nha ban quan tan binh | mua nha quan tan binh

Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

OBAMA HAY ROMNEY?

Tổng thống Hoa Kỳ là người làm thuê cho nước Mỹ nhằm làm cho nước Mỹ giữ được cường quốc số 1 dẫn dắt toàn cầu. Vài ngày qua, nước Mỹ sôi lên với chiến lược cạnh tranh vào nhà trắng của ông Mitt Romney thuộc phe Cộng Hòa. Trong khi ông Obama đang cần mẫn với cuộc vận động lặng lẻ ở các trường đại học. Nhưng liệu ai, giữa Obama và Mitt Romney sẽ là người ngồi vào nơi lãnh đạo toàn cầu?

Một chút về 2 phe hắc bạch song sát và nước Mỹ

Các Quốc phụ của nước Mỹ từ ngày đầu lập quốc đã soạn thảo những văn bản hiến pháp và thành lập một chế độ chính trị tam quyền phân lập để điều hành một đất nước có nhiều tiểu bang, mà mỗi tiểu bang là một quốc gia có luật riêng, nhiều sắc tộc và đa văn hóa, cùng chung một nguyện vọng về đây, để làm nên một tân thế giới hợp với những kẻ tha phương cầu thực và cầu tự do.

Trước khi kết thúc chiến tranh thế giới hai, ba nước cường quốc phe đồng minh - Mỹ, Nga và Anh - họp Hội nghị Yalta diễn ra 1 tuần từ ngày 04-11/02/1945 để đưa ra quyết định bao vây năng lượng, phân công nhiệm vụ kết liễu từng nước trong phe phát xít thất trận, và ăn chia thị trường thế giới, sau kết thúc chiến tranh.

Nhưng trước khi có Hội nghị Yalta trên, thì vào cuối năm 1944, một Hiệp ước Bretton Woods đã được 44 nước thành viên theo đường lối tư bản chủ nghĩa, với 730 đại biểu bàn định với nhau để đưa Hoa Kỳ thay thế Vương quốc Anh điều hành thế giới. Một hệ thống quản lý tiền tệ toàn cầu ra đời - Hệ thống Bretton Woods. Vì tổng sản lượng xuất khẩu Hoa Kỳ lúc ấy chiếm 50% toàn cầu, và tiêu thụ bằng 60% của toàn cầu cộng lại, trong khi Hoa Kỳ chỉ có chưa tới 200 triệu dân. Đồng đô la Mỹ trở nên đồng tiền đáng tin cậy cho toàn cầu. Kể từ đó, vai trò thống sói của đồng đô la là một sức mạnh mềm to lớn giúp Mỹ xoay chuyển kinh tài toàn cầu. Và mục tiêu soán ngôi đồng đô la đã được các nước từ phe tư bản đến phe cộng sản đeo đuổi, mưu đồ thực hiện suốt từ 1970 đến nay mà, chưa làm được.

Sức mạnh của nước Mỹ - gồm sức mạnh cơ bắp và sức mạnh mềm - sức mạnh cơ bắp do đảng diều hâu Cộng Hòa nắm giữ và điều hành. Sức mạnh mềm do đảng Dân Chủ nắm giữ và điều hành.

Phe Cộng Hòa chủ trương ủng hộ 1% giàu có. Vì họ, hầu hết là những ông trùm giàu có đứng sau Fed. Họ cho rằng chỉ có người giàu mới tạo công ăn việc làm của xã hội. Nên họ có chiến lược để đưa nước Mỹ đứng đầu thế giới bằng cách, một chính phủ yếu trong quản trị quốc gia, nhưng mạnh trong quản trị toàn cầu. Họ giao quyền quản trị quốc gia cho từng tiểu bang. Họ quản trị thế giới thông qua điều hành Liên Hiệp Quốc và xuất khẩu chiến tranh đến nơi nào họ thấy cần phải có chiến tranh. Tất cả đều phục vụ cho 1% giàu có của nước Mỹ, và nó đã để lại nợ công nước Mỹ tăng lên chóng mặt sau 2 nhiệm kỳ ông George W. Bush, và những sa lầy ở A Phú Hãn, Iraq, những mất lòng tin toàn cầu về một nước Mỹ quá hung hăng và bạo ngược khi thế giới trở nên đơn cực sau Liên Xô sụp đổ. Nhưng người dân Mỹ ngày nay hiểu rằng 99% còng lưng làm việc để làm giàu cho 1%, và cuộc chiến chiếm phố Wall hồi giữa năm nay cho thấy đảng Cộng Hòa và các ông trùm cần phải biết điều.

Phe Dân Chủ chủ trương vì cộng đồng dân trung lưu và người nghèo. Nên đường lối của họ là lo an sinh xã hội cho tầng lớp phía dưới. Họ chủ trương một chính phủ mạnh về trí tuệ để quản trị quốc gia. Quản lý toàn cầu giao lại cho Liên Hiệp Quốc, và chỉ làm nhiệm vụ kẻ cố vấn bằng quyền lực mềm đối với Liên Hiệp Quốc và toàn cầu. Chính vì thế, chúng ta không lạ sau khi 2 thế hệ gia đình Bush đã làm mất lòng dân nước Mỹ và thế giới, dù được ông Bill Clinton của phe Dân Chủ vực kinh tế nợ nần của nước Mỹ, thì ông Obama phải có mặt.

Nước Mỹ cần lấy lòng dân Hồi giáo khủng bố toàn cầu ư? Obama đã từng là một con chiên Hồi giáo thời thơ ấu ở Indonesia. Nước Mỹ cần cho thế giới thấy là thiên đường hạ giới cho tất cả mọi tầng lớp xã hội ư? Obama có xuất thân là đứa con rơi của một người cha da đen du học sinh đến từ Kenya nghèo đói và bất công vẫn là người lãnh đạo thế giới! Sau khi làm chết hàng ngàn thanh niên Mỹ ở A Phú Hãn và Iraq vì chiến tranh, người dân Mỹ bất mãn, lính Mỹ chán chường ư? Chính quyền Obama có chiến lược cho sức mạnh mềm làm một cuộc lật đổ các chính quyền độc tài ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi, mà không tốn dù chỉ 1 nhân mạng lính Mỹ, và ít tốn tiền nhất cho chiến tranh những nơi mà Mỹ muốn có. 

Hơn một nhiệm Kỳ ông Bush con, nhưng tốn đến hơn ngàn tỷ đô la, vẫn không tiêu diệt được bin Laden. Obama bằng chiến lược truy tìm và tiêu diệt mục tiêu đơn lẻ đã làm được nhanh, gọn và lẹ. Nó còn làm cho thế giới thất kinh nước Mỹ, khi 2 chiếc trực thang đi vào ngay khu bảo an nhất của Pakistan tiêu diệt bin Laden, rồi ra đi mà thế giới và an ninh Pakistan không hề hay biết! Không lẽ máy bay trực thăng bay mà không có tiếng động? Chỉ có NASA và các lãnh đạo nước Mỹ mới nắm điều này. Vậy mà tháng 8 này, nước Mỹ lại thành công khi đáp được chiếc xe thám hiểm sao Hỏa chạy bằng năng lượng hạt nhân - Curiosity. Người ta lại đặt giả thiết rằng, nếu nước Mỹ làm ra những chiếc máy bay không người lái dùng động cơ năng lượng hạt nhân để bay trên bầu trời của bất kỳ nước nào nhằm phục vụ việc do thám, đánh bom thì sao?

Một chút về chiến lược tranh cử của 2 phe

Năm cuối cùng của nhiệm kỳ thứ nhất, ông Obama đưa ra những chiến lược quyết định để giữ mình còn tiếp tục lãnh đạo toàn cầu. Tháng Một năm 2010, tại Trung Tâm Đông Tây ở Honolulu của Hawaii, bà Hillary Clinton đọc diễn văn cho chiến lược xuyên Thái Bình Dương. Sau khi tiêu diệt bin Laden và cuộc domino cách mạng hoa Nhài ở Bắc Phi Trung Đông, chính quyền Obama tuyên bố và thực hiện cuộc chuyển quân từ Trung Đông sang Thái Bình Dương. Nếu nhìn theo yêu cầu của nước Mỹ, đây chính là chiến lược quyết định để ông Obama ở lại hoàn tất nhiệm vụ của phe Dân Chủ, cho một nước Mỹ số 1 toàn cầu.

Bên cạnh đó, chính sách thuế đang bị kẹt bỡi Quốc hội đa phần của phe Cộng Hòa ách lại, nó sẽ giúp lôi kéo 200 CEOs Hoa Kỳ trở về đầu tư nội địa giải quyết tỷ lệ thất nghiệp 8% kéo dài trong gần 3 năm qua. Đồng thời, chính sách thuế cũng làm lợi cho nhóm tài phiệt quyết định ai là người cầm đầu nước Mỹ.

Chính sách Medicare cũng là cái pít tông ủng hộ cho Obama lấy lòng được cử tri nghèo và tầng lớp trung lưu trong cuộc chạy đua vào nhà Trắng.

Trong khi đó, phe Cộng Hòa đang dùng chiến lược tấn công phe Dân chủ bằng những lời hứa có cánh rằng, sẽ đề ra lập trường cứng rắn với Trung Hoa. Rằng chính phủ Obama đang là một chính phủ vô phương hướng trong giải quyết nợ quốc gia và nạn thất nghiệp. Họ làm nên 2 chiếc đồng hồ đèn LED lớn ở quãng trường New York để cho dân Mỹ hiểu được chính phủ ông Obama đang bất lực. Một chiếc đồng hồ tính con số gia tăng nợ công của nước Mỹ theo giờ. Một đồng hồ nói lên tỷ lệ thất nghiệp nước Mỹ theo thời gian ông Obama cầm quyền ở nhà Trắng trong gần 4 năm qua.

Nhưng trong một lần vận động tranh cử của ông Mitt Romney ở  California, ông đã lóng ngóng và hết sức sai lầm khi trả lời câu hỏi của cử tri. Ông đã quá ngốc nghếch khi trả lời rằng, Tôi quá quan trọng để phải đến chiến trường Việt Nam - "I was too important to go to Vietnam". Ngoài ra, phe Cộng Hòa chưa cho thấy họ làm gì để khống chế Trung Hoa và đưa nước Mỹ trở lại thời kỳ vàng son sau khủng hoảng kiinh tế 2008.

Câu chuyện phe Cộng Hòa đang đình đám bằng những tuyên bố rất có cánh, nó làm nhớ lại những lời hứa của ông George W. Bush con hứa sẽ buộc Trung Hoa nâng đồng Nhân Dân tệ và thúc đẩy công ăn việc làm cho nước Mỹ. Nhưng sau 8 năm ngồi vào ghế nóng, Bush con ra đi và để lại tỷ lệ thất nghiệp cho nước Mỹ vượt 10%. Nợ công đầm đìa buộc Obama phải chủ động làm khủng hoảng kinh tế 2008, và kích cầu bằng gói vay Trung Hoa 800 tỷ đô la, và 2 gói QE. Còn tỷ giá đồng Nhân Dân tệ vẫn cứ ở mức như khi ông Bush con ngồi vào nhà trắng!

Obama hay Romney?

Tổng thống Hoa Kỳ là người làm thuê cho nước Mỹ nhằm làm cho nước Mỹ giữ được cường quốc số 1 dẫn dắt toàn cầu. Việc quyết định ai ngồi vào ghế nóng nhìn bên ngoài là do nhân dân Mỹ bỏ tấm phiếu của mình trực tiếp đến ứng viên Tổng thống ở mỗi tiểu bang.

Nhưng nhìn sâu bên trong thì, trước đó, ai sẽ là ứng viên cho 2 phe hắc bạch phải chạy đua trong đảng và được đảng ấy chọn ra. Còn nhớ năm 2008, Bà Hillary và ông Obama chạy đua đến phút chót, nhưng bất phân thắng bại. Đảng dân Chủ lo sợ sẽ đi đến chia rẻ nội bộ đảng này dẫn đến thua cuộc với ứng viên Cộng Hòa - Mc Cain. Họ phải họp kín để giảng hòa 2 ứng viên Hillary và Obama trong nội bộ đảng Dân Chủ, để Obama ra đại diện chiếc ghế nóng, vì một nước Mỹ đang cần.

Nhưng, sau 8 năm cầm quyền của Cộng Hòa, một nước Mỹ quá xấu cả quyền lực cứng và mềm với toàn cầu. Nước Mỹ cần những gì cho thế giới và dân nước Mỹ thấy như ở phần đầu mà tôi đã trình bày. Dân Chủ và Obama cần hơn Cộng Hòa và Mc Cain công thần cần mẫn, cũng vậy Obama hơn là Hillary vì các ông trùm bảo thủ của nước Mỹ vẫn chưa mở cái đầu của mình cho phái đẹp cầm quyền. Và Họ đã chọn Obama và Dân Chủ.

Nhớ lại sau 8 năm Bill Clinton đưa kinh tế Mỹ hùng cường với tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất mọi thời dưới 4%. Sau đó, Al Gore, một phó Tổng thống của ông Clinton ra ứng cử chạy đua với ông Bush con. Cuộc đua của Al Gore và Bush con lùm xùm chuyện kiểm phiếu đi, kiểm phiếu lại và cuối cùng, Bush con thắng hơn 1 phiếu đại cử tri, trong khi thua phiếu dân cử so với Al Gore để Bush con ngồi vào ghế nóng. Vì sao?

Vì nước Mỹ cần đập phá thế giới giai đoạn này. Nước Mỹ cần lấy lại quyền lực của mình ở Trung Đông. Nước Mỹ cần nắm giếng dầu của thế giới, thông qua việc nước Mỹ cần trả thù cái vết nhơ của gia đình Bush - một gia đình của những ông Big Godfather nước Mỹ - đã từng thất bại trong chiến dịch Bão táp Sa Mạc 1991 mà ông Bush cha trừng trị Saddam Hussein của Iraq. Hơn thế nữa, nắm được Iraq nước Mỹ sẽ sờ được kẻ đứng đầu Hồi giáo Trung Đông như cái gân gà khó nhai và không dễ nuốt Iran.

Giờ đây, chiến lược Thái Bình Dương còn dang dỡ. Một cuộc bao vây Trung Hoa trỗi dậy trong hung hăng mới bắt đầu. Tình hình Trung Đông và Bắc Phi cũng còn lắm những bất ổn. Nước Mỹ cần một sức mạnh mềm để cai quản trong nhà, vì kinh tế đang tăng trưởng rất chậm chạp, và uốn nắn thế giới vào quỹ đạo của sức mạnh mềm nước Mỹ, hơn là cần những cuộc tiêu hoang xuất khẩu chiến tranh. Ai quyết định cho Dân Chủ hay Cộng Hòa cho những gì nước Mỹ cần? Không ai khác những ông trùm đứng đằng sau Fed.

Các ông trùm cần một chiến lược bàn tay sắt bọc nhung cho nước Mỹ trong 4 năm tới hơn là một trận giác đấu của thời chiếm hữu nô lệ. Các ông trùm nước Mỹ luôn biết chọn chiến lược làm sao cho trong cái chung luôn có cái riêng của mình, mặc dù họ luôn là trụ cột của phe cánh Cộng Hòa. Và đó là điều khác biệt của nước Mỹ với thế giới còn lại, ông Barack Obama sẽ ngồi tiếp một nhiệm kỳ nữa để hoàn thành nhiệm vụ kẻ làm thuê vĩ đại của mình.

Asia Clinic, 18h44' ngày thứ Sáu, 31/8/2012

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

QUA SỰ KIỆN BẦU KIÊN XIN NÓI VỀ LUẬT

Ngay sau câu chuyện bầu bì bị câu lưu để điều tra, ông thủ tướng họp ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng với tư cách đứng đầu tổ chức này. Sự kiện trên làm cho cả báo nước ngoài và một số người dân bàn tán xôn xao rằng, tại sao ở nghị quyết trung ương đảng lần thứ 5 khóa XI đã có sự thành lập ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trực thuộc bộ chính trị dưới sự chỉ đạo trực tiếp của tổng bí thư đảng, mà bây giờ thủ tướng vẫn còn nắm cái ban chỉ đạo này?

Từ những sự kiện trên, nhiều người giàu trí tưởng tượng nghĩ ra những đấu đá về phe phái chính trị trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp, hòng bôi nhọ cá nhân cụ thể và làm cho cộng đồng người Việt ít hiểu biết luật bán tín, bán nghi. Và lắm những lời bàn kiểu theo thuyết âm mưu về tình hình bất ổn chính trị ở Việt Nam. Đó là hậu quả của một tư duy văn hóa duy tình, cảm tính và chủ quan, khi nhìn một vấn đề lớn của xã hội.

Ngày 29 tháng Mười Một năm 2005, ông cựu chủ tịch Nguyễn Văn An đã ký Luật phòng chống tham nhũng của nước CHXHCN Việt Nam, số 55/2005 QH11, với 8 chương và 92 điều quy định rõ ràng. Trong đó, điều 73, mục 1, chương năm quy định rõ ràng như sau:

Điều 73. Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng
1. Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước. Giúp việc cho Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng có bộ phận thường trực hoạt động chuyên trách.
2. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.

Như vậy là rất rõ ràng, nếu muốn nghị quyết trung ương đảng lần 5 khóa XI vừa rồi được thực thi đúng luật pháp quốc gia về vấn đề ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, thì phải đợi cuộc họp quốc hội đưa ra và đồng thuận về sửa lại luật đã ký ngày 29/11/2005. Nếu ông tổng bí thư đứng chỉ đạo điều hành ban này khi chưa được quốc hội thông qua thì là phạm luật.

Nên việc thủ tướng vẫn chủ trì và đứng đầu ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng ngày 22/8/2012 vừa qua là đúng luật. Không có gì phải bàn tán xôn xao. Ngay cả trong cuộc họp này thủ tướng còn đưa vấn đề phải tìm bắt cho được ông cựu cục trưởng cục hàng hải họ Dương.

Vấn đề quan trọng là, sau vụ tuyên bố của thủ tướng là phải quyết liệt với tham nhũng và xử lý nghiêm vụ việc ông bầu Kiên dù đó là bất kỳ ai, thì liệu cái nghị quyết trung ương đảng lần 5 vừa qua về việc ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng có bị phá sản không? Đây là vấn đề cần theo dõi và có cái nhìn duy lý bằng sự kiện đúng với những gì nó có.

Với những sự kiện lớn của đất nước, một phương pháp luận khoa học và khách quan cần để phân tích. Không nên nhìn cái nhìn cảm tính và duy tình sẽ dẫn vấn đề đi lệch hướng và sai lầm.

Bao giờ cũng vậy, từ thực tế khách quan đi vào tư duy trừu tượng, và từ tư duy trừu tượng đem ra áp dụng thực tế khách quan. Đó là con đường nhận thức chân lý, chân lý khách quan.

Asia Clinic, 16h24' ngày thứ Sáu, 24/8/2012

Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2012

CẢI CÁCH TIẾP THEO CỦA TRUNG HOA


Bài dịch của Trang La


Bài viết của 2 tác giả Trầm Liên Đào(沉联涛: Andrew Sheng) và Cảnh Tây Áo(耿西澳: Geng Xiao)

Trầm Liên Đào(Andrew Sheng) là Chủ tịch của Global Fung Institute, là một cựu chủ tịch của Hong Kong Securities and Futures Commission và hiện đang là một giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh. Cuốn sách mới nhất của ông là Từ châu Á đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu(From Asian to Global Financial Crisis).

Cảnh Tây Áo(Xiao Geng) là giám đốc nghiên cứu tại Global Fung Institute.

HONGKONG – Trong suốt ba thập niên với các điều kiện thuận lợi của kinh tế toàn cầu, Trung Hoa đã tạo ra một hệ thống sản xuất tích hợp toàn cầu chưa từng có về quy mô cũng như tính phức tạp. Nhưng giờ đây các nhà hoạch định chính sách của nó phải đương đầu với một lúc ba thách thức bao gồm cuộc khủng hoảng nợ Châu Âu đang lan rộng, sự phục hồi chậm chạp ở Hoa Kỳ, và sự chững lại trường kỳ của tăng trưởng kinh tế Trung Hoa. Cả ba thách thức này đều có liên quan đến nhau, và bất cứ sai lầm nào của một trong ba yếu tố này đều có thể nhấn chìm nền kinh tế toàn cầu vào một cuộc suy thoái khác.

Để đánh giá các rủi ro và các phương án cho Trung Hoa và thế giới, người ta phải hiểu hệ thống sản xuất “công xưởng toàn cầu” của Trung Hoa, vốn dựa trên bốn trụ cột khác nhau nhưng phụ thuộc lẫn nhau.

Trụ cột đầu tiên, “công xưởng thế giới” đặt tại Trung Hoa, được tạo ra phần lớn bởi các tập đoàn đa quốc gia và các nhà cung cấp cùng các nhà thầu phụ ngoại quốc, với nhiều lao động gia công và lắp ráp bởi các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) mà các doanh nghiệp này có sự tiếp cận trực tiếp tới các thị trường toàn cầu thông qua mạng lưới phức tạp các hợp đồng. Những doanh nghiệp vừa và nhỏ này bắt đầu khiêm tốn ở các khu vực ven biển và các đặc khu kinh tế, chuỗi cung ứng “công xưởng thế giới” này đã mở rộng khắp Trung Hoa, sản xuất mọi thứ từ thú nhồi bông tới máy tính bảng - iPad.

Công xưởng thế giới đã không thể xây dựng được nếu không có trụ cột thứ hai: “mạng lưới cơ sở hạ tầng Trung Hoa”, được xây lắp và vận hành phần lớn bởi các tập đoàn nhà nước đa ngành trong các lĩnh vực logistic, năng lượng, đường sá, viễn thông, vận tải và cảng biển. Trụ cột này chủ yếu dựa vào lập kế hoạch, đầu tư cố định quy mô lớn, và kiểm soát hành chính, và chất lượng, quy mô và tính hiệu quả so sánh là chiến lược để Trung Hoa tạo ra tính cạnh tranh và năng suất.

Trụ cột thứ ba đó là “hệ thống cung ứng tài chính Trung Hoa”, vốn cung cấp tài chính cần thiết cho việc xây dựng và duy trì mạng lưới cơ sở hạ tầng. Chuỗi cung ứng này đặc trưng bởi sự thống trị của các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước, với tỷ lệ tiết kiệm nội địa cao, thị trường tài chính kém phát triển so với mặt bằng chung, và tài khoản vốn (tư bản) khép kín.

Trụ cột cuối cùng đó là “chuỗi cung ứng dịch vụ chính phủ”, qua đó các quan chức trung ương và địa phương gây ảnh hưởng tới toàn bộ liên kết sản xuất, cung ứng, và mạng lưới tài chính thông qua các quy định, thuế, hoặc giấy phép. Phần lớn các nhà quan sát nước ngoài bỏ qua quy mô và mức độ của sự đổi mới thể chế và quy trình trong chuỗi cung ứng này, vốn dĩ được điều hành (chủ yếu) nhằm bảo vệ quyền sở hữu, giảm chi phí giao dịch và tối thiểu hóa rủi ro bằng cách sắp xếp các dịch vụ của chính phủ phù hợp với lợi ích thị trường. Vi dụ, chính quyền địa phương Trung Hoa đã rất xuất sắc trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bằng cách cung cấp cơ sở hạ tầng hấp dẫn và cung ứng dịch vụ mà qua đó tạo thuận lợi cho việc mở rộng chuỗi sản xuất toàn cầu.

Với sự khởi đầu của cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay, và những thay đổi đáng kể trong truyền thông xã hội, nhân khẩu học, đô thị hóa, và hạn chế nguồn lực, cả bốn trụ cột đang chịu áp lực. Các chuỗi sản xuất đối mặt với sự thiếu hụt lao động, gia tăng lương, và các nguy cơ về việc di dời tới những quốc gia chi phí thấp hơn. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt câu hỏi về khả năng thanh toán của các chính quyền địa phương.

Các chuyên gia Trung Hoa hiện đang tranh luận một câu hỏi then chốt về quản trị: kiến trúc thượng tầng nào sẽ cho phép quốc gia này chấp nhận những cải cách cần thiết trước áp lực toàn cầu và nội địa? Các nhà đầu tư đang quan ngại về diễn biến thất thường của chứng khoán Trung Hoa, vấn đề quản lý rủi ro, và sự không ổn định chính sách, cũng như sự không chắc chắn bắt nguồn từ biến động giá tài sản lớn hơn, bao gồm cả giá bất động sản, lãi suất và tỷ giá hối đoái.

Điều khiến nền kinh tế Trung Hoa trở nên khó dự báo hơn đó là sự tác động qua lại ngày càng phức tạp của bốn thành phần trong hệ thống sản xuất của nó với nhau và với phần còn lại của thế giới.

Đầu tiên, các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của “công xưởng thế giới” đã bắt đầu tiêu tan. Chi phí sản xuất – bao gồm chi phí lao động, tài nguyên, quy định, và hạ tầng – đã tăng lên trong nước, trong khi bong bóng tiêu dùng ở phương Tây đang vỡ.

Thứ hai, thành công ban đầu của “hạ tầng Trung Hoa” đã được xây trên đất đai, nguồn vốn và lao động giá rẻ. Nhưng, mặc cho hạ tầng hiện đại, chi phí cung ứng hậu cần ở Trung Hoa lại chiếm tới 18% chi phí sản xuất, so với 10% ở Hoa Kỳ, do một loạt sự thiếu hiệu quả trong điều hành nội bộ.

Thứ ba, thành công của hệ thống tài chính Trung Hoa được xây dựng trên cơ sở các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước tài trợ cho các dự án hạ tầng và tài trợ tài chính nước ngoài cho việc sản xuất (hàng hóa) xuất khẩu thông qua FDI và thương mại. Hệ thống tài chính chưa giải quyết đầy đủ những thách thức của thể chế tài chính, đặc biệt là tài trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và khu vực nông thôn, và rủi ro đối với phần năng lực sản xuất dư thừa trong các ngành công nghiệp được lựa chọn.

Điểm cuối cùng, nhưng không phải là không quan trọng, cả ba trụ cột nói trên có lẽ không thể đứng vững nếu không có cái mỏ neo là trụ cột thứ tư. Đến nay, thành công của nó vẫn dựa vào cạnh tranh tích cực giữa chính quyền địa phương và các bộ ngành khác nhau, được đánh giá dựa trên các chỉ số kết quả như là GDP và doanh thu tài khóa. Không may, điều này lại dẫn tới các vấn đề về công bằng xã hội và sự bền vững môi trường, đòi hỏi sự hợp tác phức tạp giữa các “lô cốt” quan liêu để chống lại các nhóm lợi ích quyền lực.

Có một sự công nhận và đồng thuận rộng rãi rằng một phần của việc cải tổ đòi hỏi tái thiết lại cả 4 trụ cột nói trên. Đầu tiên, chuỗi sản xuất phải dịch chuyển từ phụ thuộc xuất khẩu sang tiêu dùng nội địa. Tái thiết cơ sở hạ tầng có nghĩa là đề cao chất lượng hơn số lượng, và giảm thiểu sở hữu nhà nước và để giá cả vận hành theo tác động thị trường. Bộ máy nhà nước thay vào đó nên tập trung vào chống tham nhũng, giảm chi phí giao dịch, thúc đẩy cạnh tranh, hạ thấp các rào cản hành chánh và loại bỏ công suất dư thừa.

Đối với chuỗi cung ứng tài chính, vấn đề cốt lõi là giải quyết rủi ro hệ thống và phân bổ lại các ưu đãi nhằm khuyến khích các nhà đầu tư hỗ trợ các công cụ tăng trưởng kinh tế thực sự thay vì tạo ra bong bóng tài sản.

Sự kỳ diệu Trung Hoa được tạo ra bởi cải cách thể chế và quy trình ở mọi cấp độ trong chuỗi cung ứng dịch vụ chính quyền. Không gì khác, Trung Hoa cần một cuộc cải cách toàn diện để trở thành một nền kinh tế cân bằng, công bằng xã hội và ổn định hơn. Quá trình này thực sự đã bắt đầu với một vòng thử nghiệm tại ba đặc khu kinh tế mới tại Hengquin, Tiền Hải (Qianhai: 前海), và Nam Sa (Nansha: 南沙) để thí điểm sự nổi lên của một nền kinh tế dịch vụ dựa trên tri thức sáng tạo.

Tất nhiên, nền kinh tế như vậy chủ yếu dựa vào chất lượng quản trị. Thách thức thực sự của các quan chức Trung Hoa là làm sao để cân bằng giữa sáng tạo và đổi mới thể chế trong trật tự, qua đó đảm bảo tính toàn vẹn cho cả bốn trụ cột của nền kinh tế.

@Project Syndicate 2012

BS Hồ Hải hiệu đính - Asia Clinic - 12h31’ ngày thứ Hai, 20/8/2012

Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2012

QUAN HỆ VỚI HOA KỲ CỦA ẤN ĐỘ


Bài dịch của Trang La

Bài viết gốc: India’s American Relations

Bài viết của Shashi Tharoor, Cựu Bộ trưởng Ngoại giao của Ấn Độ và là một trong 5 ứng viên Tổng thư ký Liên hợp quốc sau khi ông Kofi Annan hết nhiệm kỳ, hiện là thành viên Quốc hội Ấn Độ. Cuốn sách mới nhất của ông, Hòa Bình kiểu Ấn Độ: Ấn Độ và thế giới của thế kỷ 21(Pax Indica: India and the World of the 21st Century), vừa được xuất bản.

NEW DELHI – Với cuộc bầu cử tổng thống của nước Mỹ hiện ra lờ mờ, có lẽ khía cạnh rõ ràng nhất trong quan điểm của Ấn Độ đó là không ai ở New Delhi thực sự để tâm đến kết quả. Có một sự đồng thuận rộng rãi trong giới hoạch định chính sách ở Ấn Độ rằng, bất kể ai chiến thắng, mối quan hệ Ấn Độ - Hoa Kỳ đều ít nhiều vẫn đi đúng hướng.

Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đều có trách nhiệm đối với diễn biến này. Chuyến thăm Ấn Độ thành công của Tổng thống Barack Obama năm 2010, và bài phát biểu lịch sử của ông trong một phiên họp toàn quốc hội, đã giới hạn những sự kiện quan trọng nhất gần đây trong mối quan hệ song phương. Đây là một trong rất nhiều những cuộc gặp gỡ giữa Obama và Thủ tướng Manmohan Singh trong các diễn đàn khác nhau kể từ khi nhậm chức, thường là các hội nghị thượng đỉnh đa phương như G-20, và nó củng cố mối quan hệ mới nổi lên từ một thập kỷ thay đổi mạnh mẽ.

Trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh, nền dân chủ lâu đời và lớn nhất của thế giới thực chất đã trở nên ghẻ lạnh. Sự thờ ơ ban đầu của Mỹ được thể hiện rõ ràng nhất trong phản ứng của Tổng thống Harry Truman khi Chester Bowles - một nhà chính trị và ngoại giao theo đảng dân chủ tự do ở bang Connecticut của Hoa Kỳ(ND) - hỏi ông về việc bổ nhiệm làm đại sứ Ấn Độ. “Tôi nghĩ rằng Ấn Độ đang chật ních với những người nghèo và những con bò ở quanh đường phố, các bác sỹ phù thủy và những người ngồi trên than nóng, tắm trên sông Hằng… nhưng tôi không nhận thấy bất cứ ai nghĩ rằng điều đó là quan trọng”.

Nếu điều đó là xấu, thì định hướng chính trị của Ấn Độ còn xấu hơn. Sự ưu tiên của Mỹ đối với việc tạo ra các đồng minh chống cộng, dù không tốt đẹp gì, đã gắn kết Washington với chế độ độc tài Hồi giáo đang lên của Pakistan, trong khi nền dân chủ không liên kết của Ấn Độ trôi theo đường lối của Liên Xô già cỗi. Chính quyền Hoa Kỳ không ủng hộ phong trào không liên kết; thư ký liên bang của Eisenhower, ông John Foster Dulles, có một tuyên bố nổi tiếng rằng “trung lập giữa thiện và ác thực ra chính là ác”. 

Trong một thế giới bị phân chia giữa hai siêu cường không nhân nhượng, sự lừng khừng của Ấn Độ có vẻ như là cách xoa dịu tốt nhất đồng thời là sự hỗ trợ và an ủi tồi tệ nhất đối với kẻ thù.

Mặt khác, Pakistan trở thành một phần thiết yếu trong chiến lược của Mỹ nhằm ngăn chặn Liên Xô và sau này là sự mở cửa cho Trung Quốc. Từ quan điểm của Ấn Độ, sự ‘nuông chiều’ của Mỹ với Pakistan đã trở thành sự thù địch công khai khi Hoa Kỳ gửi Hạm đội Bảy (Seventh Fleet) tới vịnh Bengal nhằm hỗ trợ nạn diệt chủng của Pakistan tại Bangladesh năm 1971. Sự căng thẳng đã trở nên dịu lại đúng lúc, nhưng Ấn Độ vẫn luôn được coi là nghiêng về phía điện Kremlin, rất khó để có thể đề xuất mối quan hệ hữu hảo trong con mắt của người Mỹ.

Với sự kết thúc thời kỳ Chiến tranh lạnh, và sự định hướng lại mục tiêu của Ấn Độ đối với chính sách ngoại giao, cũng với sự gia tăng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu của nó, đã làm tan băng. Tuy nhiên, một với vụ thử hạt nhân của Ấn vào năm 1998, lại làm khơi mào cho các biện pháp trừng phạt mới của Hoa Kỳ.

Tổng thống Bill Clinton đã bắt đầu làm thay đổi mọi thứ với một chuyến thăm Ấn Độ thành công rực rỡ vào năm 2000, năm cuối cùng tại vị của ông. Chính quyền của G.W.Bush đã đưa các vấn đề tiến xa hơn nữa, với một Thỏa thuận quốc phòng năm 2005 và một Hiệp định trọng yếu về hợp tác hạt nhân dân sự năm 2008 (thứ mà vẫn là tâm điểm của mối quan hệ chuyển biến).

Hiệp định hạt nhân đồng thời thực hiện hai điều. Nó thừa nhận Ấn Độ vào câu lạc bộ hạt nhân toàn câu, mặc cho sự từ chối ký kết Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân. Quan trọng hơn, nó thừa nhận rằng đây là trường hợp ngoại lệ mà Hoa Kỳ đã tìm được người anh em. Nhờ có Hoa Kỳ, dùng sức mạnh vũ trang đối với 45 quốc gia thuộc Tập đoàn Cung cấp hạt nhân buộc họ ngậm đắng nuốt cay với mối quan ngại rằng sự đối xử đặc biết với Ấn Độ có thể tạo thành một tiền lệ cho các quốc gia có tham vọng xỏ lá về hạt nhân như Pakistan, Bắc Hàn, và Iran, bởi hiện giờ đã có một “Ấn Độ ngoại lệ”.

Dưới thời Obama, không có đột phá nào là khả thi: không có bước đột phá ngoạn mục nào được hình thành hoặc thực thi và cũng không có những gì mà nhiều người đã tưởng tượng. Nhưng Obama - người đã cho trưng bày một bức ảnh của Mahatma Gandhi trong văn phòng Thượng viện của ông, mang một khung hình vị thánh Hindu Hanuman, và thường nói về mong muốn xây dựng một “mối quan hệ chiến lược thân thiết” với Ấn Độ - đã tạo ra những ấn tượng làm vừa lòng New Delhi và làm mềm lòng quốc hội cứng rắn.

Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn (nếu bao gồm cả hàng hóa và dịch vụ). Xuất khẩu của Mỹ tới Ấn Độ đã tăng trưởng nhanh hơn trong vòng 5 năm qua so với xuất khẩu tới bất cứ quốc gia nào. Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ ước tính rằng, mặc cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gần đây và sự suy thoái kinh tế Hoa Kỳ đã gây ra nó, thương mại song phương trong lĩnh vực dịch vụ có thể tăng trưởng từ 60 tỷ đô tới hơn 150 tỷ đô trong vòng sáu năm tới.

Trong suốt thời kỳ của Obama, đã có tiến bộ trên những mặt khác - những bước nhỏ nhưng quan trọng để làm tăng sức mạnh cốt lõi của mối quan hệ. Các thỏa thuận về các vấn đề có vẻ bình thường như nông nghiệp, giáo dục, sức khỏe và thậm chí là thăm dò không gian và an ninh năng lượng là chứng thực tăng cường sự hợp tác. Hai chính phủ cũng đã công bố các sáng kiến về năng lượng sạch và biến đổi khí hậu. Giao dịch thương mại và đầu tư đáng kể, cũng như mối liên kết ngày càng tăng giữa các trường đại học Mỹ và Ấn Độ, đã khẳng định rằng mỗi quốc gia đang phát triển mối quan hệ sâu sắc hơn với bên còn lại hơn bất cứ lúc nào.

Kết quả là, người Ấn sẽ theo dõi diễn tiến cuộc bầu cử của Hoa Kỳ, cũng như tất cả mọi người, với mối quan tâm nhiều hơn so với trước kia. Nhưng, không giống như phần lớn phần còn lại của thế giới, họ sẽ cảm thấy rất ít băn khoăn về kết quả.

@Project Syndicate 2012

BS Hồ Hải hiệu đính - Asia Clinic - 18h06'  ngày thứ Sáu, 17/8/2012

Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2012

NHIỆM KỲ ĐẦU CỦA HỌC THUYẾT OBAMA


Bài dịch của Nguyễn Ngọc Khánh

Bài viết của ông Joseph S. Nye, Jr. Ông là cha đẻ của lý thuyết “Quyền lực mềm”, cũng là một cựu trợ lý bộ trưởng quốc phòng, là một giáo sư tại Đại học Harvard và là tác giả của cuốn Tương lai của Quyền lực(The Future of Power).

Bài viết cùng tác giả:
 

ASPEN – Những cuộc thăm dò ý kiến ​​quần chúng ở Hoa Kỳ cho thấy một cuộc bỏ phiếu bầu chọn tổng thống cân tài cân sức vào tháng Mười Một này. Trong khi Tổng thống Barack Obama nhận được nhiều lá phiếu hơn ứng cử viên thách đấu của đảng Cộng hòa, Mitt Romney, trên phương diện mà đang có lợi cho Romney như chính sách đối ngoại, tăng trưởng kinh tế trì trệ và tỷ lệ thất nghiệp cao - những vấn đề nổi cộm hơn hẳn trong các cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ. Và, ngay cả về vấn đề chính sách đối ngoại, những người chỉ trích ông Obama phàn nàn rằng ông đã thất bại trong việc triển khai các sáng kiến ​​chuyển đổi mà ông đã hứa hẹn cách đây bốn năm. Họ đã chính xác hay chưa?

Obama đã lên nắm quyền vào thời điểm khi mà cả nền kinh tế của Hoa Kỳ và thế giới đang ở bối cảnh của cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Suy Thoái. Thực vậy, một số cố vấn kinh tế của Obama đã khuyên ông ta rằng trừ phi những bước đi khẩn cấp được thực thi để kích thích nền kinh tế, đã có một trong ba khả năng nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ lâm vào một cuộc suy thoái toàn diện.

Như vậy, mặc dù Obama cũng kế thừa hai cuộc chiến đang diễn ra, các mối đe dọa phổ biến vũ khí hạt nhân từ Ba Tư lẫn Bắc Triều Tiên, và vấn đề tiếp diễn của chủ nghĩa khủng bố Al Qaeda, ông ta đã dành những tháng đầu tiên trên cương vị tổng thống để giải quyết vấn để về các cuộc khủng hoảng kinh tế trong và ngoài nước. Những nỗ lực của ông ta  dù không phải là một thành công trọn vẹn, song ông ta đã xoay sở để ngăn ngừa những hậu quả tồi tệ nhất.

Tài hùng biện của Obama trong suốt chiến dịch tranh cử năm 2008 và những tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của ông ấy vừa gây được cảm hứng trong phong cách lại mang tính chuyển đổi dựa trên những điều khách quan. Năm đầu tiên khởi sự trên cương vị tổng thống của ông ấy đã làm một loạt các bài diễn văn, một bài ở Prague, trong đó ông đã thiết lập được mục đích của một thế giới phi hạt nhân; một bài phát biểu tại Cairo hứa hẹn về một hướng tiếp cận mới tới thế giới Hồi giáo; và bài diễn văn đoạt giải Nobel hòa bình, mà nó đã hứa hẹn “uốn nắn lịch sử về hướng công lý”.

Một phần là, loạt bài phát biểu này mang tính chiến thuật. Obama đã cần phải đáp ứng lời hứa của mình để thiết lập một hướng đi mới về vấn đề chính sách đối ngoại trong khi đồng thời tìm cách xoay xở để sắp xếp lại các vấn đề mà bị bỏ lại cho ông bởi cựu tổng thống George W. Bush, bất kỳ vấn đề nào trong số này, nếu bị bỏ đi, vẫn có thể gây ra một cuộc khủng hoảng cho nhiệm kỳ tổng thống của ông. Tuy nhiên, không có lý do nào để tin rằng Obama đã không trung thành với mục tiêu của mình. Thế giới quan của ông đã được định hình bởi thực tế rằng ông ấy đã trải qua một phần tuổi trẻ của mình ở Nam Dương và có một người cha gốc châu Phi.

Trong những ngôn từ của một cuốn sách thuộc Viện Brookings gần đầy, Obama đã có một “tầm nhìn của một nhà hoạt động xã hội về vai trò của ông trong lịch sử,"với ý định" tái cách tân hình ảnh của Hoa Kỳ ở nước ngoài, đặc biệt là trong thế giới Hồi giáo; kết thúc tình trạng bị hút vào của quốc gia mình trong hai cuộc chiến; dang rộng cánh tay hữu nghị với Ba Tư; tái thiết lập quan hệ bang giao với nước Nga như là một bước tiến tiến tới việc giải trừ vũ khí hạt nhân trên thế giới; phát triển sự hợp tác đáng kể với Trung Hoa về cả hai vấn đề trong khu vực lẫn trên toàn cầu, và lập lại hòa bình ở Trung Đông.” Song ghi nhận về những thành tựu về các vấn đề này mà ông đạt được đã bị hòa lẫn vào nhau.

Sự ghi nhận vẫn tiếp tục như sau “Hoàn cảnh thoạt trông như là nan giải ấy đã biến ông ta từ một người muốn trở thành kiến trúc sư của một trật tự toàn cầu mới thành một nhà lãnh đạo chỉ tập trung nhiều hơn nữa vào việc sửa chữa những mối quan hệ bang giao với và đối phó lại với các cuộc khủng hoảng - đáng chú ý nhất là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu”. Và trong khi ông ta đã loại bỏ Osama bin Laden và làm suy yếu Al Qaeda, một số các chính sách chống khủng bố đã chấm dứt sức lôi cuốn của mình ở những nơi như Trung Đông và Hồi Quốc(Pakistan).

Mặt bi quan ở nhiệm kỳ đầu của ông Obama là kết quả của những sự kiện nan giải, một số là sản phẩm của sự ngây thơ lúc đầu, chẳng hạn như các cách tiếp cận ban đầu với Israel, Trung Hoa, và Afghanistan. Tuy nhiên, Obama đã nhanh chóng gượng dậy từ những sai lầm bằng một cách thiết thực. Như một trong số những người ủng hộ ông ta đã diễn tả, ông ta là một “nhà duy tâm thực dụng”.

Theo nghĩa này, mặc dù Obama đã không đi ngược lại những lời nói mang tính hùng biện về các mục đích mang tính chuyển đổi liên quan đến các vấn đề như sự biến đổi khí hậu hoặc vũ khí hạt nhân, trên thực tế chủ nghĩa thực dụng của ông gợi nhớ đến nhiều nhà lãnh đạo tiền nhiệm đã được tăng thêm nhiệm kỳ tổng thống nữa như Dwight Eisenhower, George HW Bush. Mặc dù Obama thiếu kinh nghiệm, mà nó liên quan đến những vấn đề quốc tế, ông ta đã cho thấy một kỹ năng tương tự trong việc đối phó với một tập hợp phức tạp các thách thức trong vấn đề chính sách đối ngoại. Điều này đã được minh chứng bởi các cuộc hẹn của ông ta với các cố vấn dày dạn kinh nghiệm, sự quản lý cẩn thận các vấn đề, và trên tất cả là, tài trí ứng biến sắc sảo.

Điều này không phải là để nói rằng Obama đã không có những kết quả mang tính chuyển đổi. Ông ta đã thay đổi quá trình của một chính sách không được lòng dân ở Ba Tư và Afghanistan; đi theo chiến lược chống lại tình trạng nổi loạn dựa trên việc sử dụng ít tốn kém hơn về khả năng quân sự và không gian mạng; tăng cường quyền lực mềm của Hoa Kỳ ở nhiều nơi trên thế giới; và bắt đầu dịch chuyển trọng tâm mang tính chiến lược của Hoa Kỳ đến châu Á, khu vực đang phát triển nhanh nhất trong nền kinh tế toàn cầu.

Về sự lưu tâm đến Ba Tư, Obama đã phải vật lộn nhằm triển khai thực hiện các biện pháp trừng phạt được Liên Hiệp Quốc thông qua và tránh khỏi một cuộc chiến tranh còn trong trứng nước. Và, trong khi các cuộc cách mạng Mùa xuân Ả Rập đã giới thiệu ông với một bất ngờ không mong muốn, sau một hồi do dự  ông đã quyết định ủng hộ những gì mà ông coi là lịch sử.

Trong một cuốn sách mới, cuốn “Đối mặt  và Che đậy”, David Sanger mô tả những gì mà ông gọi là "Học thuyết Obama" (mặc dù ông ấy chê trách ngài tổng thống trong việc không thông tin một cách rõ ràng hơn): dấu ấn quân sự nhẹ nhàng hơn, kết hợp với việc sẵn sàng sử dụng vũ lực một cách đơn phương khi mà các quyền lợi an ninh của Hoa Kỳ bị liên lụy trực tiếp; việc nương tựa vào các liên minh nhằm đối phó với các vấn đề toàn cầu mà không trực tiếp đe dọa đến an ninh của Hoa Kỳ; và "việc tái cân bằng từ sự sa lầy tại Trung Đông để di chuyển đến lục địa của sự hứa hẹn vĩ đại nhất trong tương lai - Châu Á."

Sự tương phản giữa việc hạ sát Bin Laden và can thiệp vào nội bộ Libya minh họa cho Học thuyết Obama. Trong trường hợp trước đó, Obama đã đích thân điều khiển (chỉ đạo) việc sử dụng đơn phương lực lượng quân sự, tham gia vào một cuộc đột kích bất ngờ trên lãnh thổ Hồi Quốc. Còn về trường hợp Libya, nơi mà những lợi ích của quốc gia không còn rõ ràng, ông ta đã chờ đợi cho đến khi Liên đoàn Ả Rập và Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết mà đã quy định tính hợp pháp cần thiết để đảm bảo sự thể hiện quyền lực mềm đúng đắn, và sau đó chia sẻ quyền lãnh đạo của sự vận hành quyền lực cứng với các quốc gia đồng minh NATO.

Tác động lâu dài của Học thuyết Obama sẽ cần thêm thời gian để thẩm định, song, khi mà ông ta đến gần cuộc bầu cử vào tháng Mười Một, Obama hiện diện với một chút lợi thế hơn trước các đối thủ của mình về vấn đề chính sách đối ngoại. Obama đã không uốn nắn cánh cung lịch sử theo cái cách chuyển đổi mà ông ta đã khao khát trong chiến dịch của mình cách đây bốn năm, tuy nhiên sự dịch chuyển của ông theo một phương pháp tiếp cận thực dụng hóa ra có lẽ lại là một điều tốt, đặc biệt là khi các cử tri vẫn tiếp tục có những nghi ngờ về nền kinh tế.

@Project Syndicate 2012

BS Hồ Hải hiệu đính – Asia Clinic – 10h53’ ngày thứ Hai, 13/8/2012

Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

BI VÀ HÙNG CỦA LỊCH SỬ

Bài đọc liên quan:

Lịch sử thế giới là một chuỗi những sự kiện bi kịch của loài người. Hùng có, bi có, lụy có, v.v... không thiếu những mùi vị cay, đắng, ngọt, bùi, mặn nồng nào trên thế gian trần tục này. Hầu như tất cả đều bắt đầu từ những đúng đắn hoặc sai lầm của tầng lớp tinh hoa - chính khách - của các dân tộc mà ra. Đặc biệt, là tầng lớp Quốc phụ khai quốc công thần của các dân tộc mà nên.

Lịch sử hùng cường, ngọt bùi và mặn nồng nhiều, nhưng nhược tiểu, bi ai và cay đắng thì ít, thường đi với những vùng đất có tầng lớp Quốc phụ có tầm tư tưởng đi trước thời đại, hợp với với quy luật xã hội học, để tạo ra một xã hội do dân, của dân và vì dân.

Ngược lại, lịch sử của một vùng đất nhược tiểu, bi ai và cay đắng chiếm phần lớn, trong khi đó hùng cường, ngọt bùi và mặn nồng thì hầu như khó thấy. Cũng vì ở dân tộc và vùng đất đó không có những Quốc phụ có tầm nhìn xa trông rộng vì dân tộc và tổ quốc, mà chỉ vì danh lợi của cá nhân. Họ - những Quốc phụ - sẵn sàng làm thân tôi mọi cho ngoại bang, sẵn sàng bán rẻ xương máu dân tộc và giang sơn xã tắc ông cha để lại, để cung phụng cho lợi ích riêng tư.

Điều này dễ dàng kiểm chứng ở các nhược tiểu và cường quốc trên khắp năm châu, bốn bể. Song, lịch sử là của kẻ chiến thắng viết cho mình, nên lịch sử "dễ bị lãng quên" những cái cần nhớ rõ, vì mục đích của kẻ cầm quyền. Nó di hại đến các thế hệ mai hậu.

Nhìn lại nước Việt, trong một tác phẩm Phan Châu Trinh qua tài liệu mới của tác giả Lê Thị Kinh, do nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành năm 2001, có đoạn mà viện sĩ De Brieux nhận định khi đi thăm Ấn Độ và Đông Dương như sau:

"...Phải nghĩ và làm quen với ý nghĩ là dù chúng ta (người Pháp) có làm gì đi nữa cũng không thể mãi mãi giữ Đông Dương được.

Nếu chúng ta không trả cho người An nam thì có kẻ sẽ giành lấy.

Và kẻ đó chính là nước Trung Hoa.

Và ngày mà ở châu Âu chúng ta phải đương đầu với một cường quốc thì ngày đó người Trung Hoa sẽ nhẹ nhàng chiếm Đông Dương như người Ý năm 1870 đã chiếm lấy đất đai của Giáo hoàng. Nếu người Sài Gòn muốn chống lại thì với 100 nghìn người Trung Hoa ở chợ Lớn họ không cần súng ống cũng trị được. Ở đâu trên đất Đông Dương cũng vậy, cứ 1 người Pháp thì đã có 20 người Trung Hoa..."

Phần còn lại của nhận định này mọi người có thể đọc nó trong bài báo với cái tựa Người Pháp đã nhận ra toan tính của Trung Quốc đối với Việt Nam từ năm 1909.

Thế thì, lịch sử cận đại của nước ta nó đã diễn ra trong 60 năm qua là một bi kịch hơn là hùng ca. Có những chữ nếu mà, không thể xảy ra như chăm ngôn: "Có 3 điều không thể lấy lại được là, thời gian, lời nói và cơ hội khi chúng đã xảy ra, dù đúng hay sai". Nước Việt của chúng ta đã nằm trong bi kịch đắng cay ở thời gian và cơ hội khi thực dân Phú Lang Sa - Pháp - muốn giao lại cái Đông Dương gồm 3 nước, Việt Miên Lào cho người An Nam cai trị, vì mục đích chống đỡ lại Trung Hoa. Nhưng cũng cứ hãy nhìn lại để ôn cố tri tân bằng một chữ nếu xem sao?

Cú thỏa hiệp lịch sử giữa Nixon và Mao thông qua cuộc đi đêm của Kissinger với Chu Ân Lai thành công bằng Hiệp định Paris 1973 và bi kịch của dân tộc và đất nước Việt kéo dài từ đó đến nay khi Mỹ bán Đông Dương cho Trung Hoa, đổi lại Trung Hoa phải quay đầu thân Mỹ để chống lại Liên Xô. Cuối cùng mọi bi thương đều đổ lên đầu lên dân tộc Việt, nhưng tất cả rất dễ bị quên.

Nếu ngày ấy, các Quốc phụ của hai miền Nam Bắc có đủ tầm nhìn xa, trông rộng. Họ sẽ không vì cái gì đó, mà phải làm thân tôi, mọi cho hai phe tả hữu, hắc bạch đang thực hiện trò chiến tranh lạnh, bằng cách lấy xứ Đông Dương nói chung và  Việt Nam nói riêng ra là nơi thử bom đạn, và vùng tranh bá đồ vương, thì với cái Liên Bang Đông Dương như Pháp đã để lại, liệu Trung Hoa có hùng hổ gây hấn và bắt nạt chúng ta như đã diễn ra từ sau 30/4/1975 hay không?

Chữ nếu này thì không thể lấy lại được. Và nó đã thể hiện lịch sử hiện đại của ta trong hơn 60 năm qua là bi, cay, đắng và ly tán, để có hôm nay đầy rẫy những tha hoá cả văn hoá đến đạo dức toàn dân tộc, mà nếu - lại nếu - muốn sửa sai lầm này đòi hỏi thời gian tính bằng thế kỷ!

Gần đây, để chống chọi một cách yếu ớt với trò gây hấn kiểu cá lớn nuốt cá bé của Trung Hoa, chúng ta lại không có lực, có trí và có tầm cho đại sự, mà lại có những hành động rất cạn nghĩ như việc "làm ra" chứng cứ tấm bản đồ cổ của Trung Hoa, mà tấm bản đồ này không nói Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Hoa và cũng không thuộc cả của Việt Nam. Lại có thêm thông tin một bạn trẻ đang du học Mỹ sưu tầm nhiều tấm bản đồ chứng minh Hoàng Sa và Trường Sa không là của Trung Hoa mà là của Việt Nam. Dẫu biết rằng lịch sử là vậy, và những tấm bản đồ là cứ liệu khoa học, nhưng liệu nó có giúp ích gì với kiểu xâm lược mạnh thắng yếu thua của Trung Hoa?

Thế thì, liệu có thể xảy ra trong vài tháng tới, Trung Hoa lại diễn trò như ta, họ đưa ra một tấm bảng đồ cổ hơn của ta rằng thời đại nào đó cách nay hơn vài thế kỷ đã có tấm bản đồ cổ có ghi nhận Hoàng Sa và Trường Sa đã thuộc Trung Hoa không?

Hơn thế nữa, dù cả thế giới lên án, nhưng Trung Hoa ngày càng lấn tới bằng hành động xua tàu đánh cá đến 23 ngàn chiếc xâm lấn biển Đông như thông tin chính thống đã đưa, thì liệu cái chứng cứ tấm bản đồ cổ có giá trị gì? Khi họ đã tự vẽ bản đồ lưỡi bò 9 khúc một cách ngang ngược, chẳng coi công luận thế giới ra gì.

Sao lịch sử rõ ràng, năm 1974 Trung Hoa cướp Hoàng Sa từ tay nhân dân miền Nam Việt Nam như lời ông thủ tướng đã nói trước quốc hội và toàn thế giới, và 1988 Trung Hoa cướp một số đảo đá ngầm Trường Sa của ta không là chứng cứ hùng hồn, mà lại dựa lên tấm bản đồ cổ bỏ quên, của một ông làm ở cái viện Hán Nôm sực nhớ là mình có?

Liệu lịch sử có lập lại khúc bi thảm thời mà Kissinger đi đêm với Chu Ân Lai để thương thuyết với Mao Trạch Đông để bán lại Đông Dương cho Trung Hoa, để Trung Hoa quay đầu thân Mỹ, chống lại Liên Xô, trong khi chúng ta vẫn cứ ngụp lặn trong cảnh nồi da xáo thịt để mất Hoàng Sa vào tháng Giêng 1974. Kế đến lại mất thêm một số đảo chìm ở Trường Sa vào năm 1988, mà cả Liên Xô và Mỹ đều làm ngơ.

Thế giới nhị nguyên luận trong triết học đã chỉ ra rằng, hoặc tả hoặc hữu, không có chuyện cả tả và hữu ở hai chân. Tuỳ thời mà chọn đúng tả hay đúng hữu để thành công. Ngay cả Hoa Kỳ - nơi được cho là thế giới tự do - có rất nhiều đảng phái, nhưng lãnh đạo đất nước Mỹ cũng chỉ có hai. Lúc tả, lúc hữu cho hợp thời, thì Hoa Kỳ mới có được hùng cường như hôm nay.

Thế thì, tả hay hữu cho một Việt Nam trong thời kỳ khó khăn này - khi mà trong không ấm, mà ngoài chẳng yên. Đó là câu hỏi rất quan trọng, nó quyết định lịch sử đất nước và dân tộc Việt sẽ bi hay hùng, sẽ ngọt bùi hay cay đắng?

Vận mệnh quốc gia dân tộc đặt nặng lên trên mệnh của các tinh hoa trào đình. Mệnh tinh hoa yếu đất nước ngã nghiêng. Mệnh tinh hoa mạnh dân tộc hùng cường. Năm Nhâm Thìn 2012, như tôi đã viết cực dương, hành thủy, về mặt tứ tượng đã đánh vào cái xung khắc của hai nhân vật nắm đầu hành pháp lắm chuyện đau đầu. Năm tới 2013, cái tứ tượng cực âm, hành hỏa sẽ xung khắc với người đứng đầu trong mọi người hứa hẹn nhiều khác lạ, mà không thể dự báo trước. Vậy bi hay hùng cho một trang sử mới của dân tộc Việt?

Câu hỏi lớn này nó còn tùy thuộc vào sự chọn lựa của các tinh hoa trong cách dẫn dắt cộng đồng Việt đi về hướng nào, chứ không phải lần khần theo cách đu dây.

BS Hồ Hải - Tư Gia - 21h28' ngày thứ Hai, 06/8/2012

Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012

KÊU GỌI TẨY CHAY HÀNG TRUNG HOA


Bài dịch của Nguyễn Ngọc Khánh

Bài viết liên quan của tác giả khác:
Bài viết của chủ blog:


Bài viết của một công dân Phi Luật Tân. Ông Randolf "Randy" S. David một nhà báo, phát thanh viên chương trình truyền hình nhà xã hội học của Phi Luật Tân. Ông hiện đang là cây bút viết một cột báo hàng tuần choPhilippine Daily Inquirer. Ông là một giáo sư của University of Phillipines, đồng thời là giáo sư danh dự về hội học tạiUniversity of the Phillipines Diliman.

Một nhóm người gốc Phi Luật Tân đang sinh sống tại Hoa Kỳ, đã được tập hợp lại bởi nhà lãnh đạo kinh doanh đại tài Loida Nicolas-Lewis và luật sư Ted Laguatan, đã kêu gọi một cuộc tẩy chay hang hóa Trung Hoa như là một cách phản đối hành vi bắt nạt của Trung Hoa trên các vùng tranh chấp ở biển Tây Phi Luật Tân (biển Đông). Họ không bàn về một sự khởi xướng được chính phủ hỗ trợ, mà bàn về sự tẩy chay hoàn toàn do người tiêu dùng dẫn đầu được thúc đẩy bởi lòng yêu nước. Những lời kêu gọi như vậy có khả năng lôi kéo được bất kỳ điều gì với trong nước Phi Luật Tân?

Chúng ta hãy tạm thời gác qua một bên bất kỳ cuộc thảo luận nào về những ảnh hưởng chính trị và kinh tế có thể xảy ra của một phong trào như vậy, và thay vào đó tập trung vào tính khả thi và những tác động xã hội học của nó. Quan điểm của tôi là một sự kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Hoa vào thời điểm này có thể đạt được sự ủng hộ rộng rãi từ công chúng nếu nó được thực hiện bởi những nhân vật công chúng uy tín và các phong trào xã hội. Song tôi ít vọng tưởng rằng một sự kêu gọi như thế sẽ làm giảm sút thói quen người tiêu dùng Phi Luật Tân.

Chỉ có một vài điều có khả năng làm nên sự đoàn kết của một quốc gia, ngoài những thành công của cá nhân người gốc Phi Luật Tân trên trường quốc tế ra. Sức thuyết phục mạnh mẽ nhất của những người của công chúng là một xung đột với quốc gia khác, đặc biệt là với một đế quốc sử dụng sự lớn mạnh để khẳng định sự thống trị của mình lên chúng ta và đe dọa chủ quyền cùng tự do của chúng ta. Người dân ta đã chiến đấu chống lại Tây Ban Nha, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Không phải cường điệu khi nói rằng quốc gia non trẻ Phi Luật Tân đã được sinh ra trong lửa đạn của những cuộc đấu tranh quả cảm chống thực dân.

Do đó không có lí do nào để cho rằng nhân dân Phi Luật Tân không thể đoàn kết chống lại một cường quốc như Trung Hoa nếu cần. Mặc dù trên thực tế phân nửa số người dân Phi Luật Tân có dòng tộc là Trung Hoa, không có sự mai một tình yêu thương giữa những con người Phi Luật Tân và Trung Hoa. Thành kiến ​​chống Trung Hoa thấm nhuần vào tinh thần dân tộc chúng ta. Sự bất mãn này đã có nguồn gốc từ một lịch sử bất hạnh. Nó đã tồn tại suốt nhiều thế kỷ qua, và thực sự được nhắc lại mạnh mẽ vì người Phi Luật Tân gốc Hoa đang giành được uy thế trong nền kinh tế quốc gia.

Do đó, một cách chính xác là một lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Hoa có thể dễ dàng đạt được nhiều người ủng hộ bởi vì, cho dù chúng ta có muốn hay không, nó sẽ xoáy vào cái hố ngăn cách mênh mông của niềm căm phẫn mang tính dân tộc hầu như không được khỏa lấp. Đó là một định kiến có giá trị đối ứng. Chủ nghĩa Sô vanh hiếu chiến mà làm dấy lên tuyên bố của Trung Hoa chống lại Phi Luật Tân trên các phương tiện truyền thông Trung Hoa ngày nay là cùng một kiểu, song bị làm cho tồi tệ hơn bởi các chính trị gia và các nhà lãnh đạo quân sự Trung Hoa, những người lợi dụng những tình cảm trong dân chúng một cách vô trách nhiệm để thúc đẩy nghị trình quyền lực của họ.

Có lẽ sẽ không khó để nhấn mạnh tình trạng kém chất lượng của hàng hóa Trung Hoa, cho dù là chúng ta đang nói về ô tô, xe máy, các công cụ nông nghiệp và công nghiệp, hàng tiêu dùng như đồ gia dụng, quần áo, đồ dùng học tập, và các sản phẩm điện và điện tử của Trung Hoa. Sức lôi cuốn duy nhất của những món hàng là mức giả rẻ mạt của chúng. Người ta không nên tìm kiếm chất lượng, phong cách, độ tin cậy hoặc độ bền ở các sản phẩm của Trung Hoa. Các mặt hàng này hiện đang ở nấc thang thấp nhất trong hệ thống phân cấp của hàng hoá nhập khẩu, thấp hơn nhiều những sản phẩm được sản xuất từ Nhật Bản hoặc Nam Hàn. Người ta mua chúng bởi vì chúng cực kỳ rẻ tiền, cung cấp giá trị tuyệt vời cho các nhóm người có thu nhập thấp, cách mà tập đoàn Mã Lăng(馬陵: Maling) trong những năm đầu là chủ đạo ngành xuất khẩu hàng hóa Trung Hoa cho người nghèo Phi Luật Tân, một phiên bản giá cả phải chăng của thịt hộp giăm bông.

Tuy nhiên, sẽ là không công bằng khi tiêu biểu hóa tất cả các hang hóa Trung Hoa trong những điều kiện này. Bốn năm trước, vợ tôi và tôi quyết định mua một chiếc xe thương hiệu mới của Trung Hoa với thấp hơn 400, 000 pê sô Phi Luật tân. Chúng tôi vẫn còn chiếc xe đó, một chiếc ô tô nhỏ 800 phân khối mà chúng tôi sử dụng nó như một chiếc xe thứ hai cho những cuộc đi chơi ngắn. Một vài bạn bè ở tập đoàn Union Pacific nhìn thấy tôi lái chiếc xe, và, sau khi được đảm bảo rằng nó chạy tốt, đã nhanh chóng tậu một chiếc minis cho chính họ. Vấn đề là sau đó  hai năm, nhiều chiếc trong những chiếc minis loại này của Trung Hoa đã bị bỏ đi không dùng đến bởi vì đã không còn những phụ tùng thay thế sẵn có, và tồi tệ hơn, tất cả các trung tâm bảo hành cho thương hiệu Trung Hoa này đã biến mất. May mắn thay cho chúng tôi, một đại lý mới với trung tâm bảo hành riêng của họ đã khai trương chỉ mới một vài tuần trước đây. Tuy nhiên, sự thiệt hại cho danh tiếng của thương hiệu đã đến. Tôi vẫn tin rằng nó là một chiếc xe khá tốt, mặc dù bây giờ tôi do dự khi giới thiệu nó cho bạn bè của tôi.

Một chiến dịch tẩy chay hàng hóa Trung Hoa sẽ chắc chắn tấn công vào những hàng hóa mang nhãn hiệu Trung Hoa như chiếc ô tô của tôi. Song tôi ngờ  rằng có khi nó sẽ ảnh hưởng đến sự phổ biến của các sản phẩm của Apple tại Hoa Kỳ, chúng được thiết kế ở Hoa Kỳ nhưng được làm tại Trung Hoa. Nhiều loại ô tô và xe máy hãnh diện về các nhãn hiệu đáng tự hào của châu Âu, châu Mỹ, và các nhà sản xuất Nhật Bản hiện nay sử dụng rất nhiều các bộ phận có nguồn gốc từ Trung Hoa. Nhiều loại giày và trang thiết bị thể thao, cùng các mặt hàng cao cấp với giá cả phải chăng mang nhãn hiệu của các công ty đáng kính toàn cầu luôn luôn được làm tại Trung Hoa. Với thực tế của các chuỗi cung ứng trên toàn thế giới mà hầu như tất cả các sản phẩm mang nhãn hiệu hiện giờ, không còn dễ dàng để xác định những sản phẩm nào được làm ra tại đâu.

Tôi đã lớn lên trong một kỷ nguyên khi mà mục tiêu của việc xây dựng quốc gia khuyến khích chúng tôi dành ưu tiên cho các sản phẩm được làm ra bởi nhân dân của chúng tôi. Tôi vẫn nghĩ rằng những lý tưởng truyền cảm hứng cho nhiều loại hình chủ nghĩa kinh tế dân tộc nên tiếp tục nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết cho việc không ngừng phát triển năng suất sản xuất của nhân dân ta. Tuy nhiên, đồng thời, chúng ta không thể phớt lờ một thực tế là các nền kinh tế ngày nay được kết nối với nhau mà hầu như là một sự đánh lừa dư luận khi trói buộc tên của các quốc gia với những gì là sản phẩm toàn cầu.

Không nghi ngờ gì nữa khi một lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Hoa sẽ thu hút sự chú ý, nhưng có lẽ nó sẽ không làm gì có lợi cho người dân Phi Luật Tân hơn là khuyến khích cuộc thảo luận về mối đe dọa từ Trung Hoa. Nó có thể làm sống lại tinh thần yêu nước trong dân Phi Luật tân bằng cách cung cấp cho họ một cơ hội để xác thực tinh thần yêu nước  trong cuộc sống hàng ngày của họ. Nhưng tôi không biết làm thế nào để người ta có thể ngăn chặn được tình cảm phức tạp mà nó sẽ làm cho họ bị trượt dần vào một dạng phá hoại của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Đây là những gì tôi lo sợ, nhiều hơn so với những trả đũa được dự kiến ​​từ người láng giềng phách lối Trung Hoa.

BS Hồ Hải hiệu đính - Asia Clinic - 12h07', ngày thứ Bảy, 04/8/2012

Thứ Tư, 1 tháng 8, 2012

LÀM DỊU TÌNH HÌNH BIỂN ĐÔNG

Bài dịch của Trang La
Bài viết liên quan của tác giả khác:
Bài viết của chủ blog:

Bài viết gốc: Calming the South China Sea

Bài viết của ông Gareth Evans, cựu Bộ trưởng ngoại giao Úc trong 8 năm và Chủ tịch danh dự của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (International Crisis Group), hiện là hiệu trưởng danh dự của ĐH Quốc gia Úc (ANU) và đồng chủ tịch của Trung tâm toàn cầu về Trách nhiệm bảo vệ. Là một Ngoại trưởng, ông đã đi đầu trong việc nối lại mối quan hệ của Úc với Trung Hoa, Ấn Độ và Indonesia, trong khi thắt chặt thêm mối liên minh với Hoa Kỳ, và hỗ trợ việc thành lập diễn đàn an ninh APEC và ASEAN. Ông cũng giữ vai trò lãnh đạo trong việc đem lại hòa bình ở Campuchia và đàm phán Công ước quốc tế về Vũ khí hóa học, và là người đứng đầu xây dựng khung học thuyết “trách nhiệm bảo vệ” của Liên Hợp quốc.

CANBERRA - Vùng biển Đông (bài dịch sẽ sử dụng từ biển Đông thay vì biển Nam Trung Hoa) - được quan tâm lâu nay, cùng với eo biển Đài Loan và bán đảo Triều Tiên, là một trong ba điểm nóng của khu vực Đông Á - lại dậy sóng một lần nữa. Tuyên bố của Trung Hoa về việc triển khai quân tới quần đảo Trường Sa trong vòng một tháng tới thể hiện sự ngang nhiên cạnh tranh chủ quyền, sự hiện diện của hải quân Trung Hoa trong khu vực tranh chấp trở nên rõ ràng hơn, và Trung Hoa đã làm chia rẽ Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), nó đã làm cho việc các bộ trưởng ngoại giao của các nước trong khu vực không thể thống nhất về một thông cáo, điều mà chưa hề xảy ra trong 45 năm qua.

Vấn đề này đã gay gắt từ lâu - tương tự như việc bố trí quân đội và đấu tranh ngoại giao từ 2009 tới giữa 2011. Một điều đáng lưu tâm nho nhỏ: trải dài từ Singapore tới Đài Loan, vùng biển Đông là đường biển nhộn nhịp thứ hai trên thế giới, với một phần ba lưu lượng vận chuyển hàng hải của thế giới quá cảnh qua đây.

Nhiều quốc gia lân cận tuyên bố chủ quyền nhiều hơn đối với nhiều khu vực của biển Đông - và có xu hướng đẩy các tuyên bố này trở nên quyết liệt - hơn là bất cứ vùng hải phận tương tự nào khác. Và bây giờ nó được xem như một nơi thử nghiệm chủ chốt cho cuộc cạnh tranh Trung - Mỹ, với việc Trung Hoa bành trướng thêm vây cánh, và Mỹ cố gắng cắt bỏ những vây cánh đó để duy trì vị thế số một của mình trong khu vực và trên phạm vi toàn cầu.

Các vấn đề pháp lý và chính trị đi kèm với cuộc cạnh tranh giành chủ quyền lãnh thổ - và tài nguyên biển, tài nguyên năng lượng, và các quyền hàng hải đi kèm với chúng - là vấn đề phức tạp đau đầu. Các sử gia tương lai có lẽ sẽ nhắc tới vấn đề của Biển Đông giống như Lord Palmerston(1) đã nói về vấn đề Schleswig - Holstein(2) trong thế kỷ 19: “Chỉ có ba người hiểu được nó. Một đã chết, một bị điên và người thứ ba là tôi - và tôi thì quên rồi.”

Vấn đề lãnh thổ cốt lõi hiện nạy đang xoay quanh lợi ích của nhà nước Trung Hoa – thể hiện qua việc phân chia ranh giới không chính xác trong bản đồ “chín đường gián đoạn” (đường lưỡi bò) năm 2009 – trong gần như toàn bộ biển Đông. Tuyên bố của đường lưỡi bò bao gồm cả bốn quần đảo đang tranh chấp: Quần đảo Hoàng Sa ở phía tây bắc, vốn được tuyên bố chủ quyền bởi cả Việt Nam; bãi đá Macclesfield, bãi đá ngầm Scarborough Reef ở phía bắc, được tuyên bố chủ quyền bởi cả Phillipin; và quần đảo Trường Sa ở phía Nam (rất nhiều tuyên bố chủ quyền từ cả Việt Nam, Phillipin, Malaysia và Brunei, giữa từng quốc gia và giữa các quốc gia với Trung Hoa).

Hiện đang có tranh chấp giữa nhiều bên để chiếm chủ quyền của các quần đảo này càng nhiều càng tốt - trong khi một số đảo chẳng có gì ngoài đá. Điều này, một phần là do Luật biển của Liên hợp quốc, đã được tất cả các quốc gia này phê chuẩn, rằng các quốc gia ven biển được quyền tuyên bố chủ quyền trong vòng 200 dặm biển cho vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) (cho phép đặc quyền khai thác thủy sản và tài nguyên dầu) do chúng có thể duy trì đời sống kinh tế tự túc. Nếu không, các quốc gia này chỉ có quyền tuyên bố chủ quyền trong phạm vi 12 hải lý của lãnh hải.

Điều làm tăng thêm mối quan ngại của khối Asean về ý đồ của Bắc Kinh đó là, ngay cả khi Trung Hoa có thể tuyên bố chủ quyền một cách hợp lý đối với toàn bộ các quần đảo ở biển Đông, và tất cả các quần đảo đều có thể sinh sống, thì vùng đặc quyền kinh tế EEZ gắn liền với các đảo đó không bao gồm các vùng biển nằm trong đường lưỡi bò trong bản đồ năm 2009 mà Trung Hoa đưa ra. Điều này đã gây ra những lo ngại, không phải là vô căn cứ, rằng Trung Hoa không có ý định hành động tuân thủ những điều khoản quy định trong Công ước biển, và có lẽ sẽ đưa ra tuyên bố chủ quyền rộng hơn dựa trên lịch sử.

Một cách thức hợp lý hơn cho thời gian tới có thể bắt đầu nếu các nước đều bình tĩnh trước hành động khiêu khích ra bên ngoài của Trung Hoa và lời kêu gọi chủ nghĩa dân tộc cực đoan bên trong. Chưa có gì đáng báo động từ phía nhà nước cộng sản, bao gồm toàn bộ chính phủ và đảng cộng sản, qua đó Trung Hoa quyết định hành động triệt để. Thay vào đó, theo một báo cáo xuất sắc được phát hành vào tháng Tư bởi Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (International Crisis Group), các hành động của Trung Hoa tại biển Đông trong vòng ba năm qua có vẻ đã nổi lên từ những sự khơi mào không nhất quán của các ‘diễn viên’ nội địa khác nhau, bao gồm chính quyền địa phương, cơ quan thực thi pháp luật, các công ty năng lượng thuộc sở hữu nhà nước, và Quân đội giải phóng nhân dân Trung Hoa(PLA).

Bộ Ngoại giao Trung Hoa hiểu rõ về những hạn chế trong luật quốc tế hơn bất cứ ai, chưa hề làm gì vượt quá giới hạn. Nhưng với các hành động của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa và các hành động khác gần đây, khi quá trình chuyển giao quyền lực của quốc gia này (gây ra căng thẳng cho nhiều quan chức chủ chốt ở trung ương) sẽ xong xuôi vào cuối năm nay, đó là lý do để hy vọng rằng trạng thái kiềm chế hơn của Trung Hoa sẽ được xác lập.

Trung Hoa có thể và nên hạ nhiệt bằng cách cân nhắc lại các phương sách giảm thiểu rủi ro và gây dựng lòng tin một cách ôn hòa hơn như đã thỏa thuận với ASEAN năm 2002 - và xây dựng trên nền tảng đó bộ nguyên tắc ứng xử đa phương mới. Và, càng sớm càng tốt, nó cần phải được định nghĩa chính xác, với sự tham khảo các nguyên tắc đã được hiểu và chấp nhận, để biết tuyên bố chủ quyền của họ thực ra tới đâu. Chỉ khi đó lập trường của nhà nước Trung Hoa mới có được sự tin tưởng - với những nguyên tắc không phải không hấp dẫn - về thỏa thuận chia sẻ tài nguyên  trong khu vực tranh chấp lãnh thổ mà hiện vẫn còn chờ nghị quyết cuối cùng từ các tuyên bố chủ quyền cạnh tranh.

Hoa Kỳ, về phần mình, trong khi bào chữa cho việc tham gia vào việc tuyên bố chủ quyền của ASEAN là nhằm chống lại hành động quá khích của Trung Hoa trong giai đoạn 2010 - 2011, cần phải cẩn trọng về việc leo thang ảnh hưởng của mình. Việc quân đội Mỹ “cắm chốt” ở châu Á đã gây ra sứt mẻ tình cảm với Trung Hoa và việc duy trì quan hệ ngoại giao cũng khó khăn hơn trong thời kỳ chuyển giao quyền lực. Trong bất cứ sự kiện nào, mối quan ngại nhà nước của Hoa Kỳ về tự do hàng hải trong khu vực này có vẻ hơi cường điệu.

Một điểm tích cực, và được hoan nghênh rộng rãi là, một bước mà Hoa Kỳ có thể tiến tới đó là cuối cùng phê chuẩn Công ước biển, qua đó các nguyên tắc sẽ buộc phải là nền tảng cho việc chia sẻ tài nguyên một cách hòa bình - trong vùng biển Đông cũng như ở mọi nơi. Yêu cầu các bên làm theo lời một bên là điều không tưởng nó cũng như sẽ không hiệu quả nếu yêu cầu các nước phải tuân theo hành động của một nước. 

@Project Syndicate 2012

Ghi chú:
1. Lord Palmerston (20 tháng 10 năm 1784 -18 tháng 10 năm 1865): một chính khách Anh đã từng phục vụ hai lần làm Thủ tướng Chính phủ trong giữa thế kỷ 19. Ông được nhớ đến vì chính sách đối ngoại của Anhthông qua một khoảng thời gian khi Anh đang ở đỉnh cao quyền lực toàn cầu. Ông đã từng Bộ trưởng Ngoại giao Thủ tướng Chính phủ Anh.

2. Schleswig – Holstein: là 2 vùng đất của tiểu bang cùng tên đôi hiện là tiểu bang thứ 6 thuộc cực Bắc của Liên Bang Đức kể từ sau chiến tranh thế giới II. Trước đó, 2 vùng đất này thuộc tranh chấp giữa 2 quốc gia Đan Mạch và Đức. Dù các lãnh đạo của 2 vùng đất soạn thảo văn bản pháp luật và xin theo Liên Bang Đức vào năm 1848. Nhưng chiến tranh đã xảy ra từ năm1848 đến1851 và Đan Mạch đã thắng. Sau đó đến thời kỳ thủ tướng thép Otto von Bismarck - một người đã đưa Đức hùng cường trong thế kỷ XIX - can thiệp và Phổ cùng Áo tuyên chiến với Đan Mạch. Đây là cuộc chiến tranh thứ hai của Schleswig kết thúc với sự thất bại Đan Mạch. Anh cố gắng để hòa giải không thành công, và Đan Mạch bị mất Schleswig (miền Bắc và miền Nam Schleswig), cả Holsteinvào cuộc chiến tháng 11/1863.

 Bản đồ vùng Schleswig – Holstein thuộc Đức hiện nay tiếp giáp với biên giới Đan Mạch

Đến chiến tranh thế giới I, Đức thất bại thì lực lượng đồng minh lại quyết định tiểu bang này thuộc về Đan Mạch. Năm 1937 Đức quốc xã đã thông qua cái gọi là Greater Hamburg Act để chiếm vùng này. Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai, tỉnh Schleswig-Holstein nằm dưới sự chiếm đóng của Anh. Ngày 23 tháng tám năm 1946. Chính phủ quân sự bãi bỏ tỉnh và thiết lập lại chúng như là một vùng đất riêng biệt. Schleswig-Holstein có quốc hội riêng của mình và chính phủ được đặt tại thành phố Kiel. Tuy nhiên hiện nay thuộc về nước Đức.

BS Hồ Hải hiệu đính và ghi chú - Asia Clinic - 11h35' ngày thứ Năm, 02/8/2012