Trong khi một số lượng lớn bày tỏ mong muốn Nhật Bản cải thiện khả năng của mình để bảo vệ chính mình, đại đa số bác bỏ ý tưởng phát triển vũ khí hạt nhân và sự hỗ trợ phụ thuộc vào Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật tiếp tục. Như một chuyên gia trẻ nói với tôi, "chúng tôi đang quan tâm đến chủ nghĩa bảo thủ, chủ nghĩa dân tộc không quân phiệt. Không ai muốn quay trở lại những năm 1930."

Và, tất nhiên, lực lượng phòng vệ Nhật bản  rất chuyên nghiệp và dưới sự kiểm soát đầy đủ của dân sự. Nhật Bản phải đối mặt với cuộc bầu cử quốc hội trong tương lai gần, chậm nhất là đến Tháng 8 năm 2013, nhưng có lẽ sớm nhất là đầu năm nay. Theo các cuộc thăm dò ý kiến công cộng, người cầm đầu Đảng Dân chủ Nhật Bản lên nắm quyền vào năm 2009, có thể được thay thế bởi Đảng Dân chủ Tự do, có chủ tịch, Shinzo Abe, sẽ trở thành thủ tướng - một vị trí mà ông đã được sắp xếp.

Ông Abe có tiếng như một người theo chủ nghĩa dân tộc, và gần đây đã viếng thăm ngôi đền Yasukuni, một đài tưởng niệm chiến tranh Tokyođang gây tranh cãi ở Trung Quốc và Hàn Quốc. Ngoài ra, Toru Hashimoto, thị trưởng trẻ tuổi của Osaka, thành phố lớn thứ hai của Nhật Bản, đã xây dựng một đảng mới và cũng phát triển một danh tiếng như một người chủ nghĩa  dân tộc.

Chính trị Nhật Bản, có vẻ giống như dấu hiệu của hai thập kỷ chậm tăng trưởng kinh tế, điều này đã dẫn đến các vấn đề tài chính và một thái độ hướng nội nhiều hơn với những người trẻ. Đăng ký du học của học sinh Nhật Bản tại các trường đại học Mỹ đã giảm hơn 50% từ năm 2000 .
  
Ba mươi năm trước đây, Ezra Vogel, giáo sư Harvard, xuất bản quyển sách với tựa: “Nhật Bản như Thủ Lĩnh: Những Bài Học Cho Nước Mỹ”, một quyển sách mừng đón sự thăng tiến bằng sản xuất hàng hóa của Nhật, đưa nước Nhật trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.

Gân đây, Vogel miêu tả hệ thống chính trị của Nhật là: "một sự hỗn loạn tuyệt đối", qua việc các thủ tướng bị thay thế gần như mỗi năm, và niềm mong đợi của thế hệ trẻ bị hao mòn bởi tình trạng lạm phát kéo dài nhiều năm. Yoichi Funabshi, một cựu tổng biên tập của nhật báo Asahi Shimbun, cũng lo ngại: "Có một khuynh hướng ở Nhật cho là chúng ta hiện chưa sẵn sàng như một đối thủ cạnh trạnh quyết liệt trong thế giới toàn cầu này".

Mặc cho những vấn đề này, Nhật Bản vẫn có những điểm mạnh đáng chú ý. Mặc dù Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cách đây hai năm, Nhật Bản là một xã hội thoải mái với thu nhập bình quân đầu người cao hơn nhiều. Nhật có các trường đại học ấn tượng và một đẳng cấp cao trong giáo dục, các công ty toàn cầu được quản lý tốt, và một đạo đức làm việc hăng say. Đó là một xã hội đã được tái thiết 2 lần trong vòng 200 năm - Minh Trị Duy Tân thế kỷ XIX và sau khi thất bại vào năm 1945. Một số nhà phân tích hy vọng rằng trận động đất năm ngoái, sóng thần, và thảm họa hạt nhân sẽ châm ngòi cho một nỗ lực thứ ba tại quốc gia tái thiết, nhưng điều đó chưa xảy ra.

Nhiều bạn trẻ Nhật Bản đã nói với tôi rằng họ đang "chán ngấy" với tình trạng trì trệ và mất hướng. Khi được hỏi về các xu hướng về chính trị, một số nghị sĩ trẻ (Quốc hội) cho biết họ hy vọng rằng nó có thể tạo ra một tổ chức lại giữa các đảng phái chính trị sẽ dẫn đến một chính phủ ổn định và hiệu quả hơn. Nếu chủ nghĩa dân tộc ôn hòa được khai thác để cải cách chính trị, kết quả có thể  tốt cho Nhật Bản - và cho phần còn lại của thế giới. Nhưng nếu chủ nghĩa dân tộc Nhật Bản cực đoan hơn sẽ dẫn đến vị trí biểu tượng và chủ nghĩa dân túy giành những lá phiếu ở trong nước lại đưa đến sự đối kháng các nước láng giềng, lúc đó cả Nhật Bản và thế giới sẽ tồi tệ hơn . Những gì sẽ xảy ra trong nền chính trị Nhật Bản trong những tháng tới sẽ ảnh hưởng đến cục diện toàn cầu.

Asia Clinic, 10h 57' ngày thứ Tư, 28/11/2012

Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

HAI CHỨNG TRẺ THƯỜNG MẮC DO CHA MẸ VÀ THẦY THUỐC THIẾU HIỂU BIẾT

Chủ đề liên quan:

Có nhiều phụ huynh mang trẻ đến chỗ của tôi khám bệnh thì ít, mà tôi phải tư vấn tâm lý thì nhiều. Hiện nay có một số trường hợp trẻ mắc chứng tâm lý mà các bậc cha mẹ ngày nay chữ nghĩa thì đầy mình, bằng cấp thì chất đầy nóc tủ, nhưng lại không biết nuôi dạy con chỉ bằng cha mẹ của họ ngày xưa nuôi dạy học, dù cha mẹ họ chỉ là nông dân!

Các bác sĩ dinh dưỡng thì chỉ lý thuyết suông, tư vấn cho cha mẹ thế lọ, thế chai, nào thì mà là rằng tháp dinh dưỡng phải có này, có nọ, nào mua thuốc này về uống sẽ kích thích trẻ ăn uống vân vân và vân vân, nhưng trẻ vẫn cứ lười ăn.

Các nhà tâm lý học thì hướng dẫn cha mẹ nào là phải cho trẻ hướng vào cộng đồng tập thể bằng trò chơi sinh hoạt cộng đồng, nào là phải như thế này, như thế nọ , cuối cùng trẻ vẫn cứ tự kỷ mà không ra được những ức chế tâm lý trầm cảm và co vào vỏ sò riêng tư của mình hoặc phản ứng lại bằng cách nổi loạn.

Chính vì thế, hôm nay tớ xin viết những nguyên tắc cơ bản của 2 chứng mà trẻ hiện đại ngày nay thường mắc nhất, nguyên nhân là do cha mẹ học nhiều, nhưng hiểu biết chả bao nhiêu. Ngoài ra do thầy thuốc và nhà tâm lý học cũng chỉ có lý thuyết suông mà chưa một ngày nuôi dạy trẻ đúng như nông dân nuôi dạy trẻ.

TRẺ BIẾNG ĂN

Trẻ ngày nay biếng ăn hơn 90% là nguyên nhân biếng ăn do tâm lý vì những lý do sau đây:

1. Cha mẹ bắt trẻ ăn những gì mà cha mẹ muốn theo lý thuyết của các nhà dinh dưỡng lâm sàng. Trong khi đó, cha mẹ quên một nguyên tắc cơ bản là, mình ăn cái gì thì nên cho trẻ ăn cái đó. Vì ăn riết một món làm sao không ngán được. Thử bắt một phụ huynh ăn thử sáng cháo lươn, chiều cháo cá, mai cháo thịt, mốt cháo đậu xanh chỉ trong 1 tuần xem có khác gì trẻ bị nhục hình trong tù không, thì làm sao trẻ không chán ăn?

2. Ngày xưa ông bà ta nuôi dạy con cái tuy thô sơ, nhưng rất khoa học. Trẻ chỉ có 4 cái làm cho nó khóc: đói, buồn ngủ, bệnh và cần giải quyết những gì tồn đọng sau khi ăn. Ông bà ta biết làm cho trẻ hết đói đúng lúc, nên nuôi trẻ như nuôi gà, 5 năm để 5 đứa vẫn nuôi tốt và khỏe mạnh như Phù Đổng. Sau 6 tháng thì sữa mẹ hết kháng thể, ông bà chuyển cho ăn bột và miệng nhai cơm búng. Trong nước bọt cha mẹ luôn có kháng thể và men tiêu hóa, nên giúp trẻ khỏe mạnh. Cha mẹ ăn gì thì trẻ ăn nấy, món ăn thay đổi liên tục. Trẻ thích thú khi ăn, lấy gì trẻ chán ăn nhỉ?

3. Hậu quả của biếng ăn tâm lý sẽ đẩy trẻ đến suy dinh dưỡng và suy giảm miễn dịch rất dễ mắc bệnh đường hô hấp và còi cọc. Ngoài ra, việc cho ăn thêm những bữa ăn ngoài 3 bữa ăn chính cũng là điều tai hại làm trẻ quá no để có thể nuốt 3 bữa cơm chính cũng là điều làm trẻ chán ăn.

TRẺ BỊ TỰ KỶ VÀ CUỒNG KÍCH ĐỘNG

Trẻ ngày nay tự kỷ vì cũng do cha mẹ bắt trẻ phải làm cái này, học cái kia và chơi cái nọ theo ý cha mẹ, mà không cho trẻ làm, học và chơi theo ý thích trẻ. Tật này là một loại tật gia trưởng, hay nói đúng hơn là định hướng tư duy trẻ theo kiểu đề cương văn hóa của đảng do cụ Trường Chinh viết ra năm 1943. Cuối cùng trẻ không biết nói cùng ai những yêu cầu đòi hỏi của mình. Vì trẻ không có được sức mạnh quyền lực để thể hiện quyền làm người của mình với cha mẹ. Hơn nữa, trẻ đang tuổi học ăn, học nói, học gói, học mở, chưa đủ lời, đủ chữ để lý luận và minh chứng cho cha mẹ hiểu là trẻ đang ở trong một nhà tù tư tưởng mà nhà tù đó chính cha mẹ mình tạo ra cho mình. Thật bi kịch cho những trẻ có cha mẹ như thế.

Hậu quả cuối cùng là, đối với những trẻ sống nội tâm, trẻ sẽ co vào vỏ sò cô đơn của mình để đối phó với những nhu cầu sai lầm của cha mẹ. Rồi kết quả là trẻ mắc chứng tự kỷ. Cha mẹ hết thầy này, thuốc nọ, phương pháp kia nhưng không làm trẻ ra khỏi cái lâu đài đóng kín tâm tư của trẻ.

Một hậu quả thứ hai với trẻ có tâm lý hiếu động là, trẻ sẽ tự tìm phương pháp thoát khỏi những đòi hỏi phi lý của cha mẹ bằng những hành vi có tính nổi loạn. Một trong những hành vi đó là, chứng cuồng phóng hỏa ở trẻ mà tôi đã viết một bài để sửa sai báo chí và các giáo sự tiến sĩ "thông thái" Việt cách đây mấy tháng khi kết luận một cháu gái tự phóng hỏa là có điện sinh học trong người.

Để kết luận cho bài viết dưới dạng kiến thức tâm lý y khoa thường thức này đến cộng đồng, tôi chỉ muốn nhắn gửi đến các bậc phụ huynh một nguyên tắc cơ bản nuôi, dạy con là mình đừng bắt ai ăn uống hay sống, học tập và chiến đấu theo ý mình như khẩu hiệu của đảng cầm quyền bắt dân sống, chiến đấu, học tập theo gương của vĩ nhân. Vì người thường thì không theo được vĩ nhân. Và chắc chắn là trẻ mới ra đời không thể sống và làm theo những yêu cầu người lớn. 

Đừng để hình ảnh cha mẹ trong mắt trẻ là nỗi ám ảnh khủng bố cả tâm tư và hành động. Mà hãy để trẻ thể hiện mình và đưa tay ra dìu dắt trẻ khi trẻ cần.

Asia Clinic, 10h38' ngày thứ Ba, 13/11/2012

Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2012

TIỀN HẠN CHẾ LÀM SAO DU HỌC MỸ TỰ TÚC (1)

Cách nay vài hôm, có một phụ huynh học sinh đến clinic của mình tham khảo ý kiến. Anh ta chuẩn bị tiền cho con không nhiều, nhưng muốn con du học Mỹ tự túc, vì con anh ta không giỏi đủ để xin học bổng, mà cũng đủ khả năng để học tự túc cả về ngôn ngữ và trình độ. Nên viết bài này dành tặng cho cộng đồng Việt Nam trong nước muốn con mình tỵ nạn giáo dục, mà túi tiền có hạn.

Nhưng dù gì đi nữa thì khi du học cũng phải tính toán rõ ràng. Du học là việc cực nhọc và tốn kém. Học ra phải làm được việc và kiếm được tiền để bù đắp những tốn kém đã bỏ ra. Nếu không thì không nên mơ mộng. Vì phí thời gian, phí công sức và tiền bạc tích cóp một đời phụ huynh lương thiện cần mẫn. Đây là lời khuyên chân thành của người đi trước, có kinh nghiệm muốn tâm sự trước khi vào bài chính.

Thường thì khi du học đại học Mỹ, ai cũng muốn vào 4 year college - trường đại học 4 năm - chứ ít ai quan tâm đến 2 year college - trường cao đẳng cộng đồng 2 năm - nhưng nếu quý phụ huynh chuẩn bị cho con em không nhiều, cỡ khoảng 750 triệu đến 1 tỷ tiền Việt, thì con đường cao đẳng cộng đồng 2 năm, sau đó làm hồ sơ chuyển lên đại học 4 năm cho 2 năm cuối là cách tốt nhất cho con đường này.

Hai năm đầu học cao đẳng cộng đồng chương trình academic training là chương trình khoa học cơ sở chuẩn bị cho cử nhân chuyên ngành ở cao đẳng cộng đồng. Phí ăn ở và học tập khoảng dao động 20.000USD/năm. Vị chi tốn khoảng 40.000USD trong 2 năm đầu. Phần còn lại chi cho 2 năm học chuyên ngành ở đại học 4 năm là tạm ổn.

Nhưng với 3.994 trường cả 2 năm lẫn 4 năm ở nước Mỹ mà College Board đã liệt kê và được công nhận, thì biết chọn trường nào? Đây là một khó khăn cho những ai mới bước vào tìm hiểu giáo dục nước Mỹ, nhưng lại đơn giản cho những ai đã từng trải qua chuyện học hành ở xứ cờ hoa.

Đầu tiên các bạn nên đi từ College Board để tìm sự tương thích của mình những mong muốn: tiểu bang nào mình học? trường loại nhỏ, vừa hay lớn? loại trường dạy cả nam lẫn nữ hay chỉ thuần nam, thuần nữ? Loại trường công hay trường tư? Các bạn chỉ việc tick vào các ô vuông như tôi đã tích trong hình 1 sau đây. Nhưng người viết khuyên nên chọn trường dạy cả nam lẫn nữ là tốt nhất. Vì câu chuyện đồng tính nam hoặc nữ - homosexual - ở các trường chỉ thuần dạy nam hoặc nữ ở các nước phương Tây và Mỹ là chuyện mà sinh viên Việt có thể bị ảnh hưởng đến đời sống, học tập khi xa nhà.


Hình 1: Chọn loại 2 year college công lập, lượng sinh viên theo học mỗi trường khoảng từ 2.000 đến 15.000 và có cả nam lẫn nữ không phân biệt tiểu bang nào.

Sau khi tìm sự tương thích với mình các bạn nhấn vào nút Save Collections nằm ở góc trên bên trái hoặc góc dưới bên trái sau khi rê chuột xuống. Tự động trang College Board sẽ hiện ra kết quả. Như hình minh họa của tôi chọn: trường công, loại dạy cả nam lẫn nữ, loại trường có số lượng sinh viên theo học từ 2.000 đến 12.000 và không phân biệt tiểu bang nào, kết quả cho thấy có 622 trường trong cả nước Mỹ.

Hình 2: Những trường đã chọn ra trong 622 trường 2 year college, chỉ cần nhấp chuột vào từng ô vuông của mỗi trường thì thông tin trường sẽ hiện ra.

Sau khi có kết quả như hình 2, các bạn bắt đầu chọn lựa các tiêu chí về chi phí học hành, tiểu bang muốn học, và trường có chuyên ngành mình theo học. Các bạn chỉ cần nhấp chuột vào mỗi ô vuông có tên trường là mọi thông tin của trường mà bạn muốn tìm hiểu tuy ngắn, nhưng tạm đủ để bạn nắm khái quát nhất trước khi tìm hiểu website riêng của trường. Ví dụ, ở đây ta tìm hiểu trường Arkansas State University - Beebe. Đây là một trường đại học 4 năm công lập thuộc tiểu bang Arkansas, nhưng có dạy cao đẳng cộng đồng và chuyển lên đại học 4 năm ngay tại trường theo chương trình academic training. Xem hình 3 sau:

Hình 3: Trường Community College Beebe của Arkansas State University. Chú ý các mục hàng dọc bên tay trái và nhấp chuột vào để tham khảo sơ khởi trước khi đi vào website của trường xem chi tiết hơn.

Có nhiều điều quan trọng mà cần quan tâm khi khảo sát. Hãy chú ý tất cả các mục hàng dọc bên tay trái: Deadlines: hạn chót nộp hồ sơ nhập học. Chuyên ngành và môi trường học tập: Majors & Learning Enviroment. Đời sống nơi trường đặt trụ sở: Campus Life. Cách nhập học: Applying. Học phí: Paying. Chuyển từ 2 year college lên 4 year college như thế nào: For transfer students. Và quan trọng nhất cũng là cuối cùng là, mục dành cho du học sinh: For International students!

Một vấn đề quan trọng là không nhất thiết phải tìm trường có cả 2 year college và 4 year college trong 1 trường như trường mà tôi ví dụ ở trên là Arkansas State University - Beebe. Bạn có thể tìm một trường cao đẳng cộng đồng nào bất kỳ nhưng vào website xem nó liên kết với trường đại học 4 năm nào sau khi học chương trình 2 năm của nó xong cũng được. Miễn sao nó liên kết với trường 4 năm mà bạn yêu thích là được. Phần còn lại là công lao học tập của bạn để làm sao giáo sư giới thiệu bạn chuyển lên cái trường 4 năm mà bạn yêu thích.

Bài cũng khá dài, tạm thời để các bạn tự tìm hiểu cho rành rọt. Tôi sẽ trở lại phần hai tỷ mỹ hơn về tìm thông tin trên website của trường và tự nộp hồ sơ mà không phải tốn tiền cho các trung tâm cò mồi du học đang hoạt động đầy rẫy ở Việt Nam. Hầu hết họ hiểu biết không hoặc bằng những gì tôi viết ở đây. Nhưng lại là cái nghề kiếm cơm của họ. Song, tại sao ta có thể tự làm được mà không tự làm để hiểu nước Mỹ và trường trước khi sang đó học, mà phải ngồi mát ăn bát vàng, nhờ trung tâm tư vấn, để rồi bỡ ngỡ khi đã sang bên kia học tập?

Chúc may mắn và hạnh phúc với loạt bài này.

Asia Clinic, 11h38' ngày thứ Hai, 12/11/2012

Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012

CẢ VẬT CHẤT VÔ TRI CŨNG ĐIÊN THEO NƯỚC MỸ!

Bài cùng chủ đề: Romney hay Obama

Từ đêm qua, hầu như mình thức suốt đêm để làm việc và theo dõi tình hình bầu bán ở nước Mỹ. Mọi việc nóng lên từ đầu giờ sàn giao dịch Luân Đôn, khi đẩy giá vàng tăng dựng đứng. Nhịp đập của giá vàng cũng tăng theo từng nhịp đập của ứng cử viên đảng Cộng Hòa. Cứ mỗi lần ông Romney dẫn điểm thì vàng lại đột biến tăng. Khi Obama lướt tới thì giá vàng chùng lại. Cuối cùng rạng sáng nay, khi các bang chủ chốt của Obama chưa có kết quả thì Romney lướt lên hơn Obama 1 phiếu đại cử tri với tỷ số 163/162 thì vàng dựng ngược giá phá mốc 1700 để đạt đỉnh 1716.90usd/oz kết thúc phiên giao dịch sàn New York Stock Exchange. Kết quả này cho thấy vật vô tri như vàng cũng nhảy theo nhịp đập của nước Mỹ tìm ra người điều hành cho 4 năm tới. Tại sao?

Như mình đã từng viết trên blog này. Đảng Cộng Hòa chủ một chính phủ Liên Bang yếu, giao quyền điều hành nước Mỹ cho từng tiểu bang, để quay sang nắm Liên Hiệp Quốc và điều hành toàn cầu, bằng việc xuất khẩu chiến tranh để bình định và đập phá thế giới còn lại, ở những nơi cần đập phá.

Ngược lại, đảng Dân Chủ nước Mỹ chủ một chính phủ mạnh về nội trị, nắm quyền quản lý từng tiểu bang và cả Liên Bang củng cố kinh tế nước nhà, tăng cường an sinh xã hội. Đối ngoại bằng bàn tay sắc bọc nhung với quyền lực mền, kiểu sách lược Tôn Tử nước Tàu - Không đánh mà thắng.

Từ đó, khi ứng viên Cộng Hòa lướt về phía trước, thế giới đầu tư đón đầu sẽ có chiến tranh xảy ra ở Vịnh Ba Tư, và lo ngại trú ẩn nơi thành trì cuối cùng là vàng. Được thể, dầu cũng tăng theo lên 88.14usd/thùng sau hơn 1 tuần giá dầu ở mức 85usd/thùng trước ngay thềm bầu cử.

Cho đến giờ này, một số bạn thạo tin và tình hình nước Mỹ đã nhận định rõ ràng: "Đại bản doanh Romney đang bao trùm bầu không khí tan tóc" vì đảng Cộng Hòa chỉ còn hy vọng ở 3 bang Florida, North Calirona và Virginia. Trong khi đó, đảng Dân Chủ còn những con bài tẩy nhiều phiếu đại cử tri ở vùng bờ Tây nước Mỹ như California, etc... Trong lúc đó, hiện Florida lại trở gió muốn nghiêng về ông da đen con rơi của nước Mỹ. Vậy là đến giờ này chưa có kết quả cuối cùng kết thúc lúc khoảng 14h chiều nay giờ Hà Nội thì xem như ông da đen con rơi đã nắm chắc phần thắng trong tay.

Tuy thế, giá vàng vẫn cứ nhóng lên cao hơn 1724usd/oz trong lúc này. Đó là kết quả của những tư duy đón đầu kiếm lãi. Vì dù có là Dân Chủ hay Cộng Hòa lên nắm quyền toàn cầu và nước Mỹ trong 4 năm tới thì chiến tranh vùng vịnh Ba Tư cũng phải xảy ra. Song hiện tượng tăng giá nhứt thời hiện nay là kiểu tăng vì tư duy đám đông vô thức. Mọi việc sẽ dịu dần vào cuối tuần trên thị trường chứng khoán phố Wall.

Dù là Dân Chủ hay Cộng Hòa lên nắm quyền thì trái đất vẫn quay, mặt trời và mặt trăng vẫn mọc và lặn, tròn và khuyết, thế nhưng với cái kiểu mạnh nhờ quảng bá thương hiệu của mình, nước Mỹ cứ 4 năm, một lần làm cho cả vật vô tri vô giác cũng nhãy điệu Lambada vì những cái đầu nóng của dân thương mại.

Đêm qua, không ít người thắng, kẻ bại trên sàn chứng khoán. Song quy luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng luôn đúng cho cả xã hội học là, tiền và vàng không mất đi, mà nó chỉ chuyển từ tay người này sang tay người khác. Nước Mỹ là thế, ngay cả bầu cử tổng thống cũng bằng mọi giá moi tiền từ túi của toàn cầu về nước Mỹ thông qua truyền thông đại chúng và cái sàn cổ cánh NYSE!

 Âu đó cũng là nghiệp dĩ của toàn cầu. 

Asia Clinic, 11h20' ngày thứ Tư, 06/11/2012

Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

NHỮNG BÀI HỌC TỪ CUỘC CHIẾN TRUNG ẤN


Bài dịch của Trang La.

Bài viết cùng tác giả:


NEW DELHI – Tháng này đánh dấu kỷ niệm 50 năm quân đội Trung Hoa tấn công Ấn Độ, cuộc chiến tranh duy nhất mà đất nước dưới chế độ cộng sản Trung Hoa giành thắng lợi. Mặc dù cuộc chiến thất bại trong việc giải quyết các tranh chấp giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới, và di sản của nó vẫn tiếp tục đè nặng mối quan hệ song phương giữa hai nước. Trong khi sức mạnh kinh tế của họ đang thu hút sự chú ý của quốc tế ngày càng tăng, thì sự cạnh tranh chiến lược cơ bản của họ về các vấn đề khác nhau từ đất đai và tài nguyên nước tới ảnh hưởng chính trị tại các khu vực khác lại ít thu hút sự chú ý hơn.


Tầm quan trọng quốc tế của mối quan hệ Trung - Ấn phản ánh thực tế là họ cùng chiếm 37% dân số toàn cầu. Mặc dù họ đại diện cho những nền văn hóa khác nhau rõ rệt và các mô hình phát triển cạnh tranh nhau, họ chia sẻ một sự tương đồng lịch sử giúp định hình ngoại giao của hai nước: mỗi bên đều tự giải phóng khỏi các cường quốc thực dân trong cùng một khoảng thời gian.

Trong suốt lịch sử của họ, các nền văn minh Trung Hoa và Ấn Độ được ngăn cách bởi cao nguyên Tây Tạng rộng lớn, dẫn đến hạn chế tương tác về văn hóa và tôn giáo cũng như không có quan hệ chính trị. Chỉ sau cuộc thôn tính Tây Tạng của Trung Hoa năm 1950 – 1951, quân đội Trung Hoa lần đầu tiên xuất hiện trên biên giới Hy Mã Lạp Sơn của Ấn Độ.

Hơn một thập kỷ sau đó, Trung Hoa gây bất ngờ cho quân đội thiếu sự chuẩn bị của Ấn Độ bằng việc tiến hành một cuộc tấn công từ nhiều hướng qua dãy Hy Mã Lạp Sơn vào ngày 20 tháng Mười năm 1962. Thủ tướng Trung Hoa Chu Ân Lai công khai nói rằng cuộc chiến này nhằm mục đích “dạy cho Ấn Độ một bài học”.

Tấn công kẻ thù một cách bất ngờ mang lại một lợi thế chiến thuật đáng kể trong chiến tranh, và cuộc xâm lược đã gây ra một cú sốc tâm lý và chính trị to lớn cho Ấn Độ, làm phóng đại những tiến bộ quân sự đầu tiên mà Trung Hoa đã đạt được. Cuộc chiến chớp nhoáng của Trung Hoa tạo ra tư tưởng chủ bại ở Ấn, buộc quân đội Ấn phải rút vào thế phòng thủ. Ấn Độ, lo sợ những hậu quả chưa xác định, thậm chí còn tránh sử dụng sức mạnh không quân của mình, mặc dù quân đội Trung Hoa thiếu vắng lực lượng phòng không hiệu quả trong cuộc tấn công của mình.

Sau hơn một tháng chiến đấu, Trung Hoa tuyên bố ngừng bắn đơn phương trong thế thượng phong, khi đã nắm được một số lãnh thổ Ấn Độ. Trung Hoa đồng thời thông báo rằng họ có thể bắt đầu rút các lực lượng của mình từ ngày 1 tháng 12 năm 1962, bỏ trống lãnh thổ họ giành được ở khu vực phía Đông (nơi có biên giới của Ấn, Myanmar, Tây Tạng và Bhutan) nhưng ở lại các khu vực bị chiếm ở phía Tây (bang thủ phủ Jammu và Kashmir). Các giới hạn rút lui này khớp với các mục tiêu trước chiến tranh của Trung Hoa.

Giống như Mao Trạch Đông bắt đầu cuộc xâm lược Tây Tạng khi thế giới đang bận rộn với cuộc chiến Triều Tiên, ông ta đã chọn thời điểm hoàn hảo để xâm lược Ấn Độ, theo chiến lược gia cổ đại Tôn Tử. Cuộc tấn công xảy ra đồng thời với cuộc khủng hoảng quốc tế nghiêm trọng đã đưa Hoa Kỳ và Liên Xô vào cuộc chiến tranh hạt nhân qua việc triển khai tên lửa tàng hình của Liên Xô ở Cuba. Việc ngừng bắn đơn phương của Trung Hoa trùng với thời điểm Mỹ chính thức chấm dứt phong tỏa hải quân Cuba, đánh dấu sự kết thúc khủng hoảng tên lửa.

Việc (lựa chọn) thời điểm khôn ngoan của Mao đảm bảo sự cô lập Ấn Độ khỏi các nguồn hỗ trợ quốc tế. Trong suốt cuộc xâm lược, sự chú ý quốc tế tập trung vào cuộc thách thức hạt nhân Hoa Kỳ - Xô Viết, chứ không phải là cuộc chiến đẫm máu bùng lên dưới chân dãy núi Hy Mã Lạp Sơn.

Sự thất bại nhục nhã của Ấn dẫn đến sự ra đi nhanh chóng của Thủ tướng Ấn, Jawaharlal Nehru; nhưng nó cũng khởi đầu cho việc hiện đại hóa quân đội và gia tăng chính trị.

Năm mươi năm sau, căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Hoa gia tăng trở lại trong bối cảnh cạnh tranh chính trị căng thẳng. Toàn bộ biên giới 4,057 km của họ - một trong những đường biên dài nhất thế giới – vẫn còn trong tình trạng tranh chấp, mà không có một đường biên xác định rõ ràng sự kiểm soát trên dãy Hy Mã Lạp Sơn.

Tình trạng này đã kéo dài mặc cho các cuộc đàm phán Trung - Ấn thường xuyên kể từ 1981. Thực tế, những cuộc đàm phán này là quá trình đàm phán lâu dài nhất và vô ích nhất giữa bất kỳ hai quốc gia nào trong lịch sử hiện đại. Trong một chuyến viếng thăm New Delhi năm 2010, Thủ tướng Trung Hoa Ôn Gia Bảo tuyên bố thẳng thừng rằng dàn xếp các tranh chấp biên giới “sẽ mất một giai đoạn lâu dài”. Nếu vậy, Trung Hoa (hay Ấn Độ) có được gì khi tiếp tục các cuộc đàm phán?

Khi vết thương cũ chưa nguôi, những vấn đề mới đã bắt đầu khuấy đục mối quan hệ song phương. Ví dụ, năm 2006, Trung Hoa đã khởi xướng một vụ tranh chấp lãnh thổ mới qua việc tuyên bố chủ quyền khu vực phía Đông (bang Arunachal Pradesh với diện tích xấp xỉ nước Áo), nơi mà lực lượng Trung Hoa đã rút lui năm 1962, mô tả nó như là “miền Nam Tây Tạng”.

Lập trường cứng rắn rõ rệt của Trung Hoa đối với Ấn Độ kể từ đó cũng được thể hiện trong các diễn biến/triển khai khác, bao gồm các dự án chiến lược của Trung Hoa và sự hiện diện quân sự của quốc gia này tại vùng kiểm soát của người Pakistan ở Kashmir, một vùng biên giáp ranh giữa Ấn Độ, Trung Hoa và Pakistan.

Các viên chức quốc phòng Ấn Độ đã báo cáo về sự gia tăng xâm nhập quân sự của quân đội Trung Hoa trong những năm gần đây. Đáp lại, Ấn Độ đã tăng cường triển khai quân sự dọc theo đường biên giới để ngăn chặn bất kỳ (hành vi) lấn đất nào của Trung Hoa. Ấn Độ cũng triển khai kế hoạch khẩn cấp (“crash program”) để cải thiện khả năng hậu cần bằng cách xây dựng đường sá, đường băng mới và các trạm hạ cánh hiện đại dọc theo dãy Himalaya.

Sự cạnh tranh chiến lược lớn hơn giữa chế độ chuyên chế lớn nhất thế giới và nền dân chủ lớn nhất thế giới cũng rõ nét hơn, mặc cho thương mại (giữa hai bên) tăng nhanh chóng. Trong thập kỷ vừa qua, thương mại song phương đã tăng hơn 20 lần, lên tới 73.9 tỷ đô la Mỹ , khiến nó trở thành khu vực duy nhất mà quan hệ song phương phát triển mạnh.

Vẫn quá xa vời để có thể cải thiện những tranh chấp cũ, quan hệ thương mại này đi kèm với sự cạnh tranh địa lý – chính trị và căng thẳng quân sự Trung - Ấn lớn hơn . Sự bùng nổ thương mại song phương không đảm bảo cho sự ôn hòa giữa hai quốc gia này.

Mặc dù Trung Hoa muốn dạy cho Ấn Độ “một bài học”, cuộc chiến 1962 đã thất bại trong việc đạt được bất kỳ mục tiêu chính trị lâu dài nào và chỉ làm cay đắng mối quan hệ song phương. Bài học tương tự được áp dụng cho bối cảnh Trung – Việt: năm 1979, Trung Hoa nhân rộng mô hình 1962 bằng việc tiến hành một cuộc chiến chớp nhoáng bất ngờ vào Việt Nam, cuộc chiến mà lãnh đạo Trung Hoa Đặng Tiểu Bình đã thừa nhận rằng (nó) được thiết kế để “dạy (cho Việt Nam) một bài học”. Sau 29 ngày, Trung Hoa kết thục cuộc xâm lược của nó, tuyên bố rằng Việt Nam đã bị trừng phạt đủ. Nhưng bài học mà Đặng có lẽ phải nhận ra từ kết quả yếu kém của Quân đội nhân dân Trung Hoa trong cuộc chiến với Việt Nam đó là Trung Hoa, cũng như Ấn Độ, cần hiện đại hóa mọi khía cạnh/vấn đề xã hội.

@Project Syndicate 2012

Asia Clinic – 15h31’ ngày thứ Năm, 25/10/2012

Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

NOBEL Y HỌC 2012 TRAO CHO CÁI GÌ?

Bài đọc liên quan:
+ Sơ lược về Nobel y học 2011
+ Một kết thúc có hậu cho Nobel y học 2010
+ Nhị nguyên luận trong giải thưởng Nobel y học 2009

Vậy là một năm nữa lại đến với câu chuyện trao giải Nobel. Như thường lệ, giải Nobel y học luôn là giải được công bố đầu tiên, nó nói lên tính nhân văn và tầm quan trọng của ngành chuyên chăm lo sức khỏe của loài người. Hơn nửa thế kỷ qua, hầu hết các giải Nobel y học tập trung vào những khám phá về sinh lý, sinh học, và sinh hóa, tức là những lĩnh vực sinh học phân tử trong y học, mà ít thấy nó trao cho y học thực hành như cái giải năm 2010 trao cho công trình thụ tinh trong ống nghiệm. Cách đây 30 phút giải Nobel Y học 2012 đã công bố.

Năm nay cũng vậy, giải Nobel y học 2012, cũng được trao cho 2 nhà khoa học chuyên nghiên cứu về tế bào gốc cho sự phát hiện về tế bào trưởng thành lập trình lại để trở thành tế bào vạn năng. Tôi có thể tóm tắt quá trình này một cách đơn gian như sau:

Khi hợp tử được tạo thành bởi 1 tế bào gốc gồm một nửa chất liệu di truyền của cha cho và một nửa chất liệu di truyền của mẹ cho trong quá trình thụ tinh. Nó nhân đôi và tạo thành nhiều tế bào gốc khác nhau. Sau đó dưới tác động của hormone - kích thích tố - các tế bào gốc được lập trình lại - reprogram - thành những tế bào được biệt hóa cho từng loại cơ quan đặc biệt - như mắt, mũi, miệng, da, xương, lông móng, gan, thận, tim, phổi, etc... Đó là quá trình được gọi là lập trình để biến tế bào gốc thành những tế bào vạn năng phục vụ tạo thành một cơ thể hoàn thiện và hoạt động phục vụ cho cả quá trình sống trong bào thai và sinh trưởng sau này.

Việc phát hiện này đã góp phần cho quá trình chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý trong nhiều lĩnh vực chuyên khoa khác nhau. Nhưng đóng góp lớn nhất của khám phá này là giúp cho ngành ghép tạng và điều trị ung thư đang tiến triển ở loại ung thự bạch cầu. Song vẫn còn nhiều chướng ngại trên con đường đến đích.

Nobel Y học năm nay lại trao cho 2 ông John Gurdon thuộc đại học Oxford và ông Shinya Yamanaka thuộc đại học Kyoto. Tuy ông Shinya Yamanaka là người Nhật, đã từng dạy tại đại học Kyoto, nhưng hiện nay ông là giáo sư giải phẫu học và lại là nghiên cứu viên cao cấp của viện nghiên cứu J David Golstone thuộc University of California - San Francisco - UCSF - California, Hoa Kỳ, đồng thời là chủ tịch hiệp hội Quốc tế về nghiên cứu tế bào gốc - International Sociaty for Stem Cell Research: ISSCR.

Sir John Gurdon 1933 - ?

Ông John Gurdon sinh ngày 02/10/1933. Năm 1962 - tức năm sinh ra ông Shinya Yamanaka người đồng chia giải Nobel y học năm nay với ông - ông Gurdon làm thí nghiệm lấy nhân của một hợp tử ếch thay vào nhân của một tế bào ruột của ếch. Kết quả cuối cùng là tế bào ruột này phát triển thành nòng nọc và ếch trưởng thành. Các tế bào trưởng thành vẫn có đầy đủ chất liệu thông tin di truyền bình thường của một con ếch.

Dr Shinya Yamanaka 1962 - ?

Bốn mươi năm sau, 2006 - ông Shinya Yamanaka sinh ngày 04/9/1962 - đã làm cho một tế bào chuột trưởng thành biệt hóa thành cơ quan đặc biệt lập trình lại trở về một tế bào gốc chưa trưởng thành có khả năng phát triển trở thành tất cả các loại tế bào trưởng thành cho mọi cơ quan trong cơ thể tại J David Golston Institute thuộc UCSF.

Hai ông, Gordon và Yamanaka đã thực hiện 2 công đoạn xuôi và ngược của quá trình phát triển từ tế bào gốc sang tế bào trưởng thành và biệt hóa thành cơ quan, và ngược lại. Nó là dấu son khám phá giúp ích rất nhiều cho quá trình điều trị ung thư và ghép tạng trong tương lai.

Xin chúc mừng một kỷ nguyên mới cho nhân loại trong y học hiện đại về tế bào gốc trong quá trình chinh phục bệnh tật của nhân loại.

Asia Clinic, 17h24' ngày thứ Hai, 08/10/2010

Thứ Năm, 4 tháng 10, 2012

GIẢI QUYẾT "NỢ XẤU" CỦA VIỆT NAM NHƯ THẾ NÀO?

Bài đọc liên quan:

Vấn nạn kinh tế Việt Nam hiện nay được gọi là "nợ xấu" và suy thoái kinh tế vì bất động sản đóng băng, kéo theo đình đốn toàn xã hội. Tháo gỡ bất động sản đóng băng là tháo gỡ mọi vấn đề.

Bài viết trước, tôi đã viết Việt Nam không có nợ xấu, mà cái gọi là nợ xấu chỉ là mỵ từ để bòn rút xương máu nhân dân. Vì 3 lẽ, thứ nhất ngân hàng nắm tiền là của ai? Đứa trẻ lên 6 biết đọc cũng thấy hàng chữ: "Ngân hàng nhà nước Việt Nam" trên tờ giấy bạc. Thứ hai, đất đai là của ai? Dân Việt ai cũng rõ, đất đai là của "toàn dân", nhưng thực chất là của nhà nước. Các doanh nghiệp lớn bất động sản là của ai? Cũng của nhà nước, mà mới hôm nay thôi, thủ tướng chính phủ đã ký quyết định dừng thí điểm 2 tập đoàn công nghiệp xây dựng, và tập đoàn phát triển nhà đô thị Việt Nam đã thành lập năm 2010 để làm việc bất động sản.

Nó có nghĩa là, tiền của anh, anh tự cho anh vay, rồi anh mở công ty xây dựng nhà, anh xây cất nhà anh bán. Nhưng anh bán không được, vì anh hét giá trên trời, thì anh cho là anh bị nợ xấu của chính anh cho anh mượn. Xấu là xấu cái gì? Xấu ở đâu, và tại sao có "nợ xấu"? Làm sao cho nó không xấu? Đó là cái cần bàn để tháo gỡ nút thắt của vấn đề.

Ta hãy bắt đầu bằng trả lời câu hỏi, tại sao có nợ xấu? Nguyên nhân là ở đây - lòng tham của loài người - mà tôi đã viết nhiều bài về lĩnh vực triết học trong 3 năm qua. Bằng cách, quốc hữu hóa đất đai bằng luật và hiến pháp, chính quyền đã biến cái sở hữu đương nhiên và rất tự nhiên của loài người trở thành cái sở hữu bất thường của một nhóm cầm quyền với cái gọi là đảng và nhà nước. Từ đó, một nhóm người sử dụng hiến pháp và luật bất thường này để phục vụ lòng tham kiếm lợi nhuận bằng những cái sân sau - ngân hàng thương mại cổ phần, công ty bất động sản trá hình tư nhân có người đại diện đứng tên là tư nhân, etc... - lãi thì chia nhau, nhưng khi không bán được thì lại cho là nợ xấu để móc túi dân bù lỗ, cứu đóng băng bất động sản.

Câu hỏi thứ hai là xấu là xấu cái gì? Xấu là xấu tâm, xấu tính. Lòng tham làm mờ mắt các nhóm quyền lợi được hưởng từ hiến pháp và pháp luật bất thường ấy. Họ giải phóng mặt bằng mỗi mét vuông đất không bằng một ổ bánh mì. Họ chỉ san lấp sơ sài, rối họ hét giá gấp hàng trăm ngàn lần. Họ xây nhà chung cư cao tầng trên đó, mỗi mét vuông đất trở thành hàng ngàn mét vuông đất ở với giá cao gấp nhiều lần hơn sau khi họ đã nâng nó lên hàng ngàn lần. Song chỉ có kẻ đầu cơ quan tâm sang tay lấy lãi, nâng giá kịch trần, người dân thực sự thiếu nhà ở thì không đủ khả năng để mà mua chỉ một mét vuông! Nên hậu quả là đóng băng bất động sản vì lòng tham và lợi dụng hiến pháp, pháp luật bất thường ấy. Cuối cùng tự gán cho nó cái tên nợ xấu.

Bây giờ, xấu là xấu ở đâu? Ở cái chỗ là lòng tham, là giá bất động sản quá sức cầu của dân, là cái nơi xấu về bản chất của vấn đề kinh tế Việt hiện nay. Giải quyết cái chỗ này, thị trường bất động sản sẽ chảy thông suốt, kinh tế sẽ lại lành mạnh. Thế thì, phải làm gì để giải quyết. Có ba giải pháp đồng bộ như sau, thực hiện tốt thì chỉ trong 1 tháng thôi, kinh tế Việt sẽ trở lại bình thường:

1. Giảm giá mỗi mét vuông đất hoặc nhà chung cư xuống bằng giá trị một tháng lương tối thiểu phải đóng thuế của người dân. Vì đất anh không tốn tiền mua, không lý do gì anh lại đẩy giá cao. Anh tự làm giá quá sức dân thì đóng băng là hiển nhiên, không bàn cãi.

2. Bán trả góp với giá như đã giảm cho công nhân, cán bộ nhà nước chưa có nhà ở bằng phương thức trả chậm trừ lương hằng tháng, mà không tính lãi suất của ngân hàng. Vừa được lòng dân, mà vừa giải quyết được kinh tế nước nhà đang thiểu triển, mà lại giúp đồng tiền chạy thông suốt trong nền kinh tế và giải quyết được quỹ lương.

3. Từ bỏ lòng tham và lợi dụng hiến pháp và pháp luật để trục lợi cho nhóm cầm quyền là biện pháp cốt tử để cứu nền kinh tế nước nhà. Vì biện pháp này mà không được thực thi, thì dù có thực hiện 2 biện pháp trên, nó sẽ còn những cái đóng băng khác diễn ra trong tương lai. Muốn từ bỏ lòng tham của nhóm cầm quyền thì buộc phải xóa bỏ cơ chế độc quyền. Bằng cách nào thì ai cũng quá rõ.

Rõ ràng, bài toán kinh tế Việt Nam trong cơn hấp hối hiện nay quá đơn giản, cái cơ bản nó không nằm ở kinh tếnó nằm ở chính trị thối nát, ủng hộ cho cái xấu, mà tôi đã viết từ vài năm trước. Nhưng nói thì dễ, còn làm thì sao quá khó, cũng bỡi vì cái bản chất của loài người - tư hữu và quyền lực - nó như cái vòng kim cô trói buộc mọi tư duy và hành động của con người từ thời ăn lông ở lổ đến tận hôm nay.

Asia Clinic, 17h20' ngày thứ Năm, 04/10/2012

Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012

VIỆT NAM CÓ "NỢ XẤU" KHÔNG?

Bài đọc liên quan:
+ Nợ hay là ăn cắp của dân?

Lâu nay từ truyền thông chính thống đến các bloggers bàn nhau chuyện nợ xấu rất lùm xùm. Người bàn kẻ tán rằng xử lý nợ xấu thế lọ, thế chai. Các nhà khoa học và cựu lãnh đạo tai tiếng thì người cho rằng phải thành lập công ty mua bán nợ xấu. Kẻ thì bảo đã có công ty cũ làm chức năng này rồi, lập ra cái mới làm gì, sao không nâng cấp về vốn và chức năng cái cũ để đảm nhiệm chức năng?

Tất cả rất lung, nhưng các think tank tối cao vẫn bình chân như vại. Tại sao bình chân không quan tâm đến nợ xấu, trong khi tin tức rối tung xà bần lúc thì 200 ngàn tỷ, khi thì 1 triệu tỷ, chả biết đâu mà lần.

Kinh tế nước Việt hiện nay chỉ có tình hình bất động sản bị đóng băng kéo theo các ngành nghề khác trong xã hội cũng chết dở sống dở. Vì xây nhà thì cần xi măng, sắt thép, đồ điện gia dụng, trang trí nội thất, etc... Khi bất động sản đóng băng và hàng tồn kho, chỉ tính riêng 2 thành phố lớn Hà Nội và Sài Gòn thì lên đến 70 ngàn căn hộ chưa bán được thì các ngành kia dần cũng chết theo.

Là dân ngoại đạo kinh tài, muốn bàn thì chẳng ai nghe, vì họ cho mình là dân chẳng biết chi. Nhưng với mình thì kinh tế nước Việt chả có nợ xấu.Vì nợ xấu từ đâu? Cũng từ bất động sản mà ra. Bất động sản nợ ngân hàng, còn ngân hàng thì nợ tiền vay của dân. Nếu nói về hiện tượng thì bất động sản nợ của dân. Nhưng nhìn về bản chất thì ngân hàng nợ của dân chỉ là rất phụ, mà nợ ngân hàng nhà nước thì nhiều.

Nhưng về bản chất, ngân hàng theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì ngân hàng là của nhà nước, chả có ngân hàng nào là của tư nhân. Vì vậy mà, "nợ xấu" là nợ của nhà nước nợ nhà nước. Nên nếu muốn giải quyết nợ xấu thì nhà nước chỉ cần xóa nợ của mình là xong. Chính vì thế cho nên, một số doanh nghiệp bất động sản muốn giảm giá nhà đất để tự cứu mình, nhưng ngân hàng lại không cho phép giảm giá. Trong khi dân thì không đủ khả năng mua nhà dù có nhu cầu nhà ở, nhưng giá thì ngất ngưỡng trên trời. Nên vấn đề nợ xấu ở Việt Nam là không có.

Ngoài ra, với hiến pháp Việt Nam bất động sản về mặt bản chất là của ai? Chắc chắn không phải là của dân, và của doanh nghiệp tư nhân, vì dân không được quyền sở hữu mà chỉ được quyền sử dụng. Nên cuối cùng cái gọi là nợ xấu là cái ảo hơn là cái thực.

Nếu có cái gọi là "nợ xấu" như lâu nay vẫn thấy tràn ngập thông tin truyền thông, là không đúng bản chất của vấn đề. Có thể phải tung tin vì nợ xấu cần phải thế lọ, thế chai, chỉ là vì mục tiêu mờ ám nào đó để bắt dân phải gánh nợ xấu bằng phí và thuế, hơn là phải giải quyết nợ xấu đúng nghĩa.

Để đơn giản cho dễ hiểu thì, đảng lấy tiền của mình in ra đặt từ tay phải cho vay sang tay trái để làm bất động sản. Sau khi bất động sản đóng băng thì tay trái bị nợ xấu với tay phải. Thế thôi.

Dân ngoại đạo kinh tài chỉ biết nhìn sự việc và hiện tượng trên cái nhìn triết học về bản chất và hiện tượng của nợ xấu mà lâu nay truyền thông đồn thổi. Không biết với các nhà kinh tài thấy sai chỗ nào thì chỉ dạy dùm.

Asia Clinic, 17h23' ngày thứ Ba, 02/10/2012

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

BÁO CÁO VỀ CHUYẾN ĐI MIẾN ĐIỆN CỦA TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU CHIẾN LƯỢC VÀ THẾ GIỚI CỦA HOA KỲ (2)


Bài dịch của Quân Bảo


PHẦN 2: NHỮNG PHÁT HIỆN

1.  Thay đổi thực sự đang diễn ra ở Miến Điện. Cải cách chính trị và kinh tế được đưa ra bởi Tổngthống U TheinSein và các đồng minh của mình và rộng rãihỗ trợ của lãnh đạo đối lập Daw Aung San Suu Kyi xuất hiệnlà có thật, nhưng quá trình thực hiện và thể chế hóa những thay đổi đó vẫn còn mong manh không phải là không thể đảo ngược. Phái đoàn đã gặp gỡ  chính phủ, phe đối lập, các tổ chức xã hội dân sự khu vực tư nhân luôn bàytỏ thiện chí và sự hỗ trợ mạnh mẽ cho những thay đổi đó của chính phủ,nhưng niềm tin vào thành công cuối cùng củahọ hầu như không phổ quát. Phái đoàn đã gặp gỡ các nhân vật trong quân đội  đã hỗ trợ quá trình cải cách, mặc dù nó đã không thểđể đánh giá như thế nào đến nay quân đội sẽ tự nguyện nhượngquyền lực hơn nữa cho dân sự. Đáng chú ý, tương tự như các nhà lãnh đạo chính phủ và quân sự cho biết họ dự kiến sẽ giảm vai trò quân đội của mình trong quốc hội và chính phủ nói chung, bao gồm cả việc giảm yêu cầu hiến phápbắt buộc 25%của Quốc hội được tổ chức bởi quân đội.

2.  Tổng thống đang chuyển động đúng hướng, nhưng mức độ hỗ trợ cải cách vẫn không hoàn toàn được thử nghiệm. Tổng thống U TheinSein đã củng cố quyền lực của mình di chuyển về phía trước với những bước đi quan trọng như kết thúc kiểm soát báo chí, loại bõ những người không phù hợp với cải cách nội các của ông cho phép Daw Aung San Suu Kyi và đảng của bà ứng cử và ngồi trong Quốc hội. Tuy nhiên, một số trong những rào cản chính trị khó khăn nhất trong việc giải quyết các trung tâm quyền lựccòn lại của chế độ cũ vẫn còn ở phía trước. Sau gần năm thập kỷquân đội nắm quyền, đã học được thói quen quản trị có xu hướng từ trên xuống dưới ra lệnh – nhận lệnh” như một chuyên gia lưu ý.Điều này tạo ra rủi ro. Ví dụ, cả tổng thống vàQuốc phòng và Hội đồng Bảo an giữ lại các quyền hiến định tuyên bố tình trạng khẩn cấp bất cứ lúc nào. Việc thiếu cácthỏa thuận chiasẻ nguồn tài nguyên ở vùng dân tộc, minh bạchtrong ngân sách của chính phủ có nghĩa làsự ủy nhiệm” từ chế độ trước đó chưa thấy phầncốt lõi thách thức. Đoàn đại biểu CSIS nghe sự đồng thuận rộng rãi rằng quân đội muốnchuyển đổi sang một vai trò quân sự chuyên nghiệp, nhưng điều này dường như là phụ thuộc vào việc duy trìhòa bình và ổn định. Hòa bình và ổn định là đội ngũ đảng cầm quyền và phe đối lập dân chủ việc tìm kiếm một cách chuyển tiếp ở giữa nhiều lợi ích cạnh tranh và trong một không gian chính trị mong manh. Quá trình chuyển đổi phức tạp có thể bị đe dọa bởixung đột sắc tộc đang diễn ra, ví dụ như bang Rakhine Kachin. Nhiều nhóm dân tộcthiểu số tiếp tục cảm thấy rằng ảnh hưởng của họtrong quá trình chuyển đổi vẫn còn bị hạn chế hoặc không tồn tại.

3.  Miến Điện là chiến lược quan trọng. Miến Điện là quốc gia lớn thứ hai về diện tích đất đai trong khu vực Đông Nam Á. Đứng thứ năm đông dân với dân số khoảng55 triệu nằm ở ngã tư của Trung Quốc, Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á.Miến Điện, một trong những nước nghèo nhất trên hành tinh này nằm ở giữa một khu vực Đông Nam Á sôi động,cơ hội để pháttriển một cáchnhanh chóng thôngqua việc thực hiện cải cách bản, kinh doanh tích hợp với các nước láng giềng và nền kinh tế toàn cầu. Gần đây chínhphủ cải cáchchính trị và hội, nếu họ chứng minh được bền vững vàthành công, có khả năng có thể làm cho Miến Điện là một hình cho các quốc gia khác trong việc chuyển đổi sang nền dân chủnoi theo.

4.  Tăng trưởng kinh tế có thể được nhanh chóng. Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào sự ổn định chính trị. Nếu ổn định được tăng cường bởi cải cách chính trị toàn diện và thực hiện cải cách kinh tế cơ bản, nềnkinh tế của Miến Điện có thể trải nghiệm sựtăng trưởng nhanh chóng. Một số ước tính cho thấy tổngsản phẩm quốc nội thể mở rộng hơn 10% vào năm tới. Mặc sự tăng trưởng này sẽ được dựa trên cơ sở tương đối nhỏ (GDP ước tính ở mức 84 tỷ USD trong năm 2011), nó có thể đónggóp hàng triệuviệc làm mới. Các rào cản quan trọng nhấtcho sự phát triển bao gồm bất ổn chính trị, tham nhũng, sự thiếu minh bạch, thiếu giáo dục, thiếu  huấn luyện, và cơ sở hạ tầng kém. Đại diện của ngành công nghiệp may mặc đã nói với đoàn rằng họ đãkhám phá các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội nhận thức rõ tầm quan trọng của quyền lao động và vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế. Phần lớn các khó khăn kinh tế hiện nay của Miến Điện kết quả của việc quản lý yếu kém trong quá khứ nói chung, nhưng những chính sáchnày có thể được đảo ngược hiệu quả.

5.  Thiếu đào tạo vàchuyên môn thể  trở ngại cải cách. Việc thiếu chuyên môn và kinh nghiệm một trong những thách thức lớn nhất đối với những cải cách. Nhóm đã họp cũng thừa nhận rằng các quan chứccó ý tưởng cải cách chính trị và dân chủ nghĩa sau nhiều thập niên cai trị độc tài. Điều này cũng đúng cho các cải cách kinh tế.Chẳng hạn, đại biểu quốc hội giữa các đảng phái chính trị cho biết họ thèm khát cho mô hình mà họ có thể áp dụng cho lập pháp, nhân sự, hạn định. Hiện tại, quá trình lập pháp là, theo mặc định, cơ cấu hành chánh cồng kềnh; lãnh đạo phát triển ý tưởng và họ tự phê duyệt, phản ánh nền quân sự của các nhà lãnh đạo. Chẳng hạn, các chủ đề được nâng lên cho cuộctranh luận tại Quốc hội cần phải được phê duyệt trước. Quan chức nói chuyện về những khó khăn của việc các chính sách mới thực hiện ở mức độ địa phương, mặc dù nó thường không là rõ ràng đối với mức độ nào, điều này là do dẫm chân lên nhau hoặc thiếu hiểu biết. Đại biểu quốc hội nói rằng họ không có kinh nghiệm, không có chuyên môn pháp, không có nhân viên, không có thư viện. Những gì họ nói họ cần nhất là xây dựng năng lực tiếp xúc với kinh nghiệm của các nền dân chủ khác.

6.  Mong đợi phóng thích lớn cho các tù nhân chính trị trong tháng 9. Lãnh đạo và quan chức cấp cao cho biết họ dự kiến ​​ chính phủ sẽ thả một lượng lớn tù nhân chính trị còn lại trước khi Tổng thống U Thein Sein thăm Hoa Kỳ vào cuối tháng Chín. Phe đối lập NLD  đã cho chính phủmột danh sách 330 tù nhân chính trị còn lạibị giam giữ. Một số nhóm khác ước tính hơn 500tù nhân chính trị vẫn còn trong tù. Đặc biệt, chính phủ công bố vào cuối tháng Tám rằng họ đã được trả tự do hơn 3.100 nhà bất đồng chính kiến​​, những người lưu vong, và các nhà báo từ các danh sách đen lâu nay bị ngăn chặn. Các quan chức cho biết danh sáchnày lên con số hơn 24.000 một vài năm trước đây, nhưng họ đã lên kế hoạch để giảm bớt nó xuống còn dưới 3000.

7. Chế độ có vẻ đang tách ra những liên kết quân đội với Bắc Hàn. Chính phủ Mỹ từ lâu đã nghi ngờ rằng Miến Điện liên kết với Bắc Hàn để mua vũ khí thông thường và có thể cả các loại vũ khí hạt nhân. Các quan chức Miến Điện cho biết họ đã nhận ra tầm quan trọng của vấn đề này với Hoa Kỳ, khẳng định rằng chính phủ không có các mối quan hệ như vậy, và cho biết họ sẽtuân thủ tất cả các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốcliên quan tớiBắc Triều Tiên. Sau chuyến thăm, một số quan chức Mỹ đã bày tỏ tin tưởng rằng Miến Điện  đang cắt giảm quan hệ quân sự với Bắc Hàn, nhưng họ không cung cấp bằng chứng để chứng minh cho nhà nước của Miến Điện không có liên kết với Bắc Hàn hiện tại. Khẳng định bởicác quan chức ở Miến Điện được khuyến khích, nhưng xác nhận sẽ là rất quan trọng.

8.  Hòa giải với các nhóm dân tộc thiểu số một thách thức lớn. Miến Điện có hơn 130 dân tộc, trong số này khoảng 20 đã gắn kết cuộc nổi dậy chống lại chính phủ trong những thập kỷ qua. Hòa giải với các nhóm dân tộc nền tảng cho quá trình cải cách của Miến Điện và sự ổn định chính trị. Lãnh đạo Miến Điện đã mạnh mẽ tập trungvào việc duy trì sự toàn vẹn lãnh thổquốc gia của họ đã dựa vào quân đội nhưtổ chức để cùngnhau giữ nước. Tình hình đó phải thay đổi cho cải cách và hòa giải diễn ra. Các nhóm dân tộc muốn sự tôn trọng, tự chủ, và khả năng để đưa ra quyết định tại địa phương, và họ có thể trì hoãn yêu cầu với chính phủ quốc gia về các vấn đề về chính sách đối ngoại an ninh quốc gia.

Các quan chức đàm phán ngừng bắn với 10 nhóm dân tộc thiểu số, nhưng thỏa thuận ngừng bắn trước đó với Tổ chứcĐộc lập Kachin (KIO) ở phía bắc đã bị sụp đổ kể từ khichính phủ dân sự lên nắm quyền năm ngoái. Bớt  giao chiến, vi phạm nhân quyền, và sự di chuyển của người dân vẫn tiếp tục. Tổng thống U Thein Sein đã chỉ định U Aung Min, một bộ trưởng có đầu óc cải cách năng động trong nội các vào cuối tháng 8 từ vai trò của mình như là bộ trưởng đường sắt, để lo cho một cuộc đối thoại chính trị với năm nhóm thỏa thuận ngừng bắn. Vẫn còn xa để thấy rõ làm thế nào để giải quyết chính trị công bằng, một điều kiện đối với hầu hết các nhóm quy hàng, sẽđạt được với các nhóm dân tộc. Hai năm trước, khái niệm liên bang được coi là một từ bẩn thỉu của chính phủ. Hôm nay các quan chức chính phủđã bắt đầu nói chuyện cởi mở về khái niệm này, mặc dù họ chưa xác định được nó.

Đoàn đại biểu nghe thiện chí đáng kể đối với các nhóm dân tộc thiểu số từ các quan chức cấp cao, nhưng cho đến nay nhiều sự chú ý của họ tập trung vào việc ngừng bắn, lịch sử cho thấy là không đủ để giải quyết sự khác biệt lâu dài. Lấn chiếm đất đai, không bồi thường người dân địa phương đối với đất và tài nguyên, và tương tự tiếp tục được báo cáo trong các khu vực dân tộc thiểu số và vẫn còn những thách thức khókhăn nhất đối với chính phủ trong việc quản lý quân sự mạnh mẽ và lợi ích kinh tếlâu dài của . Một số hình thức chia sẻ doanh thu công bằng sẽ cần phải được thực thi, đặc biệt là bởi vì các khu vực các dân tộc thiểu số sống là nơi nhiều trữ lượng dầu và khí đốt, khoáng vật, và sự giàu có lâm nghiệp của quốc gia. Thất bại trong việc giảiquyết vấn đềchia sẻ nguồn tài nguyên có khả năng sẽ làm hỏng những nỗ lực để chuyển từ ngừng bắn đến giải pháp chính trị. Điều này quan trọng bởi tăng trưởng kinh tế cụ thể là, tạo công ăn việc làm và cơ hội là một yếu tố quan trọng cho hòa bìnhbền vững và ổn định trong khu vực kiểm soát bởingười dân tộc thiểu số.

Vẫn không có sự xuất hiện được sự tập trung duy trì và cấp cao về trao quyền chính trị cho đồng bào dân tộc thiểu số là cần thiết trước khi sự ổn định, hòa giải và phát triển có thể xảy ra. Một câu hỏi quan trọng khác chưa có ai trả lời những gì được phân chia đến các nhóm dân tộc thiểu số một khi họ muốn trao đổi để quy hàng chính phủ hòa giải với chính phủ mới. Ngay cả trong các khu vực nơi ngừng bắn đã được ký kết, chính phủ quân đội đã không rútlui; nhà lãnh đạo dân tộc nói rằng họ vẫn tiếp tục đối mặt với hành vi vi phạm quyền con người và rằng nhiều vùng trước đây của họ ở vẫn còn mìn.

9. Bang The Rohingya và Rakhine đe dọa làm suy yếu các cải cách và đoàn kết dân tộc. Rohingya, một nhóm dân tộc thiểu số chủ yếu là người Hồi giáo sinh sống tại bang miền Tây Rakhine, được Liên Hiệp Quốc coi một trong những dân tộc thiểu số bị đàn áp nhất trên thế giới. Chính phủ Myanmar khôngchính thức công nhận Rohingya một trong những nhóm dân tộc thiểu số của đất nước và sẽ không cấp cho họ quyền công dân. Vào cuối tháng Tám, 88 ngườiđã chết trong các cuộc đụng độ. Tổng thống Thein Sein cho biết vào ngày 12 tháng 7 rằng trục xuất  Rohingyas nên là giải pháp cho vấn đề này.Thật thất vọng, nhiều nhóm và cá nhânnói chung hỗ trợnhân quyền hoặc hỗ trợ quan điểm của tổng thống hoặc như lãnh đạoDaw Aung San Suu Kyi  của đảng NLD giữ im lặng về vấn đề này. Bắt đầu từ 01 tháng 9, các nhà sư Phật giáo, các nhà sư lãnh đạocuộc biểu tình lớn nhất kể từ năm 2007, Saffron Revolution biểu tình chống chính phủ, phát độngcác cuộc tuần hành phản đối sự hiện diệncủa người Rohingya. Hầu như không có sự ủng hộ trong nước, rất khó để hình dung vấn đề này sẽ được giải quyếtnhư thế nào để bảo vệ các quyền của người Rohingya tại Myanmar.

10.  Tại sao chế độ quân sự quyết định thực hiện cải cách chính trị? Một trong những câu hỏi quan trọng ở Myanmar hôm nay là lý do tại sao chế độ quân sự cũ lại gắn kết một nỗ lực tự do hoá chính trị. Một số nhà phân tích đã cho thấy vaitrò ngày càng chiếm ưu thế của Trung Quốc trong nềnkinh tế của đất nước này là một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy việc cải cách cho phép chính phủ Miến Điện quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ, Châu Âu, và Nhật Bản. Tuy nhiên, bên trong nước này, quan chức và quan sát viên nhấn mạnh các yếu tố nội bộ đã mất niềm tự hào của lãnh đạo và họ bối rối trước tình trạng nền kinh tế đất nước tụt hậu so với láng giềng, quân đội mệt mỏi khi nắm quyền điều khiển đất nước (bao gồm hình ảnh mờ nhạt của quân đội sau khi đàn áptàn bạo các tu sĩ Phật giáo dẫn đầu các cuộc biểu tình trong năm 2007), và sự phản đối manh mẽ của người dân trong việc định hình vậnh mệnh của mình. Các quan chức ghi nhận lòng tin của cựu Tổng thống Than Shwe bắt đầu cải cách từ trên xuống trong năm 2004 với lộ trìnhdân chủ bảy điểmcủa mình (được tóm tắt trong phụ lục 2 dưới đây) và sau đó nhường ngôi cho U Thein Sein tháng 3 năm 2011 thông qua cuộc bầu cử sau đó. Than Shwe một kẻ thao túng chính trị khôn ngoan, các nhà quan sát thông tin suy đoán rằng ông đã tìm cách khuếch tán quyền lực để tránh một cuộc nổi dậynhư kiểu Ceauşescu ở Romania, hoặc kiểu trỗi dậy của mùa xuân Rập, để bảo vệ vòng tròn bổng lộc quay quanh mình, để an toàn về hưu. Quân đội cần một lối thoát nhẹ nhàng”, một quan chức nói.

11. Hướng  vai trò của quân đội  về phía trước. Quan chức chính phủ, bao gồm các đại diện của Bộ Quốc phòng, cho biết họ dự kiến ​​quân độilên kế hoạchđể dần dần nhường lại 25% số ghế trong Quốc hộinhư được quy định trong hiến pháp. Các quan chức thường xuyên trích dẫn các mô hìnhIndonesia nơi mà quân đội dần dần từ bỏ ghế bảo vệ nó đã trong Quốc hội sau việc lật đổ Tổng thống Suharto năm 1998. Tại Myanmar, cácthành viên quânsự của Quốc hội khôngluôn luôn bỏ phiếu đồng thuận nhau, đôi khicòn đi đến quyết định hỗ trợ phe đối lập như nhiều người đã làm qua một đề nghị gần đây đòi hỏi rằng các nghị sĩ nênkê khai tài sản của họ. Biện pháp này được bỏ phiếu bởi nghị sĩ từ Đảng đoàn kết phát triển liên bang(the dominant United Solidarity and Development Party: USDP). Quân đội nói rằng họ muốn chuyên nghiệp, nhường lại vai trò thống trị của mình trong chính trị, tập trung vào cácvấn đề an ninh quốc gia. Để đạt được điều này, lãnh đạo quân sự phải được đào tạo rộng rãi là cần thiết, đặc biệt là trong số sĩ quan trẻ. Quân đội nói rằng họ cần có sự tôn trọng tối đa cho sự chuyên nghiệp của quân đội Mỹ và muốn nhận được đào tạo nhiều như những gì mà Hoa Kỳ sẵn sàng cung cấp.

12. Cam kết cải cách được điều khiển bởi một nhóm nhỏ các nhà lãnh đạo. Hầu hếtquan chức và các nhà quan sát tin rằng những cải cách đang được thúc đẩy bởi Tổng thống U Thein Sein với sự hỗ trợ mạnhmẽ từ một nhóm nòng cốt nhỏ đồng nghiệp đầu óc cải cách trong nội các, trong đó U Aung Min, Bộ trưởng Công nghiệp U Soe Thein, Bộ trưởng Kế hoạch tướng U Tin NaingThein. Ba người này đã tạo được một vòng tròn khép kín bên trong văn phòng của Tổng thống vào cuối tháng Tám. Một số quan chức chống đối cải cách vàtrì trệ đã bị mất việc làm trong những tháng gần đây. Phó Tổng thống Tin AungMyint Oo đã từ chứctháng Năm, cựu bộ trưởng Thông tin U Kyaw Hsan bị giáng chức trong cải tổ nội các gần đây. Vào đầu tháng Chín, Tổng thống TheinSein xáo trộn nội các của ông một lần nữa và thay thế bộ trưởng quốc phòng bộ trưởng tư pháp. Các phát ngôn viên  của hạ viện quốc hội, U Shwe Man, cũng được cho một nhà cam kết cải cách, mặc dù cơ quan lập pháp thường là cạnh tranh với cácngành hành pháp. Hầu hết những người đượcphỏng vấn bởi nhóm CSIS cho biết những cải cách đã không hoàn toàn phụ thuộc vào Tổng thống U Thein Sein, mặc dù có một sự đồng thuận rằng ông là người duy nhất dũng cảm và táo bạotrong việc thúc đẩy các chương trình cải cách. Điều đó nói rằng, rất khó để xác định nhóm xem các tầng lớp chínhtrị rộng lớnhơn đang phục vụ thầm lặng hỗ trợ cho số ítcác nhà cam kết cải cách hoặc chỉ đơn giản là ngồi bên hàng rào chờ xem cáchthổi luồng gió chính trị.

13.  Là thời điểm quyếtđịnh cải cách năm2015. . . hay bây giờ? Một số nhà phân tích đã cho rằng cơ hội lớn tiếp theo để thúc đẩy cải cách sẽ đến trong khoảng thời gian của cuộc bầu cử quốc gia tiếp theo trong năm 2015. Tuy nhiên, các nhà hoạt động xã hội dân sự mà chúng tôi đã gặp, bao gồm các nhà lãnh đạo đảng NLD vàcác nhà lãnh đạo của thế hệsinh viên nổi dậy năm 1988bi giam lâu năm trong tù, cho biết thời gian quan trọng để xây dựng hỗ trợ cho cảicách và thể chế thay đổi từ nay đến năm 2015. Họ lập luận rằng đó là quan trọng mà phe đối lập làm việc để xây dựng lòng tin trong quân đội, do đó nó sẽ có đủ tin tưởng để cho phép sửa đổi để giải quyết cácgiới hạn về dân chủ trong hiến pháp không hoảng loạn nếu phe đối lập giành được đa số trongQuốc hội. Nhóm đã gặp các tù nhân chính trị được phóng  thích trong năm qua, tất cả nhấnmạnh sự cần thiết phải xây dựng sự tự tin hơn là tìm cách trả thù người cai ngục trước đây của họ. Nhận thức của họ về nhiệm vụ, kỷ luật, không ham muốn trừng phạt nổi bật.

14. Tòa án Hiến pháp từ chứctrong bối cảnhcuộc khủng hoảng hiến pháp. Tòa án hiến pháp của quốc gia nàytừ chức vào ngày 06 Tháng Chín sau khi hạ viện của Quốc hội đã bỏ phiếu để buộc tội 9 thẩm phán của tòa án giữa sự bế tắc hiến pháp của các cơ quan lập pháp và tổng thống. Cuộc bầu cử nghị việnđược hỗ trợ bởi cả đảng USDP đa số phe đối lập thuộc đảng NLD trong khi các thành viênquân sự bỏ phiếu trắng hoặc bỏ phiếu chống lạiluận tội. Quốc hội thách thức quyền lực của tổng thống, người chịu trách nhiệm đểbổ nhiệm các thẩm phán, nhưng thực tế là ông đã cho phép các thẩm phán phải từ chức một cáchnhanh chóng một số nhà quan sát cho rằng ông đã tìm cách để giải quyết tranh chấp càng sớm càng tốt. Cuộc xung đột bắt đầu từtháng Ba sau khi tòa án phán quyết là các ủy ban quốc hộikhông (thống nhất”) cấp có thẩm quyềnquốc gia và kết quả là không có người điều khiển cho chức vụ tổng thống kêu gọi các bộ trưởng thẩm vấn tại Quốc hội. Tổng thống đã yêu cầutòa án làm rõ các quyền hạn của các ủy ban Quốc hội mới đã thay đổi trong những tháng gần đây đẩy mạnh sửa đổi nhiều những biện pháp lậppháp đang được xem xét bởi cơ quan lập pháp. Các thành viên của Quốc hộicảm thấy rằng tòa án đã vi phạm hiến pháp 2008của nước này để hạn chế quyền hạn của các nhà lập pháp được bầu. Tòa án đã chobiết rằng quyết định của mình cuối cùng và khôngthể bị thách thức. Tổng thống và quân sự bằng cách buộc các thẩm phán từ chức và kêu gọi các tu chính án Hiến pháp năm 2008 là một thử nghiệm quan trọng của quá trình cải cách chính trị mới của đất nước.

15.  Cải cách chính trị đang dẫn đầu cải cách kinh tế. Cho đến nay hầu hết cáccải cách đã tập trung nhiều hơn vào hệ thống chính trị hơn so với nền kinh tế, mặc dùcác quan chức nhận ra rằng những kỳ vọngrất lớn rằng sự phát triển kinh tế là rất quan trọng để duy trì động lực chính trị nhân rộng cho quá trình chuyển đổi chính trị của đất nước. Một thực tế rằng chỉ thực hiện cải cách khác với thứ tự này của cuộc cải cách Liên Xô cũ thì các nhà lãnh đạo sẽ không bị mất chức và giúp giải thích một phần lý do tại sao họ đang rất mong cho đầu tư nước ngoài và hỗ trợ kinh tế sau khi có cải cách chính trị đi trước.

Đáp ứng những kỳ vọng cao sẽ liên quan đến việc cải thiện cuộc sống  ước tính khoảng 26% dân số của đất nước sống dưới chuẩn nghèo, cải thiện tiếp cận dịch vụ y tế và giáo dục, nâng cấp các nguồn cung cấp điện, và kết thúc độc quyền về viễn thông của nhà nước, do đối thủ cạnh tranh có thể mang lại giảm giá điện thoạidi động. Cải cách kinh tế khó khăn nhất đã được giải quyết cho đến nay đã kết thúc từ hệ thống tỷ giá hối đoái đa phức tạp của chính phủ cũ đã tạo ra sự thiếu hiệu quảkinh tế to lớn cung cấp cơ hội chotham nhũng.

Các gíam đốc kinh doanh Miến Điện nói rằng Tổng thốngU Thein Seindường như đã quyết định không trừng phạtnhững cựu bạn chí thân/những cựu lãnh đạo đã ủy nhiệm ông nắm quyền, nhưng các doanh nghiệp tham nhũng dường như đã bị mấthầu hết các đặc quyền trước đây họ toàn quyền thì nay buộc phải thay đổi. Sự độc quyền của một ít công ty quân sự về dầu ăn nhập khẩu và xe hơi đã kết thúc, khiến giágiảm mạnh trên hai mặt hàng này. Các bộ trưởng cảm thấyhọ không thể ra khỏi nỗi sợ hãi họ có thể phải đối mặt với tội tham nhũng. Để đánh bóng hình ảnh của mình, một sốbạn nối khố với thổng thống yêu cầu gắn kết các dự án trách nhiệm xã hội vào doanh nghiệp và yêu cầu cácnhà ngoại giao nước ngoài cho thông tin về các tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Doanh nhân đến từ châu Âu, Nhật Bản, và Hoa Kỳ đang ăn dầm nằm dề ở những khách sạn của nhà nước và ở thành phố Yangon để theo dõi thành trì cuối cùng chưa được khám phá trong khu vực Đông Nam Á, nhưng rất ít người ký kết bất kỳ thỏa thuận nào về đầu tư. Trong những động thái khác, họ đã xem xéttiềm năng các đối tác liên doanh để đảm bảo các đối tác này không nằm trong Danh Sách Những Quốc Gia Được Quan Tâm Đặc Biệt của Hoa Kỳ, trong đó bao gồm những người được coi là đã tham gia vào các hoạt độngvi phạm nhân quyềnhoặc cản trở cảicách chính trị hay tiến trình hòa bình của dân tộc. Họ cũng đang chờ đợi để giảithích pháp luật về đầu tư nước ngoài mới đượcthông qua. Ngoài ra, các công ty nước ngoài công phải nhận rằng Miến Điện vẫn còn thiếu cơ sở hạ tầng cơ bản, bao gồm nguồn điện ổn định cảng, luật pháp, một chương trình giáo dục và đào tạo lao động và quyền sở hữu rõ ràng.

16. Luật đầu tư nước ngoài mới được thông qua. Quốc hội thông qua luật đầu nước ngoài mới vào ngày 07 tháng 9 sau nhiều lần trì hoãn kể từ năm ngoái docuộc tranh luậncác nhà làm luật. Dự thảo lưu hànhtrong những tuần gần đây bao gồm nhiều biện pháp bảo hộ từ sư kêu gọi của cácgiám đốc điềuhành kinh doanh trong nước lo sợ mình sẽ bị tổn thương bởi các nhà đầu tư nước ngoài được xem như làkhông có khả năng thu hút nhiều nhà đầu tư nướcngoài. Dự luật được thông qua được cho là đã loại bỏ một sửa đổi trước đókêu gọi đầu tư tối thiểu 5 triệu đô la cho mỗi dự án. Việc sửa đổi, kêu gọiđầu tư nước ngoài bị hạn chế trong13 lĩnh vực quan trọng, bao gồm cả sản xuất và nông nghiệp, rõ ràng là được nới lỏng để cho phép đầu tư nước ngoài 50%, tăng từ 39% của luật trước đó. Thời gian của một công ty được thuê đất đã được tăng lên 50 năm từ 35 năm của luật  trước đó.

17.  Các giới chức nói rằng cấm vận của HoaKy đối với Myanmarđã gây hại nổ lực tạo ra công ăn việc làm. Các quan chức và đại diện khu vực tư nhân phàn nàn rằng việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt của Mỹ gần đây cho phép các công ty Mỹ đầu tư vào buôn bán với  Myanmar, trong khi các công ty trong nước vẫn còn bị cấm xuất khẩusản phẩm của họ đến Hoa Kỳ. Họ nói rằng việcnới lỏng lệnh cấm nhập khẩu của Mỹ sẽ giúp các nhà máy đặcbiệt hàng may mặc tăng sản xuất thuê thêm lao động, trong đó sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giảm mức thất nghiệp cao. Chính phủ Mỹ đang xem xétloại bỏ lệnh cấm nhập khẩu, nhưng trừng phạt vẫn còn tồn tại như, việc cấm sự hỗ trợ của Hoa Kỳ để các tổ chức tài chính quốc tế được phép hỗ trợ cho Myanmar đòi hỏi nhiều hơnđối với quyền hạn của một tổng thống mà là quyết định của lập pháp Quốc hội Hoa Kỳ. Gần đây, nhà trắng giao quyết định thị thực cho công dân Myanmar muốn đến thăm Hoa kỳ cho Bộ Ngoại Giao. Điều này nên sắp xếp quá trìnhxin thị thựcnhập cảnh là lựa chọn hợp lý.

18. Đề phòng của những sự chuyển động để thay đổi hệ thống bầu cử. Sự thành công của đảng NLD trong bầu cử tháng Tư vừa qua, trong đó đảng này đã giành 43 trong số 45 ghế, ​​đã thúc đẩy các cuộc thảo luận về việc thay đổi khuôn khổ cuộc bầu cử của đất nước từ một người thắng được tất cả các hệ thống đại diện tỷ lệ. Đảng USDP cầm quyền giành chiến thắng chỉ có một ghế trongcuộc bầu cử mặc dù nó thu hút được 30% số phiếu, và các nhà lãnh đạo được cho là có liên quan với đảng cầm quyền có thể bị xóa sổ bởi đảng NLD thắng cử ở tỉ lệ cao trong cuộc bầu cử vào năm 2015 trừkhi tỷ lệ đại diện được giới thiệu.

19. Burma hay Myanmar ? Nhiều quan chức đối lập các nhà lãnh đạo xã hội dân sự đã phỏng vấn đãkhông hài lòng vớicác cách thức mà trong đó tên của đất nước đã được thay đổi từ Burma thành Myanmar, nhưnghọ nói với cácnhóm CSIS rằng tên của đất nước này phải được gọi là Myanmar cho đến khi nào người dân Myanmar thay đổi tên trong tương lai.

BS Hồ Hải hiệu đính - Asia Clinic - 18h27' ngày thứ Ba, 25/9/2012