PHẦN I: ĐẠI CƯƠNG VỀ KHỚP (JOINT)
I. KHÁI NIỆM
Khớp là một phần của hệ thống cơ xương, là nơi các bề mặt của hai hoặc nhiều xương gặp và khớp lại với nhau, cho phép cả hai chuyển động và dễ uốn nắn, thuộc hệ vận động. Có khoảng 400 các khớp trong cơ thể con người. Khớp giống như bản lề. Nếu không có khớp, cơ thể chúng ta sẽ cứng như tấm bảng, không thể uốn cong cánh tay hoặc chân.
Khớp có thể được phân loại dựa trên chức năng hoặc cấu trúc.
1. Phân loại khớp theo chức năng chuyển động:
a. Khớp động (diarthroses): là khớp mà giữa các xương liên kết có ổ khớp để cử động được thuận lợi. Khớp động có thể cử động tương đối rộng rãi. Hầu hết các khớp ở chi đều thuộc loại khớp động.
b. Khớp bán động (amphiarthroses): là khớp mà giữa các xương liên kết có khe khớp. Khớp này hoạt động kém linh hoạt, biên độ nhỏ. Đặc điểm chung của khớp này là chỉ có lớp sụn ở giữa chỗ tiếp xúc các xương. Ví dụ: khớp giữa các đốt sống, khớp mu, khớp cùng chậu.
c. Khớp bất động (synarthroses): là khớp mà giữa các xương liên kết không có ổ khớp hoặc khe khớp, mà các xương được dính chặt với nhau nhờ mô liên kết sợi hoặc sụn. Khớp này không cho phép chuyển động. Ví dụ các khớp hộp sọ và các khớp gomphosis nối răng vào ổ răng.
Khớp bất động : khớp hộp sọ, khớp Gomphosis nối răng vào ổ răng
2. Phân loại theo cấu trúc:
a. Khớp hoạt dịch (synovial): là khớp có ổ khớp chứa chất hoạt dịch làm trơn khớp, cho phép khớp cử động tự do. Loại khớp này phổ biến ở các chi. Khớp đội - chẩm, các khớp đội - trục, các khớp sườn – đốt sống và các khớp sườn - mỏm ngang cũng là những khớp hoạt dịch.
Cấu tạo của khớp hoạt dịch: gồm diện khớp (khoang khớp, hoạt dịch, sụn khớp, xương dưới sụn) và các phương tiện nối khớp (bao khớp, dây chằng, gân, cơ).
• Khoang khớp (joint cavity): chứa hoạt dịch, luôn có áp suất âm để khớp có độ bền vững chắc.
• Hoạt dịch (synovial fluid): được hình thành qua một quá trình siêu lọc huyết thanh từ các tế bào của màng hoạt dịch. Hoạt dịch cung cấp chất dinh dưỡng cho sụn khớp (vô mạch) và độ nhớt cần thiết để hấp thụ sốc từ những cử động chậm, cũng như độ đàn hồi cần thiết để hấp thụ sốc từ những chuyển động nhanh. Tế bào hoạt dịch cũng sản xuất axit hyaluronic, một glycosaminoglycan – thành phần vô bào chính của hoạt dịch.
• Sụn khớp (articular cartilage, hyaline cartilage): mặt khớp của các xương luôn được bọc bằng một lớp sụn trong, mỏng, chắc và dai bao phủ đầu xương để ngăn ngừa các đầu xương cọ sát trực tiếp vào nhau, làm giảm bớt ma sát khi vận động. Sụn khớp được bao quanh bởi chất nền ngoại bào gồm các đại phân tử khác nhau, quan trọng nhất proteoglycans và collagen. Sụn khớp tạo điều kiện cho chức năng khớp và bảo vệ xương dưới sụn bằng cách phân phối tải trọng, duy trì áp lực tiếp xúc thấp, và giảm ma sát ở các khớp. Khi các mặt khớp có hình thể chưa thật thích ứng với nhau, có thể có thêm sụn viền (labrum) để làm tăng bề mặt tiếp xúc với các diện khớp, làm cho áp lực các xương được dàn đều (ví dụ: sụn viền quanh ổ chảo khớp vai, ổ cối ở khớp háng); hoặc sụn chêm (meniscus) là những tấm sụn xơ đệm vào giữa hai diện khớp, nằm xen giữa phần ngoại vi của hai mặt khớp để làm tăng độ thích hợp giữa các diện khớp (ví dụ: sụn chêm ở khớp gối). Cũng có khi hai mặt khớp không tiếp xúc trực tiếp với nhau mà giãn cách nhau bởi một đĩa sụn - sợi gọi là đĩa khớp (discus).
Sụn viền ở khớp vai Sụn chêm ở khớp gối: nằm giữa lồi cầu đùi và mâm chày
• Xương dưới sụn (subchondral bone).
• Bao khớp (joint capsule): bám vào rìa ngoài chu vi các diện khớp.
Bao khớp có hai lớp:
* Bao trong là màng hoạt dịch (synovial membrane, bursa): còn được gọi là màng hoạt dịch bao khớp, chứa hoạt dịch, là lớp tế bào biểu mô lót mặt trong của bao khớp cho tới chỗ bao khớp dính vào xương thì lật lên bọc phần đầu xương tới tận rìa sụn khớp, do tổ chức liên kết sợi xốp tạo nên. Lớp tế bào nội mô tiết ra chất hoạt dịch là một dịch trong có màu vàng nhạt, mang tính kiềm, ở điều kiện bình thường hàm lượng chỉ có 0,3 - 2 ml. Trong chất hoạt dịch có chất điện giải, đường và protein. Các tác dụng của chất này là bôi trơn, cung cấp các chất dinh dưỡng cho những cấu trúc bên trong ổ khớp và qua đó giúp duy trì tính bền vững của khớp. Chất dịch giữ cho các mặt khớp không tách rời nhau, như những cái đệm chống lại ma sát.
* Bao ngoài là bao xơ (fibrous capsule): bọc quanh khớp và giữ các xương với nhau, do tổ chức liên kết sợi chắc tạo nên. Tùy chức năng khớp khác nhau mà độ dày mỏng khác nhau. Mỗi đầu của bao xơ dính quanh một đầu xương và đường dính này ít nhiều ở cách xa mép (bờ chu vi) sụn khớp. Bao đủ lỏng để khớp có thể cử động tự do cũng như đủ chắc để giữ cho khớp khỏi bị tổn thương.
• Dây chằng (ligament): là những dải mô xơ kết nối các đầu xương với nhau để tạo thành một khớp, có tác dụng tăng cường cho khớp, hạn chế các cử động không đúng hướng. Có ba loại: dây chằng bao khớp là chỗ dày lên của bao khớp, dây chằng ngoài bao khớp và dây chằng trong bao khớp (nhưng ngoài bao hoạt dịch).
• Gân (tendon): là những dải xơ kết nối cơ với xương.
• Cơ (muscle): giữ xương tại chỗ và xương cử động được là nhờ cơ co hoặc giãn.
• Mô liên kết (connective tissue), thần kinh (nerve) và mạch máu (blood vessel): thần kinh và mạch máu đi qua khớp thường phân nhánh vào những cơ vận động và cấu trúc của khớp đó.
b. Khớp sụn (cartilaginous): Ở loại khớp này, có một đệm sụn - sợi trắng ở giữa các đầu xương tiếp khớp. Khả năng cử động hạn chế mà khớp có được là nhờ đệm sụn - sợi có khả năng chịu được sức nén ép (hay đàn hồi). Ví dụ, các khớp bán động như khớp mu và các khớp giữa các thân đốt sống.
c. Khớp sợi (fibrous): là các khớp bất động vì các xương liên kết với nhau bằng mô sợi. Khớp giữa các xương sọ (các đường khớp hay khớp khâu), khớp giữa chân răng và huyệt răng (khớp cọc), khớp giữa đầu dưới hai xương chày và mác (khớp dính sợi chày - mác dưới) là những ví dụ về khớp sợi.
Mời các bạn đọc phần II: Đại cương về Thoái hóa khớp/Viêm khớp xương
Mời các bạn đọc phần II: Đại cương về Thoái hóa khớp/Viêm khớp xương
Asia Clinic, Ngày thứ Bảy, 30/5/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét