nha ban quan tan binh | mua nha quan tan binh

Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014

ESSAY LÀ SỰ KHÁC BIỆT

Bài đọc liên quan:

Việc học là con thuyền đi ngược nước, không tiến ắt phải lùi. Việc học có nhiều cái khó. Nó đòi hỏi người ta phải có sự kiên trì, kỷ luật và một đầu óc tối thiểu phải bình thường. Nhưng học làm sao mà để cho người khác phải bỏ tiền ra cho mình ăn học, thì mới nên học. Đặc biệt, việc du học mà có học bổng thì càng khó hơn. Trong 18 yếu tố mà các trường trung học và đại học của Hoa Kỳ đưa ra để xét tuyển cho học bổng đối với du học sinh thì yếu tố nào cũng có thể tạo ra sự khác biệt cho thí sinh. Nhưng essay - bài luận - là một yếu tố vô cùng quan trọng hầu như tất cả mọi trường, dù, nặng nhẹ khác nhau. Essay cũng là cái mà làm cho thí sinh khó khăn nhất, căng thẳng đến stress mất ăn, mất ngủ để nghĩ ra được ý tưởng viết làm sao tốt nhất. Thế thì, hội đồng xét tuyển nhìn vào bài luận ở yếu tố nào để có ấn tượng với thí sinh, mà cho học bổng?

Đó là sự khác biệt! Sự khác biệt của bài luận nói lên điều gì, và nó nằm ở đâu trong bài luận của một thí sinh?

Văn là người, qua bài luận người đọc sẽ tìm thấy người viết thuộc loại người nào? Thẳng thắng, trung thực?Lắm lời, hay hiệu quả? Loại người có thể làm nghiên cứu hay loại người có thể làm việc thương trường? Loại thông minh hay bình thường? v.v... và v.v... Tại sao?

Đối với những trường danh tiếng, việc đòi hỏi không chỉ một bài luận, mà thậm chí đến 5 bài luận là chuyện bình thường. Trong những bài luận ấy, hội đồng tuyển sinh muốn biết thí sinh trả lời những câu hỏi loại 5Ws: Who - bạn là ai? Where - bạn từ đâu đến? What - bạn là thuộc loại người có thiên hướng, tài năng gì? và How - bạn làm thế nào để thuyết phục hội đồng tuyển sinh? Một số trường còn đặc biệt lưu ý đến When - bạn biết đến chuyện du học và trường mà bạn đang xin học bổng từ khi nào?

Vì mỗi năm, hội đồng tuyển sinh phải bỏ thì giờ vàng bạc ra để đọc hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn bài luận của thí sinh để tìm ra sự khác biệt. Cho nên, rất mệt mỏi và nhàm chán khi phải lướt qua những câu văn nhàm chán, lập đi, lập lại kiểu: Tôi tên là gì. Tôi từ đâu đến. Tôi đã học những gì ở đâu. Tôi thích trường XYZ vì... tất cả những điều này thể hiện thí sinh kém thông minh, mà đã kém thông minh thì không có sự khác biệt, dù bảng điểm của thí sinh có đẹp bằng vàng mười!

Sự khác biệt cũng được chia làm nhiều cấp độ khác nhau. Ở mức độ nhận thí sinh học thì sự khác biệt phải khác với những thí sinh không được nhận vào học. Ở mức độ cao hơn nữa, đã được nhận vào học, nhưng sự khác biệt phải gây ấn tượng hơn để được nhận học bổng. Trong nhận học bổng còn chia ra nhận bán phần, hay toàn phần, thì sự khác biệt của toàn phần phải là sự khác biệt rất đặc biệt.

Với một bài luận khác biệt với các thí sinh khác thì đòi hỏi phải hội đủ những yếu tố gì? 

Thứ nhất, bài luận phải ngắn mà đủ nói lên điều muốn nói để trả lời 5Ws mà tôi đã nói ở trên. Ngắn để chứng tỏ thí sinh có khả năng tư duy tổng hợp và đúc kết một vấn đề phức tạp. Nó chứng minh người viết là người khoa học và thông minh. Ngắn bao nhiêu thì tốt nhất? Phải dưới hoặc bằng 400 từ, không nên quá 400 từ. 200 từ mà nói đủ còn hơn dài mà đủ làm loảng điều ta muốn nói. Vì không ai có thì giờ để xem thí sinh ca cẩm, tả cảnh, tả tình kiểu tiểu thuyết! Các bạn nên hiểu rằng, người Mỹ thực dụng, và họ hiểu viết dài ai cũng có thể viết được, nhưng viết ngắn mà đủ thì không phải ai cũng có khả năng để viết.

Thứ hai, phải trung thực đúng với cái mình có, nhưng lại khác biệt với những thí sinh khác trong cùng một hoàn cảnh. Tôi đã từng tư vấn bài luận về chủ đề Who làm sao để khác biệt cho một bạn trẻ là người Việt. Bạn trẻ này có hoàn cảnh là được sinh ra ở châu Âu, vì ba mẹ gặp nhau và lấy nhau khi là du sinh Đông Âu, sinh bạn ấy ra ở Đông Âu. Bạn trẻ ấy phải học chương trình cấp phổ thông trung học ở Việt nam, trong khi học cấp phổ thông cơ sở ở Đông Âu. Và bạn này đã lấy học bổng toàn phần một đại học danh tiếng Hoa Kỳ, chỉ bằng 200 từ về hoàn cảnh học tập khó khăn sau khi về Việt Nam bằng một đoạn văn về văn hóa ứng xử, và sự kiên trì để thành công rất thực của bạn trẻ này. Dĩ nhiên, bài luận phải thể hiện đúng những gì bạn trẻ này đã thể hiện trong học tập.

Các bạn nên nhớ rằng, không cần phải kể chuyện học hành nhì nhằng, dài dòng như thế nào mới nói ra mình là ai. Ta có thể thông qua hoàn cảnh khó khăn của một người trẻ 14 tuổi thay đổi hoàn cảnh sống, văn hóa sống, khó khăn về ngôn ngữ khi về nước, nhưng vẫn phấn đấu để học giỏi là hội đồng tuyển sinh đủ thấy hết khả năng của thí sinh. Và đó là sự khác biệt trong essay. Việc này không khó cho những du học sinh Việt Nam du học từ lúc còn phổ thông, khi làm bài luận xin học bổng vào đại học.

Và thứ ba cũng là cuối cùng, bất kỳ bài luận nào cũng nên chọn một tình huống khác biệt để vào đề, và trả lời đủ 5Ws càng tốt cho các bạn. Tôi xin đơn cử bài luận quan trọng nhất trong tất cả các bài luận là Who, nói về mình - Personal Statement Essay - mà tôi đã tư vấn cho bạn trẻ đoạt học bổng toàn phần vào Yale University như sau:

"Tôi là một đứa trẻ mang trong tâm hồn hai dòng văn hóa khác biệt. Tôi sinh ra ở Cộng Hòa Séc khi bố mẹ tôi còn là những du học sinh tại đây. Tôi đã là một đứa trẻ sống, suy nghĩ, hành động, nghe, nói, đọc và viết bằng bản ngữ là tiếng Tiệp Khắc cho đến năm tôi học lớp 9. Năm tôi 14 tuổi 9 tháng - năm 2009 - gia đình tôi chuyển về sống ở Việt Nam, vì ba mẹ tôi phải chuyển công tác về lại quê nhà. 

Sự bở ngỡ ban đầu khi phải học tiếp tục chương trình trung học phổ thông bằng tiếng Việt, và cung cách đối xử cảm tính của các bạn cùng trang lứa là những khó khăn to lớn mà tôi tưởng chừng như không vượt qua được. Nhưng với những động viên của gia đình, tư duy độc lập tự tin và sự năng động của một đứa trẻ được giáo dục với văn hóa duy lý phương Tây, chúng đã giúp tôi hội nhập với cộng đồng học sinh Việt nam chỉ trong học kỳ đâu tiên năm học mới, và đạt thành quả tốt trong học tập, hoạt động cộng đồng trong 3 năm trung học tại Việt Nam.

Tôi có thể tự tin rằng mình có thể hòa nhập và đủ khả năng học tập cũng như làm việc trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào trong tương lai, dù đó là Yale University - một ngôi trường thuộc nhóm Ivy League mà tôi hằng mong ước kể cả trong những giấc mơ!"

Chỉ cần vậy thôi, không dài dòng cũng đủ để cả hội đồng thấy được cái thông minh, khoa học và cả 5Ws mà họ cần biết về bạn một cách khác biệt. Mặc dù không ai dám vỗ ngực xưng tên rằng mình là người viết bài luận nhập học đại học Hoa Kỳ tốt nhất.

Các bạn nên nhớ rằng, mỗi từ trong bài luận của bạn đáng giá 1.000 đô la khi viết nó ra để làm sao Hội đồng xét tuyển phải giật mình vì bạn quá thông minh, quá bất ngờ sao ở trên đời lại có đứa học sinh thông minh như thế này? Và họ phải đọc đi, đọc lại vì sướng khi gặp một đứa trẻ vừa thông minh, vừa có đầu óc sắp xếp các ý tưởng, vừa có tư chất leader trong chỉ một vài trăm từ.

Mùa tuyển sinh năm nay đã qua đi ở Hoa Kỳ ở các trường danh tiếng, nhưng ở các trường không có deadline nhập học vẫn còn đó, và ngay cả tuyển sinh mùa xuân vẫn còn đang chờ phía trước, thậm chí cả những mùa sau vẫn không quá muộn cho những ai có một ước mơ. Chúc các bạn trẻ thành công trên con thuyền ngược nước.

Tư Gia, cuối Đông Quý Tỵ, đầu Xuân Giáp Ngọ - 17h33' ngày 28/01/2014 

Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

CỐ BS DƯƠNG QUỲNH HOA: CUỘC ĐỜI VÀ CÁI CHẾT RẤT BUỒN CỦA MỘT CON NGƯỜI CHÍNH TRỰC

Bài này của tác giả Mai Thanh Truyết viết sau khi cố BS Dương Quỳnh Hoa mất. Mới mà đã 8 năm rồi. Một số các bạn muốn biết về nữ chí sĩ được xem là người đầu tiên thẳng thắn ra khỏi đảng cộng sản ở Việt Nam vào năm 1979. Bài viết tương đối đầy đủ. Ai chưa đọc thì nên đọc, vì gần đây rộ lên phong trào ra khỏi đảng của những nhân vật một thời sùng kính đảng cộng sản như một tôn giáo. Hôm nay, tôi xin lưu lại ở đây như một nén hương tưởng nhớ 8 năm ngày mất của Bà, một đồng nghiệp đàn Chị, mà tôi đã từng gặp, và tâm sự năm 1986 và vài lần sau đó năm 2001. Vẫn còn nhiều vấn đề về Bà mà một số bài báo phỏng vấn sau này đều bịa đặt để bôi nhọ Bà.

Mai Thanh Truyết 

Bà Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa (DQH) vừa nằm xuống ngày thứ bảy 25–2–2006 tại Sài Gòn, và cũng vừa được hỏa táng vào ngày thứ ba 28/2. Báo chí trong nước cho đến hôm nay, không hề loan tải tin tức trên. Đài BBC có phỏng vấn Ông Võ Nhơn Trí ở Pháp về tin nầy và phát đi ngày 28/2.

Sự im lặng của Việt Nam khiến cho người viết thấy có nhu cầu trang trãi và chia xẻ một số suy nghĩ về cái chết của BS DQH để từ đó rút ra thêm một kinh nghiệm sống về tính chất “chuyên chính vô sản” của những người cầm quyền tại Việt Nam hiện tại.

Ô. Bà DQH và Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam

BS DQH là một người sống trong một gia đình theo Tây học, có uy tín và thế lực trong giới giàu có ở Sài Gòn từ thập niên 40. Cha là GS Dương Minh Thới và anh là LS Dương Trung Tín; gia đình sống trong một biệt thự tại đường Bà Huyện Thanh Quan xéo góc Bộ Y tế (VNCH) nằm trên đường Hồng Thập Tự. LS Tín đã bị ám sát tại Đà Lạt trong đó cái chết của ông cũng không được soi sáng, nhưng đa phần có nhiều nghi vấn là do lý do chính trị vì ông có khuynh hướng thân Pháp thời bấy giờ.

Về phần Bà Hoa, được đi du học tại Pháp vào cuối thập niên 40, đã đỗ bằng Bác sĩ Y khoa tại Paris và về lại Việt Nam vào khoảng 1957 (?). Bà có quan niệm cấp tiến và xã hội, do đó Bà đã gia nhập vào Đảng CS Pháp năm 1956 trước khi về nước.

Từ những suy nghĩ trên, Bà hoạt động trong lãnh vực y tế và lần lần được móc nối và gia nhập vào Đảng CSVN. Tháng 12/1960, Bà trở thành một thành viên sáng lập của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam VN dưới bí danh Thùy Dương, nhưng còn giữ bí mật cho đến khi Bà chạy vô “bưng” qua ngõ Ba Thu –Mõ Vẹt xuyên qua Đồng Chó Ngáp. Ngay sau biến cố Tết Mậu Thân, tin tức trên mới được loan tải qua đài phát thanh của Mặt Trận.

Khi vào trong bưng, Bà gặp GS Huỳnh Văn Nghị (HVN) và kết hôn với GS. Trở qua GS Huỳnh Văn Nghị, Ông cũng là một sinh viên du học tại Pháp, đỗ bằng Cao học (DES) Toán. Về VN năm 1957, ông dạy học tại trường Petrus Ký trong hai năm, sau đó qua làm ở Nha Ngân sách và Tài chánh. Ông cũng có tinh thần thân Cộng, chạy vô “bưng” năm 1968 và được kết nạp vào đảng sau đó.

Do “uy tín” chính trị quốc tế của Bà Hoa thời bấy giờ rất cao, Mặt Trận, một lá bài của CS Bắc Việt, muốn tận dụng uy tín nầy để tạo sự đồng thuận với chính phủ Pháp hầu gây rối về mặt ngoại giao cho VNCH và đồng minh Hoa Kỳ. Từ những lý do trên, Bà Hoa là một người rất được lòng Bắc Việt, cũng như Ông Chồng là GS HVN cũng được nâng đở theo. Vào đầu thập niên 70, Ông được chuyển ra Bắc và được huấn luyện trong trường đảng. Tại đây, với một tinh thần thông thoáng dân tộc, cộng thêm nhiều lý luận toán học, Ông đã phân tích và chứng minh những lý thuyết giảng dạy ở trường đảng đều không có căn bản lý luận vững chắc và Ông tự quyết định rời bõ không tiếp tục theo học trường nầy nữa.

Nhưng chính nhờ uy tín của Bà DQH trong thời gian nầy cho nên ông không bị trở ngại về an ninh. Cũng cần nên nói thêm là ông đã từng được đề cử vào chức vụ Bộ trưởng Kinh tế nhưng ông từ chối.

Ô.B DQH và Đảng Cộng sản VN

Chỉ một thời gian ngắn sau khi CS Bắc Việt giải tán Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam, Ô Bà lúc đó mới vở lẽ ra. Về phần Ô HVN, ông hoàn toàn không hợp tác với chế độ. Năm 1976, trong một buổi ăn tối với 5 người bạn thân thiết, có tinh thần “tiến bộ”, Ông đã công khai tuyên bố với các bạn như sau:”Các “toi” muốn trốn thì trốn đi trong lúc nầy. Đừng chần chờ mà đi không kịp. Nếu ở lại, đừng nghĩ rằng mình đã có công với “cách mạng” mà “góp ý” với đảng”. Ngay sau đó, một trong người bạn thân là Nguyễn Bá Nhẫn vượt biên và hiện cư ngụ tại Pháp. Còn 4 người còn lại là Lý Chánh Trung (giáo sư văn khoa Sài Gòn), Trần Quang Diệu (TTKý Viện Đại học Đà Lạt), Nguyễn Đình Long (Nha Hàn..g không Dân sự), và một người nữa người viết không nhớ tên không đi. Ông Trung và Long hiện còn ở Việt Nam, còn ông Diệu đang cư ngụ ở Canada.

Trở lại BS DQH, sau khi CS chiếm đóng miền Nam tháng 4/1975, Bà Hoa được “đặt để” vào chức vụ Tổng trưởng Y tế, Xã hội, và Thương binh trong nội các chính phủ. Vào tháng 7/75, Hà Nội chính thức giải thể chính phủ Lâm thời và nắm quyền điều hành toàn quốc, chuyển Bà xuống hàng Thứ trưởng và làm bù nhìn như Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Thị Định… Chính trong thời gian nầy Bà lần lần thấy được bộ mặt thật của đảng CS và mục tiêu của họ không phải là phục vụ đất nước Việt Nam mà chính là làm nhiệm vụ của CS quốc tế là âm mưu nhuộm đỏ vùng Đông Nam Á.

Vào khoảng cuối thập niên 70, Bà đã trao đổi cùng Ô Nguyễn Hữu Thọ:”Anh và tôi chỉ đóng vai trò bù nhìn và chỉ là món đồ trang sức rẻ tiền cho chế độ. Chúng ta không thể phục vụ cho một chế độ thiếu dân chủ và không luật lệ. Vì vậy tôi thông báo cho anh biết là tôi sẽ trả lại thẻ Đảng và không nhận bất cứ nhiệm vụ nào trong chính phủ cả”. Đến năm 1979, Bà chính thức từ bỏ tư cách đảng viên và chức vụ Thứ trưởng. Dĩ nhiên là Đảng không hài lòng với quyết định nầy; nhưng vì để tránh những chuyện từ nhiệm tập thể của các đảng viên gốc miền Nam, họ đề nghị Bà sang Pháp. Nhưng sau cùng, họ đã lấy lại quyết định trên và yêu cầu Bà im lặng trong vòng 10 năm.

Mười năm sau đó, sau khi được “phép” nói, Bà nhận định rằng Đảng CS Việt Nam tiếp tục xuất cảng gạo trong khi dân chúng cả nước đang đi dần đến nạn đói. Và nghịch lý thay, họ lại yêu cầu thế giới giúp đỡ để giải quyết nạn nghèo đói trong nước. Trong thời gian nầy Bà tuyên bố :” Trong hiện trạng của Đất Nước hiện tại (thời bấy giờ), xuất cảng gạo tức là xuất cảng sức khỏe của người dân” Và Bà cũng là một trong những người đầu tiên lên tiếng báo động vào năm 1989 cho thế giới biết tệ trạng bán trẻ em Việt Nam ngay từ 9,10 tuổi cho các dịch vụ tình dục trong khách sạn và các khu giải trí dành cho người ngoại quốc do các cơ quan chính phủ và quân đội điều hành.

Sau khi rời nhiệm vụ trong chính phủ, Bà trở về vị trí của một BS nhi khoa. Qua sự quen biết với giới trí thức và y khoa Pháp, Bà đã vận động được sự giúp đở của hai giới trên để thành lập Trung Tâm Nhi Khoa chuyên khám và chữa trị trẻ em không lấy tiền và Bà cũng được viện trợ thuốc men cho trẻ em Việt Nam suy dinh dưỡng nhất là acid folic và các lọai vitamin. Nhưng tiếc thay, số thuốc trên khi về Việt Nam đã không đến tay Bà mà tất cả được chuyển về Bắc. Bà xin chấm dứt viện trợ, nhưng lại được “yêu cầu” phải xin lại viện trợ vì…nhân dân (của Đảng!). Về tình trạng trẻ con suy dinh dưỡng, với tính cách thông tin, chúng tôi xin đưa ra đây báo cáo của Bà Anneke Maarse, chuyên gia tư vấn của UNICEF trong hội nghị ngày 1/12/03 tại Hà Nội :” Hiện Việt Nam có 5,1 triệu người khuyết tật chiếm 6,3% trên tổng số 81 triệu dân. Qua khảo sát tại 648 gia đình tại ba vùng Phú Thọ, Quảng Nam và Tp HCM cho thấy có tới 24% trẻ em tàn tật dạng vận động, 92,3% khuyết tật trí tuệ, và 19% khuyết tật thị giác lẫn ngôn ngữ. Trong số đó tỷ lệ trẻ em khuyết tật bẩm sinh chiếm tới 72%.

Vào năm 1989, Bà đã được ký giả Morley Safer, phóng viên của đài truyền hình CBS phỏng vấn. Những lời phỏng vấn đã được ghi lại trong cuốn sách của ông dưới tựa đề Flashbacks on Returning to Việt Nam do Random House, Inc. NY, 1990 xuất bản. Qua đó, một sự thật càng sáng tỏ là con của Bà, Huỳng Trung Sơn bị bịnh viêm màng não mà Bà không có thuốc để chữa trị khi còn ở trong bưng và đây cũng là một sự kiện đau buồn nhất trong đời Bà. Cũng trong cuốn sách vưà kể trên, Bà cũng đã tự thú là đã sai lầm ở một khoảng thời gian nào đó. Nhưng Bà không luyến tiếc vì Bà đã đạt được mục đích là làm cho những người ngoại quốc ra khỏi đất nước Việt Nam.

Sau cùng, chúng tôi xin liệt kê ra đây hai trong những nhận định bất hủ của BS DQH là :”Trong chiến tranh, chúng tôi sống gần nhân dân, sống trong lòng nhân dân. Ngày nay, khi quyền lực nằm an toàn trong tay rồi, đảng đã xem nhân dân như là một kẽ thù tiềm ẩn”. Và khi nhận định về bức tường Bá Linh, Bà nói:” Đây là ngày tàn của một ảo tưởng vĩ đại”.

BS DQH và Vụ kiện Da Cam

Theo nhiều nguồn dư luận hải ngoại, trước khi ký kết Thương ước Mỹ-Việt dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Clinton, hai chính phủ đã đồng ý trong một cam kết riêng không phổ biến là Việt Nam sẽ không đưa vụ Chất độc màu Da cam để kiện Hoa Kỳ, và đối lại, Mỹ sẽ ký thương ước với Việt Nam và sẽ không phủ quyết để Việt Nam có thể gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong t ương lai.

Có lẽ vì “mật ước” Mỹ-Việt vừa nêu trên, nên Việt Nam cho thành lập Hội Nạn nhân chất Độc Da cam/Dioxin Việt Nam ngày 10/1/2004 ngay sau khi có quyết định chấp thuận của Bộ Nội vụ ngày 17/12/2003. Đây là một Hội dưới danh nghĩa thiện nguyện nhưng do Nhà Nước trợ cấp tài chính và kiểm soát. Ban chấp hành tạm thời của Hội lúc ban đầu gồm:
- Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước làm Chủ tịch danh dự;
- Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị QĐND làm Chủ tịch;
- GS,BS Nguyễn Trọng Nhân, nguyên Bộ trưởng Y tế, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam làm Phó Chủ tịch;
- Ô Trần Văn Thụ làm Thư ký.

Trong buổi lễ ra mắt, Bà Bình đã khẳng định rõ ràng rằng:”Chính phủ Mỹ và các công ty sản xuất chất độc hoá học da cam phải thừa nhận trách nhiệm tinh thần, đạo đức và pháp lý. Những người phục vụ chính thể Việt NamCộng Hòa cũ ở miền Nam không được đưa vào danh sách trợ cấp”. Theo một bản tin của Thông tấn xã Việt Nam thì đây là một tổ chức của những nạn nhân chất Da cam, cũng như các cá nhân, tập thể tự nguyện đóng góp để giúp các nạn nhân khắc phục hậu quả chất độc hoá học và là đại diện pháp lý của các nạn nhân Việt Nam trong các quan hệ với các tổ chức và cơ quan trong cũng như ngoài nước. Thế nhưng, trong danh sách nạn nhân chất da cam trong cả nước được Việt Nam ước tính trên 3 triệu mà chính phủ đã thiết lập năm 2003 để cung cấp tiền trợ cấp hàng tháng, những nạn nhân đã từng phục vụ cho VNCH trước đây thì không được đưa vào danh sách nầy (Được biết năm 2001, trong Hội nghị Quốc tế tại Hà Nội, số nạn nhân được Việt Nam nêu ra là 2 triệu!). Do đó có thể nói rằng, việc thành lập Hội chỉ có mục đích duy nhất là hỗ trợ cho việc kiện tụng mà thôi.

Vào ngày 30/1/2004, Hội đã nộp đơn kiện 37 công ty hóa chất ở Hoa Kỳ tại tòa án liên bang Brooklyn, New York do luật sư đại diện cho phía Việt Nam là Constantine P. Kokkoris. (Được biết LS Kokkoris là một người Mỹ gốc Nga, đã từng phục vụ cho tòa Đại sứ Việt ở Nga Sô và có vợ là người Việt Nam họ Bùi). Hồ sơ thụ lý gồm 49 trang trong đó có 240 điều khoảng. Danh sách nguyên đơn liệt kê như sau:
- Hội Nạn nhân Chất Da cam/Dioxin Việt Nam;
- Bà Phan Thị Phi Phi, giáo sư Đại học Hà Nội;
- Ông Nguyễn Văn Quý, cựu chiến binh tham chiến ở miền Nam trước 1975, cùng với hai người con là Nguyễn Quang Trung (1988) và Nguyễn Thị Thu Nga (1989);
- Bà Dương Quỳnh Hoa, Bác sĩ, nguyên Bộ trưởng Y tế Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam, và con là Huỳnh Trung Sơn; và
- Những người cùng cảnh ngộ.

Đây là một vụ kiện tập thể (class action) và yêu cầu được xét xử có bồi thẩm đoàn. Các đương đơn tố các công ty Hoa Kỳ đã vi phạm luật pháp quốc tế và tội ác chiến tranh, vi phạm luật an toàn sản phẩm, cẩu thả và cố ý đả thương, âm mưu phạm pháp, quấy nhiễu nơi công cộng và làm giàu bất chánh để: (1) Đòi bồi thường bằng tiền do thương tật cá nhân, tử vong, và dị thai và (2) Yêu cầu tòa bắt buộc làm giảm ô nhiễm môi trường, và (3) Để hoàn trả lại lợi nhuận mà các công ty đã kiếm được qua việc sản xuất thuốc khai quang.

Không có một bằng chứng nào được đính kèm theo để biện hộ cho các cáo buộc, mà chỉ dựa vào tin tức và niềm tin (nguyên văn là upon information and belief). Tuy nhiên, đơn kiện có nêu đích danh một số nghiên cứu mới nhất về dioxin của Viện Y khoa thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ, công ty cố vấn Hatfield Consultants của Canada, Bác sĩ Arnold Schecter của trường Y tế Công cộng Houston thuộc trường Đại học Texas, và Tiến sĩ Jeanne Mager Stellman của trường Đại học Columbia, New York.

Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến trường hợp của BS Dương Quỳnh Hoa cũng như quá trình hoạt động của Bà từ những năm 50 cho đến hiện tại. Tên Bà nằm trong danh sách nguyên đơn cũng là một nghi vấn cần phải nghiên cứu cặn kẽ.

Theo nội dung của hồ sơ kiện tụng, từ năm 1964 trở đi, Bà thường xuyên đi đến thành phố Biên Hòa và Sông Bé (?) là những nơi đã bị phun xịt thuốc khai quang nặng nề. Từ năm 1968 đến 1976, nguyên đơn BS Hoa là Tổng trưởng Y tế của Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam và ngụ tại Tây Ninh. Trong thời gian nầy Bà phải che phủ trên đầu bằng bao nylon và đã đi ngang qua một thùng chứa thuốc khai quang mà máy bay Mỹ đã đánh rơi. (Cũng xin nói ở đây là chất da cam được chứa trong những thùng phuy 200L và có sơn màu da cam. Chất nầy được pha trộn với nước hay dầu theo tỷ lệ 1/20 hay hơn nữa và được bơm vào bồn chứa cố định trên máy bay trước khi được phun xịt. Như vậy làm gì có cảnh thùng phuy rơi rớt!?).

Năm 1970, Bà hạ sinh đứa con trai tên Huỳnh Trung Sơn (cũng có tên trong đơn kiện như một nguyên đơn, tuy đã mất) bị phát triển không bình thường và hay bị chứng co giật cơ thể. Sơn chết vào lúc 8 tháng tuổi.

Trong thời gian chấm dứt chiến tranh, BS Hoa bắt đầu bị chứng ngứa ngáy ngoài da. Năm 1971, Bà có mang và bị sẩy thai sau 8 tuần lễ. Năm 1972, Bà lại bị sẩy thai một lần nữa, lúc 6 tuần mang thai. Năm 1985, BS Hoa đã được chẩn bịnh tiểu đường. Và sau cùng năm 1998 Bà bị ung thư vú và đã được giải phẩu. Năm 1999, Bà được thử nghiệm máu và BS Schecter (Hoa Kỳ) cho biết là lượng Dioxin trong máu của Bà có nồng độ là 20 ppt (phần ức).

Và sau cùng, kết luận trong hồ sơ kiện tụng là: Bà BS Hoa và con là nạn nhân của chất độc Da cam.

Qua những sự kiện trên chúng ta thấy có nhiều điều nghịch lý và mâu thuẫn về sự hiện diện của tên Bà trong vụ kiện ở Brooklyn?

Để tìm giải đáp cho những điều nghịch lý trên, chúng tôi xin trích dẫn những phát biểu của Bà trong một cuộc tiếp xúc thân hữu tại Paris trung tuần tháng 5/2004. Theo lời Bà (từ miệng Bà nói, lời của một người bạn tên VNT có mặt trong buổi tiếp xúc trên) thì “người ta đã đặt tôi vào một sự đã rồi (fait accompli).

Tên tôi đã được ghi vào hồ sơ kiện không có sự đồng ý của tôi cũng như hoàn toàn không thông báo cho tôi biết. Người ta chỉ đến mời tôi hợp tác khi có một ký giả người Úc thấy tên tôi trong vụ kiện yêu cầu được phỏng vấn tôi. Tôi chấp nhận cuộc gặp gỡ với một điều kiện duy nhất là tôi có quyền nói sự thật, nghĩa là tôi không là người khởi xướng vụ kiện cũng như không có ý muốn kiện Hoa Kỳ trong vấn đề chất độc da cam.”Dĩ nhiên cuộc gặp gỡ giữa Bà Hoa và phóng viên người Úc không bao giờ xảy ra.

Bà còn thêm rằng:” Trong thời gian mà tất cả mọi người nhất là đảng CS bị ám ảnh về việc nhiễm độc dioxin, tôi cũng đã nhờ một BS Hoa Kỳ khám nghiệm (khoảng 1971) tại Pháp và kết quả cho thấy là lượng dioxin trong máu của tôi dưới mức trung bình (2ppt).”

Đến đây, chúng ta có thể hình dung được kết quả của vụ kiện.Và ngày 10 tháng 3 năm 2005, Ông chánh án Jack Weinstein đã tuyên bố hủy bõ hoàn toàn vụ kiện tại tòa án Brooklyn, New York. 

Bài học được rút ra từ cái chết của BS DQH.

Từ những tin tức về đời sống qua nhiều giai đoạn của Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, hôm nay Bà đã đi trọn quảng đường của cuộc đời Bà. Những bước đầu đời của Bà bắt đầu với bầu nhiệt huyết của tuổi thanh niên, lý tưởng phục vụ cho tổ quốc trong sáng. Nhưng chính vì sự trong sáng đó Bà đã không phân biệt và bị mê hoặc bởi những lý thuyết không tưởng của hệ thống cộng sản thế giới. Do đó Bà đã bị lôi cuốn vào cơn gió lốc của cuộc chiến VN. Và Bà đã đứng về phía người Cộng sản.

Khi đã nhận diện được chân tướng của họ, Bà bị vỡ mộng và có phản ứng ngược lại. Nhưng vì thế cô, Bà không thể nào đi ngược lại hay “cải sửa” chế độ. Rất may cho Bà là Bà chưa bị chế độ nghiền nát. Không phải vì họ sợ hay thương tình một người đã từng đóng góp cho chế độ (trong xã hội CS, loại tình cảm tiểu tư sản như thế không thể nào hiện hữu được), nhưng chính vì họ nghĩ còn có thể lợi dụng được Bà trong những mặc cả kinh tế – chính trị giữa các đối cực như Pháp và Hoa Kỳ, trong đó họ chiếm vị thế ngư ông đắc lợi. Vì vậy, họ không triệt tiêu Bà.

Hôm nay, chúng ta có thể tiếc cho Bà, một người Việt Nam có tấm lòng yêu nước nhưng không đặt đúng chỗ và đúng thời điểm; do đó, khi đã phản tỉnh lại bị chế độ đối xử tệ bạc. Tuy nhiên, với một cái chết trong im lặng, không kèn không trống, không một thông tin trên truyền thông về một người đã từng có công đóng góp một phần cho sự thành tựu của chế độ như Bà đã khiến cho chúng ta phải suy nghĩ, suy nghĩ về tính vô cảm của người cộng sản, cũng như suy nghĩ về tính chuyên chính vô sản của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Đối với chế độ hiện hành, sẽ không bao giờ có được sự đối thoại bình đẳng, trong đó tinh thần tôn trọng dân chủ dứt khoát không hề hiện hữu như các sinh hoạt chính trị của những quốc gia tôn trọng nhân quyền trên thế giới. Vì vậy, với cơ chế trên, hệ thống XHCN sẽ không bao giờ biết lắng nghe những tiếng nói “đóng góp” đích thực cho công cuộc xây dựng Đất và Nước cả.

Bài học DQH là một bài học lớn cho những ai còn hy vọng rằng cơ hội ngày hôm nay đã đến cho những người còn tâm huyết ở hải ngoại ngõ hầu mang hết khả năng và kỹ năng về xây dựng quê hương. Hãy hình dung một đóng góp nhỏ nhặt như việc cung cấp những thông tin về nguồn nước ở các sông ngòi ở Việt Nam đã bị kết án là vi phạm “bí mật quốc gia” theo Quyết định của Thủ tướng Việt Nam số 212/203/QĐ-TTg ký ngày 21/10/2003. Như vậy, dù là “cùng là máu đỏ Việt Nam” nhưng phải là máu đã “cưu mang” một chủ thuyết ngoại lai mới có thể được xem là chính danh để xây dựng quê hương Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chúng ta, những người Việt trong và ngòai nước, còn nặng lòng với đất nước, tưởng cũng cần suy gẫm trường hợp Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa ngõ hầu phục vụ tổ quốc và d dân tộc trong sự thức tỉnh, đừng để bị mê hoặc bởi chủ thuyết cưỡng quyền.

Tổ quốc là đất nước chung – Dân tộc là tất cả thành tố cần phải được bảo vệ và thừa hưởng phúc họa bình đẳng với nhau. Rất tiếc điều này không xảy ra cho Việt Nam hiện tại.

Ghi chú: Ngày 3/3/2006, trên báo SGGP, GS Trần Cửu Kiếm, nguyên ủy viên Ban Quân y miền Nam, một người bạn chiến đầu của Bà trong MTDTGPMN, có viết một bài ngắn để kỷ niệm về BS DQH. Chỉ một bài duy nhứt từ đó đến nay.

Mong tất cả trí thức Việt Nam đặc biệt là trí thức miền Nam học và thấm thía bài học nầy qua trường hợp của BS Dương Quỳnh Hoa.

Asia Clinic, 9h02' ngày thứ Hai, 27/01/2013

Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

CẦN HIỂU ĐÚNG MỘT CÁCH KHOA HỌC VỀ CHỦ NGHĨA MARX LENIN

Bài đọc liên quan:

Nhiều thế hệ - đặc biệt ở các quốc gia cộng sản cầm quyền - lâu nay học chủ thuyết Marx và Lenin nhưng chưa hiểu nó là gì? Nghe người ta bảo nó là triết học thì cũng ừ, gật đầu, nó là triết học. Đó là sai lầm của nhiều thế hệ ở các nước cộng sản.

Thực chất, trong 3 bộ phận của chủ nghĩa Marx Engels gồm có: Duy vật biện chứng, kinh tế chính trị học và duy vật lịch sử, thì chỉ duy nhất có bộ phận duy vật biện chứng của Engels đúc kết - mà không có gì mới - từ các trào lưu triết học trước đó, rồi đem tặng cho Marx là triết học thực sự. 

Duy vật biện chứng nó là một vốn quý của nhân loại, không ai có thể chối cãi được. Vì nó giúp cho nhân loại rất lớn trong phương pháp luận khoa học. Nhưng nó lại không phải là của Marx, mà nó là của Engels đúc kết lại, và tặng Marx để Marx làm nền tảng cho việc nghiên cứu, và đưa ra 2 bộ phận còn lại theo tình hình thực tế châu Âu giữa, cuối thế kỷ XIX.

Hai bộ phận còn lại như đã nói, là kinh tế chính trị học và lịch sử phát triển của các hình thái chính trị xã hội mà Marx đã "tưởng tượng" và đặt tên cho chúng. Nhưng sự tưởng tượng của Marx lại sai ngay trong cái đặt vấn đề và giải quyết vấn đề để đi đến kết luận của ông ta.

Marx đã dùng Duy vật biện chứng và sa đà vào đặt nền tảng cho chủ thuyết của mình là Vật chất quyết định Ý thức ngay từ đầu. Nhưng khi Marx đi vào Duy vật lịch sử, ông lại "tưởng tượng" một cách cảm tính mà không khoa học thực chứng. Với sự cảm tính đó Karl Marx đã đẻ ra một hình thái chính trị xã hội loài người sau tư bản là, chủ nghĩa cộng sản khoa học và chủ nghĩa xã hội là lúc loài người sống với nhau bằng Ý thức quyết định vật chất! Nên có thể gọi bộ phận thứ 3 của Marx Engels là Duy Tình Lịch Sử thì đúng hơn là Duy Vật Lịch Sử!

Và cũng vì sa đà quá nhiều vào duy vật biện chứng mà, chủ thuyết do marx đẻ ra đã quá sắc máu, thiếu nhân bản. Hệ lụy của chủ thuyết này đã đẻ ra hình thái chính trị độc đoán và tàn ác. Nó đã tạo ra những lãnh tụ cộng sản trên thế giới đã giết chết hàng trăm triệu nhân mạng từ chủ thuyết này. Ngày nay, nó đã trở thành di tích của lịch sử, mà không ai còn muốn nhắc đến, chỉ còn các chính khách vì tham vọng cá nhân dùng nó để phục vụ dục vọng xấu xa nhất của loài động vật bậc thấp.


Sai lầm này của Marx không phải là nhân loại không biết và chưa nghĩ đến, mà ngay từ nửa cuối của thế kỷ XVIII, tại Tân lục địa - Hoa Kỳ - các quốc phụ của nước Mỹ đã bắt đầu bằng cuộc cách mạng dân chủ tư sản 1776 lập ra nước Mỹ, trong cuộc cách mạng Trà. Từ đó, hình thành một hình thái chính trị xã hội hoàn hảo nhất, đúng với duy vật biện chứng nhất với hình thái chính tri đa nguyên và tản quyền. Và Hoa Kỳ đã đi trước cả Marx và Engels 72 năm. Mặc dù Marx và Engels đi sau, nhưng lại đi sai quy luật xã hội học. Vì mãi đến 1848 Marx và Engels mới cho xuất bản tư tưởng của mình, trong khi đó, 1776 các Quốc phụ Hoa Kỳ đã làm việc này.

Đến đầu thế kỷ XX, Lenin - một chính khách lỗi lạc đúng nghĩa - đã vớ phải lý thuyết của Marx và Engels lúc này đã quá lạc hậu với nền kinh tế công nghiệp ra đời từ giữa cuối thế kỷ XIX và hoàn thiện dần. Nhưng chủ nghĩa Marx và Engels lại có thể dụ dỗ được dân cùng khổ nhưng vô học. Lenin đã hoàn thiện nó thành bộ Lenin toàn tập và áp dụng ở Nga, rồi biến cả Đông Âu thành Liên Xô và các chư hầu. Lenin đã có "công lớn" khi ông kéo một nửa nhân loại quay về lại chủ nghĩa phong kiến tập quyền, với hình thái chính trị xã hội đơn nguyên tập quyền mà ông đã vẽ ra, nhưng với cái tên rất mỹ miều - chủ nghĩa xã hội. Nếu nước Pháp có Nã Phá Luân kéo người Pháp quay lại Phong kiến sau Cách Mạng Dân Chủ Tư sản Pháp 1789, để hơn một thế kỷ sau Pháp mới thoát ra khỏi phong kiến, thì tội của Lenin với nước Nga là đã kéo lùi Đế Quốc Nga quay về phong kiến 70 năm!

Song như đã nói ở trên, do Marx đã có tầm nhìn ngắn và do ông thiếu khả năng nghiên cứu khoa học, nên ông đã đặt nền tảng chủ thuyết là A quyết định B, và kết luận là B quyết định A, và cuối cùng những gì Lenin xây dựng đã bắt đầu sụp đổ tại ngay tại nơi ông sinh nó ra. Và cho đến ngày nay, chủ nghĩa Marx Lenin chỉ là con bài cho các chính khách dùng để bảo vệ ngai vàng kiếm ăn trên tổ quốc và dân tộc mình. Đó là bi kịch của Marx, Engels và Lenin để lại cho nhân loại thiếu hiểu biết trên toàn cầu.

Dù lạc hậu, và sai lệch với nguyên lý khoa học, nhưng chủ nghĩa Marx Lenin cũng có công lớn là làm đối trọng để thế giới tư bản phát triển vượt bậc trong cuộc chạy đua giành quyền thống trị toàn cầu. Ngày nay, tư bản thắng và cộng sản thua thì ai cũng rõ. Nhưng tại sao cộng sản vẫn còn sống và tồn tại? Vì nó phục vụ cho lợi ích của giai cấp phong kiến kiểu mới cầm quyền. Nhưng nó sẽ sụp đổ và đi vào bóng tối là điều chắc chắn sẽ có trong tương lai gần. Vì nó phi khoa học và không thực tế.

Hy vọng với một chút sơ lược lại lịch sử hình thành về cả lý thuyết và thực tiễn xã hội học thế giới này sẽ giúp người nào chưa hiểu, nắm được cái chính của vấn đề sẽ nhận rõ chân giá trị của chủ nghĩa Marx Lenin.

Asia Clinic, 15h48' ngày thứ Năm, 23/01/2014

Thứ Tư, 22 tháng 1, 2014

CHỐNG THAM NHŨNG KIỂU PHONG KIẾN

Bài đọc liên quan:
+ Đơn nguyên, đa nguyên với tập và tản quyền
+ Công hữu, tư hữu và hình thái xã hội loài người
+ Về mặt lý luận, hình thái chính trị xã hội của Việt Nam đang ở đâu?

Giá trị to lớn của một quốc gia dù nhỏ, hay lớn là giá trị vô hạn, mà không thể nào tính được. Khi một quốc gia đã hình thành, nó không chỉ có giá trị tài nguyên thiên nhiên, mà còn giá trị sức người, địa chính trị, v.v... Cho nên, nếu quốc gia nào có nền chính trị tốt, thì chính khách là công bộc của dân. Ngược lại, quốc gia nào có nền chính trị chưa tốt thì, chính khách là những thành viên của hội đồng quản trị quốc gia có cổ đông ăn chia quốc gia đó, và điều này được gọi là các nhóm lợi ích - hay là các nhóm tham nhũng.

Vào năm 1920 là năm mà Hoa Kỳ bắt đầu áp dụng nữ quyền. Họ, những người phụ nữ được xác định quyền ứng và bầu cử, mà trước đó, họ không có bất kỳ quyền công dân nào trong lĩnh vực này. Cũng vào thập niên 1920, tại Hoa Kỳ, các nhóm mafia như Luciano, Al Capone, v.v... thao túng chính trường Hoa Kỳ bằng những cú lobby chính trị để phục vụ buôn lậu rượu và heroin, mà bất kỳ ai hiểu biết cũng biết rõ điều này.

Mới đây, Tổ chức Liên Hiệp các Nhà Báo Điều tra Quốc tế -  The International Consoritium of Investigative Journalists: ICIJ - công bố một danh sách những quý tộc đỏ và các tư bản thân hữu với chính khách chóp bu Trung Cộng mở những tài khoản ngân hàng ở nước ngoài để rửa tiền qua những công ty ngoài lãnh thổ - Offshore Company.

Nhóm quý tộc đỏ của Trung Hoa có dính máu mủ với các lãnh đạo Trung Cộng, kể cả ông Tập Cận Bình đương kiêm quyền lực số 1 hiện nay tại Trung Cộng, Đặng Tiểu Bình, Hồ Ca63mj Đào, Giang Trạch Dân, Ôn Gia Bảo, v.v... - Hình của The International Consoritium of Investigative Journalists

Khoảng một thế kỷ sau, tại các quốc gia cộng sản - đặc biệt là mô hình của Trung Hoa và các chư hầu của Trung Hoa - tình trạng tham nhũng không chỉ đơn thuần như nước Mỹ ở thập niên 1920, mà còn hơn một bậc, là ngoài những tư bản đỏ - The Wealthy - như Luciano, Al Capone thì Trung Hoa có một thế hệ làm giàu được gọi là quý tộc đỏ - Red Nobility - kiểu phong kiến.

Các tư bản đỏ của Trung Hoa cũng không khác gì các quý tộc đỏ. Họ cũng có dây mơ rễ má với các quan chức triều đình, và quyền lực đã giúp họ giàu lên mà không ai có thể chạm tới được.

Các tư bản đỏ của Trung Hoa có thân thế với các quan chức triều đình Trung Cộng - Hình của The International Consoritium of Investigative Journalists

Ngày ông Ôn Gia Bảo và ông Hồ Cẩm Đào còn tại vị, những hô hào chống tham nhũng chỉ là lý thuyết suông, vì đã có con cháu, anh em ăn xôi chùa nên phải ngậm miệng. Nay ông Tập lên ngai, cũng hô nhào chống tham nhũng, nhưng thực chất là thanh trừng nội bộ, chặt vây cánh của các nhóm lợi ích khác có thể gây nguy hiểm cho mình - như Bạc Hy Lai. Một kiểu mà lâu nay, ở Trung Hoa và các chư hầu vẫn thường lập đi, lập lại mỗi khi chuyển giao quyền lực cho thế hệ kế tục của một chế độ phong kiến kiểu mới.

Không phải bây giờ mới có cái gọi là chống tham nhũng ở các nước cộng sản, mà nó đã có từ những ngày đầu các chế độ cộng sản có mặt trên thế giới. Vì tham nhũng ở đâu cũng có, ở đâu chỉ cần có con người hoặc động vật sống là ở đó có tham nhũng. Nhưng khác nhau giữa cộng sản và tư bản giãy chết là, tư bản có hình thái chính trị đa nguyên tản quyền để làm giảm thiểu tham nhũng đến thấp nhất. Còn với cộng sản, với hình thái đơn nguyên tập quyền, nên nó giúp cho tham nhũng ngày càng phình to ra từ một cá nhân trở thành một tập thể cướp, giết và hiếp nhân dân, tài nguyên của quốc gia.

Chuyện chống tham nhũng ở các quốc gia có hình thái chính trị đơn nguyên, tập quyền - cộng sản - về mặt bản chất, chỉ là việc chuyển đổi cơ cấu thành viên hội đồng quản trị quốc gia, từ thế hệ trước sang cho thế hệ sau nào biết bảo vệ an toàn nhất cho thế hệ trước tiếp tục ăn chia tài sản của quốc gia. Điều này làm tôi nhớ đến câu ông Đặng Tiểu Bình nói với ông Giang Trạch Dân: "Chú làm việc anh rất an tâm!'.

Chế độ phong kiến nào dù cường thịnh cũng phải tàn. Vì đơn nguyên và tập quyền sẽ dạy cho giai cấp cầm quyền những điều xấu xa nhất của nhân loại. Kết cục của sự suy tàn là do mất lòng dân, và sự hũ hóa của giai cấp cầm quyền. Điều này không ai mà không thấy được chỉ với chương trình lịch sử ở cấp học phổ thông.

Asia Clinic, 13h48' ngày thứ Năm, 23/01/2014

Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

VÌ SAO THÁNG 01 TÂY LỊCH HẰNG NĂM LÀ MỐC QUAN TRỌNG CỦA GIÁ VÀNG?

Bài đọc liên quan:

Như tôi đã từng viết trong một bài về vàng trên blog này. Vàng là cái lô cốt cuối cùng không chỉ một gia đình, mà còn cho cả một quốc gia, vì nó là loại hàng hóa đặt biệt đã từng được thế giới làm mốc để neo đậu giá đồng tiền. 

Người dân thường thì dùng tiền để mua bán hàng hóa. Ngân hàng và các tổ chức tín dụng dùng giấy lộn biến thành chứng nhận uy tín của mình để buôn tiền. Nhưng vàng là cái chốt chặn để bảo đảm tất cả khi mà hàng hóa và tiền bạc không còn ý nghĩa cho một nền kinh tế đi vào sụp đổ.

Chỉ có một yếu tố mà vàng mất giá trị hữu dụng đó là, chiến tranh ập đến và thiếu lương thực dự trữ cho quốc gia cũng như mỗi gia đình. Lúc ấy, 1 lạng vàng cũng chỉ đủ để mua vài kg gạo. Chuyện này đã từng diễn ra trong cuộc lánh giặc của dân miền Nam hồi 30/4/1975.

Song câu chuyện hôm nay là tại sao thời điểm giữa tháng 01 Tây lịch hằng năm là cái mốc giá vàng, và tiên lượng giá vàng lên, xuống trong năm, khi mà cuộc chiến tranh tiền tệ giữa các cường quốc - đại diện là Hoa Kỳ và Trung Hoa - lại đã diễn ra trong một thập niên qua?

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến giá vàng toàn cầu. Trong đó được chia làm 4 nhóm yếu tố chính là: văn hóa, kinh tế, chiến tranh, và khai thác mỏ. Trong 4 nhóm đó, còn có những yếu tố được đưa ra. Ví dụ, trong nhóm chiến tranh có việc làm ảnh hưởng giá dầu thì giá vàng sẽ tăng, nhưng trong khai mỏ thì khi khai thác vàng và dầu tăng giảm cũng ảnh hưởng tới giá vàng. Song, yếu tố bản vị dầu, mà tôi đã viết trong bài Bản chất của kinh tế chính trị toàn cầu trong nửa thế kỷ qua và tương lai, tôi có chốt, ngày nay bản vị dầu là đòn quyết định giá vàng.

Nếu ai có khả năng về toán xác suất thống kê định lượng - Linear Regression: Hồi quy tuyến tính - và có thể lập ra các biến độc lập và biến phụ thuộc làm ảnh hưởng đến giá vàng một cách chính xác, thì việc tiên lượng giá vàng đến mốc nào tăng giảm tùy theo tình hình trong 1 năm tới là rất khả dụng.

Yếu tố văn hóa không hề kém cạnh trong việc làm giá vàng nổi sóng theo chu kỳ hằng năm. Dân số châu Á chiếm đến 60% dân số toàn cầu, mặc dù diện tích chỉ chiếm 29.9% diện tích mặt đất. Với cái văn hóa cưới hỏi bằng vàng, nên cứ đến mùa này - đầu năm dương lịch, hay cuối năm âm lịch - là nhu cầu tiêu dùng trong số 4 tỷ dân châu Á cho việc cưới hỏi sẽ tăng cao, và giá vàng sẽ tăng. Nên đến giữa tháng 01 Tây lịch là gần tết âm lịch thì đỉnh giá vàng thế giới sẽ lập trong tháng đầu năm.

Sau khi lập đỉnh, nếu tất cả các yếu tố ảnh hưởng thuận cho giá vàng tăng thì, giá vàng sẽ tiếp tục tăng sau đó, dù nhu cầu vàng tiêu dùng không còn nữa. Ngược lại, nếu các yếu tố khác làm cho giá vàng giảm thì giá vàng sẽ giảm dần từ giữa tháng 01 Tây lịch trở về cuối năm.


Năm nay là mùa xuân thứ 3 mà giá vàng lập đỉnh vào giữa tháng 01 Tây lịch và sau đó phải xuống, vì nhu cầu vàng cho tiêu dùng cũng như các yếu tố thuận lợi đẩy giá vàng rớt xuống đã bắt đầu, sau khi giá vàng lập đỉnh 1252.40USD/oz hôm 13/01/2014 giờ Hoa Kỳ, tức đêm 14/01/2014 ngày Việt Nam vừa qua, như tôi đã nhận định trong một bàn luận trong bài viết: Đã đến lúc tháo chạy khỏi nơi trú ẩn vàng?.

Tình hình kinh tế xã hội Việt ngày càng bi đát sau những lời từ gan ruột của ông bộ trưởng kế hoạch và đầu tư cũng là một cái mà người Việt trong nước phải cần suy nghĩ để bảo tồn được từng đồng tiền làm ra từ mồ hôi nước mắt của mình. Vì năm 2014, việc giải quyết nợ xấu từ tham nhũng của đầu tư công sẽ bằng cách tăng thuế phí đánh vào dân và doanh nghiệp là điều mà chính phủ ắt phải làm, khi tài nguyên đã cạn, mà sức mua của dân thì cũng đã cạn kiệt trong năm 2013.

Asia Clinic, 13h42' ngày thứ Tư, 15/01/2013

Thứ Tư, 8 tháng 1, 2014

TẠI SAO CÓ NHỮNG BÀI BÁO TỰ BÔI Y HỌC NƯỚC NHÀ?


Hôm nay tôi đọc bài báo Hóa trị - Không có gì đáng sợ trên trang báo điện tử Vietnamnet, mà thấy buồn. Buồn vì nhà báo viết vì thương mại, mà viết một bài viết không hiểu biết về chuyên môn, lại tự đi bôi nhọ ngành Y nước mình. Buồn vì cơ chế chính trị đã làm ngành Y của Việt Nam thực chất là tốt hơn mọi quốc gia trong khu vực Đông Nam Á về mặt chuyên môn - theo hiểu biết của tôi, một người đã lăn lộn trong nghề bằng chuyên môn thực sự hơn 30 năm qua. Buồn vì sự hiểu biết của dân mình về chuyên môn Y khoa nước Việt không được đúng chỉ vì hệ thống truyền thông của đảng chỉ nhìn phần nhiều ở góc tối, mà không nhìn ở góc sáng, không nhìn ở cái gốc, mà chỉ nhìn ở cái ngọn của vấn đề.

Tất cả những nỗi buồn trên bắt đầu từ nguyên nhân cơ chế chính trị nước ta gây ra, mà hậu quả để lại rất nhiều hệ lụy. 

Hệ lụy thứ nhất và to lớn nhất làm nên tất cả các hệ lụy khác là do cơ chế chính trị làm ra. Cái sai lầm đầu tiên là phân tuyến điều trị tuyến trung ương, tuyến địa phương, tuyến cơ sở, và việc đầu tư về chuyên môn cũng như trang thiết bị y tế không đồng bộ. Cũng cơ chế chính trị quy định mức lương quy định cho ngành Y tế quá thấp, không đủ để nuôi sống ngay cả chính bản thân người thầy thuốc, không thể nói đến nuôi con cái và gia đình.

Hệ lụy thứ hai kéo theo từ hệ lụy thứ nhất làm ra là người bệnh không tin tưởng ở các tuyến địa phương và cơ sở, dẫn đến quá tải ở tuyến trung ương, mà tuyến cơ sở có nơi thì không có bệnh nhân.

Hệ lụy thứ ba kéo theo từ cái hệ lụy thứ nhất và thứ hai - quá tải bệnh viện và đồng lương rẻ mạt - trong khi làm việc như trâu cày, ngựa kéo là, tha hóa một số lớn các thầy thuốc ở các tuyến bệnh viện có điều kiện để kiếm ăn bằng phong bì của người bệnh, còn cơ quan hành chánh của ngành Y tế nước ta thì kiếm phong bì khi đi kiểm tra, cấp phép Y Dược

Hệ lụy thứ ba này còn góp chủ yếu làm đội giá thành của thuốc điều trị cho bệnh nhân khi xin visa nhập thuốc cũng phải có tình trạng lót tay, thầy thuốc thì lấy hoa hồng các công ty dược khi kê toa, mà dân trong ngành ai cũng biết, nhưng ai cũng vì chén cơm manh áo, nên không ai dám nói ra, không ai dám khiếu kiện. Nó trở thành luật bất thành văn. Rất có nhiều chuyện để nói về những bất cập do chính trị gây ra ở hệ lụy này. Ví dụ, trong khi cũng thì loại thuốc ấy, chất lượng ấy nhưng chỉ cấp visa có 1 năm, năm sau nhập nữa phải xin lại phép.

Hệ lụy thứ tư cũng do cơ chế chính trị quy định đảng lãnh đạo, nên hầu hết những thế hệ lãnh đạo ngành Y tế trong 68 năm qua của miền Bắc, và 38 năm qua ở miền Nam là những người hồng hơn chuyên. Chữ chuyên ở đây là quản lý bệnh viện như quản lý một xã hội. Môi trường bệnh viện là môi trường phục vụ cho con người ở tất cả các giai tầng trong xã hội. 

Thế giới có riêng một ngành đào tạo về quản lý bệnh viện, để đào tạo ra những người có nghề chuyên về quản lý bệnh viện, mà không phải bác sỹ là người quản lý. Trong khi ở ta, lấy bác sỹ chuyên môn đôn lên làm quản lý sau khi xét duyệt lý lịch tốt với đảng cầm quyền, và qua một vài khóa học cao cấp, trung cấp chính trị, sau đó bồi dưỡng về quản lý bệnh viện rất sơ sài, trong một cơ chế tạo điều kiện tha hóa mà ông thủ tướng vừa phát biểu trong thông điệp đầu năm 2014, là phải cải cách và hoàn thiện thể chế.

Hệ lụy thứ năm là, vì có chuyện cơ chế lỏng lẻo, nên thực phẩm chức năng cũng được gọi là thuốc được các đại diện bán hàng đa cấp móc nối với bác sỹ tha hóa kê toa tràn lan. Với cái gọi là nhà thuốc chất lượng cao theo chuẩn quốc tế cũng chỉ là một giải pháp tình huống, cuối cùng nó lại tạo điều kiện cho cán bộ tha hóa cấp phép khống hàng trăm nhà thuốc GPP ở Thành phố Hồ Chí Minh, mà báo chí nêu ra, cũng không ít các quan chức trong sạch vì đấu tranh với tham nhũng việc này mà phải thuyên chuyển công tác, dân trong ngành ai cũng rõ.

Nhưng dù có bị đội giá thuốc do các bất cập cơ chế chính trị gây ra, thì giá thuốc và giá điều trị của người bệnh Việt Nam hiện nay vẫn là rẻ hàng đầu thế giới. Vì tiền dịch vụ chăm sóc sức khỏe quá rẻ mạt, và đồng lương nhân viên y tế không xứng để chăm sóc bệnh cho con người, mà chỉ xứng để chăm sóc một con vật! Gần đây, báo chí lên tiếng tăng giá viện phí là quá sức với người bệnh Việt Nam là đúng, nhưng chỉ đúng một nửa. Vì câu chuyện có 100 con gà, nhưng 1% người Việt ăn 99%, còn 99% người còn lại chỉ ăn 1 con. Tầng lớp 1% vẫn dư tiền đi Singapore hay Thái Lan để đốt tiền ngu hơn là tiền khôn. Vì với số tiền đó, ở Việt Nam đâu thiếu nơi điều trị tốt hơn và dịch vụ không thua Singapore?. Đây là sự mất cân bằng thu nhập cá nhân, khoảng cách giàu nghèo gia tăng, bất công ngày càng quá lớn do cơ chế chính trị gây ra, không phải lỗi của ngành y tế.

Tất cả những cái hệ lụy trên làm mất uy tín ngành Y Việt Nam cũng từ cơ chế chính trị không có đối lập, kiểm tra, giám sát. Từ đó dân cứ nghĩ y khoa Việt Nam tệ hại hơn khu vực. Nhưng là một người làm trong ngành y bằng chuyên môn thực sự mà, không vì kinh doanh hay vì phong bì từ khi còn làm trong nhà nước, đến cách đây 12 năm ra làm tư nhân, tôi xin khẳng định y khoa Việt Nam về chuyên môn hơn các nước trong khu vực. Mọi cái xấu không phải do chuyên môn, mà do chính trị gây ra. Đơn cử về phẫu thuật nội soi ổ bụng, thì Pháp làm đầu tiên năm 1987 do bác sỹ Philipe Mouret ở Lyon cắt túi mật qua nội soi ổ bụng, Hoa Kỳ thực hiện đầu tiên năm 1989, thì tại Việt Nam ngày 23/9/1992 đã thành công cho bệnh nhân đầu tiên do PGS TS Nguyễn Tấn Cường thực hiện tại khoa Ngoại Tổng Quát Bệnh Viện Chợ Rẫy, từ kỹ thuật mang về của  Hoa Kỳ.

Từ điều trên đây cho thấy y học Việt Nam luôn cập nhật kịp thời, nhưng cơ chế chính trị đã kiềm hãm cho nghiên cứu y học nước nhà không thể tiến nhanh, vì người nghiên cứu còng lưng ra nghiên cứu, báo cáo chỉ để được cái danh hảo, còn tiền nghiên cứu rót từ trung ương xuống cơ sở nó biến đi đâu, mà hầu như không hoặc một phần rất nhỏ đến tay người thực sự nghiên cứu, số tiền này không đủ để mua cà phê uống thức đêm làm số liệu, chưa nói đến chuyện có sống để mà nghiên cứu. Việc này, tôi, người viết bài này đã từng "hưởng" cái "ân huệ" này trong nhiều năm. Cuối cùng, có còn ai tha thiết đến nghiên cứu và làm việc. Nên phải bỏ ra khỏi nhà nước mà tự kiếm sống cho riêng mình. Vì suy cho cùng, xã hội muốn tốt, thì từng thành viên trong xã hội phải là người tốt. Lấy đâu có người tốt, khi cái ăn không lo đủ?

Cuối cùng là, dù làm y khoa ở đâu cũng vậy, bệnh nhân là thầy của thầy thuốc, không có bệnh nhân làm sao thầy thuốc giỏi được, ngoại trừ mớ lý thuyết suông? Làm sao Singapore có chuyên môn tốt hơn Việt Nam về y khoa được khi họ không có bệnh nhân? Các quốc gia trong khu vực hơn y tế Việt Nam ở dịch vụ chăm sóc sức khỏe chứ không bằng về chuyên môn được. Họ hơn dịch vụ chăm sóc sức khỏe vì họ ít bệnh, họ không quá tải, lương họ cao dư sống để chuyên tâm cho hành nghề và nghiên cứu. Báo chí nếu có viết thì cũng nên hiểu biết, và đừng quá vì thương mại mà tự bôi nhọ và xổ toẹt những gì mọi cố gắng của dân và các người làm nghề y nước Việt như bài báo mà tôi đọc trên đây.

Kết thúc bài viết này, tôi xin kết thúc một điều chủ yếu là, không chỉ có ngành Y Việt Nam bị chê bai, dè bỉu là xấu, mất lòng tin người dân, mà hầu hết tất cả các ngành từ kinh tế, đến văn hóa, giáo dục, v.v... đều nhục như khi cán bộ đi công cán nước ngoài bị khinh rẻ mà ông thủ tướng đã nói vừa qua, có một nguyên nhân cốt lõi là nền chính trị độc quyền cai trị, không có đối lập thực sự để sửa sai trước khi các nghị quyết, nghị định, công văn, thông tư, thông cáo được phát ra.

Những hệ lụy ngành y mà tôi viết trên đây cũng chỉ là nhắc lại một phần rất nhỏ của 7 bài viết: Ngành Y Việt Nam cần thay đổi gì?, mà tôi đã viết 4 năm trước, vì một mong muốn cho y học nước nhà có thể tự hào với thế giới. Nhưng nó chưa được quan tâm đúng với cái nó cần có, chỉ vì chế độ chính trị Việt Nam đã tạo ra những cái rễ tư hữu và quyền lực đi đôi với lợi ích cá nhân những người có quyền quyết định tốt cho nước nhà. Giờ để mọi cái tốt trở lại, cần phải có một cuộc siêu phẫu bằng chính trị chứ không phải chỉ là đại phẫu, và cần phải mất ít nhất 30 năm, nếu thực tâm chuyển đổi. Nếu nửa vời như 28 năm qua, e rằng mất nước và có thể đi đến diệt vong.

Đừng chê bai đạo đức và chuyên môn của ngành y Việt Nam, vì nếu muốn biết đạo đức và chuyên môn ngành y Việt Nam tốt hay xấu, thì hãy cho các bác sỹ và nhân viên y tế các quốc gia đến làm việc ở các bệnh viện quá tải của Việt Nam, với điều kiện "ưu đãi" của chế độ chính sách do chính trị Việt Nam tạo ra hiện nay chỉ cần 6 tháng, thì đạo đức và chuyên của họ có còn không?

Asia Clinic, 13h39' ngày thứ Năm, 09/01/2014

Thứ Hai, 6 tháng 1, 2014

CHUYỆN GÌ ĐANG DIỄN RA TỪ 2014 ĐẾN 2016 CHO NỀN CHÍNH TRỊ VIỆT NAM?

Hình 1: Thời báo Kinh tế Việt Nam đưa tin: Thông điệp thủ tướng 01/01/2014: Với tiêu đề: "Hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững", thông điệp của Thủ tướng nhìn nhận: “Chất lượng thể chế không chỉ tác động như một yếu tố tự thân mà còn ảnh hưởng có tính quyết định đến môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế, của từng doanh nghiệp và là điều kiện tiên quyết để phát huy có hiệu quả lợi thế quốc gia. Không thể có được năng lực cạnh tranh cao nếu không có một thể chế chất lượng cao và một nền quản trị quốc gia hiện đại”.

Hình 2: Báo Dân Trí đưa tin: Quyết định về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) và Ban Nội chính Trung ương (NCTƯ) của tể tướng vừa ký chưa ráo mực hôm 05/01/2014. Trong khi đó, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thì trực thuộc Bộ chính trị do Tổng Bí Thư đảng cộng sản ở Việt nam làm chủ tịch.

Hình 3: Báo Một Thế Giới đưa tin: Ai là người thông báo cho Dương Chí Dũng chạy trốn. Bài này đã bị sửa tên cái tựa. Nhưng các bạn chú ý những chữ viết tắt ở cái link gốc nối nhau bằng những dấu gạch(-) sẽ biết ông anh là ai. Và sẽ thấy bài báo này phạm vào Quyết định về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) và Ban Nội chính Trung ương (NCTƯ) của tể tướng vừa ký chưa ráo mực hôm 05/01/2014 vừa rồi. Cái tựa đúng của bài này là như hình 4 sau đây:
Hình 4: Báo Một Thế Giới đưa tin ban đầu đích danh người thông tin cho Dương Chí Dũng chạy trốn. Sau đó sửa lại tựa bài viết và cả nội dung bài viết bên trong. Nhưng link gốc của bài sẽ không bao giờ sửa được, nếu không xóa bài viết ngay trong cả Google Cache.


Hình 5: Báo điện tử Vnexpress đưa tin: Ghi rõ họ tên ông Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, là người báo tin khởi tố. Nhưng trao đổi với Vnexpress ông Ngọ đã phủ nhận.


Hình 6: Theo báo Thanh Niên đưa tin: Dương Chí Dũng khai đã mang 500K USD đến nhà ông Phạm Quý Ngọ.

Trước khi có phiên tòa với bị can Dương Tự Trọng là em ruột Dương Chí Dũng diễn ra, trong phiên tòa sơ thẫm Dương Chí Dũng dứt khoát không khai ai là người thông báo cho mình chạy trốn, vì sợ tạo dư luận. Nhưng sau phiên tòa sơ thẩm bị kết án tử hình, thì đến phiên tòa này Dương Chí Dũng làm nhân chứng khai ra điều này.

Tòa án là trọng chứng chứ không trọng cung. Việc lời khai của Dương Chí Dũng còn phải đi tìm chứng cứ sự thật về người thông báo cho ông Dương Chí Dũng chạy trốn, và việc Dương Chí Dũng khai mang 500K USD đến nhà ông Ngọ, chứ không thể vì lời khai mà kết luận được.

Các sự kiện trông có vẻ rời rạc, nhưng nếu với tư duy độc lập, và biết phân tích, tổng hợp các sự kiện sẽ cho ta thấy toàn cảnh bức tranh chính trị Việt Nam đang như thế nào? Lực lượng nào đang chống đối cho tiến trình cải cách chính trị, lực lượng nào đang là tiên phong cho xã hội Việt Nam có một nền chính trị tốt đẹp hơn?

Asia Clinic, 14h28' ngày thứ Ba, 07/01/2014

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

PHÊN GIẬU CỦA CÁC CƯỜNG QUỐC PHÂN TRANH

Bài đọc liên quan:
+ Thoát Trung luận 1
+ Thoát Trung luận 2
+ Thoát Trung luận 3
+ Trào lưu thoát Trung Hoa của các chư hầu
+ Bản chất của kinh tế chính trị toàn cầu nửa thế kỷ qua và tương lai
+ Vật thế chấp của các cường quốc
+ Vật thế chấp chính trị
+ Quân bài đã chia - Vấn đề còn lại là ta

Mặc dù lý thuyết cho một thể chế chính trị đa nguyên, tản quyền đặt nền tảng cho chế độ Phong Kiến lui vào quá khứ được ra đời từ cựu lục địa châu Âu vào 1750. Nhưng trong khi châu Âu ngụp lặn với thời kỳ suy tàn của các đế chế đi xâm lược và vơ vét tài nguyên khắp thế giới, thì chỉ 16 năm sau - 1776 - Hoa Kỳ, một tân thế giới đã hình thành một quốc gia non trẻ đầu tiên về một thể chế chính trị đa nguyên, tản quyền hoàn hảo nhất.

Sau Hoa Kỳ 13 năm, mãi đến 1789, Pháp, nơi đã đẻ ra lý thuyết đa nguyên tản quyền mới có cuộc cách mạng dân chủ tư sản ở cựu lục địa. Thế nhưng, vì quyền lợi của giai cấp cầm quyền, Pháp đã đẻ ra một Napoleon Bonaparte níu kéo quốc gia này trở lại chế độ Phong kiến một lần nữa, và kinh qua với những cái gọi là các nền Đệ nhất, nhị, tam, tứ Cộng hòa Pháp, song dưới hình thái xã hội quân chủ phong kiến chuyên quyền, kể cả đến chính phủ Vichy do Thống chế Philippe Pétain nắm quyền độc tài từ tháng 7/1940 đến tháng 8/1944 cũng chưa được xem là một nền chính trị đa nguyên tản quyền, mặc dù cũng có tam đầu chế - hành pháp, tư pháp và lập pháp nhưng tất cả các quyền này do Philippe Pétain nắm trọn. Mãi đến khi tướng Charles de Gaulle nắm quyền thành lập nền Đệ Ngũ Cộng Hòa, nước Pháp mới có được hiến pháp 1958, và thực sự là một quốc gia có chế độ chính trị đa nguyên, tản quyền. Có nghĩa là, châu Âu đi sau Hoa Kỳ đến những 182 năm về sự tiến hóa về chế độ chính trị, nếu lấy Pháp làm mốc!

Khi chuyển từ chế độ độc tài sang chế độ đa nguyên tản quyền, các đế quốc chuyển hình thức đi xâm lược, và bóc lột tài nguyên các thuộc địa sang hình thức tạo ra phên giậu cho họ. Họ không còn áp đặt con người của mẫu quốc lên ngay trên thuộc địa của mình, mà họ biến thuộc địa thành cái gọi là, đồng minh chiến lược. Họ điều khiển các phên giậu của họ bằng quyền lực mềm - kinh tế, văn hóa và thể chế chính trị giống hoặc một kiểu biến thể chính trị của họ.

Sau Thế chiến thứ II, thế giới thành chân vạc tam cường quốc phân tranh - Hoa Kỳ, Trung Hoa và Liên Xô. Nhưng sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, 3 quốc gia chính phân tranh vẫn còn, với Nga thay thế Liên Xô cũ. Các phên giậu của 3 cường quốc cũng thay đổi theo thời gian.

Cũng chính Hoa Kỳ là quốc gia áp đặt phên giậu rộng khắp thế giới ngay sau Thế chiến thứ II. Bằng cách tạo ra Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương, phên giậu châu Âu của Hoa Kỳ nhằm canh chừng, và tấn công cộng sản châu Âu gồm Liên Xô và Đông Âu. Liên Xô cũng không kém cạnh, khi họ lập ra một phên giậu Đông Âu sau Thế chiến II.

Ở châu Á cũng vậy, Hoa Kỳ thay thế Pháp và miền Nam Việt Nam, Đông Dương và các quốc gia đồng minh ở Đông Nám Á và Đông Bắc Á, để làm phên giậu cho mình và thế giới tự do, nhằm ngăn cản sự bành trướng cộng sản từ Trung Hoa. Trung Hoa cũng không chịu ngồi yên, họ lập ra những phên giậu cho mình: Bắc Hàn, Bắc Việt, Pakistan và cả Lào lẫn Cambodia, trong khi khống chế và răn đe Miến Điện. Nhưng chưa bao giờ chế độ quân chủ độc tài chuyên chế ở Miến Điện chịu khuất phục Trung Hoa, ngay cả trong những lúc nền kinh tế quốc gia này suy sụp nhất, do cấm vận kinh tế lẫn chính trị của Hoa Kỳ và phương Tây.

Phên giậu của một căn nhà là để đề phòng trộm cướp và quy định quyền lãnh thổ của một gia đình. Phên giậu của một quốc gia - một cách nói khác của từ chư hầu - là nơi dùng để truyền bá tư tưởng, văn hóa, kinh tế, chính trị, và nếu cần là tuyên bố chủ quyền bằng vũ lực, bằng cách xuất khẩu chiến tranh sang phên giậu. Khác với phên giậu của một gia đình là, phên giậu của một cường quốc cũng là nơi mà cường quốc lấn chiếm khi có cơ hội.

Những lấn chiếm hoặc mua bán, hoặc ra hiến pháp cho phép sáp nhập những vùng phên giậu cho các cường quốc nới rộng lãnh thổ không thiếu những minh chứng trong lịch sử thế giới cận đại. Ví dụ với Hoa Kỳ thì, Texas, New Mexico, v.v... là những phên giậu đã được sáp nhập theo hiến pháp và chiến tranh với Mễ Tây Cơ. Với Liên Xô thì nhờ vào Thế chiến II mà, họ nắm cả Đông Âu, kể cả một nửa nước Đức, và lấy cả vùng Siberia rộng lớn giàu tài nguyên mà trước đây là Tây Bá Lợi Á của Mông Cổ. Với Trung Hoa, họ chiếm Tây Tạng của người Tây Tạng; chiếm Tân Cương và Nội Mông của Mông Cổ; lấn chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa và 7 đảo, đá ngầm Trường Sa của Việt Nam vào lúc Việt Nam yếu thế và cô độc của những năm 1974 từ Việt Nam Cộng Hòa và năm 1988 của Việt Nam Cộng Sản.

Trong một phỏng vấn với đài BBC Luân Đôn, bà phu nhân của cố Tổng bí thư Lê Duẩn đã trung thực nói ra là Bắc Việt đã ký kết và giao Hoàng Sa cho Trung Hoa!

Từ những điểm lịch sử trên, ngày nay 2 cường quốc Nga và Trung Hoa có phên giậu yếu thế hơn Hoa Kỳ rất nhiều. Hai cường quốc này chỉ còn sử dụng vũ khí tối tân, và một phần kinh tế, tài nguyên của họ để kiềm chế Hoa Kỳ.

Sau sụp đổ Liên Xô và Đông Âu làm cho nước Nga mất đi hơn 10 quốc gia Đông Âu làm phên giậu cho mình. Nền kinh tế Nga chỉ còn dựa vào bán tài nguyên giàu có nhất thế giới là khí gas và dầu hỏa ở vùng Siberia chiếm từ Mông Cổ, và quốc phòng Nga tiếp nhận sự hùng cường của Liên Xô cũ để răn đe láng giềng - xưa là phên giậu của mình - hòng phòng thủ và tấn công đến Tây Âu khi cần.

Sau khi lên nắm Trung Hoa, Mao Trạch Đông đã có công lớn cho Trung Hoa khi tăng diện tích lãnh thổ nước này gấp 3 lần so với thời nhà Thanh trở về trước, với lấn chiến Tây Tạng, Tân Cương và Nội Mông. Nhưng phên giậu của Trung Hoa chỉ rất ít ỏi, yếu hèn, và nghèo khó: Bắc Hàn, Việt Nam, Lào, Cambodia, và Hồi Quốc - Pakistan. Mặc dù vài thập niên gần đây Trung Hoa cố gắng tạo ra phên giậu cho mình ở các châu lục như, Phi, Mỹ La Tinh, nhưng khả năng kiểm soát các phên giậu này của Trung Hoa là ngoài tầm kiểm soát. Điều này được minh chứng khi các cuộc cách mạng Hoa Nhài ở Bắc Phi Trung Đông xảy ra, Trung Hoa đã mất trắng những gì họ đã cố công đầu tư suốt 2 thập niên qua.

Đối với Hoa Kỳ, phên giậu của họ có khắp mọi nơi, và khả năng kiểm soát của họ cũng chưa bao giờ thất bại, nếu họ không muốn từ bỏ phên giậu như đã từ bỏ Việt Nam Cộng Hòa, biến VNCH và Bắc Việt thành vật thế chấp của ngoại gao bóng bàn thông qua Thông Cáo Thượng Hải 1972 và Hiệp Định Paris 1973, để được cái lớn hơn là Trung Đông, và sụp đổ khối cộng sản Liên Xô và Đông Âu sau đó 17 năm.

Sau cái gọi là "thắng lợi" tại Hiệp Định Paris ngày 27/01/1973, thí ngày 19 Tháng 11 năm 1973, Mao Trạch Đông đã tiếp Chủ tịch Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ và bà Nguyễn Thị Bình Bộ trưởng ngoại giao của Mặt Trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam tại Văn phòng Trung ương để ăn mừng phên giậu của mình đã hoàn thành nhiệm vụ được giao! (Hình của Science Human)

Sự khác biệt giữa quyền lực kiểm soát phên giậu của 3 cường quốc - hay nói cách khác là giữa Hoa Kỳ và 2 nước còn lại là Nga và Trung Hoa - là ở quyền lực mềm, và cái cách mà Hoa Kỳ chọn lựa phên giậu trong chiến lược toàn cầu của mình. Nếu Trung Hoa và Nga sử dụng quyền lực mềm là làm sao cho các phên giậu nghèo, hèn, và những lợi ích của chế độ chính trị quay về thời phong kiến, hòng gắn liền với sự ban phát lợi ích cho giai cấp cầm quyền, để ép cho phên giậu trung thành, thì Hoa Kỳ sử dụng tự do, dân chủ và giàu mạnh bằng cách chia bài cho các phên giậu được hưởng, để các phên giậu tự lực tự cường dưới sự bảo trợ an ninh quốc phòng của Hoa Kỳ.

Hay nói cho dễ hiểu là quyền lực mềm của Hoa Kỳ mang đến cho các phên giậu của mình là cho nhân dân, và cái chung của đất nước đó. Ngược lại quyền lực mềm của Nga và Trung Hoa là mang lại lợi ích cho cái riêng và của giai cấp cầm quyền của quốc gia mà họ chọn làm chư hầu.

Chính vì 2 cách tạo ra phên giậu khác nhau này mà, ngày nay và tương lai xa Hoa Kỳ sẽ ngày càng có nhiều phên giậu đi theo, và sức mạnh của Hoa Kỳ sẽ là siêu cường số 1 toàn cầu, mà 2 cường quốc còn lại sẽ không thể cạnh tranh. Một minh chừng hùng hồn dễ thấy là, Hoa Kỳ luôn có phên giậu Israel để cai quản Trung Đông Bắc Phi, nhưng ngược lại Trung Hoa trắng tay ở Libya, và Nga cũng khắc khổ với Syria hoặc Ukraina trong hiện tại và tương lai.

Vấn đề đáng lo ngại cho các phên giậu của Nga và Trung Hoa là, 2 cường quốc này sẽ không bao giờ buông các phên giậu ít ỏi của mình, và cũng không bao giờ đủ khả năng tạo điều kiện cho các phên giậu của mình giàu mạnh, mà bòn rút cho các phên giậu thêm nghèo hèn qua chính sách xuất khẩu hàng hóa và vũ khí. Và 2 cường quốc này còn dùng cách làm nghèo kinh tế, và nền chính trị tạo ra lợi ích cho nhóm cầm quyền các phên giậu của mình, để làm cho các phên giậu này không dám bỏ họ. Nhưng khi tức nước vỡ bờ, thì hầu như các phên giậu này phải giải quyết bằng cách các chính khách lấy nhân dân ra làm vật thế chấp chính trị, hoặc đổ máu bằng chính đồng bào của mình như ở Libya hay Syria, mà không thể có cuộc cách mạng êm đẹp như ở Miến Điện hay Nam Phi. Một điều đáng mừng là, Liên Xô cũ đã có một Gorbachev quá nhân bản và xuất chúng, nên phên giậu của Liên Xô đã làm được chuyện thần kỳ trong cuối thập niên 1980s bằng những cuộc cách mạng Hoa Hồng.

Như vậy, trong tương lai gần và xa làm sao những phên giậu của Trung Hoa có thể thoát được Trung Hoa là một vấn đề vô cùng cam go và khó khăn. Vì ba yếu tố, kinh tế nghèo đói, tư tưởng văn hóa lệ thuộc, chế độ chính trị độc tài, và tạo điều kiện cho nhóm cầm quyền giữ súng và nhà tù để kiếm ăn, là ba yếu tố trói buộc phên giậu của Trung Hoa hầu như không có lối thoát.

Những người đi đến Hội nghị bí mật ở Thành Đô 1990: Lý Bằng, Giang Trạch Dân, Thông dịch viên không rõ tên, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Phạm Văn Đồng(từ trái sang phải) - Ảnh của Xinghua)

Lịch sử của Việt Nam đã từng có nhiều lần Thoát Trung Hoa, nhưng cuối cùng cũng phải quay trở lại làm phên giậu cho Trung Hoa. Lần gần đây nhất là từ 1976 đến 1990, Việt Nam đã cố vùng vẫy để Thoát Trung Hoa, nhưng cuối cùng phải chịu làm phên giậu cho Trung Hoa trở lại từ Hội Nghị Thành Đô vào hai ngày 03 và 04/9/1990, theo yêu cầu của Đặng Tiểu Bình. Rõ ràng, họ Đặng đã chọn ngày rất ý nghĩa, khi ông ta chọn ngay sau ngày quốc khánh của Việt Nam cộng sản để ký kết sáp nhập Việt Nam vào Trung Hoa chăng?

Có chuyên gia cho rằng, muốn thoát Trung Hoa chỉ còn có cách vào đất nước Trung Hoa để đấu tranh, chứ không thể đấu tranh ở tại quốc gia đang là phên giậu của Trung Hoa. Chuyện này còn khó hơn hái sao trên trời!

Asia Clinic, 12h35' ngày thứ Hai, 06/01/2014

Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

BẢN CHẤT CỦA KINH TẾ CHÍNH TRỊ TOÀN CẦU NỬA THẾ KỶ QUA VÀ TƯƠNG LAI

Bài đọc liên quan:
+ Quân bài đã chia - vấn đề còn lại là ta
+ Tạm thời trong ngắn hạn, nhưng xấu dài hạn
+ Tương lai chính trị, kinh tế và an ninh toàn cầu một thế kỷ tới
+ Vật thế chấp cho các cường quốc
+ Quay về hệ thống Bretton Woods
+ Đời không có chú Sam đời mất vui
Tương lai Trung Hoa về đâu?
+ Đã đến lúc tháo chạy khỏi nơi trú ẩn vàng
+ Cuối năm 2013 làm gì để bảo toàn vốn?

Bản chất của loài người nói riêng, và muôn loài nói chung là tư hữu và quyền lực. Mỗi con người luôn có một tiềm năng vô hạn về sức mạnh tự thân cả phần xác, lẫn phần hồn. Vấn đề của xã hội là làm sao cho những cá nhân ấy sử dụng hiệu quả nhất mọi khả năng của họ, và biết kết hợp, dung hòa tất cả các khả năng cùng với bản chất của con người của toàn xã hội một cách hiệu quả nhất, để làm nên sức mạnh quốc gia. Nhiệm vụ này là nhiêm vụ của chính trị, vì chính trị là nghệ thuật của sự có thể.

Mỗi quốc gia được hội tụ 3 yếu tố quan trọng trong việc thực hiện sức mạnh tổng thể của mình: Thiên, Địa và Nhân. Trong 3 yếu tố trên, không yếu tố nào quan trọng hơn yếu tố nào, mặc dù, con người - Nhân - là chủ thể có thể làm thay đổi 2 yếu tố còn lại - Địa Lý và Thiên Thời - có thể tăng mạnh thuận lợi, hoặc giảm thiểu những khó khăn. Hoa Kỳ có đủ 3 yếu tố này một cách tương đối hoàn hảo nhất toàn cầu.

Lịch sử và sứ mạng Hiệp ước Bretton Woods

Với đầy đủ 3 yếu tố Thiên, Địa và Nhân những Quốc Phụ của Hoa Kỳ đã làm nên một nền chính trị biết phát huy và kết hợp hết toàn sức mạnh của một nền văn hóa đa chủng tộc, những đứa con 5 cha, 7 mẹ quy tụ về đây. Và sau chiến tranh thế giới I, Hoa Kỳ đã trở thành cường quốc số 1 của toàn cầu. Nhưng mãi đến sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu 1929 - 1933, thì sức mạnh siêu cường của Hoa Kỳ mới thực sự làm cho thế giới phải cần đến họ. Kết cục là, đến giai đoạn cuối của chiến tranh thế giới II, tháng 12/1944 hơn 70 quốc gia và hơn 300 chuyên gia chính trị, kinh tế buộc lòng phải họp nhau ở thành phố Bretton Woods của tiểu bang New Hampshire, để lập ra một hệ thống tiền tệ, với cái gọi là Hệ thống Bretton Woods - hay còn gọi là Hiệp ước Bretton Woods: Bretton Woods system - hòng kiểm soát kinh tế và khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu.

Với Hiệp ước Bretton Woods, trung tâm quyền lực kinh tài phải dời đô từ cựu lục địa châu Âu, mà đại diện là Thị trường Chứng khoán Luân Đôn - LSE: London Stock Exchange - của Vương Quốc Anh, để sang Tân Thế giới là thành phố Nữu Ước của Hoa Kỳ - NYSE: New York Stock Exchange. Ngoài ra, điều căn bản là tất cả các giá trị đồng tiền của các cường quốc kinh tế lúc bấy giờ phải lấy giá trị vàng, và đồng Đô la Mỹ làm mốc để neo đậu cố định, khi bất kỳ một ngân hàng trung ương của quốc gia nào muốn in thêm tiền thông qua quốc hội để bơm vào nền kinh tế quốc gia ấy, phải đóng vào kho chứa vàng ở New York một lượng tương đương. 

Để cho dễ hiểu, lấy ví dụ, theo Bretton Woods thì 1USD ăn 2 đồng Đức Mã, tương đương 120 Yên Nhật, tương đương với 0,5 Bảng Anh, tương đương với 1,5 Quan Pháp, v.v... Và cứ 35USD tương đương với 1 ounce vàng 9.999. Bất kỳ quốc gia nào muốn in tiền bơm vào nền kinh tế của quốc gia ấy, và lưu thông trên toàn cầu thì phải ký quỹ tại kho vàng New York một số vàng tương đương. Hoa Kỳ có thêm sức mạnh vô song của đồng đô la vĩnh cửu từ đây. Hay nói dễ hiểu là tất cả các đồng tiền gọi là Tiền Kim Bản Vị.

Đây là một Hiệp ước có tính khoa học để ngăn chặn khủng hoảng kinh tài của một quốc gia, khu vực dưới sự điều hành của Hoa Kỳ. Mà nếu không có Hiệp ước này thì các quốc gia riêng lẻ có thể bị khủng hoảng kinh tế do chính trị sai lầm, kéo theo khủng hoảng kinh tế khu vực, và toàn cầu vì mất cân bằng quy luật cung-cầu trong chính sách kinh tế. Hiệp ước Bretton Woods tồn tại được từ 1944 đến 1971, 26 năm kinh tế toàn cầu sóng yên biển lặng.

Nhưng, đời lại có những chữ nhưng bắt nguồn từ bản chất của con người - tư hữu và quyền lực. Nên phải quay về một chút lịch sử toàn cầu.

Sau chiến tranh thế giới II, theo Hiến chương Liên hiệp quốc một số quốc gia có tiền án, tiền sự đi gieo rắc chiến tranh trong 2 kỳ thế chiến bị thua trận - Đức, Ý và Nhật - không được thành lập quân đội, để đi xâm lược các nước khác, mà chỉ để phục vụ bảo vệ an ninh quốc phòng. Nhưng, các đồng minh và kẻ thù trong chiến tranh thế giới II lại đảo lộn vì tư duy của các chính trị gia đi theo 2 con đường có 2 ý thức hệ khác nhau - Tư bản và Cộng sản. Cho nên, Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - khối NATO: North Atlantic Treaty Organization hình thành. Trong đó, điều quan trọng hàng đầu là, Hoa Kỳ đảm bảo an ninh cho các quốc gia trong tổ chức này, để phòng vệ với sự xâm lược của cộng sản từ Liên Xô và Đông Âu tràn sang Tây Âu bằng vũ lực, trong đó có Đức, xưa là kẻ thù Hoa Kỳ trong thế chiến, nay là đồng minh trong NATO. Ở châu Á, có Nhật Bổn là một thành viên trong bên thua cuộc trong chiến tranh thế giới II cũng phải chịu dưới sự bảo trợ an ninh quốc gia từ Hoa Kỳ, để không bị khối cộng sản từ Trung Hoa xâm lược.

Sau 20 năm được bảo trợ an ninh quốc phòng Đức và Nhật yên ổn làm ăn, toan lo nghèo khó. Cuối thập niên 1960, Đức và Nhật đã trở thành cường quốc kinh tế, và chiếm hơn 25% thị phần kinh tế toàn cầu, đồng thời còn có thể mở rộng thị trường trên toàn cầu. Hoa Kỳ thuyết phục Đức và Nhật nâng giá trị đồng Yên và Đức Mã lên cao ngang tầm với giá trị thị trường mà 2 nước này chiếm lĩnh, nhưng Đức và Nhật không đồng ý. Họ đòi vai trò đồng tiền của họ phải được bảo trợ bằng Hiệp ước Betton Woods đã cùng nhau thỏa thuận vào tháng 12/1944, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho giá thành hàng hóa xuất khẩu, và cạnh tranh với nền kinh tế siêu cường của Hoa Kỳ. Điều đó đã buộc Tổng thống Richard Nixon phải hủy bỏ Hiệp Ước Bretton Woods vào tháng 8 năm 1971. Kinh tế thế giới trở lại thời kỳ bấn loạn, cứ theo chu kỳ 7-8 năm có một cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực, có thể dẫn đến toàn cầu, như giai đoạn trước khi có Bretton Woods ra đời.

Sau khi đơn phương rút ra khỏi Hiệp ước Bretton Woods tháng 8 năm 1971, các quốc gia đã đóng quỹ vàng cho New York đòi lại số vàng mà mình đã ký gửi suốt 26 năm qua, nó lên đến 24 ngàn tấn vàng. Nhưng điều này hoàn toàn không quan trọng, vì lúc ấy dự trự vàng chỉ riêng Hoa Kỳ đã lớn hơn tổng dự trữ vàng của 9 nền kinh tế top ten còn lại. Hoa Kỳ lại nghĩ ra một chiến lược quản trị toàn cầu, khi mà đồng tiền không còn neo đậu vào vàng. 

Bretton Woods ra đi cái gì thay thế?

Đã có dầu khí. Có nghĩa là, sau 1971, toàn bộ vàng, tiền của toàn cầu có một cái mốc mới là dầu hỏa. Vì thế giới lúc này không có vàng không đáng lo ngại, nhưng không có dầu thì các quốc gia trên thế giới khó lòng phát triển khi nền kinh tế từ nông nghiệp đã chuyển mình sang kinh tế công nghiệp từ sau chiến tranh thế giới II. Có nghĩa là, lâu nay giá đồng tiền các quốc gia neo vào vàng, và dầu hỏa theo đó mà được ấn định giá. Nay Bretton Woods bị Hoa Kỳ đơn phương hủy bỏ, thì cũng chính Hoa Kỳ mặc nhiên, luật bất thành văn xây dựng một thời kỳ mới, mà ở đó dầu hỏa là cái mốc mà tất cả các đồng tiền và cả quý kim vàng cũng phải neo vào đó, làm cái mốc giá trị cho mọi sự trên đời.

Lại phải quay về một chút lịch sử liên quan đến chuyện Hoa Kỳ lấy dầu hỏa thay thế vàng trong định lượng giá trị hàng hóa toàn cầu.

Mối bất hòa của 2 quốc gia đầu têu cộng sản đã âm ỉ từ thập niên 1950s, vì quốc gia nào cũng muốn làm anh cả Đỏ. Điều này trong di chúc của cụ Hồ có đề cập đến, và cụ khuyên, hãy giữ gìn sự đoàn kết trong đảng như giữ gìn con ngươi của chính mình. Và rạn nứt ấy được bùng nổ thực sự vào 8 giờ sáng ngày 13 tháng 8 năm 1969, lực lượng tuần tra biên phòng ở Tân Cương, Trung Hoa gồm 37 người, do 1 sỹ quan là Dương Chính Lâm chỉ huy, bị lực lượng Liên Xô có 6 xe tăng yểm trợ phục kích và hạ sát toàn bộ. Khi Trung Hoa gửi công hàm phản đối, thì bên Liên Xô đáp trả là do biên phòng Trung Hoa xâm phạm lãnh thổ. 

Lừa nước đục thả câu, vào cuối năm 1969, Hoa Kỳ đã đi đêm với A Phú Hãn và Rumania để tiếp cận với Mao Trạch Đông trong chiến lược tiêu diệt Liên Xô cũ, và cũng để thực hiện chiến lược cai quản toàn cầu trong thế kỷ tiếp theo, bằng cách nắm yết hầu dầu hỏa của thế giới. Sau khi hủy bỏ Hiệp ước Bretton Woods tháng 8/1971, thì tháng 12/1972 Richard Nixon gặp Mao, Thông cáo Thượng Hải ra đời. Trong đó, vấn đề Đài Loan, biển Đông và Đông Dương được Hoa Kỳ bàn giao cho Trung Hoa bằng ngoại giao bóng bàn, trở thành vật thế chấp của Trung Hoa và Hoa Kỳ. Để đổi lại, Trung Hoa mở cửa thị trường, đối đầu với Liên Xô. Hoa Kỳ bỏ chiến trường Đông Dương với cái gọi là, ngăn chặn làn sóng cộng sản tràn khắp Á Châu, để chuyển sang Trung Đông để bắt thế giới phải neo giá trị đồng tiền và vàng theo đơn vị mỗi thùng dầu hỏa. Hay nói dễ hiểu là Tiền Dầu Bản Vị.

Kết quả của chiến lược chuyển neo đậu đồng tiền, hàng hóa từ cái mốc là 1 ounce vàng sang 1 thùng dầu hỏa là, Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ; toàn bộ Đông Dương rơi vào tay cộng sản; Trung Đông rơi vào tay Hoa Kỳ; Israel thắng trận ở cuộc chiến với Ai Cập và Syria vào ngày 06/10/1973; Khủng hoảng ngoại giao 52 con tin Hoa Kỳ với Iran năm 1978 làm giá vàng dậy sóng đến 850USD/oz theo giá dầu, vì khủng hoảng an ninh khi vực Vịnh Ba Tư, làm cản trở vận chuyển dầu cung cấp toàn cầu từ cuối năm 1978. Một thời kỳ mới mà Hoa Kỳ đã xác lập tất cả các đồng tiền trên toàn cầu phải bị neo nào giá của mỗi thùng dầu đã hình thành.

Quyền lực của dầu hỏa

Nhưng đến giữa sau thập niên 1980s thì Liên Xô như con rùa lật ngữa - mà dân gian Việt gọi là Nga Ngố. Với tuyên bố của Gorbachev trong cuộc họp ở Berlin của cộng sản toàn cầu là, tùy nghi tự định liệu. Nó làm ta nhớ đến tuyên bố của Cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cách đó 14 năm - tùy nghi di tản - làm VNCH sụp đổ. Cũng với tuyên bố cùng ý nghĩa này từ Gorbachev, Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Hoa Kỳ một mình múa gậy vườn hoang suốt gần 2 thập niên từ 1986 đến 2004! 

Trong khi đó, trước và sau sự kiện Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, một Đặng Tiểu Bình ở Trung Hoa thấy được sai lầm của cú ngoại giao bóng bàn từ 2 thập niên trước. Và qua sự kiện ngày 04/6/1989 Thiên An Môn đẫm máu, Đặng đã đưa ra sách lược, Mèo trắng, mèo đen, mèo nào bắt được chuột là chơi. Nó biến Trung Hoa thành nơi bán tài nguyên và môi trường để làm công xưởng của thế giới bằng lao động giá rẻ. Nó cướp việc làm của toàn cầu, và đồng lõa với các đại tư bản toàn cầu để bóc lột chính nhân dân Trung Hoa, nhằm ẩn mình chờ thời cho con Rồng Trung Hoa thức giấc.

Trạng chết thì trẫm cũng thương vong. Liên Xô sụp đổ là thắng lợi của phe Tư bản, đứng đầu là Hoa Kỳ, nhưng qua đó, những cuộc chạy đua vũ trang đã để lại khối nợ khổng lồ cho chính phủ Hoa Kỳ, đặc biệt đối với các đời Tổng thống thuộc đảng Cộng Hòa từ 1980 đến 1988 của ông Ronald Reagan đã đẩy nợ công từ 907 tỷ lên hơn 2 lần là 2602 tỷ đô la. Rồi đến 1 nhiệm kỳ của ông Bush cha từ 1989 đến 1992 đã đẩy nợ công từ 2602 tỷ lên gần gấp đôi là 4064 tỷ đô la. Cả 2 nhiệm kỳ Tổng thống thuộc Dân chủ do Bill Clinton nắm từ 1993 đến 2000 nợ công tăng thêm từ 4064 tỷ lên 5674 tỷ, chỉ tăng thêm 1100 tỷ đô la trong 8 năm, thấp nhất trong 34 năm qua. Vì cũng 8 năm nắm quyền nước Mỹ, nhưng ông Bush con đã đẩy nợ công nước Mỹ từ 5674 tỷ lên đến 10.024 tỷ đô la, tăng thêm 4350 tỷ đô la.

Obama bước vào Nhà Trắng với núi nợ lên đến 10.024 tỷ đô la, và kinh tế Hoa Kỳ đang suy trầm. Hàng loạt vấn đề cần giải quyết sau đống đổ nát của chấm dứt chiến tranh lạnh, và chạy đua vũ trang, cũng như cuộc chạy đua trong chiến tranh tiền tệ. Việc đầu tiên là Obama tuyên bố khủng hoảng kinh tế Hoa Kỳ sau khi Lehman Brothers sụp đổ lúc ông Bush con còn tại vị, và tái cơ cấu những trụ cột tài chính Hoa Kỳ gồm Bank of America, và cả City Group, nên phải vay của Trung Hoa 800 tỷ đô la. Sau đó là, những gói kích thích kinh tế với cái gọi là nới lỏng tín dụng - QE: Quantitative Easing - để phá giá đồng đô la Mỹ, làm giá dầu tăng cao, và giá vàng cũng tác nước theo mưa lên những kỷ lục mới cho giá dầu là 120USD/thùng và giá vàng 1.900USD/oz. Hết nhiệm kỳ đầu của Obama, đến 2012 nợ công Hoa Kỳ đã đến con số 16.066 tỷ đô la, gần như tương đương 100% GDP Hoa Kỳ của năm 2012 là 16.240 tỷ.

Còn nếu ai quan tâm nợ công Hoa Kỳ, chịu khó vào cái đồng hồ báo nợ của nước Mỹ nó nhảy sẽ chóng mặt và khó thở: US Debt Clock. Cho đến thời điểm tôi viết bài này đồng hồ nợ công Hoa Kỳ đã nhảy đến con số 17.272 tỷ đô la! Vì thế cho nên cuối năm 2013, chính phủ Hoa Kỳ phải đóng cửa 2 tuần, vì quốc hội không thông qua ngân sách tài khóa cho năm 2014. Nhưng đó chỉ là thủ thuật chính trị của một thể chế chính tri đa nguyên và tản quyền tốt nhất hiện nay của xã hội loài người - nghệ thuật của sự có thể.

Không say với men chiến thắng, yếu tố Thiên Địa, Nhân của Hoa Kỳ vẫn được miệt mài xây đắp dưới nghệ thuật của sự có thể - chính trị hùng cường. Trung Hoa cứ nghĩ mình đủ sức để vẫy đuôi rồng xuống Biển Đông, và vươn vuốt rồng khắp nơi, khi họ đạt được vị trí siêu cường thứ 2 về kinh tế thế giới vào năm 2010. Nhưng Trung Hoa không hiểu rằng từ 2004, Hoa Kỳ đã tiên liệu, và sử dụng sức mạnh của dầu hỏa là cái mốc giá trị mọi hàng hóa cho toàn cầu. Hoa Kỳ bắt đầu tạo ra chiến tranh tiền tệ, giá dầu tăng, thì giá vàng phải tăng theo. Ai sử dụng dầu nhiều nhất thế giới, kẻ ấy thua thiệt; Ai cần dự trữ vàng để chống các con kền kền gây lũng đoạn kinh tế các quốc gia như George Soros, thì mua vàng dự trữ, kẻ ấy thua thiệt. Những kẻ ấy là Trung Hoa, Ấn Độ, và Việt Nam, v.v...

Cũng giống như xưa với Đức và Nhật, Hoa Kỳ cũng yêu cầu Trung Hoa nâng đồng Yuan lên, nhưng Trung Hoa từ chối. Mày từ chối thì tao phá giá đồng tiền của tao. Và từ đó chiến tranh tiền tệ khốc liệt nhất diễn ra, giá dầu, giá vàng nhảy múa rối tung, cả thế giới đảo điên sau mỗi lần họp của Fed - Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ. Một mình Nga Ngố hưởng oản để phục sinh, và gây khó dễ.

Trong năm 2013, NHNN Việt Nam bán đấu giá vàng 70 đợt, không biết vàng bán ra từ đâu? Vàng tín phiếu thì tốt, xem như NHNN Việt Nam in giấy lộn làm tín chỉ vàng bán cho các tổ chức tài chính để mua trích quỹ dự phòng nợ xấu, và NHNN Việt Nam có được hơn 6.000 tỷ đồng lãi nộp ngân sách hoạt động cho chính phủ trong lúc kinh tế đang suy sụp. Nhưng nếu vàng đó là vàng mua thật để bán cho các tổ chức tài chính thì đó là cách làm của con rắn tự ăn cái đuôi của mình. Vì vàng mua từ lúc giá vàng 1.500USD/oz, nhưng tới hôm nay vàng chỉ còn 1.200USD/oz, xem như ngân quỹ quốc gia mất đi hàng trăm triệu đô la, vì lỗ cứ mỗi ounce vàng đến 300USD!

Cuộc chiến tranh tiền tệ giữa Trung Hoa và Hoa Kỳ, nếu nghiên cứu kỹ, nó diễn ra từ 2004 đến 2011, khi giá dầu tăng từ 25USD/thùng lên đến đỉnh là 120USD/thùng, sau đó hạ nhiệt, và giá vàng cũng tăng, hạ theo. Và cái mốc mà Hoa Kỳ quyết định hạ nhiệt chiến tranh tiền tệ sau khi họ quét dọn Trung Đông - Bắc Phi. bằng cách mạng Hoa Nhài, và bắt đầu hoàn thành công nghệ sản xuất dầu từ đá phiến sét để độc lập với sự neo đậu đồng đô la vào dầu hỏa. Một chiến lược mới bao vậy Trung Hoa bằng ngoại giao bóng rổ, qua xoay trục từ Trung Đông trở lại Thái Bình Dương được khởi động từ 2006, đồng thời gầy dựng Chiến lược đối tác kinh tế xuyên Đại Tây Dương từ tháng 10/2013. Cùng lúc đó, Trung Hoa bắt đầu khủng hoảng tài chính trong nước do nợ công của chính quyền địa phương chạy đua tăng trưởng để có tiền tham nhũng mua chức, mua quyền ở Trung ương trong đại hội đảng cộng sản Trung Hoa lần thứ 18 vừa qua. Cũng là lúc Hoa Kỳ tỉnh lại sau tăng trưởng bất ngờ đến 4.1% của con số 16.240 tỷ trong năm 2012, mà trước đó chỉ dự đoán có 3.6%.

Kết cho tương lai

Cho đến nay, mọi quyền lực xoay quanh giá dầu, vì thế giới vẫn chưa có những kỹ thuật tối tân, giản tiện để tận dụng nguồn năng lượng vô tận của thiên nhiên: năng lượng từ gió, và mặt trời. Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất là đến 2015, Hoa Kỳ sẽ là nước sản xuất dầu hỏa số 1 toàn cầu, nhờ vào việc vắt đá thành dầu, soán ngôi vị của Trung Đông về khoản này. Cho nên chúng ta không lạ là tại sao Hoa Kỳ quậy cho cách mạng Hoa Nhài và chuyển trục trở lại Thái Bình Dương từ Trung Đông. Và chúng ta cũng không rõ cuộc hội ngộ Nixon-Mao 2.0, mà ở đó, Obama và Tập đã bàn định những gì trong cuộc thế chấp mua bán khu vực Thái Bình Dương trong tương lai.

Mưa, gió, bão táp, phong ba sẽ đổ vào đâu khi Hoa Kỳ muốn, khi họ đã độc lập nguồn năng lượng chủ chốt này - dầu hỏa. Và chắc chắn một điều quan trọng là, Hoa Kỳ là tay tổ chức sòng bài thu tiền xôi, trong khi đó các con bạc khát nước đang cật lực đánh bạc cả ngày lẫn đêm mất tiền, tốn sức, mà cứ ngỡ mình hay.

Dầu sẽ lên, và sẽ xuống, nhưng xu thế xuống và đứng giá trong ít nhất 1/4 thế kỷ tới, với những gì công bố mới đây về an ninh năng lượng độc lập của Hoa Kỳ. Nhưng cũng vì nó mà những đợt sóng tăng hạ giá từ ông chủ thế giới Hoa Kỳ ban phát sẽ làm cả thế giới say sóng, nôn mửa, và có thể đi vào hôn mê, nếu ông chủ muốn cho thêm liều thuốc gây ói cho đến kiệt sức.

Cho đến khi nào thế giới chưa đủ sức làm ra công nghệ để tận dụng 2 nguồn năng lượng vô tận: gió và mặt trời, thì Hoa Kỳ vẫn dùng sức mạnh của dầu hỏa, đồng đô la, và vàng - mà chủ chốt là dầu hỏa làm tâm để điều khiển toàn cầu theo chiến lược của họ đã vạch ra.

Asia Clinic, 17h08' ngày thứ Năm, 02/01/2014