nha ban quan tan binh | mua nha quan tan binh

Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

NHỮNG BÀI HỌC TỪ CUỘC CHIẾN TRUNG ẤN


Bài dịch của Trang La.

Bài viết cùng tác giả:


NEW DELHI – Tháng này đánh dấu kỷ niệm 50 năm quân đội Trung Hoa tấn công Ấn Độ, cuộc chiến tranh duy nhất mà đất nước dưới chế độ cộng sản Trung Hoa giành thắng lợi. Mặc dù cuộc chiến thất bại trong việc giải quyết các tranh chấp giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới, và di sản của nó vẫn tiếp tục đè nặng mối quan hệ song phương giữa hai nước. Trong khi sức mạnh kinh tế của họ đang thu hút sự chú ý của quốc tế ngày càng tăng, thì sự cạnh tranh chiến lược cơ bản của họ về các vấn đề khác nhau từ đất đai và tài nguyên nước tới ảnh hưởng chính trị tại các khu vực khác lại ít thu hút sự chú ý hơn.


Tầm quan trọng quốc tế của mối quan hệ Trung - Ấn phản ánh thực tế là họ cùng chiếm 37% dân số toàn cầu. Mặc dù họ đại diện cho những nền văn hóa khác nhau rõ rệt và các mô hình phát triển cạnh tranh nhau, họ chia sẻ một sự tương đồng lịch sử giúp định hình ngoại giao của hai nước: mỗi bên đều tự giải phóng khỏi các cường quốc thực dân trong cùng một khoảng thời gian.

Trong suốt lịch sử của họ, các nền văn minh Trung Hoa và Ấn Độ được ngăn cách bởi cao nguyên Tây Tạng rộng lớn, dẫn đến hạn chế tương tác về văn hóa và tôn giáo cũng như không có quan hệ chính trị. Chỉ sau cuộc thôn tính Tây Tạng của Trung Hoa năm 1950 – 1951, quân đội Trung Hoa lần đầu tiên xuất hiện trên biên giới Hy Mã Lạp Sơn của Ấn Độ.

Hơn một thập kỷ sau đó, Trung Hoa gây bất ngờ cho quân đội thiếu sự chuẩn bị của Ấn Độ bằng việc tiến hành một cuộc tấn công từ nhiều hướng qua dãy Hy Mã Lạp Sơn vào ngày 20 tháng Mười năm 1962. Thủ tướng Trung Hoa Chu Ân Lai công khai nói rằng cuộc chiến này nhằm mục đích “dạy cho Ấn Độ một bài học”.

Tấn công kẻ thù một cách bất ngờ mang lại một lợi thế chiến thuật đáng kể trong chiến tranh, và cuộc xâm lược đã gây ra một cú sốc tâm lý và chính trị to lớn cho Ấn Độ, làm phóng đại những tiến bộ quân sự đầu tiên mà Trung Hoa đã đạt được. Cuộc chiến chớp nhoáng của Trung Hoa tạo ra tư tưởng chủ bại ở Ấn, buộc quân đội Ấn phải rút vào thế phòng thủ. Ấn Độ, lo sợ những hậu quả chưa xác định, thậm chí còn tránh sử dụng sức mạnh không quân của mình, mặc dù quân đội Trung Hoa thiếu vắng lực lượng phòng không hiệu quả trong cuộc tấn công của mình.

Sau hơn một tháng chiến đấu, Trung Hoa tuyên bố ngừng bắn đơn phương trong thế thượng phong, khi đã nắm được một số lãnh thổ Ấn Độ. Trung Hoa đồng thời thông báo rằng họ có thể bắt đầu rút các lực lượng của mình từ ngày 1 tháng 12 năm 1962, bỏ trống lãnh thổ họ giành được ở khu vực phía Đông (nơi có biên giới của Ấn, Myanmar, Tây Tạng và Bhutan) nhưng ở lại các khu vực bị chiếm ở phía Tây (bang thủ phủ Jammu và Kashmir). Các giới hạn rút lui này khớp với các mục tiêu trước chiến tranh của Trung Hoa.

Giống như Mao Trạch Đông bắt đầu cuộc xâm lược Tây Tạng khi thế giới đang bận rộn với cuộc chiến Triều Tiên, ông ta đã chọn thời điểm hoàn hảo để xâm lược Ấn Độ, theo chiến lược gia cổ đại Tôn Tử. Cuộc tấn công xảy ra đồng thời với cuộc khủng hoảng quốc tế nghiêm trọng đã đưa Hoa Kỳ và Liên Xô vào cuộc chiến tranh hạt nhân qua việc triển khai tên lửa tàng hình của Liên Xô ở Cuba. Việc ngừng bắn đơn phương của Trung Hoa trùng với thời điểm Mỹ chính thức chấm dứt phong tỏa hải quân Cuba, đánh dấu sự kết thúc khủng hoảng tên lửa.

Việc (lựa chọn) thời điểm khôn ngoan của Mao đảm bảo sự cô lập Ấn Độ khỏi các nguồn hỗ trợ quốc tế. Trong suốt cuộc xâm lược, sự chú ý quốc tế tập trung vào cuộc thách thức hạt nhân Hoa Kỳ - Xô Viết, chứ không phải là cuộc chiến đẫm máu bùng lên dưới chân dãy núi Hy Mã Lạp Sơn.

Sự thất bại nhục nhã của Ấn dẫn đến sự ra đi nhanh chóng của Thủ tướng Ấn, Jawaharlal Nehru; nhưng nó cũng khởi đầu cho việc hiện đại hóa quân đội và gia tăng chính trị.

Năm mươi năm sau, căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Hoa gia tăng trở lại trong bối cảnh cạnh tranh chính trị căng thẳng. Toàn bộ biên giới 4,057 km của họ - một trong những đường biên dài nhất thế giới – vẫn còn trong tình trạng tranh chấp, mà không có một đường biên xác định rõ ràng sự kiểm soát trên dãy Hy Mã Lạp Sơn.

Tình trạng này đã kéo dài mặc cho các cuộc đàm phán Trung - Ấn thường xuyên kể từ 1981. Thực tế, những cuộc đàm phán này là quá trình đàm phán lâu dài nhất và vô ích nhất giữa bất kỳ hai quốc gia nào trong lịch sử hiện đại. Trong một chuyến viếng thăm New Delhi năm 2010, Thủ tướng Trung Hoa Ôn Gia Bảo tuyên bố thẳng thừng rằng dàn xếp các tranh chấp biên giới “sẽ mất một giai đoạn lâu dài”. Nếu vậy, Trung Hoa (hay Ấn Độ) có được gì khi tiếp tục các cuộc đàm phán?

Khi vết thương cũ chưa nguôi, những vấn đề mới đã bắt đầu khuấy đục mối quan hệ song phương. Ví dụ, năm 2006, Trung Hoa đã khởi xướng một vụ tranh chấp lãnh thổ mới qua việc tuyên bố chủ quyền khu vực phía Đông (bang Arunachal Pradesh với diện tích xấp xỉ nước Áo), nơi mà lực lượng Trung Hoa đã rút lui năm 1962, mô tả nó như là “miền Nam Tây Tạng”.

Lập trường cứng rắn rõ rệt của Trung Hoa đối với Ấn Độ kể từ đó cũng được thể hiện trong các diễn biến/triển khai khác, bao gồm các dự án chiến lược của Trung Hoa và sự hiện diện quân sự của quốc gia này tại vùng kiểm soát của người Pakistan ở Kashmir, một vùng biên giáp ranh giữa Ấn Độ, Trung Hoa và Pakistan.

Các viên chức quốc phòng Ấn Độ đã báo cáo về sự gia tăng xâm nhập quân sự của quân đội Trung Hoa trong những năm gần đây. Đáp lại, Ấn Độ đã tăng cường triển khai quân sự dọc theo đường biên giới để ngăn chặn bất kỳ (hành vi) lấn đất nào của Trung Hoa. Ấn Độ cũng triển khai kế hoạch khẩn cấp (“crash program”) để cải thiện khả năng hậu cần bằng cách xây dựng đường sá, đường băng mới và các trạm hạ cánh hiện đại dọc theo dãy Himalaya.

Sự cạnh tranh chiến lược lớn hơn giữa chế độ chuyên chế lớn nhất thế giới và nền dân chủ lớn nhất thế giới cũng rõ nét hơn, mặc cho thương mại (giữa hai bên) tăng nhanh chóng. Trong thập kỷ vừa qua, thương mại song phương đã tăng hơn 20 lần, lên tới 73.9 tỷ đô la Mỹ , khiến nó trở thành khu vực duy nhất mà quan hệ song phương phát triển mạnh.

Vẫn quá xa vời để có thể cải thiện những tranh chấp cũ, quan hệ thương mại này đi kèm với sự cạnh tranh địa lý – chính trị và căng thẳng quân sự Trung - Ấn lớn hơn . Sự bùng nổ thương mại song phương không đảm bảo cho sự ôn hòa giữa hai quốc gia này.

Mặc dù Trung Hoa muốn dạy cho Ấn Độ “một bài học”, cuộc chiến 1962 đã thất bại trong việc đạt được bất kỳ mục tiêu chính trị lâu dài nào và chỉ làm cay đắng mối quan hệ song phương. Bài học tương tự được áp dụng cho bối cảnh Trung – Việt: năm 1979, Trung Hoa nhân rộng mô hình 1962 bằng việc tiến hành một cuộc chiến chớp nhoáng bất ngờ vào Việt Nam, cuộc chiến mà lãnh đạo Trung Hoa Đặng Tiểu Bình đã thừa nhận rằng (nó) được thiết kế để “dạy (cho Việt Nam) một bài học”. Sau 29 ngày, Trung Hoa kết thục cuộc xâm lược của nó, tuyên bố rằng Việt Nam đã bị trừng phạt đủ. Nhưng bài học mà Đặng có lẽ phải nhận ra từ kết quả yếu kém của Quân đội nhân dân Trung Hoa trong cuộc chiến với Việt Nam đó là Trung Hoa, cũng như Ấn Độ, cần hiện đại hóa mọi khía cạnh/vấn đề xã hội.

@Project Syndicate 2012

Asia Clinic – 15h31’ ngày thứ Năm, 25/10/2012

Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

NOBEL Y HỌC 2012 TRAO CHO CÁI GÌ?

Bài đọc liên quan:
+ Sơ lược về Nobel y học 2011
+ Một kết thúc có hậu cho Nobel y học 2010
+ Nhị nguyên luận trong giải thưởng Nobel y học 2009

Vậy là một năm nữa lại đến với câu chuyện trao giải Nobel. Như thường lệ, giải Nobel y học luôn là giải được công bố đầu tiên, nó nói lên tính nhân văn và tầm quan trọng của ngành chuyên chăm lo sức khỏe của loài người. Hơn nửa thế kỷ qua, hầu hết các giải Nobel y học tập trung vào những khám phá về sinh lý, sinh học, và sinh hóa, tức là những lĩnh vực sinh học phân tử trong y học, mà ít thấy nó trao cho y học thực hành như cái giải năm 2010 trao cho công trình thụ tinh trong ống nghiệm. Cách đây 30 phút giải Nobel Y học 2012 đã công bố.

Năm nay cũng vậy, giải Nobel y học 2012, cũng được trao cho 2 nhà khoa học chuyên nghiên cứu về tế bào gốc cho sự phát hiện về tế bào trưởng thành lập trình lại để trở thành tế bào vạn năng. Tôi có thể tóm tắt quá trình này một cách đơn gian như sau:

Khi hợp tử được tạo thành bởi 1 tế bào gốc gồm một nửa chất liệu di truyền của cha cho và một nửa chất liệu di truyền của mẹ cho trong quá trình thụ tinh. Nó nhân đôi và tạo thành nhiều tế bào gốc khác nhau. Sau đó dưới tác động của hormone - kích thích tố - các tế bào gốc được lập trình lại - reprogram - thành những tế bào được biệt hóa cho từng loại cơ quan đặc biệt - như mắt, mũi, miệng, da, xương, lông móng, gan, thận, tim, phổi, etc... Đó là quá trình được gọi là lập trình để biến tế bào gốc thành những tế bào vạn năng phục vụ tạo thành một cơ thể hoàn thiện và hoạt động phục vụ cho cả quá trình sống trong bào thai và sinh trưởng sau này.

Việc phát hiện này đã góp phần cho quá trình chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý trong nhiều lĩnh vực chuyên khoa khác nhau. Nhưng đóng góp lớn nhất của khám phá này là giúp cho ngành ghép tạng và điều trị ung thư đang tiến triển ở loại ung thự bạch cầu. Song vẫn còn nhiều chướng ngại trên con đường đến đích.

Nobel Y học năm nay lại trao cho 2 ông John Gurdon thuộc đại học Oxford và ông Shinya Yamanaka thuộc đại học Kyoto. Tuy ông Shinya Yamanaka là người Nhật, đã từng dạy tại đại học Kyoto, nhưng hiện nay ông là giáo sư giải phẫu học và lại là nghiên cứu viên cao cấp của viện nghiên cứu J David Golstone thuộc University of California - San Francisco - UCSF - California, Hoa Kỳ, đồng thời là chủ tịch hiệp hội Quốc tế về nghiên cứu tế bào gốc - International Sociaty for Stem Cell Research: ISSCR.

Sir John Gurdon 1933 - ?

Ông John Gurdon sinh ngày 02/10/1933. Năm 1962 - tức năm sinh ra ông Shinya Yamanaka người đồng chia giải Nobel y học năm nay với ông - ông Gurdon làm thí nghiệm lấy nhân của một hợp tử ếch thay vào nhân của một tế bào ruột của ếch. Kết quả cuối cùng là tế bào ruột này phát triển thành nòng nọc và ếch trưởng thành. Các tế bào trưởng thành vẫn có đầy đủ chất liệu thông tin di truyền bình thường của một con ếch.

Dr Shinya Yamanaka 1962 - ?

Bốn mươi năm sau, 2006 - ông Shinya Yamanaka sinh ngày 04/9/1962 - đã làm cho một tế bào chuột trưởng thành biệt hóa thành cơ quan đặc biệt lập trình lại trở về một tế bào gốc chưa trưởng thành có khả năng phát triển trở thành tất cả các loại tế bào trưởng thành cho mọi cơ quan trong cơ thể tại J David Golston Institute thuộc UCSF.

Hai ông, Gordon và Yamanaka đã thực hiện 2 công đoạn xuôi và ngược của quá trình phát triển từ tế bào gốc sang tế bào trưởng thành và biệt hóa thành cơ quan, và ngược lại. Nó là dấu son khám phá giúp ích rất nhiều cho quá trình điều trị ung thư và ghép tạng trong tương lai.

Xin chúc mừng một kỷ nguyên mới cho nhân loại trong y học hiện đại về tế bào gốc trong quá trình chinh phục bệnh tật của nhân loại.

Asia Clinic, 17h24' ngày thứ Hai, 08/10/2010

Thứ Năm, 4 tháng 10, 2012

GIẢI QUYẾT "NỢ XẤU" CỦA VIỆT NAM NHƯ THẾ NÀO?

Bài đọc liên quan:

Vấn nạn kinh tế Việt Nam hiện nay được gọi là "nợ xấu" và suy thoái kinh tế vì bất động sản đóng băng, kéo theo đình đốn toàn xã hội. Tháo gỡ bất động sản đóng băng là tháo gỡ mọi vấn đề.

Bài viết trước, tôi đã viết Việt Nam không có nợ xấu, mà cái gọi là nợ xấu chỉ là mỵ từ để bòn rút xương máu nhân dân. Vì 3 lẽ, thứ nhất ngân hàng nắm tiền là của ai? Đứa trẻ lên 6 biết đọc cũng thấy hàng chữ: "Ngân hàng nhà nước Việt Nam" trên tờ giấy bạc. Thứ hai, đất đai là của ai? Dân Việt ai cũng rõ, đất đai là của "toàn dân", nhưng thực chất là của nhà nước. Các doanh nghiệp lớn bất động sản là của ai? Cũng của nhà nước, mà mới hôm nay thôi, thủ tướng chính phủ đã ký quyết định dừng thí điểm 2 tập đoàn công nghiệp xây dựng, và tập đoàn phát triển nhà đô thị Việt Nam đã thành lập năm 2010 để làm việc bất động sản.

Nó có nghĩa là, tiền của anh, anh tự cho anh vay, rồi anh mở công ty xây dựng nhà, anh xây cất nhà anh bán. Nhưng anh bán không được, vì anh hét giá trên trời, thì anh cho là anh bị nợ xấu của chính anh cho anh mượn. Xấu là xấu cái gì? Xấu ở đâu, và tại sao có "nợ xấu"? Làm sao cho nó không xấu? Đó là cái cần bàn để tháo gỡ nút thắt của vấn đề.

Ta hãy bắt đầu bằng trả lời câu hỏi, tại sao có nợ xấu? Nguyên nhân là ở đây - lòng tham của loài người - mà tôi đã viết nhiều bài về lĩnh vực triết học trong 3 năm qua. Bằng cách, quốc hữu hóa đất đai bằng luật và hiến pháp, chính quyền đã biến cái sở hữu đương nhiên và rất tự nhiên của loài người trở thành cái sở hữu bất thường của một nhóm cầm quyền với cái gọi là đảng và nhà nước. Từ đó, một nhóm người sử dụng hiến pháp và luật bất thường này để phục vụ lòng tham kiếm lợi nhuận bằng những cái sân sau - ngân hàng thương mại cổ phần, công ty bất động sản trá hình tư nhân có người đại diện đứng tên là tư nhân, etc... - lãi thì chia nhau, nhưng khi không bán được thì lại cho là nợ xấu để móc túi dân bù lỗ, cứu đóng băng bất động sản.

Câu hỏi thứ hai là xấu là xấu cái gì? Xấu là xấu tâm, xấu tính. Lòng tham làm mờ mắt các nhóm quyền lợi được hưởng từ hiến pháp và pháp luật bất thường ấy. Họ giải phóng mặt bằng mỗi mét vuông đất không bằng một ổ bánh mì. Họ chỉ san lấp sơ sài, rối họ hét giá gấp hàng trăm ngàn lần. Họ xây nhà chung cư cao tầng trên đó, mỗi mét vuông đất trở thành hàng ngàn mét vuông đất ở với giá cao gấp nhiều lần hơn sau khi họ đã nâng nó lên hàng ngàn lần. Song chỉ có kẻ đầu cơ quan tâm sang tay lấy lãi, nâng giá kịch trần, người dân thực sự thiếu nhà ở thì không đủ khả năng để mà mua chỉ một mét vuông! Nên hậu quả là đóng băng bất động sản vì lòng tham và lợi dụng hiến pháp, pháp luật bất thường ấy. Cuối cùng tự gán cho nó cái tên nợ xấu.

Bây giờ, xấu là xấu ở đâu? Ở cái chỗ là lòng tham, là giá bất động sản quá sức cầu của dân, là cái nơi xấu về bản chất của vấn đề kinh tế Việt hiện nay. Giải quyết cái chỗ này, thị trường bất động sản sẽ chảy thông suốt, kinh tế sẽ lại lành mạnh. Thế thì, phải làm gì để giải quyết. Có ba giải pháp đồng bộ như sau, thực hiện tốt thì chỉ trong 1 tháng thôi, kinh tế Việt sẽ trở lại bình thường:

1. Giảm giá mỗi mét vuông đất hoặc nhà chung cư xuống bằng giá trị một tháng lương tối thiểu phải đóng thuế của người dân. Vì đất anh không tốn tiền mua, không lý do gì anh lại đẩy giá cao. Anh tự làm giá quá sức dân thì đóng băng là hiển nhiên, không bàn cãi.

2. Bán trả góp với giá như đã giảm cho công nhân, cán bộ nhà nước chưa có nhà ở bằng phương thức trả chậm trừ lương hằng tháng, mà không tính lãi suất của ngân hàng. Vừa được lòng dân, mà vừa giải quyết được kinh tế nước nhà đang thiểu triển, mà lại giúp đồng tiền chạy thông suốt trong nền kinh tế và giải quyết được quỹ lương.

3. Từ bỏ lòng tham và lợi dụng hiến pháp và pháp luật để trục lợi cho nhóm cầm quyền là biện pháp cốt tử để cứu nền kinh tế nước nhà. Vì biện pháp này mà không được thực thi, thì dù có thực hiện 2 biện pháp trên, nó sẽ còn những cái đóng băng khác diễn ra trong tương lai. Muốn từ bỏ lòng tham của nhóm cầm quyền thì buộc phải xóa bỏ cơ chế độc quyền. Bằng cách nào thì ai cũng quá rõ.

Rõ ràng, bài toán kinh tế Việt Nam trong cơn hấp hối hiện nay quá đơn giản, cái cơ bản nó không nằm ở kinh tếnó nằm ở chính trị thối nát, ủng hộ cho cái xấu, mà tôi đã viết từ vài năm trước. Nhưng nói thì dễ, còn làm thì sao quá khó, cũng bỡi vì cái bản chất của loài người - tư hữu và quyền lực - nó như cái vòng kim cô trói buộc mọi tư duy và hành động của con người từ thời ăn lông ở lổ đến tận hôm nay.

Asia Clinic, 17h20' ngày thứ Năm, 04/10/2012

Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012

VIỆT NAM CÓ "NỢ XẤU" KHÔNG?

Bài đọc liên quan:
+ Nợ hay là ăn cắp của dân?

Lâu nay từ truyền thông chính thống đến các bloggers bàn nhau chuyện nợ xấu rất lùm xùm. Người bàn kẻ tán rằng xử lý nợ xấu thế lọ, thế chai. Các nhà khoa học và cựu lãnh đạo tai tiếng thì người cho rằng phải thành lập công ty mua bán nợ xấu. Kẻ thì bảo đã có công ty cũ làm chức năng này rồi, lập ra cái mới làm gì, sao không nâng cấp về vốn và chức năng cái cũ để đảm nhiệm chức năng?

Tất cả rất lung, nhưng các think tank tối cao vẫn bình chân như vại. Tại sao bình chân không quan tâm đến nợ xấu, trong khi tin tức rối tung xà bần lúc thì 200 ngàn tỷ, khi thì 1 triệu tỷ, chả biết đâu mà lần.

Kinh tế nước Việt hiện nay chỉ có tình hình bất động sản bị đóng băng kéo theo các ngành nghề khác trong xã hội cũng chết dở sống dở. Vì xây nhà thì cần xi măng, sắt thép, đồ điện gia dụng, trang trí nội thất, etc... Khi bất động sản đóng băng và hàng tồn kho, chỉ tính riêng 2 thành phố lớn Hà Nội và Sài Gòn thì lên đến 70 ngàn căn hộ chưa bán được thì các ngành kia dần cũng chết theo.

Là dân ngoại đạo kinh tài, muốn bàn thì chẳng ai nghe, vì họ cho mình là dân chẳng biết chi. Nhưng với mình thì kinh tế nước Việt chả có nợ xấu.Vì nợ xấu từ đâu? Cũng từ bất động sản mà ra. Bất động sản nợ ngân hàng, còn ngân hàng thì nợ tiền vay của dân. Nếu nói về hiện tượng thì bất động sản nợ của dân. Nhưng nhìn về bản chất thì ngân hàng nợ của dân chỉ là rất phụ, mà nợ ngân hàng nhà nước thì nhiều.

Nhưng về bản chất, ngân hàng theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì ngân hàng là của nhà nước, chả có ngân hàng nào là của tư nhân. Vì vậy mà, "nợ xấu" là nợ của nhà nước nợ nhà nước. Nên nếu muốn giải quyết nợ xấu thì nhà nước chỉ cần xóa nợ của mình là xong. Chính vì thế cho nên, một số doanh nghiệp bất động sản muốn giảm giá nhà đất để tự cứu mình, nhưng ngân hàng lại không cho phép giảm giá. Trong khi dân thì không đủ khả năng mua nhà dù có nhu cầu nhà ở, nhưng giá thì ngất ngưỡng trên trời. Nên vấn đề nợ xấu ở Việt Nam là không có.

Ngoài ra, với hiến pháp Việt Nam bất động sản về mặt bản chất là của ai? Chắc chắn không phải là của dân, và của doanh nghiệp tư nhân, vì dân không được quyền sở hữu mà chỉ được quyền sử dụng. Nên cuối cùng cái gọi là nợ xấu là cái ảo hơn là cái thực.

Nếu có cái gọi là "nợ xấu" như lâu nay vẫn thấy tràn ngập thông tin truyền thông, là không đúng bản chất của vấn đề. Có thể phải tung tin vì nợ xấu cần phải thế lọ, thế chai, chỉ là vì mục tiêu mờ ám nào đó để bắt dân phải gánh nợ xấu bằng phí và thuế, hơn là phải giải quyết nợ xấu đúng nghĩa.

Để đơn giản cho dễ hiểu thì, đảng lấy tiền của mình in ra đặt từ tay phải cho vay sang tay trái để làm bất động sản. Sau khi bất động sản đóng băng thì tay trái bị nợ xấu với tay phải. Thế thôi.

Dân ngoại đạo kinh tài chỉ biết nhìn sự việc và hiện tượng trên cái nhìn triết học về bản chất và hiện tượng của nợ xấu mà lâu nay truyền thông đồn thổi. Không biết với các nhà kinh tài thấy sai chỗ nào thì chỉ dạy dùm.

Asia Clinic, 17h23' ngày thứ Ba, 02/10/2012