nha ban quan tan binh | mua nha quan tan binh

Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2015

THOÁI HÓA KHỚP /VIÊM KHỚP XƯƠNG (OSTEOARTHRITIS)– PHẦN II


PHẦN II: ĐẠI CƯƠNG VỀ THOÁI HÓA KHỚP/VIÊM KHỚP XƯƠNG


I. ĐẠI CƯƠNG


Viêm khớp xương (Osteoarthritis: OA) vẫn thường được gọi là thoái hóa khớp, hay viêm khớp xương do hao mòn, liên quan đến quá trình lão hóa, là loại phổ biến nhất của bệnh khớp. Nó là nguyên nhân gây tàn phế mãn tính hàng đầu ở người trên 70 tuổi. Khoảng 80-90% người > 65 tuổi có bằng chứng X quang của OA.

OA xảy ra khi sụn bảo vệ đầu xương bị mòn dần theo thời gian, đặc biệt ở các khớp chịu lực như đầu gối và háng, vẫn được coi như là một rối loạn thoái hóa do sự phân hủy sinh hóa của sụn khớp ở những khớp hoạt dịch, là một bệnh thoái hóa khớp không do viêm.

Sụn là một mô chắc, trơn, để hạn chế sự ma sát của các cấu trúc cận kề khi khớp cử động. Trong thoái hóa khớp, bề mặt trơn của sụn trở nên thô ráp, cứng và mất độ đàn hồi, gân và dây chằng căng ra, gây đau. Cuối cùng, nếu sụn bị hao mòn hoàn toàn, thì các xương sẽ cọ xát vào nhau tạo thành gai xương, xơ hóa dưới sụn, kén/hốc dưới sụn. Đau giảm khi nghỉ ngơi và tăng khi cử động hoặc khi bị trọng lực tác động lên.

Tuy nhiên, quan điểm hiện nay cho rằng OA bao gồm không chỉ các sụn khớp mà những thay đổi sinh lý bệnh xảy ra trong toàn bộ khớp, bao gồm cả xương dưới sụn, bao hoạt dịch khớp, hoạt dịch và các mô liên kết khác. Ngoài ra, nhiều bằng chứng cho thấy có sự tham gia của yếu tố gây viêm: interleukin-17 (IL-17), một cytokine tiền viêm, làm tăng IL-17 trong các hoạt dịch của khớp OA, như trong trường hợp viêm khớp có viêm (ví dụ, viêm khớp dạng thấp), dù mức độ ít hơn nhiều. Cytokine và metalloproteinase được phóng thích vào khớp làm suy thoái chất nền. Vì thế, từ “thoái hóa khớp” không còn thích hợp để nói về tình trạng OA.

Khớp bình thường (Normal) và khớp thoái hóa (Osteoarthritis)

Một số bệnh được coi như các phân nhóm của thoái hóa khớp tiên phát bao gồm thoái hóa khớp tiên phát chung (primary generalized osteoarthritis: PGOA), thoái hóa khớp ăn mòn (erosive osteoarthritis), và nhuyễn sụn bánh chè (chondromalacia patellae).

II. SINH LÝ BỆNH

Trong giai đoạn đầu của OA, sụn thường sưng vì tăng quá trình tổng hợp proteoglycan; điều này cho thấy các tế bào sụn đã nỗ lực sửa chữa sự hư hỏng của sụn. Giai đoạn này có thể kéo dài trong nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ và được đặc trưng bởi sự phì đại của sụn khớp do sửa chữa.

Tuy nhiên, khi OA tiến triển, mức độ proteoglycans giảm còn rất thấp, khiến sụn bị mềm, mất độ đàn hồi và do đó tiếp tục ảnh hưởng đến tính toàn vẹn bề mặt khớp. Trên kính hiển vi có thể thấy sụn bị bong, xơ hóa. Theo thời gian, sự mất mát của sụn làm hẹp khe khớp, nhất là những khớp chịu tải trọng. 

Mòn sụn tiến triển cho đến khi lộ xương. Xương bị tróc sụn tiếp tục khớp với bề mặt đối lập. Cuối cùng, những áp lực gia tăng vượt quá sức mạnh cơ sinh học của xương. Các xương dưới sụn phản ứng bằng cách gia tăng mạch máu và tăng mật độ tế bào, trở nên dày đặc (gọi là quá trình hóa ngà) tại các khu vực chịu áp lực. 

Các xương dưới sụn bị tổn thương có thể tạo các kén/hốc do cả hai cơ chế: hoại tử xương thứ phát do các lực mạnh tác động mãn tính và sự xâm nhập của dịch khớp. Kén OA dưới sụn kích thước khoảng 2-20 mm đường kính. Kén OA trong ổ cối được gọi là kén Egger.

Ở bờ khớp, sự phân bố mạch máu trong tủy dưới sụn, chuyển sản xương của mô liên kết hoạt dịch, và xương hóa sụn tạo thành gai xương (osteophytes). Sự vỡ của các gai xương này hoặc sụn khớp, tạo thành các mảnh vụn trong khớp.

Cùng với tổn thương khớp, OA cũng có thể dẫn đến những thay đổi sinh lý bệnh trong các dây chằng liên quan và tổ chức thần kinh cơ. Ví dụ, sự bất thường của phức hợp dây chằng bên thường gặp trong OA đầu gối.

Nhiều cơ chế cố gắng sửa chữa để khôi phục chức năng bình thường của khớp bị hỏng: bao gồm tu sửa qua trung gian tế bào trong kiến tạo sụn và mô xương dưới sụn. Khi tỷ lệ thiệt hại vượt quá tỷ lệ sửa chữa, sự thoái hóa của xương và sụn xảy ra và khớp không còn khả năng giảm tải.

Điều này dẫn đến một chu kỳ thoái hóa cơ sinh học và sinh hóa, nơi các sụn đang dần dần bị phá hủy, lộ xương dẫn đến tổn thương xương, mất thêm sụn, hẹp khe khớp và sự phát triển quá mức của xương và  tạo gai xương quanh khớp.

III. NGUYÊN NHÂN 

Nguyên nhân thực sự của OA vẫn chưa rõ, người ta thấy các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bao gồm:

1. Cao tuổi: 

Với thời gian, tuổi cao làm giảm khối lượng sụn, hàm lượng proteoglycan, phân bố mạch máu và tưới máu sụn. Hàm lượng nước của sụn tăng và cấu trúc protein của sụn bị thoái hóa. Những thay đổi này gây nên hình ảnh X quang đặc trưng, bao gồm gai xương và hẹp khe khớp. OA tiên phát hầu hết liên quan đến lão hóa. Các trường hợp bị thường > 45 tuổi. 

Tuy nhiên, những phát hiện về hóa sinh và sinh lý bệnh cho thấy chỉ yếu tố  tuổi không đủ gây nên OA. Với tuổi tác, sử dụng lặp đi lặp lại của các khớp trong nhiều năm gây thiệt hại sụn dẫn đến đau khớp và sưng. Cuối cùng, sụn bắt đầu bị thoái hóa do bong hoặc tạo thành các vết nứt nhỏ. Trong những trường hợp nặng, mất toàn bộ đệm sụn giữa các xương ở khoang khớp. Mất sụn đệm gây ra ma sát giữa các xương, dẫn đến đau và hạn chế vận động khớp. Thiệt hại của sụn cũng có thể kích thích mọc chồi xương mới (gai) xung quanh các khớp. 

2. Béo phì: 

Trong thực tế, bên cạnh lão hóa, béo phì là yếu tố nguy cơ mạnh mẽ nhất gây thoái hoá khớp gối. Tăng trọng góp phần thoái hóa khớp bằng nhiều cách. Nó làm gia tăng áp lực cơ học lên sụn.

Ngoài ra, béo phì có thể là một yếu tố nguy cơ viêm của OA do béo phì có liên quan với mức độ gia tăng (cả toàn thân và trong khớp) của adipokines (cytokines có nguồn gốc từ mô mỡ), thúc đẩy tiến trình viêm kinh niên ở khớp. 

3. Chấn thương hay phẫu thuật: (bao gồm cả phẫu thuật sửa chữa các tổn thương do chấn thương) liên quan đến sụn khớp, dây chằng, hoặc sụn chêm có thể dẫn đến bất thường hóa sinh trong khớp và nhanh chóng dẫn tới OA. Mặc dù sự tu sửa dây chằng và sụn chêm là để phục hồi chức năng của nó, có đến 50-60% bệnh nhân phát hiện OA sau đó 5-15 năm.

OA có thể phát triển trên tổn thương của khớp do chấn thương hoặc hoạt động quá mức. Lạm dụng khớp khi nó chưa đủ thời gian lành sau chấn thương gây thoái hóa khớp sau này. Chấn thương lặp đi lặp lại trên khớp (dây chằng, xương, và sụn) được cho là dẫn đến viêm khớp gối ở cầu thủ bóng đá. Điều thú vị là, các nghiên cứu gần đây không tìm thấy nguy cơ OA ở người chạy đường dài.

4. Một số ngành nghề: 

Tổn thương khớp có thể xảy ra khi không có chấn thương rõ ràng. Các động tác lặp đi lặp lại trên một khớp liên quan lối sống (ví dụ: thường xuyên ngồi xổm, leo cầu thang, leo núi, hoặc quỳ,…) và ngành nghề nhất định (như nghệ thuật biểu diễn, công việc xây dựng dây chuyền lắp ráp, vận hành bàn phím máy tính,…) gây ra những vi chấn thương lặp đi lặp lại - có thế phát triển OA.

5. Di truyền: 

OA đôi khi có thể được tìm thấy trong nhiều thành viên trong cùng một gia đình, ngụ ý một sự di truyền. Nghiên cứu không xác định được một gen duy nhất chịu trách nhiệm, vì vậy nó có khả năng là nhiều gen đóng góp. Rất hiếm trường hợp, di truyền về khiếm khuyết collagen, là một thành phần quan trọng của sụn. 

6. Dị tật xương: 

Một số người được sinh ra với các khớp bị thay đổi hoặc sụn bị lỗi, dễ bị hao mòn cơ học, gây thoái hóa sớm và mất sụn khớp, làm tăng nguy cơ OA. Ví dụ: trật khớp háng bẩm sinh, trượt cổ xương đùi mấu trên lồi cầu.

7. Giảm hormone giới tính.

8. Giới tính: 

Ở những người > 55 tuổi, nữ dễ bị OA hơn, dù không rõ tại sao. Nữ thường gặp OA ở đầu ngón tay (DIP) và đầu gối.

9. Các bệnh khác:

Yếu cơ: Rối loạn chức năng cơ làm ảnh hưởng lên cơ chế bảo vệ thần kinh cơ của cơ thể, dẫn đến gia tăng chuyển động khớp và cuối cùng gây OA. Hiệu quả này nhấn mạnh sự cần thiết cho các bài tập tăng cường sức mạnh cơ bắp liên tục để ngăn ngừa rối loạn chức năng cơ bắp.
Rối loạn nội tiết: chẳng hạn như tiểu đường và rối loạn hormone tăng trưởng, thường sớm đi kèm hao mòn sụn và viêm xương khớp thứ phát. 
OA có thể xảy ra ở các khớp bị hư hại nghiêm trọng trước đó hoặc hiện tại: Các bệnh khớp khác như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp nhiễm khuẩn hay Gout tái đi tái lại nhiều lần có thể làm tăng nguy cơ OA. 
Lắng đọng tinh thể trong sụn: có thể gây thoái hóa sụn và OA. Tinh thể acid uric gây viêm khớp trong Gout, trong khi các tinh thể calcium pyrophosphate gây viêm khớp ở Bệnh giả Gout.

Asia Clinic, Ngày Chủ nhật, 31/05/2015

Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

THOÁI HÓA KHỚP/VIÊM KHỚP XƯƠNG (OSTEOARTHRITIS) – PHẦN I

PHẦN I: ĐẠI CƯƠNG VỀ KHỚP (JOINT)


I. KHÁI NIỆM

Khớp là một phần của hệ thống cơ xương, là nơi các bề mặt của hai hoặc nhiều xương gặp và khớp lại với nhau, cho phép cả hai chuyển động và dễ uốn nắn, thuộc hệ vận động. Có khoảng 400 các khớp trong cơ thể con người. Khớp giống như bản lề. Nếu không có khớp, cơ thể chúng ta sẽ cứng như tấm bảng, không thể uốn cong cánh tay hoặc chân.

II. PHÂN LOẠI  KHỚP

Khớp có thể được phân loại dựa trên chức năng hoặc cấu trúc.

1. Phân loại khớp theo chức năng chuyển động:

a. Khớp động (diarthroses): là khớp mà giữa các xương liên kết có ổ khớp để cử động được thuận lợi. Khớp động có thể cử động tương đối rộng rãi. Hầu hết các khớp ở chi đều thuộc loại khớp động.

b. Khớp bán động (amphiarthroses): là khớp mà giữa các xương liên kết có khe khớp. Khớp này hoạt động kém linh hoạt, biên độ nhỏ. Đặc điểm chung của khớp này là chỉ có lớp sụn ở giữa chỗ tiếp xúc các xương. Ví dụ: khớp giữa các đốt sống, khớp mu, khớp cùng chậu.

c. Khớp bất động (synarthroses): là khớp mà giữa các xương liên kết không có ổ khớp hoặc khe khớp, mà các xương được dính chặt với nhau nhờ mô liên kết sợi hoặc sụn. Khớp này không cho phép chuyển động. Ví dụ các khớp hộp sọ và các khớp gomphosis nối răng vào ổ răng.

Khớp bất động : khớp hộp sọ, khớp Gomphosis nối răng vào ổ răng

2. Phân loại theo cấu trúc:
  
a. Khớp hoạt dịch (synovial): là khớp có ổ khớp chứa chất hoạt dịch làm trơn khớp, cho phép khớp cử động tự do. Loại khớp này phổ biến ở các chi. Khớp đội - chẩm, các khớp đội - trục, các khớp sườn – đốt sống và các khớp sườn - mỏm ngang cũng là những khớp hoạt dịch.

Cấu tạo của khớp hoạt dịch: gồm diện khớp (khoang khớp, hoạt dịch, sụn khớp, xương dưới sụn) và các phương tiện nối khớp (bao khớp, dây chằng, gân, cơ).

Khoang khớp (joint cavity): chứa hoạt dịch, luôn có áp suất âm để khớp có độ bền vững chắc.

Hoạt dịch (synovial fluid): được hình thành qua một quá trình siêu lọc huyết thanh từ các tế bào của màng hoạt dịch. Hoạt dịch cung cấp chất dinh dưỡng cho sụn khớp (vô mạch) và độ nhớt cần thiết để hấp thụ sốc từ những cử động chậm, cũng như độ đàn hồi cần thiết để hấp thụ sốc từ những chuyển động nhanh. Tế bào hoạt dịch cũng sản xuất axit hyaluronic, một glycosaminoglycan – thành phần vô bào chính của hoạt dịch.

Sụn khớp (articular cartilage, hyaline cartilage): mặt khớp của các xương luôn được bọc bằng một lớp sụn trong, mỏng, chắc và dai bao phủ đầu xương để ngăn ngừa các đầu xương cọ sát trực tiếp vào nhau, làm giảm bớt ma sát khi vận động. Sụn khớp được bao quanh bởi chất nền ngoại bào gồm các đại phân tử khác nhau, quan trọng nhất proteoglycans và collagen. Sụn khớp tạo điều kiện cho chức năng khớp và bảo vệ xương dưới sụn bằng cách phân phối tải trọng, duy trì áp lực tiếp xúc thấp, và giảm ma sát ở các khớp. Khi các mặt khớp có hình thể chưa thật thích ứng với nhau, có thể có thêm sụn viền (labrum) để làm tăng bề mặt tiếp xúc với các diện khớp, làm cho áp lực các xương được dàn đều (ví dụ: sụn viền quanh ổ chảo khớp vai, ổ cối ở khớp háng); hoặc sụn chêm (meniscus) là những tấm sụn xơ đệm vào giữa hai diện khớp, nằm xen giữa phần ngoại vi của hai mặt khớp để làm tăng độ thích hợp giữa các diện khớp (ví dụ: sụn chêm ở khớp gối). Cũng có khi hai mặt khớp không tiếp xúc trực tiếp với nhau mà giãn cách nhau bởi một đĩa sụn - sợi gọi là đĩa khớp (discus). 


                                                         
    Sụn viền ở khớp vai                                 Sụn chêm ở khớp gối: nằm giữa lồi cầu đùi và mâm chày



• Xương dưới sụn (subchondral bone).

• Bao khớp (joint capsule): bám vào rìa ngoài chu vi các diện khớp. 

Bao khớp có hai lớp:

* Bao trong là màng hoạt dịch (synovial membrane, bursa): còn được gọi là màng hoạt dịch bao khớp, chứa hoạt dịch, là lớp tế bào biểu mô lót mặt trong của bao khớp cho tới chỗ bao khớp dính vào xương thì lật lên bọc phần đầu xương tới tận rìa sụn khớp, do tổ chức liên kết sợi xốp tạo nên. Lớp tế bào nội mô tiết ra chất hoạt dịch là một dịch trong có màu vàng nhạt, mang tính kiềm, ở điều kiện bình thường hàm lượng chỉ có 0,3 - 2 ml. Trong chất hoạt dịch có chất điện giải, đường và protein. Các tác dụng của chất này là bôi trơn, cung cấp các chất dinh dưỡng cho những cấu trúc bên trong ổ khớp và qua đó giúp duy trì tính bền vững của khớp. Chất dịch giữ cho các mặt khớp không tách rời nhau, như những cái đệm chống lại ma sát.

* Bao ngoài là bao xơ (fibrous capsule): bọc quanh khớp và giữ các xương với nhau, do tổ chức liên kết sợi chắc tạo nên. Tùy chức năng khớp khác nhau mà độ dày mỏng khác nhau. Mỗi đầu của bao xơ dính quanh một đầu xương và đường dính này ít nhiều ở cách xa mép (bờ chu vi) sụn khớp. Bao đủ lỏng để khớp có thể cử động tự do cũng như đủ chắc để giữ cho khớp khỏi bị tổn thương.










Cấu tạo khớp hoạt dịch


• Dây chằng (ligament): là những dải mô xơ kết nối các đầu xương với nhau để tạo thành một khớp, có tác dụng tăng cường cho khớp, hạn chế các cử động không đúng hướng. Có ba loại: dây chằng bao khớp là chỗ dày lên của bao khớp, dây chằng ngoài bao khớp và dây chằng trong bao khớp (nhưng ngoài bao hoạt dịch).

• Gân (tendon): là những dải xơ kết nối cơ với xương. 

• Cơ (muscle): giữ xương tại chỗ và xương cử động được là nhờ cơ co hoặc giãn.

• Mô liên kết (connective tissue), thần kinh (nerve) và mạch máu (blood vessel): thần kinh và mạch máu đi qua khớp thường phân nhánh vào những cơ vận động và cấu trúc của khớp đó.


b. Khớp sụn (cartilaginous): Ở loại khớp này, có một đệm sụn - sợi trắng ở giữa các đầu xương tiếp khớp. Khả năng cử động hạn chế mà khớp có được là nhờ đệm sụn - sợi có khả năng chịu được sức nén ép (hay đàn hồi). Ví dụ, các khớp bán động như khớp mu và các khớp giữa các thân đốt sống.

c. Khớp sợi (fibrous): là các khớp bất động vì các xương liên kết với nhau bằng mô sợi. Khớp giữa các xương sọ (các đường khớp hay khớp khâu), khớp giữa chân răng và huyệt răng (khớp cọc), khớp giữa đầu dưới hai xương chày và mác (khớp dính sợi chày - mác dưới) là những ví dụ về khớp sợi.

Mời các bạn đọc phần II: Đại cương về Thoái hóa khớp/Viêm khớp xương

Asia Clinic, Ngày thứ Bảy, 30/5/2015

Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2015

LOÃNG XƯƠNG (OSTEOPOROSIS): PHẦN III

Bài viết của BS ThS Hàn Tiểu Sảo


PHẦN III: PHÒNG NGỪA LOÃNG XƯƠNG

Bảo vệ sức khỏe xương của bạn dễ dàng hơn bạn nghĩ

Chế độ ăn uống, hoạt động thể chất và lối sống có thể ảnh hưởng đến khối lượng xương. Để duy trì sức mạnh và mật độ xương, cơ thể đòi hỏi được cung cấp đủ calcium, khoáng chất, vitamin D, lượng thích hợp của một số hormone:

• Hormone tăng trưởng GH (growth hormon) do tuyến yên tiết ra: không có tác dụng trực tiếp lên hủy và tạo xương, nhưng nó có thể kích thích sự tổng hợp IGF1 (insulin like growth factor 1) của tế bào xương.

• Calcitonin do các tế bào cận nang giáp tiết ra làm giảm hoạt động của các tế bào hủy xương, ức chế quá trình hủy xương.

• Hormone tuyến cận giáp: dưới tác dụng của PTH thì bao giờ quá trình hủy xương cũng diễn ra mạnh hơn tạo xương.

• Estrogen được tạo ra bởi buồng trứng: có tác dụng ức chế hủy xương gián tiếp thông qua các hormon khác hoặc thông qua tác động của các yếu tố tăng trưởng tại chỗ.

• Testosterone được bài tiết chủ yếu từ tinh hoàn một lượng nhỏ từ tuyến thượng thận. Giảm testosteron hay sự thiếu hụt estradiol cũng góp phần vào sự loãng xương ở nam giới.

Với hoạt động và liều lượng tối ưu của các hormon, vitamin, và khoáng chất, bè xương phát triển thành một cấu trúc mạng phức tạp tuy trọng lượng nhẹ nhưng mạnh mẽ.

Đo loãng xương

Chỉ định đo mật độ xương (Bone Mineral Density test: BMD test) hàng năm cho phụ nữ ≥ 65 tuổi , hoặc nữ kèm các vấn đề sau:

1. Quá trọng.
2. Hút thuốc lá.
3. Giảm chiều cao, lưng khom, còng.
4. Đau lưng đột ngột không nguyên nhân rõ ràng.
5. > 45 tuổi và gãy 1 xương.
6. Bệnh mạn tính.
7. Trước và sau khi điều trị K vú.

Nếu như không có chỉ định điều trị sau khi đo mật độ xương thì chỉ cần đo lặp lại sau 2-3 năm, thậm chí 4 năm. Để phát hiện thay đổi mật độ xương 2-3% cần phải 1-1,5 năm nếu như sai số đó là 1%, và 5 năm nếu sai số của máy là 5%. Khi đo lại, cần đo ở cùng một máy trên cùng một vị trí.

Trong trường hợp điều trị, có thể đo lặp lại ở cột sống thắt lưng vì tác dụng của thuốc ở vị trí này khá rõ rệt.

Trường hợp không có điều kiện đo mật độ xương: Có thể chẩn đoán xác định loãng xương khi đã có biến chứng gãy xương dựa vào triệu chứng lâm sàng và Xquang: Đau xương, đau lưng, gẫy xương sau chấn thương nhẹ, tuổi cao… 

Vài bước đơn giản để ngăn ngừa hoặc làm chậm mất xương

1/ Bao gồm nhiều calcium trong chế độ ăn uống. Đối với người lớn, tuổi từ 19-50 và nam giới độ tuổi từ 51-70, nhu cầu calcium là 1g/ngày. Các khuyến nghị tăng tới 1.2g một ngày cho phụ nữ sau 50 tuổi và nam giới sau tuổi 70. Nguồn cung cấp calcium bao gồm cua đồng, ốc nhồi, vừng, tôm khô, pho mát và các sản phẩm từ sữa, hạnh nhân, bông cải xanh, cải xoăn, cá hồi đóng hộp với xương, cá mòi và các sản phẩm từ đậu nành như đậu phụ.

1/ Cơ thể cần vitamin D để hấp thụ calcium. Ở tuối 19-70, nhu cầu Vitamin D là 600 IU/ngày. Kiến nghị tăng đến 800 IU/ngày cho người ≥ 71 tuổi. Nguồn cung cấp vitamin D bao gồm dầu cá, như cá ngừ và cá mòi, lòng đỏ trứng và sữa tăng cường. Ánh sáng mặt trời cũng góp phần vào việc sản xuất vitamin D của cơ thể.

3/ Hoạt động thể chất: Bài tập chịu tải trọng, chẳng hạn như đi bộ, chạy bộ, tennis và leo cầu thang, có thể giúp bạn xây dựng xương và chậm mất xương. Tránh lạm dụng thuốc, không hút thuốc lá và tránh uống nhiều hơn hai ly rượu mỗi ngày.


Thức ăn có hàm lượng calcium cao: cua đồng, ốc nhồi, mè, tôm khô, và pho mát.

Nhu cầu calcium và hàm lượng calcium trong những thức ăn giàu calcium

Tài liệu tham khảo:

http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/adult-health/in-depth/bone-health/art-20045060?pg=1
http://www.webmd.com/osteoporosis/
http://bacsinoitru.vn/content/chan-doan-va-dieu-tri-loang-xuong-osteoporosis-1165.html


Tư Gia, 23:55' ngày thứ Sáu, 22/5/2015

Thứ Tư, 20 tháng 5, 2015

LOÃNG XƯƠNG (OSTEOPOROSIS): PHẦN II

Bài viết của BS ThS Hàn Tiểu Sảo
PHẦN II: LOÃNG XƯƠNG

Định nghĩa 

Loãng xương  là sự rối loạn chuyển hoá của bộ xương gây tổn thương sức mạnh của xương đưa đến tăng nguy cơ gãy xương, là hậu quả của việc suy giảm các khung protein và lượng calcium gắn với các khung này, do giảm số lượng tổ chức xương, giảm trọng lượng của một đơn vị thể tích.

Sức mạnh của xương bao gồm sự toàn vẹn cả về khối lượng và chất lượng của xương.

Khối lượng xương được biểu hiện bằng: 
Mật đô khoáng chất của xương (Bone Mineral Density: BMD). 
Khối lượng xương (Bone Mass Content: BMC). 

Chất lượng xương phụ thuộc vào: 
Thể tích xương. 
Vi cấu trúc của xương (thành phần chất nền và chất khoáng của xương).
Chu chuyển xương (tình trạng tổn thương vi cấu trúc xương, tình hình sửa chữa cấu trúc của xương).

Phân loại 
  • Loãng xương type 1 là loãng xương sau mãn kinh, liên quan với giảm nồng độ estrogen và tác động trên bè xương hơn là vỏ xương. 
  • Loãng xương type 2 là  loãng xương do tuổi già, là hậu quả của sự lão hóa và thường được tăng cường bởi tình trạng thiếu cancium và vitamin D,  ảnh hưởng đến cả vỏ xương và bè xương. 
  • Loãng xương thứ phát liên quan đến một số bệnh hoặc việc sử dụng một số loại thuốc. 

Nguyên nhân 

1/ Chế độ ăn ít cancium và/hoặc vitamin D góp phần giảm sút mật độ xương, mất xương sớm và gia tăng nguy cơ gãy xương. Do cancium trong thức ăn không đủ để duy trì nồng độ calcium cần thiết trong máu, khi đó tế bào chính của tuyến cận giáp tiết ra Parathyroidhormon (PTH) để điều cancium trong xương chuyển ra bổ sung cho máu nhằm duy trì sự ổn định nồng độ calcium trong máu. Tình trạng này kéo dài làm cho kết cấu xương bị thưa loãng. Việc sản xuất PTH của tuyến cận giáp được điều khiển bởi tuyến yên và cơ chế phản hồi từ nồng độ cancium trong máu. 

2/ Hoạt động thể chất: những người không hoạt động thể chất có nguy cơ loãng xương hơn.

3/ Thuốc lá và rượu: thuốc lá góp phần làm yếu xương, nhiều hơn hai ly rượu mỗi ngày làm tăng nguy cơ loãng xương (do rượu cản trở khả năng của cơ thể hấp thụ cancium).

4/ Giới tính, kích thước và độ tuổi: 
  • Nguy cơ loãng xương nếu là phụ nữ, vì phụ nữ có mô xương ít hơn so với nam giới. 
  • Nếu cơ thể rất gầy (BMI ≤ 19) hoặc có khung cơ thể nhỏ: Kém phát triển thể chất từ khi còn nhỏ, đặc biệt là còi xương, suy dinh dưỡng, chế độ ăn thiếu protein, thiếu cancium hoặc tỷ lệ cancium/phospho trong chế độ ăn không hợp lý, thiếu vitamin D hoặc cơ thể không hấp thu được vitamin D... nên khối lượng khoáng chất đỉnh của xương ở tuổi trưởng thành thấp, đây được coi là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của bệnh loãng xương. 
  • Xương trở nên mỏng hơn và yếu hơn khi già đi. Đặc điểm của loãng xương tuổi già là tăng quá trình huỷ xương giảm quá trình tạo xương, gặp ở cả nam và nữ vì các nguyên nhân:
              - Các Osteoblast bị lão hoá. Hoạt động của nguyên bào xương giảm khi lớn tuổi.
              - Sự hấp thu calcium ở ruột bị  hạn chế do chức năng dạ dày, đường ruột, gan, thận suy yếu…
                Ít hoạt động ngoài trời, thiếu ánh nắng, thiếu vitamin D.
              - Sự suy giảm tất yếu các hormon sinh dục (nữ và nam).

5/ Chủng tộc và lịch sử gia đình: Người da trắng hoặc người gốc Á Châu có nguy cơ loãng xương hơn các chủng tộc khác. Ngoài ra, có cha mẹ hoặc anh chị em ruột bị loãng xương thì có nguy cơ cao hơn - đặc biệt là lịch sử gia đình có người bị gãy xương.

6/ Mức độ hormone: 
  • Quá nhiều hormon tuyến giáp có thể gây mất xương do tăng bài tiết cancium và phốt pho trong nước tiểu và phân. 
  • Ở phụ nữ, mất xương tăng đáng kể ở thời kỳ mãn kinh do giảm nồng độ estrogen làm tăng nhanh tốc độ quá trình chuyển cancium từ xương vào máu (Tăng quá trình huỷ xương trong khi quá trình tạo xương bình thường). Thiếu hụt Estrogen là yếu tố chính dẫn đến giai đoạn nhanh chóng mất xương, nhưng các yếu tố khác như giảm mức độ IGF-1 và PTH cao góp phần vào giai đoạn mất xương chậm sau mãn kinh. Loãng xương sau mãn kinh làm nặng hơn tình trạng loãng xương do tuổi ở phụ nữ. Mất xương cột sống thường là 3%/năm trong khoảng 5 năm đầu sau khi mãn kinh. Sau đó, tốc độ chậm hơn (khoảng 0,5%/năm), ảnh hưởng đến cả vỏ xương và bè xương. 
  • Ở nam giới, nồng độ testosterone thấp có thể gây ra mất khối lượng xương. Những thay đổi trong mức độ IGF-1 và PTH cùng với sự suy giảm estrogen sinh học cũng đóng một vai trò trong việc mất xương ở nam giới. 
7/ Ăn quá nhiều protein, natri, và caffeine. Những người bị chứng biếng ăn hoặc ăn vô độ có nguy cơ mất xương. Dinh dưỡng thiếu làm thiếu các yếu tố vi lượng như calcium, phospho, magne, albumin, acid amin góp phần gây loãng xương. 

8/ Nhiều bệnh gây nguy cơ loãng xương bao gồm: cường cận giáp, tiểu đường type 1, suy thượng thận, hội chứng Cushing, chán ăn tâm thần, hội chứng kém hấp thu, và một số bệnh ác tính. Cơ chế góp phần vào sự mất xương là khác biệt cho từng bệnh. Nhiều loại thuốc cũng có tác dụng bất lợi trên xương. Sử dụng kéo dài của glucocorticoid là nguyên nhân phổ biến nhất của loãng xương do thuốc. Các loại thuốc khác bao gồm heparin, thuốc ức chế aromatase, barbiturates, các thuốc đồng vận hormon gonadotropin-releasing, cyclosporine, tacrolimus, depot medroxyprogesterone, lithium, hóa trị liệu ung thư, thuốc chống co giật.

Triệu chứng

Loãng xương là bệnh diễn biến âm thầm không có triệu chứng lâm sàng đặc trưng, chỉ biểu hiện khi đã có biến chứng. Những biểu hiện lâm sàng chỉ xuất hiện khi trọng lượng xương giảm > 30%. Sự xuất hiện từ từ tự nhiên hoặc sau một chấn thương, đôi khi tình cờ chụp X quang mà thấy.

Đau và hạn chế vận động cột sống, cánh chậu, bả vai.

Tái phát từng đợt, thường sau khi vận động nhiều, chấn thương nhẹ, thay đổi thời tiết.

Cột sống giảm dần chiều cao, biến dạng đường cong sinh lý dẫn đến gù vùng lưng hay thắt lưng, chiều cao cơ thể giảm đi rõ rệt so với khi còn trẻ tuổi. Xương dễ gãy, đôi khi chỉ một chấn thương nhẹ cũng làm gãy cổ xương đùi, gãy đầu dưới xương quay, gãy lún đốt sống.






Hai phần ba gãy xương cột sống do loãng xương không đau. Nếu có, cơn đau cấp tính sau ngã hoặc chấn thương nhẹ, đau nhói hay ê ẩm. Điểm đau rõ ở cột sống, đau khi ấn, một số trường hợp đau lan tới vùng bụng. Đau thường kèm theo co thắt cơ quanh đốt sống, cử động làm tăng đau, giảm khi nằm ngửa. Cơn đau cấp thường tự khỏi sau 4-6 tuần; trong bối cảnh nhiều xương gãy với gù cột sống nặng, cơn đau có thể trở thành mãn tính.

Triệu chứng đau của  gãy xương hông: Đau ở háng, mông, trước đùi, giữa đùi, và /hoặc giữa đầu gối do mang nặng, hạn chế cử động háng.


Chẩn đoán 

Chẩn đoán loãng xương khi mật độ xương theo chỉ số T-score được đo bằng phương pháp DEXA ≤ - 2,5 
(theo Tổ chức Y tế thế giới).

+ Xương bình thường:                              T score  ≥ – 1  SD
+ Thiếu xương (Osteopenia):  – 2,5SD < T score  < – 1   SD
+ Loãng xương (Osteoporosis):               T score  ≤ - 2,5 SD
+ Loãng xương nặng:                               T score  ≤ - 2,5 SD kèm tiền sử/ hiện tại có gãy xương

Đo mật độ xương (BMD test) tại cổ xương đùi và cột sống thắt lưng theo phương pháp DEXA


T-Score = (BMD – mBMD) / SD    Trong đó: 
  • BMD: mật độ xương của đối tượng khảo sát.
  • mBMD: mật độ xương trung bình (cũng là BMD max) của quần thể dân số tuổi từ 20-30.
  • SD: độ lệch chuẩn của BMD trung bình của quần thể dân số trên.
Đo BMD cổ xương đùi của phụ nữ VN tuổi 20-30 bằng phương pháp DEXA: 
mBMD= 0.94 g/cm2, SD=0.11 g/cm2
Ví dụ: một phụ nữ 60 tuổi, có BMD tại cổ xương đùi là 0.65 g/cm2 
Như vậy: T-Score của bà ta là: (0.65-0.94)/ 0.11 = -2.63
Có nghĩa là BMD phụ nữ này thấp hơn BMD lúc 20-30 tuổi là 2.63 lần SD.
T-Score có ý nghĩa so sánh BMD hiện tại với BMD tối đa.

Z-Score = (BMD- tBMD)/ SD      Trong đó:
  • BMD: mật độ xương của đối tương khảo sát.
  • tBMD: BMD trung bình của quần thể có cùng độ tuổi với đối tượng.
  • SD: độ lệch chuẩn.
Đo BMD cổ xương đùi của quần thể dân số nữ 65 tuổi bằng phương pháp DEXA: 
 tBMD = 0.81g/cm2  , SD=0.11g/cm2
Ví dụ: một phụ nữ A  65 tuổi có BMD cổ xương đùi là 0.86 g/cm2  
Như vậy: Z-Score của bà ta là: (0.86 - 0.81)/ 0.11= +0.45
Có nghĩa là BMD của bà A cao hơn BMD của các phụ nữ khác có cùng độ tuổi là 0.45 lần SD.
Z-Score có ý nghĩa so sánh BMD của đối tượng với BMD của những người cùng tuổi trong một quần thể.


Chúng tôi sẽ cập nhật phần 3: Phòng ngừa loãng xương

Asia Clinic, 8h27' ngày thứ Năm, 21/5/2015

Thứ Ba, 19 tháng 5, 2015

LOÃNG XƯƠNG (OSTEOPOROSIS): PHẦN I

Bài viết của BS ThS Hàn Tiểu Sảo

PHẦN I: ĐẠI CƯƠNG HỆ XƯƠNG


Chúng ta sinh ra với khoảng 300 xương mềm. Suốt thời thơ ấu và niên thiếu, sụn phát triển và dần được thay thế bởi xương cứng. Một số xương sau này hợp nhất với nhau, do đó bộ xương người lớn có 206 xương.

Xương đóng nhiều vai trò trong cơ thể : 

Khung nâng đỡ cơ thể.
Bảo vệ các tạng.
Chỗ bám của cơ để chúng ta có thể di chuyển, vận động
Môi trường cho tủy (nơi các tế bào máu được sản xuất).
Khu vực lưu trữ các chất khoáng (như cancium).

Dựa theo hình dạng, xương được phân thành 4 loại:


1/ Xương dẹt (flat bones): bề mặt mỏng và rộng, có chức năng bảo vệ, ví dụ các tấm hộp sọ, xương bả vai, xương ức, xương sườn.

2/ Xương dài (long bones): có trục hình ống và mặt khớp ở mỗi đầu, ví dụ xương đùi, xương cánh tay, xương chày.

3/ Xương ngắn (short bones): có trục hình ống và mặt khớp ở mỗi đầu giống xương dài nhưng nhỏ hơn nhiều, ví dụ xương đòn, xương bàn và đốt ngón tay chân.

4/ Xương bất định (irregular bones): đai dạng (dài, ngắn, phẳng), ví dụ đốt sống, cổ tay cổ chân, xương bánh chè.

Ngoài ra, còn có các xương vừng (sasemoid bones) nhỏ, phát triển trong các gân cơ nằm quanh khớp xương đề bảo vệ và tăng cường tác động cơ học của gân cơ, sự vững chắc của khớp.

Cấu trúc xương từ ngoài vào trong:


Cấu Trúc xương

Xương được bao phủ bởi một màng mỏng gọi là màng xương (periosteum: ngoại cốt mạc): là một màng liên kết dai, đính chặt vào xương, gồm 2 lá: lá ngoài chứa các nhánh tận cùng của thần kinh cảm giác nên chấn thương xương thì đau đớn bởi vì các dây thần kinh đau cảm ứng nằm chủ yếu ở màng xương, lá trong chứa các tạo cốt bào, hủy cốt bào và nhiều mạch máu. 
Các mặt khớp không có màng xương.

Vỏ cứng gọi là vỏ xương (compact bone): là mô xương đặc, rắn chắc. Gồm chủ yếu protein (như collagen) và hydroxyapatite (trong đó bao gồm chủ yếu là canxi và các khoáng chất khác). Hydroxyapatite chịu trách nhiệm về sức mạnh và mật độ của xương. 

Lớp xốp bên trong (cancellous bone): do nhiều bè xương (trabecular) đan chéo nhau, tạo nên những hốc nhỏ. Mạng lưới các bè xương nhẹ hơn và ít dày đặc hơn so với phần bên ngoài cứng nhưng vẫn đóng góp đáng kể vào sức mạnh của xương. Việc giảm số lượng hoặc chất lượng của bè xương làm tăng nguy cơ gãy xương.

Tủy xương (bone marrow) là mô lấp đầy khoảng trống trong bè xương. Tủy xương gồm tủy đỏ là nơi tạo huyết chứa những tế bào chuyên biệt (bao gồm cả tế bào gốc) sản xuất các tế bào máu, tủy vàng chứa nhiều tế bào mỡ có trong các ống tủy (medullary cavity) của thân xương dài. 

Xương được cấu tạo bởi:

1/ Nguyên bào tạo xương (osteoblasts) và tế bào tạo xương (osteocytes) tham gia vào việc tạo xương và khoáng hóa mô xương. 

2/ Tế bào hủy xương (hủy cốt bào: osteoclasts): là các tế bào chịu trách nhiệm cho sự hủy xương.

3/ Chất nền collagen và noncollagenous protein (osteoid).

4/ Muối khoáng vô cơ lắng đọng trong chất nền. Độ cứng của xương là do sự hiện diện của muối khoáng trong chất nền, là một phức hợp tinh thể canxi và phosphate (hydroxyapatite). Xương bị vôi hóa có chứa khoảng 25% chất nền hữu cơ (2-5% trong số đó là các tế bào), 5% nước và 70% khoáng vô cơ (hydroxyapatite).

Cấu trúc xương điều chỉnh trong suốt cuộc đời để đáp ứng với hoạt động và sức nặng cơ học. Xương được tu sửa liên tục. Trong quá trình này, xương mới được tạo và xương cũ bị phá hủy, mô xương cũ được dần  thay thế bởi mô xương mới.

Mỗi xương trong cơ thể được hoàn toàn đổi mới mỗi 10 năm. Khi còn trẻ, quá trình tạo xương mới nhanh hơn sự phá hủy xương cũ, nên xương tăng khối lượng. Hầu hết mọi người đạt được đỉnh cao khối lượng xương ở tuổi 30. Sau đó, tu sửa xương vẫn tiếp tục, nhưng sự mất xương nhiều hơn sự tạo xương. Loãng xương là hậu quả của sự phá vỡ cân bằng bình thường của 2 quá trình tạo xương và hủy xương: sự mất xương vượt quá sự hình thành xương, dẫn đến khối lượng xương thấp, bất thường vi kiến trúc xương, tăng nguy cơ gãy xương.

Mời đọc phần 2: Loãng xương

Asia Clinic, 9h46' ngày thứ Tư, 20/5/2015

PHIM BUỔI TRAO HỌC BỔNG QUỸ TÂY DU

Mời mọi người xem và nghe buổi trao học bổng Go West Foundation tối ngày 05/5/2015 vừa qua. Một phim dài 100 phút được chia ra làm 4 phần như sau:

PHẦN I: KHAI MẠC


PHẦN II: GIỚI THIỆU QUỸ TÂY DU


PHẦN III: TRAO HỌC BỔNG


PHẦN CUỐI: HỌP BÁO


TOÀN BỘ BUỔI TRAO GIẢI


Sài Gòn, 20/5/2015


Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015

HÌNH ẢNH KẾT THÚC BUỔI TRAO HỌC BỔNG GO WEST FOUNDATION 2015

Sau buổi họp báo là kết thúc buổi trao giải học bổng của Go West Foundation năm 2015. Tiết mục cuối cùng là chúng tôi tổ chức sinh nhật Go West Foundation 1 tuổi tại nhà hàng Sài Gòn Xưa và Nay ở quận Nhất, Sài Gòn.

Trước khi đến buổi sinh nhật cả gia đình Go West Foundation có mặt buổi trao giải đã cùng nhau chụp hình kỷ niệm. Các thành viên của Trung Ương Hội Khuyến Học Việt Nam ở phía Nam cũng chụp hình kỷ niệm với Quỹ Tây Du và Huỳnh Trần Khánh Linh.

Sau đây là những hình ảnh của phần cuối cùng của tối 05/5/2015.

Hình 1: Từ trái qua: Nguyễn Đức, Hoàng Minh Hoan, Chinh Hữu Dụng, Quách Anh, Nguyễn Hạnh Hà, Nguyễn Mai Phương Khanh, Nguyễn Minh Hiển, Hoàng Thị Thùy Dung, Mẹ Khánh Linh, Khánh Linh, Hồ Hải, Lê Thị Hồng Quê, Mai Hướng Dương, Nguyễn Thị Cúc Hoa, Đặng Văn Long, Nguyễn Thanh Quang, Nguyễn Thành Lộc, Hồ Chí Việt, Huỳnh Minh Thuyết(cha của Khánh Linh)

Hình 2: Từ trái qua, cũng giống hình 1, nhưng thay đổi người ở bìa trái là Đỗ Bá Quốc thay thế Nguyễn Đức.

Hình 3: Chụp với các thành viên Trung ương Hội khuyến học Việt Nam – từ trái qua là Hồ Hải, Dương Văn Đóa, Huỳnh Trần Khánh Linh, và Phạm Bá Cứu.

Hình 4: Đôi bạn thân Nguyễn Mai Phương Khanh và Huỳnh Trần Khánh Linh.

Hình 5: Từ trái sang, Hồ Chí Việt, Quách Anh, Nguyễn Hạnh Hà, Khánh Linh và Hoàng Thị Thùy Dung.

Hình 6: Nguyễn Thị Cúc Hoa và Huỳnh Trần Khánh Linh

Hình 7: Lê Thị Hồng Quê và Huỳnh Trần Khánh Linh

Hình 8: Dụng Minh Chính và Huỳnh Trần Khánh Linh.

Hình 9: BS Nguyễn Kim Cúc(phải) và cô giáo mNguyễn Thị Cúc Hoa(trái)

Hình 10: Từ trái sang, Nguyễn Hạnh Hà, Khánh Linh, Nguyễn Kim Cúc, Nguyễn Thị Cúc Hoa và Nguyễn Thanh Lộc.

Hình 11: Hai thành viên của Quỹ Tây Du: Quách Anh là giám đốc thiết kế của Quỹ và BS Hồ Hải là chủ tịch Quỹ.

Hình 12: Hoàng Minh Hoan trưởng ban âm thanh buổi trao giải và BS Hồ Hải.

Hình 13: Mai Hướng Dương và Nguyễn Thị Cúc Hoa.

Hình 14: Nguyễn Thị Cúc Hoa và Trần Phương Lan.

Hình 15: Từ trái sang, Đặng Văn Long, khách mời, Nguyễn Thị Cúc Hoa, Nguyễn Thanh Hiển, Dụng Minh Chính, Nguyễn Thanh Quang.

Hình 16: Khánh Linh, Hồ Hải, Dụng Minh Chính, Nguyễn Thị Cúc Hoa, Nguyễn Kim Cúc và Nguyễn Thanh Hiển.

Hình 17: Từ trái sang, Trần Thanh Tùng, Khánh Linh, Nguyễn Thị Cúc Hoa, và Nguyễn Thanh Lộc.

Hình 18: Ông Dương Văn Đóa - Giám đốc đại diện phía Nam Trung Ương Hội Khuyến học Việt Nam thuộc Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam - và BS Hồ Hài trao đổi thông tin sau buổi trao giải để liên lạc nhau làm việc sau này.

Sau đây là những hình ảnh buổi sinh nhật Go West Foundation 1 tuổi tại nhà hàng Sài Gòn Xưa và Nay ở đường Nguyễn Trung Trực quận Nhứt, Sài Gòn kể từ 22:00 đến 24:00 hôm 05/5/2015.










Chúng tôi sẽ cập nhật 5 clip của 5 phần của buổi trao giải kéo dài 100 phút, mỗi clip khoảng 20 phút tường thuật đầy đủ buổi trao giả sớm nhất có thể.

Sài Gòn, 12/5/2015

Thứ Hai, 11 tháng 5, 2015

HÌNH ẢNH PHẦN IV & V BUỔI TRAO HỌC BỔNG GO WEST FOUNDATION 2015


Phát biểu cảm tưởng của gia đình của ứng viên đoạt giải học bổng GWF 2015 là phần tiếp sau nhạc phẩm mang tên: “You raise me up” do ca sĩ Ái Linh trình bày với phần Violon nhạc đệm của bạn thân Khánh Linh Nguyễn Mai Phương Khanh.

Trong buổi trao học bổng Go West Foundation 2015, phần họp báo là phần đáng chú ý về những câu hỏi về tình hình học ngoại ngữ, và hồ sơ học bổng các bạc trung học, đại học, sau đại học. Tất cả các câu hỏi được trả lời thỏa đáng. Vấn đề các nhà báo và khách mời đặt ra là, Quỹ Tây Du tại Việt Nam nên mở một Văn phòng Tư vấn Du học săn tìm học bổng cho học sinh Việt Nam là tốt nhất cho hiện nay, vì thị trường tư vấn du học hiện nay ở Việt Nam rất không phù hợp về chất lượng và giá cả.

Ngoài ra, một số vấn đề học ngoại ngữ, giáo dục nhân cách cộng đồng, và vượt qua nghịch cảnh chuẩn bị cuộc ra biển lớn cho trẻ cũng được đề cập. Sau đây là một số hình ảnh về phần 4 và 5 của buổi trao giải.

Hình 1: Nhạc phẩm “You raise me up” do ca sĩ Ái Linh trình bày với phần Violon nhạc đệm của bạn thân Khánh Linh Nguyễn Mai Phương Khanh.

You Raise Me Up

When I am down and, oh my soul, so weary;
When troubles come and my heart burdened be;
Then, I am still and wait here in the silence,
Until you come and sit awhile with me.

You raise me up, so I can stand on mountains;
You raise me up, to walk on stormy seas;
I am strong, when I am on your shoulders;
You raise me up… To more than I can be.

Chorus

You raise me up, so I can stand on mountains;
You raise me up, to walk on stormy seas;
I am strong, when I am on your shoulders;
You raise me up… To more than I can be.

You raise me up, so I can stand on mountains;
You raise me up, to walk on stormy seas;
I am strong, when I am on your shoulders;
You raise me up… To more than I can be.

You raise me up, so I can stand on mountains;
You raise me up, to walk on stormy seas;
I am strong, when I am on your shoulders;
You raise me up… To more than I can be.

You raise me up… To more than I can be.

Tạm dịch lời Việt:

Bạn nâng tôi lên

Khi tôi sụp đổ và, ôi linh hồn tôi mệt mỏi;
Khi khó khăn đến và trái tim tôi nặng trĩu;
Nhưng, tôi vẫn còn ở đây và chờ đợi trong thầm lặng,
Cho đến khi bạn đến và ngồi với tôi.

Bạn nâng tôi lên để tôi có thể đứng trên đỉnh núi;
Bạn vực tôi dậy để tôi bước đi trên bão giông biển cả;
Tôi mạnh mẽ, khi tôi đứng trên bờ vai của bạn;
Bạn nâng tôi lên … để tôi vượt qua chính mình.

Điệp khúc

Bạn nâng tôi lên để tôi có thể đứng trên đỉnh núi;
Bạn vực tôi dậy để tôi bước đi trên bão giông biển cả;
Tôi mạnh mẽ, khi tôi đang đứng trên bờ vai của bạn;
Bạn nâng tôi lên … để tôi vượt qua chính mình.

Bạn nâng tôi lên để tôi có thể đứng trên đỉnh núi;
Bạn vực tôi dậy để tôi bước đi trên bão giông biển cả;
Tôi mạnh mẽ, khi tôi đang đứng trên bờ vai của bạn;
Bạn nâng tôi lên … để tôi vượt qua chính mình.

Bạn nâng tôi lên để tôi có thể đứng trên đỉnh núi;
Bạn vực tôi dậy để tôi bước đi trên bão giông biển cả;
Tôi mạnh mẽ, khi tôi đang đứng trên bờ vai của bạn;
Bạn nâng tôi lên … để tôi vượt qua chính mình.

Bạn nâng tôi lên … để tôi vượt qua chính mình…

Hình 2: Khánh Linh phát biểu cảm ơn.

Hình 3: Ông Huỳnh Tấn Thuyết – cha của Khánh Linh – phát biểu cảm ơn.

Hình 4: Khánh Linh với bằng trao học bổng 20.000 đô la Mỹ.

Hình 5: Nhà báo Trung Dũng của Tòa Báo Người Đô Thị hỏi về việc làm sao để học bổng này đến với trẻ tài năng ở vùng sâu, vùng xa?

Hình 6: Cô giáo của Khánh Linh – Lê Thị Hồng Quế – hỏi về tư vấn học bổng sau đại học. Sau đó, cô bật khóc vì thế hệ cô không có nhựng tổ chức chắp cánh cho cô như Go West Foundation, mặc dù nay co đã là thạc sĩ về ngành giáo dục.

Hình 7: Phụ Huynh Nguyễn Hạnh Hà ở Hà Nội vào tham dự, hỏi về vấn đề giáo dục kỹ năng sống và hội nhập của trẻ vị thành niên để chuẩn bị ra biển lớn.

Hình 8: Phụ Huynh Đỗ Quang Hải hỏi, làm thế nào để trẻ nhà nghèo học ngoại ngữ tốt nhất đủ khả năng săn học bổng.

Hình 9: BS Hồ Hải trả lời báo chí và những vấn đề đặt ra của phụ huynh học sinh.

Những câu hỏi và trả lời báo chí chúng tôi sẽ có đầy đủ trong 1 clip dài 90 phút cho toàn bộ buổi trao giải. Clip này sẽ đến với các bạn trong thời gian sớm nhất có thể.

Sài Gòn, 11/5/2015