nha ban quan tan binh | mua nha quan tan binh

Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

NHỮNG CON NGƯỜI LÀM NÊN NƯỚC MỸ

Bốn vị Tổng thống được tạc tượng, từ trái qua: George Washington, Thomas Jefferson, Theodore Roosevelt, Abraham Lincoln. Họ được tạc tượng ở khu Tưởng niệm Quốc gia là một quần thể tác phẩm điêu khắc được tạc vào khối đá granite khổng lồ trên núi Rushmore, gần thành phố Keystone, bang South Dakota, Hoa Kỳ. Toàn thể khu tưởng niệm bao phủ trên diện tích 517 km² và cao 1.745m so với mực nước biển.

Nước Mỹ có được cuộc soán ngôi vị số 1 thế giới từ Vương Quốc Anh là sự góp công lớn không chỉ các chính khách, mà của tất cả mọi con người số 1 nước Mỹ trong tất cả các ngành nghề. Đóng góp đó được hun đúc trong chỉ 5 con người vĩ đại nhất nước Mỹ qua mọi thời đại từ sau ngày nước Mỹ độc lập. Năm con người này được xem là tương đương với 4 vị Tổng thống được xem là nổi tiếng nhất nước Mỹ được khắc ở Khu Tưởng niệm Quốc gia trên núi Rushmore, gần thành phố Keystone, bang South Dakota, Hoa Kỳ. . 

Một bộ phim lịch sử Hoa Kỳ gồm 4 tập bắt đầu từ năm 1865 với 5 con người tiên phong vĩ đại làm nên nước Mỹ ngày nay như: 

Cornelius Vanderbilt (May 27, 1794 – January 4, 1877)

1. Cornelius Vanderbilt, ông cố của Cornelius Vanderbilt là một công dân Hoa Kỳ gốc Hà Lan, có tên họ là, Jan Aertszoon, một nông dân ở làng De Bilt thuộc thành phố Utrecht, của Hà Lan. Ông di cư sang Hoa Kỳ năm 1650, và đổi họ của mình bằng tên làng là Vanderbilt để ngóng tưởng về quê nhà. Đến thế hệ thứ tư thì gia đình Vanderbilot xuất hiện thiên tài Cornelius Vanderbilt - một ông trùm ngành giao thông hàng hải, và là người khai sinh ra ngành đường sắt cho nước Mỹ. 

Không có Cornelius Vanderbilt nước Mỹ sẽ không thể có một hệ thống giao thông phân phối vĩ đại nhất hành tinh như ngày nay. Đế chế Cornelius Vanderbilt được xem như là huyết mạch của nền kinh tế Mỹ từ giữa thế kỷ XIX, khi mà cả thế giới còn ngụp lặng trong chủ nghĩa phong kiến, thì Cornelius Vanderbilt đã gầy dựng và tài trợ đại học tư nhân lừng danh của mình: Vanderbilt University vào năm 1873. Ngày nay Vanderbilt University luôn nằm trong top 20 của những đại học danh tiếng nước Mỹ, không thua kém bất kỳ Ivy League nào.

John Davison Rockefeller, Sr. (July 8, 1839 – May 23, 1937)

2. John Davison Rockefeller, Sr.(cha): Ông là người nổi tiếng nhất của gia đình Rockefeller và là nhà đồng sáng lập ra Tập đoàn Standard Oil. Ông trùm dầu hỏa và là người cùng đứng chung với Cornelius Vanderbilt vào hàng ngũ những người giàu có nhất nước Mỹ. Ngành dầu khí Hoa Kỳ có được ngày nay là từ ông và gia đình Rockefeller - một gia tộc Đức di dân đến Hoa Kỳ. Bốn mươi năm cuối đời, John Davisson Rockefeller Sr. chỉ dành cho việc làm từ thiện cùng với ông trùm Andrew Carnegie.

Ông Rockefeller cũng là nhà tài trợ và khai sinh ra các đại học Hoa Kỳ như, Rockefeller UniversityUniversity of Chicago lừng danh thế giới luôn nằm top 10 của Hoa Kỳ và thế giới, và University of Chicago cũng là trường đại học danh tiếng của Mỹ đầu tiên có nhà khoa học nhận giải Nobel đầu tiên năm 1907, khi giải này mới ra đời. Ngoài ra ông còn là nhà sáng lập ra Central Philippine University để giúp đỡ cho đất nước Phi Luật Tân khốn khổ. Việc gia đình Rockefeller chăm lo giáo dục và làm từ thiện là do tác động lớn của Andrew Carnegie, mà chúng ta sẽ biết sau đây.

Andrew Carnegie (November 25, 1835 – August 11, 1919)

3. Andrew Carnegie: Có thể nói không ngoa là, Andrew Carnegie là cha đẻ ngành công nghệ thép Hoa Kỳ. Nhưng cái vĩ đại nhất của Andrew Carnegie là, ông chính là cha đẻ của lòng nhân từ, tấm gương chói lọi của nhân loại nói chung, và Hoa Kỳ nói riêng, được xem là người khai sinh ra những tổ chức từ thiện cho nước Mỹ từ thế kỳ XIX, và cho toàn cầu sau này. Carnegie sinh ra ở Dunfermline, Scotland vào năm 1835, khi lên 13, ông cùng mẹ di cư sang Hoa Kỳ trong hoàn cảnh rất nghèo, và mồ côi cha. Bắt đầu bằng một chân điện tín viên trong bưu điện, và tìm hiểu đầu tư tài chính vào ngành hỏa sa, ông đã nổi lên như một ngôi sao sáng khi thành lập Công ty thép Carnegie, ở Pittsburgh, để phục vụ cho công nghiệp, mà sau đó ông bán cho J.P Morgan vào năm 1901 với giá 487 triệu USD (tương đương với khoảng 13.6 tỷ đô la vào năm 2013), rồi cùng với J.P Morgan, ông thành lập Tổng công ty thép Hoa Kỳ, và bao nhiêu đầu tư ở các ngành khác. 

Vào năm 1889, khi ông ở tuổi 54, ông nổi tiếng với bài diễn văn: "The Gospel of Wealth" - Nguyên lý của Sự Thịnh Vượng. Trong bài phát biểu này, ông kêu gọi những nhà giàu của Hoa Kỳ hãy làm từ thiện. Từ thiện là gốc rễ của sự thịnh vượng cho cả nhân cách của mỗi người dân Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ, mà còn là nguyên lý cho một Hoa Kỳ sẽ là cường quốc số 1 thế giới trong tương lai. 90% tài sản của ông đã hiến cho các tổ chức từ thiện, công trình quốc gia và trường đại học nổi tiếng của ông gầy dựng năm 1900 từ một trường kỹ thuật phục vụ cho công nghệ thép của ông, Carnegie Technical School, mà sau đó, 1912 trở thành Carnegie Mellon University danh tiếng toàn cầu, luôn nằm trong top 30 của các đại học Hoa Kỳ.

Andrew Carnegie được mệnh danh là: Người cứu rổi tinh thần cho nước Mỹ - "Save my Soul". Ông là người tạo dựng nhân cách Mỹ, sức mạnh Mỹ đại diện cho cái chân, thiện, mỹ của nhân loại, và xứng đáng với cái gọi là: Kinh Phúc Âm của Sự Thịnh Vượng - The Gospel of Wealth - bài phát biểu của ông như lời của thánh sống gửi đến nhân loại khổ đau vì thiếu hiểu biết. Ông không chỉ là thánh sống của nước Mỹ, mà còn là vị Thánh vĩ đại nhất của lịch sử loài người bằng xương bằng thịt, chứ không phải là những huyền thoại của các tôn giáo hiện hành.

John Pierpont "J. P." Morgan (April 17, 1837 – March 31, 1913)

4. John Pierpont "J. P." Morgan: Ông là hiện thân người di dân Do Thái có thiên bẩm về tài chính ngân hàng. Ông là thế hệ đầu tiên - được xem là cha đẻ - của nước Mỹ về ngành tài chính ngân hàng. Tập đoàn J.P Morgan của ông ngày nay vẫn còn hùng mạnh, và là một trong những tập đoàn tài chính tư nhân hàng đầu thế giới. Sinh ra và lớn lên ở Connecticut, Hoa Kỳ. Ông được cha mình chuẩn bị cho việc học tập ở nhiều quốc gia: Hoa Kỳ, Ý, Đức và Anh, để trở thành một ông chủ tài chính ngân hàng. Và ông đã làm được điều đó xuất sắc, khi nhận lại Công ty JS Morgan & Co của cha mình qua đời để lại vào năm 1900. 

Từ GS Morgan & Co, ông đã biến nó trở thành Tập đoàn J.P Morgan lừng lẫy toàn cầu ngày nay. Ông được xem là một thế hệ kế thừa cho những thế hệ tài phiệt già nua như Andrew Carnegie đã lỗi thời với câu nói nổi tiếng của người dân Mỹ: "When one ends another begins" - Khi một thế hệ kết thúc thì có thế hệ khác kế thừa - nước Mỹ là thế. Cuối đời, ông cũng nghe theo lời của Andrew Carnegie đi làm từ thiện. Và ông mất ở tuổi 75 tại Ý trong một giấc ngủ.

Henry Ford (July 30, 1863 – April 7, 1947)

5. Henry Ford: Ông là đứa con mang hai dòng máu Ireland của cha, và Anh quốc của mẹ. Ông được sinh ra tại trang trại ở Greenfield Township, Michigan. Ông được xem là nhà cách mạng về đưa mô hình sản xuất dây chuyền Taylor, và quảng cáo, mở chi nhánh hãng Ford đi khắp nơi, vào ngành công nghiệp xe hơi nói riêng và công nghệ sản xuất, quảng cáo nói chung. Mô hình T Ô tô của ông cũng làm một cuộc cách mạng trong sản xuất xe hơi tiện dụng, khi ông đưa ra tay lái xe hơi phải nằm bên tay trái của xe. Với tư tưởng cải cách sản xuất của ông, có thể xem ông là cha đẻ của việc mang những ứng dụng khoa học kỹ thuật tân tiến đến người bình dân trên toàn cầu. 

Có ông, với Học thuyết Ford - Fordism - thế giới đã xích lại gần nhau hơn trong khoảng cách giàu nghèo. Vì không chỉ có đưa xe hơi đến người tiêu dùng bình dân với giá rẻ, mà ông còn đưa ra ý tưởng cho thế giới những ông chủ tư bản chống lại cộng sản là, phải trả lương công nhân cao, và bán cổ đông cho người làm thuê, để họ ý thức được nhà máy, công xưởng chính là của mình. Nó đã góp phần thúc đẩy Hoa Kỳ vươn lên thành siêu cường số 1 thế giới, và con người sống với con người nhân bản hơn. 

Những năm đầu của thế kỷ XX, thế giới các nhà tư tưởng đã có những cuộc tranh cãi về Fordism với Marxism ai sẽ thắng ai. Và hôm nay Học Thuyết Henry Ford đã thắng học Thuyết của Karl Marx trên thực tế khi chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ ngay tại nơi nó sinh ra, và đang suy tàn ở các quốc gia biến tướng trở thành chủ nghĩa tập quyền phong kiến quân phiệt ở các quốc gia lạc hậu như Việt Nam, Trung Hoa, Cu Ba, Bắc Hàn, và Lào còn sót lại. 

Sau đây là 4 tập phim:





Bốn tập phim kéo dài khoảng 6 giờ phiêu lưu với lịch sử phát triển nước Mỹ cùng 5 vĩ nhân của nước Mỹ trong các lĩnh vực công nghiệp đến giao thông vận tải, dầu khí, sắt thép và tài chính toàn cầu sẽ cho ta thấy nước Mỹ thật vĩ đại không chỉ là một Tân thế giới về nhân quyền mà còn là vùng đất của mọi ý tưởng và cơ hội.

Asia Clinic, 15h30' ngày thứ Hai, 25/8/2014

Thứ Bảy, 23 tháng 8, 2014

MŨ BẢO HIỂM VÀ MÁY TÍNH BẢNG CHO HỌC SINH LỚP 1 ĐẾN LỚP 3

Bài đọc liên quan:

Mọi người sẽ không hiểu vì sao chiếc mũ bảo hiểm và máy tính bảng lại có liên quan nhau trong một logic của vấn đề? Nhưng ở xứ thiên đường mọi điều không logic đều trở thành logic trong một quan hệ nhân quả - ăn chia. Đó là lý do để có bài viết này.

Chiếc mũ bảo hiểm ở thiên đường

Tôi còn nhớ, khoảng cuối thập niên 1990s, khi tôi còn làm việc ở Bệnh Viện Chợ Rẫy, ông giám đốc bệnh viện lúc bấy giờ, mời bàn xây dựng dự án cho toàn dân phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Có cuộc họp này là vì tình hình tai nạn giao thông làm tỷ lệ chấn thương sọ não tăng đột biến, khi Sài Gòn trở thành trung tâm kinh tế, công nghiệp và du lịch trong cả nước, do dân số Sài Gòn tăng đột biến từ khoảng 2 triệu vào thập niên 1980 lên 10 triệu năm 2000. Trong khi người Pháp quy hoạch cho Sài Gòn hơn 150 năm trước chỉ chứa 3 triệu dân cho cả nội và ngoại thành!

Lúc ấy những cửa hàng bán mũ bảo hiểm mọc lên như nấm sau mưa, báo đài, truyền hình, truyền thanh liên tục phát tin, nhưng rồi cũng đi vào quên lãng. Không người dân nào quan tâm đến mình phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy.

Thế rồi, năm 2001, đùng một cái, lại một đợt truyền hình, báo chí ra rả phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Và chính phủ có công văn số: 407/CP-CN: V/v bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy ban hành vào ngày 15 tháng 5 năm 2001. Bệnh viện được các hãng bán mũ bảo hiểm với giá rẻ hơn thị trường mỗi cái 100 ngàn đồng.

Thế là, người người phải đội mũ bảo hiểm. Nếu không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, thì bị cảnh sát giao thông phạt 200 ngàn đồng. Từ sau 30/4/1975 thì có lẽ, chỉ có 4 việc mà đảng cầm quyền thực thi triệt để là: 

1. Ngăn sông cấm chợ bằng hộ khẩu và tem phiếu.

2. Đánh công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Nam để cướp bóc tài sản dân lành.

3. Cấm sản xuất và đốt pháo dịp tết cổ truyền đã có từ hơn ngàn năm trước. Vì lý do là tai nạn do pháo, nhưng thực chất là sợ dân làm vũ khí chiếm phần ăn của đảng cầm quyền.

4. Bắt buộc dân đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy hoặc mô tô. Với lỳ do là chấn thương sọ não do tai nạn giao thông, nhưng thực chất là, các sân sau của đảng ăn chia đã lỡ nhập máy móc thiết bị sản xuất mũ, nhưng hàng hóa không bán được.

Qua đó cho thấy, chuyện bắt buộc người dân đi xe máy, mô tô phải đội mũ bảo hiểm ngang tầm quốc gia đến việc cướp của giết người, và bảo vệ sự chắc chắn của đảng cầm quyền chứ không phải chuyện đùa. Nó cũng cho thấy rằng, đảng cầm quyền rất "lo" cho tính mạng của nhân dân. Nhưng gần đây, lại có chuyện phạt người dân đội mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn. Vì có đúng hay không đúng tiêu chuẩn mũ bảo hiểm thì chấn thương sọ não vẫn cứ chấn thương! Và tỷ lệ chấn thương sọ não vẫn cứ tăng như thường sau khi đội mũ bảo hiểm! Và bài toán giải quyết tai nạn giao thông là bài toán quy hoạch và giãn dân, chứ không phải là nón bảo hiểm khi đi xe máy và mô tô.

Chiếc máy tính bảng cho giáo dục xứ thiên đường

Mấy hôm nay lại có truyền thông đưa tin, học sinh lớp 1 - 3 ở thành phố Hồ Chí Minh có thể phải mua máy tính bảng bằng đề án sách giáo khoa điện tử của thành phố Hồ Chí Minh hơn 4.000 tỷ đồng.  Đây là thử nghiệm ban đầu sau đó nhân rộng khắp cả nước. 

Hôm qua có một facebooker viết một bài về chuyện cái máy tính bảng này đã được nhập về tại cảng Hải Phòng từ 1 tháng trước với giá trọn gói 900 ngàn đồng, để bán cho học sinh lớp 1 đến lớp 3 giá giao động từ 3 đến 5 triệu đồng mỗi máy.

Máy tính bảng của Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC nhập về phục vụ cho "Thí điểm mô hình đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3" của Sở Giáo dục TP HCM, trọng tâm được đặt ra là đổi mới chương trình, sách giáo khoa đối với giáo dục tiểu học. Hình của Thienhải Blue

Tôi thử dò tìm thông tin công ty nào đã là nhà làm đề án này, thì ra kết quả là Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC, xuất thân từ một trung tâm xuất khẩu lao động - dân Việt thường gọi là buôn bán nô lệ chứ không phải là xuất khẩu lao động mỹ miều từ ngữ - trực thuộc Bộ giao thông vận tải vào năm 1999. Sau đó trở thành một tập đoàn đa ngành có cả đầu tư bất động sản và kinh doanh giáo dục.

Từ tháng 9 năm 2012 việc tổ chức sự kiện, làm quảng cáo từ bộ giáo dục đến trường phổ thông đã được Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC làm rất chu đáo từ Bắc đến Nam, từ trung ương đến địa phương.

Máy thì đã nhập về, và đã cài phần mềm tiếng Việt cho chương trình giáo dục Việt Nam, giờ làm sao bán? Không còn cách nào tốt hơn là làm luật từ các chính khách. Từ tháng 9 năm 2012 việc tổ chức sự kiện, làm quảng cáo từ bộ giáo dục đến trường phổ thông đã được Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC làm rất chu đáo từ Bắc đến Nam, từ trung ương đến địa phương. Giờ chỉ còn chờ chính quyền thành phố Hồ Chí Minh ra "luật" bắt buộc các trường phổ thông tiểu học thực thi để giải quyết hàng tồn kho của Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC!

Kết

Theo hiểu biết của tôi, ngay cả ở Hoa Kỳ và các quốc gia có nền giáo dục hàng đầu thế giới, chưa có quốc gia nào có luật bắt buộc học sinh phổ thông dùng máy tính bảng hay máy tính xách tay có cài chương trình học cho việc học của học sinh. Còn việc học sinh vì nhu cầu học tập phải mua máy tính là chuyện của học sinh.

Vấn đề đề án cải cách giáo dục điện tử của thành phố Hồ Chí Minh là vấn đề lợi bất cập hại. 

Đầu tiên là, liệu tất cả gia đình học sinh tiểu học có đủ tiền để đóng học phí hay chưa, thì làm sao đủ tiền mua máy tính bảng có giá từ 3 đến 5 triệu đồng trong lúc kinh tế đang suy sụp như hiện nay.

Thứ hai là, liệu trẻ con có máy tính bảng trong tay thì các cháu lo chơi game, hay lo cho việc học?

Và cuối cùng là, tại sao lại có những việc đặt cái cày trước khi có con trâu cho một đề án không giống ai, và bắt buộc dân phải tuân theo?

Bốn năm trước tôi viết loạt 3 bài: Chuột lang giáo dục, nhằm thưa với đảng cầm quyền rằng, đừng biến con cháu chúng ta là những con chuột trong phòng thí nghiệm cho ngành giáo dục ăn chia của các sân sau của đảng. Nhưng đến hôm nay vẫn thế.

Có cái gì đó liên quan giữa chiếc mũ bảo hiểm và máy tính bảng trong sự nghiệp làm luật để phục vụ cho việc ăn chia của các tổ chức kinh tài liên quan đến chính quyền. Tôi nghĩ thế không biết có đúng không?

Asia Clinic, 16h46' thứ Bảy, 23/8/2014

Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

GO WEST FOUNDATION THAM GIA NGÀY HỘI VĂN HÓA VIỆT TẠI WASHINGTON DC


Vietnam Festival Heritage – Ngày hội văn hóa Việt – là một ngày hội truyền thống của người Việt Nam ly hương ở Hoa Kỳ, có lịch sử hình thành từ sau sự cố 30/4/1975. Năm nay thủ đô Hoa Thịnh Đốn  là nơi được chọn để tổ chức. Cứ 2 năm một lần, ngày 15/8 là ngày mà những người con Việt Nam ly hương vì biến cố lịch sử ở quê nhà chọn làm ngày Văn Hóa Việt tại các tiểu bang có người Việt sinh sống ở Hoa Kỳ, để dạy cho cháu con gìn giữ truyền thống uống nước nhớ nguồn, văn hóa dân tộc Việt ngàn năm hun đúc. Biến cố 30/4/1975 đã qua đi 39 năm, thì Ngày hội Văn hóa Việt Nam ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn 2014 cũng có 38 tuổi đời – 1976 – 2014!

Họ, những người Việt Nam của nhiều thế hệ đã ly hương vì nhiều lý do khác nhau, nhưng có chung nhau một nỗi niềm, phải gìn giữ thói ăn, nết ở, phong tục, tập quán, ngôn ngữ, chữ viết của ông cha truyền lại cho cháu con. Một truyền thống đẹp mà người Việt ở đâu trên thế giới cũng luôn gìn giữ, để đau đáu nhìn về quê hương cách xa nghìn dặm.

Năm nay 2014, là lần Festival Văn hóa Việt lần thứ 18 diễn ra tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Mặc dù, Go West Foundation – GWF – là một tổ chức thiện nguyện, phi chính phủ mới ra đời chỉ 3 tháng 10 ngày – 05/5/2014 – 15/8/2014 – nhưng với nổ lực tự thân, Thomas Công, một thành viên của Hội đồng GWF đã đăng ký, tổ chức, tham gia với ngày hội lớn của dân tộc tại Hoa Kỳ. Đây cũng là sự kiện quan trọng trước cộng đồng dân Việt và trên thế giới mà GWF tham gia đầu tiên sau khi ra mắt, nhằm giới thiệu mình với đồng bào xa xứ, và thế giới biết rằng, Việt Nam cũng có một tổ chức từ thiện chuyên lo giáo dục có tầm toàn cầu đầu tiên trong lịch sử nước Việt.

Sau đây là một số hình ảnh của Ngày Hội Văn hóa Việt Nam lần thứ 18 tại thủ đô Hoa Kỳ.

Biểu tượng Vua Hùng tại Viet Festival Heritage 2014.

Những quầy sách báo tiếng Việt nói về lịch sử Việt tại Viet Festival Heritage

Cờ Vua là một giải thể thao trí tuệ dành cho mọi người Việt tham gia tại Viet Festival Heritage 2014

Bạn áo vàng là người chiến thắng trong giải cờ Vua năm nay của Viet Festival Heritage 2014

Trẻ em Việt Nam tại Viet Festival Heritage 2014

Áo dài truyền thống cũng được trẻ em Việt nam dùng trong ngày Viet Festival Heritage 2014

Go West Foundation và các đơn vị tham gia Viet Festival Heritage 2014

Quầy sách và tờ rơi quảng bá Go West Foundation tại Viet Festival Heritage 2014

Nữ đại diện của GWF tại Viet Festival Heritage 2014

Những đại diện trẻ Việt Nam của GWF tại Viet Festival Heritage 2014

Cụ bà tham quan và mua sách ủng hộ Go West Foundation tại Viet Festival Heritage 2014

Các cụ bà đang tham quan và mua sách lịch sử Việt Nam cho con cháu để ủng hộ GWF tại Viet Festival Heritage 2014

Banner của Go West Foundation tại quầy triển lãm của Viet Festival Heritage 2014

Đài SBTN phỏng vấn Thomas Công về tổ chức Go West Foundation

Năm nay 2014, là lần Festival Văn hóa Việt lần thứ 3 diễn ra tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn. “Go West Young Man” là một câu nói quen thuộc với người Mỹ từ thuở chinh phục miền Viễn Tây vì miền Tây là nơi những người trẻ tuổi làm nên sự nghiệp. Do vậy rất nhiều quan khách người Mỹ đã dừng lại tại quầy của Go West Foundation và hỏi han “What is Go West about?” – Mục đích của Go West là gì? Và chúng tôi lại có cơ hội quảng bá và giải thích mục tiêu Tây du của quỹ. Chúng tôi nghĩ tiêu chí Go West hôm nay vẫn còn nguyên giá trị đối với giới trẻ Việt Nam. Các bạn hãy đứng lên mạnh dạn cùng chúng tôi Go West.

Thomas Cong – Washington DC, 15/8/2014

Thứ Tư, 20 tháng 8, 2014

PHIM LỊCH SỬ NHÂN NGÀY 19/8

Nước mắt chính trị gia sau khi giết oan hàng triệu người trong Cải cách ruộng đất từ 1953 đến 1957 - làm tay sai theo lệnh của ngoại bang - tại Miền Bắc Việt Nam

Năm nay ngày Cách mạng Tháng Tám hầu như không ai quan tâm, từ chính quyền đến người dân. Điều này cho thấy đã đến lúc không còn ai tin vào ngày này là ngày cách mạng. Vì cách mạng là thay cũ, đổi mới, với cái mới tốt đẹp hơn. Nhưng từ ngày 19/8/1945 đến nay đất nước và người dân Việt ngày càng mất gốc từ văn hóa đến kinh tế. Nên tôi xin lưu lại 3 clip điển hình này để cho mai hậu về lịch sử thật Việt Nam từ ngày có cuộc cướp chính quyền của Việt Minh - 19/8/1945.

Cải cách ruộng đất ở miền Bắc từ 1953 đến 1957 không khác Cải tạo công thương nghiệp ở miền Nam vào cuối thập niên 1970, sau khi Bắc Việt thôn tính miền Nam vào ngày 30/4/1975. Nó là những đòn đánh mà cộng sản Việt Nam làm tay sai theo lệnh của Liên Xô và Trung Cộng để cho quyền lợi của 1 nhóm người Việt làm tay sai cộng sản quốc tế.

Đánh Nhân văn Giai phẩm là cú đánh cuối cùng của chế độ cộng sản Bắc Việt nhằm triệt hạ cuối cùng từ kinh tế sang văn hóa và chính trị của tay sai cộng sản Việt Nam phải làm theo lệnh của Liên Xô và Trung Cộng nhằm thực hiện nhiệm vụ quốc tế cộng sản giao phó.

Bộ phim "Chúng tôi muốn sống" là bộ phim lịch sử có thực của chế độ cộng sản Bắc Việt. Nó mô tả đầy đủ sự độc ác, và tội ác của cộng sản ở Việt Nam với nhân dân và tổ quốc, để hôm nay Việt Nam đang dần trở thành nô lệ cho Trung Cộng.


Võ Nguyên Giáp với cầu vai 2 bên là cờ Liên Xô và cờ Trung Cộng do họa sĩ Chóe - Nguyễn Hải Chí - vẽ đăng trên báo Sài Gòn trước năm 1972 ở miền Nam Việt Nam. Điều này rất đúng khi ông cựu bộ trưởng ngoại giao cộng sản ở Việt Nam nhắc lại câu nói của ông Lê Duẩn: "Chúng ta đánh VNCH là đánh cho cả Liên Xô và Trung Quốc". Sự thật lịch sử phơi bày ai là tay sai ngoại bang, để hôm nay đất nước rơi vào vòng nô lệ Trung Hoa.

Có lẽ, không cần phải nói nhiều, mà chỉ cần bỏ ra 2 giờ đồng hồ để xem phim là đủ.

Asia Clinic, 16h12' ngày thứ Ba, 20/8/2014


Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

ĐIỀU KIỆN ĐỂ THOÁT TRUNG

Bài đọc liên quan:

Vào tháng Sáu năm nay tôi viết loạt 3 bài Thoát Trung Luận. Trong đó, ở bài Một, tôi đề cập đến địa chính trị, lịch sử, cơ hội để Thoát Trung. Điểm lại tình hình hiện nay, trong lịch sử từ 1950 đến nay chưa bao giờ Việt Nam có được điều kiện để thoát được Trung Hoa như hiện nay, vì nhiều lý do.

Điều kiện cần để thoát Trung Hoa

Đầu tiên là đảng cộng sản Trung Hoa đang thoái trào vì cách cai trị kiểu phong kiến tập quyền của nó. Từ đó dẫn đến nhà cầm quyền Trung Hoa hiện nay là một hệ thống tham nhũng, tàn ác hơn cả súc vật.

Mặc dù Tập Cận Bình đang cố gắng vùng vẫy để củng cố hệ thống chính quyền cộng sản Trung Hoa, nhưng ông ta không thể nào rửa sạch hết vết nhơ mà cộng sản đã làm vấy bẩn chính quyền độc tài này. Khắp nơi, trong dân chúng từ Tây Tạng, đến Nội Mông, Tân Cương những tổ chức xã hội, và Hồi giáo cực đoan đang quấy phá, thậm chí đến việc cảm tử để đòi quyền độc lập, mặc dù chính quyền của Tập ra sức tàn sát nhân dân. Đó là chưa nói kinh tế Trung Hoa đang dính vào nợ xấu, và phần ăn chia không còn nữa cho sai nha cộng sản, sẽ là quả bom nổ tung cộng sản Trung Hoa bất kỳ lúc nào.

Việc Tập đả hổ để cứu đảng ăn chia sẽ là điều kiện tốt phá vỡ 2 cái phàm là của Mao. Nó có nghĩa là, sự đoàn kết của cộng sản Trung Hoa nhờ việc thông qua bất kỳ đảng viên cộng sản nào cũng có phần ăn để giữ vững sự đoàn kết trong đảng, như gìn giữ con ngươi của chính con mắt của người cộng sản, sẽ bị xâm phạm. Lúc đó, có thể sẽ là một cuộc chia rẻ lớn trong nội tình Trung Hoa.

Hàng chục ngàn người biểu tình ủng hộ cuộc bỏ phiếu cho người đứng đầu ở Hồng Kông hôm 17/8/2014 - Ảnh của Credit Alex Hofford/European Pressphoto Agency

Lá cờ đầu của việc đòi tách ra khỏi Trung Cộng là Hồng Kông - một quốc gia 2 chế độ theo mô hình của Đặng Tiểu Bình đã vạch ra - để tiếp nhận Hồng Kông từ Anh Quốc vào năm 1997. Nhưng sau 17 năm cầm quyền, Trung Cộng đang siết dần nền dân chủ đã hình thành 100 năm của Hồng Kông. Đây sẽ là nơi nổ phát pháo cho một Trung Cộng lập lại lịch sử cuối đời nhà Thanh - chia 5 xẻ 7. Hôm 17/8/2014 vừa qua Tập sợ Hồng Kông tách ra khỏi Trung Hoa lục địa, nên cho cả chục ngàn dư luận viên đi biểu tình ủng hộ chính phủ cộng sản tại Hồng Kông.

Khi Trung Cộng bị chia 5 xẻ 7 thì không có cơ hội nào tốt hơn để Việt Nam thoát Trung Cộng như nhà Nguyễn đã vững bền suốt từ 1802 đến 1945 ở Việt Nam.

Thanh niên tiến bộ ở Hồng Kông đang muốn Hồng Kông thoát khỏi con đường cộng sản hóa theo kiểu Trung Cộng - một quốc gia hai chế độ.

Điều kiện đủ để thoát Trung Hoa

Nhưng việc Trung Hoa bị chia 5 xẻ 7 chỉ là điều kiện cần để cho Việt Nam thoát Trung Hoa. Điều kiện đủ để Việt Nam thoát Trung Hoa là, Việt Nam phải thoát khỏi cộng sản cầm quyền. 

Nhìn lại lịch sử từ 1944 đến 2014, Việt Nam luôn lệ thuộc Trung Hoa mà không thể thoát được cũng vì Bắc Việt đã làm tay sai cộng sản Trung Hoa sau khi Trung Hoa bị Mao lấy từ Tưởng Giới Thạch. Nếu không có ngày 01/10/1949 thì chắc chắn cộng sản sẽ không có mặt trên đất Việt Nam cho đến nay, và nhấm chìm dân tộc vào vòng nô lệ Trung Hoa mới.

Lịch sử đã chứng tỏ cộng sản Việt Nam làm tay sai cho Liên Xô và Trung cộng.

Muốn thoát cộng sản, thì ngay từ bây giờ, những người mang danh cộng sản, nhưng thực chất là những kẻ ăn chia trên quốc gia dân tộc phải ý thức được rằng, nhân dân Việt Nam luôn bao dung và tha thứ lỗi lầm làm tay sai Trung Hoa từ 70 năm qua của cộng sản.

Gần đây, một số sự kiện cộng sản Trung Hoa và Việt Nam dựng lên chuyện giàn khoa 981 trên biển Đông, tương kế, tự kế Trung Hoa lấn chiến và xây sân bay trên đảo Gạc Ma để kiểm soát toàn bộ biển Đông, là một giọt nước làm tràn ly cho sự rạn nứt của 2 quốc gia cộng sản láng giềng. Bên cạnh đó, khủng hoảng kinh tế Việt Nam do chế độ phong kiến tập quyền giả danh cộng sản gây ra là, ván cờ bắt buộc chính quyền Việt Nam phải thay đổi, nếu muốn còn nắm ghế ăn chia.

Những người nhân danh cộng sản ở Việt Nam đã và đang chạy đua thời gian để làm lành với kẻ thù số 1 - Hoa Kỳ. Nhưng bên cạnh đó, sự mất đoàn kết của nội bộ cộng sản ở Việt Nam cũng không kém phần sinh tử từ Hội nghị trung ương 6 khóa XI đến nay.

Những chuyến ngoại giao con thoi gần đây của Việt Nam và Hoa Kỳ là dấu hiệu chính quyền cộng sản ở Việt Nam đang đi từng bước để thoát khỏi Trung Hoa. Nhưng không thể thoát Trung Hoa nếu chính quyền Việt Nam không thoát khỏi chế độ cộng sản giả danh kiểu phong kiến tập quyền của Trung Hoa, được cộng sản ở Việt Nam sao chép về như hiện nay. Vì ở cả Trung Hoa và Việt Nam hiện nay không có người cộng sản, và không có chủ nghĩa cộng sản, mà chỉ là giả danh cộng sản của những kẻ cơ hội tồn tại đã một phần tư thế kỷ qua.

Làm gì Việt Nam đi lên?

Ai cũng có thể thấy, cách duy nhất để thoát Trung Hoa là bằng mọi giá, mọi phương pháp để cho nội bộ Trung Hoa mất đoàn kết, và biến Trung Hoa bị chia 5 xẻ 7.

Thoát Trung Hoa rồi, Việt Nam phải thoát khỏi chế độ phong kiến tập quyền giả danh cộng sản, để xây dựng một xã hội công bằng, văn minh.

Sẽ vô cùng khó khăn, và có lẽ sẽ không thoát kiếp nô lệ Trung Hoa, nếu những người cộng sản Việt Nam hiện nay vẫn còn tư duy như ông Trần Nhật Quang trong clip này

Nếu không có 2 điều kiện trên, thì Việt Nam sẽ mãi đắm chìm trong kiếp nhược tiểu. Nhưng để làm được điều này, ở Việt Nam phải có một Than Shwe và một Thein Sein hun đúc ở trong một nhân vật đang nắm quyền trong hệ thống cộng sản ở Việt Nam, và chắc chắn Việt Nam sẽ đi chậm hơn Miến Điện 20 năm, thì mới không đổ máu.

Chính trị là nghệ thuật của sự có thể, ai sẽ là người có thể làm được điều này trong vòng 10 năm tới, nếu không, nước Việt sẽ không còn cơ hội ngóc đầu.

Asia Clinic, 17h45' ngày thứ Hai, 18/8/2014

Thứ Tư, 13 tháng 8, 2014

SỮA VÀ NHỮNG BẤT CẬP CỦA THIÊN ĐƯỜNG HẠ GIỚI

Hầu như ai, từ thầy thuốc đến người mẹ đều biết sữa là quan trọng, nhưng cũng chưa có ai hiểu sữa là gì? Bài này tôi viết nhằm để cho cộng đồng hiểu sữa là gì? Có bao nhiêu loại sữa? Sữa có giới hạn của nó ở đâu? nhằm cho cộng đồng không bị mê hoặc bỡi những quảng cáo quá sự thật, mà truyền thông của xã hội gần đây đi sai vai trò của nó vì lợi nhuận.

Gần đây trên thị trường sữa Việt Nam có vấn đề bất cập về giá sữa, khi cuộc sống công nghiệp bắt đầu du nhập vào, và do bùng nổ dân số gây ra nhu cầu sữa một cách quá đáng, vì thiếu hiểu biết. Nên bộ tài chính buộc phải áp trần giá sữa nhằm cho người dân đỡ bị gian thương móc túi.

Nhưng sau áp trần gía sữa, thì thị trường sữa đồng loạt đổi tên là thực phẩm dinh dưỡng bổ sung, để lách luật gây giá ảo móc túi người dân.
Sau khi bộ tài chính áp trần giá sữa, thì tất cả các công ty sữa trong và ngoài nước sửa lại nhãn bao bì là Sản phẩm dinh dưỡng công thức, nhằm tạo bão giá lách luật.

Định nghĩa

Trước tiên muốn dùng sữa đúng thì phải hiểu sữa là gì? Cũng giống như tất cả các khái niệm khác, định nghĩa rất quan trọng.

Sữa là một chất lỏng màu trắng đục được sản xuất bởi các tuyến vú của động vật có vú. Nó là nguồn gốc chính của dinh dưỡng và cả kháng thể chống lại bệnh tật cho động vật có vú ở giai đoạn mới sinh ra, trước khi chúng có thể tiêu hóa các loại thực phẩm mà thiên nhiên và xã hội tạo ra.

Tiêu chuẩn đạm là tiêu chuẩn bắt buộc và phải có của sữa là phải có 34% đạm trong sữa. Tất cả các loại gọi là sữa, mà thành phần đạm dưới 34% tổng trọng thì không phải là sữa, mà chỉ là thực phẩm bổ sung. Các tiêu chuẩn này sữa mẹ của loài động vật có vú chỉ đáp ứng được trong 6 tháng đầu hậu sản. Sau 6 tháng hậu sản sữa mẹ của động vật có vú không còn đáp ứng được, vì lượng kháng thể chống lại bệnh tật, cũng như hàm lượng khác - trong đó có đạm - giảm dần.

Tiêu chuẩn đạm trong sữa theo Tổ chức y tế thế giới phải đạt 34%.

Đặc điểm

Từ đó ta thấy sữa đúng định nghĩa có 3 đặc điểm quan trọng sau đây:

1. Là chất dinh dưỡng thiết yếu, có đầy đủ thành phần cho động vật có vú sơ sinh sống.

2. Là chất chống lại bệnh tật cho động vật có vú trong thời kỳ sơ sinh.

3. Là chất để cơ thể của động vật có vú trong thời kỳ sơ sinh dùng để xây dựng và phát triển hoàn thiện.

Phân loại

Từ định nghĩa gốc này cho chúng ta thấy các vấn đề sau:

Phân loại sữa thì có 2 loại: 

1. Sữa mẹ cho mỗi loài động vật riêng lẻ như, sữa người, sữa vượn, sữa khỉ, sữa cá voi, sữa bò, etc.

2. Sữa động vật nhân tạo như sữa bò, sữa dê, sữa thực vật, etc dùng để cho người dùng, hoặc cho động vật cần săn sóc.

Tạo hóa rất khoa học, và tinh vi là, sữa mẹ chỉ có giá trị trong 6 tháng đầu tiên sau sinh là đầy đủ mọi tính chất, đặc điểm của sữa, và 6 tháng cũng là thời gian mà, động vật có vú sau sinh cũng đã hoàn thiện cả bộ nhai để bắt đầu cho cuộc tự dưỡng và dị dưỡng của mình. 

Sữa có vai trò chống loảng xương không?

Câu trả lời là CÓ và KHÔNG!

Tại sao có? Vì trong sữa có hàm lượng calcium cao. Calcium là thành phần chính để tạo xương ở tuổi trưởng thành và phát triển cơ thể. Và sữa chỉ có giá trị cho xương khi Calcium trong sữa được chuyên chở đến xương nhờ vào hormone sinh dục, và ở tuổi còn vận động nhiều.

Tại sao không? Vì để Calcium đi đến đúng nơi cần Calcium tạo xương thì cần phải có 2 điều kiện: hormone sinh dục như là chiếc xe chở đến đúng nơi cần Calcium, và vận động là yếu tố xúc tác cho quá trình xây dựng xương chắt và chịu lực.

Như tôi đã viết gần đây, 35 tuổi là tuổi của sự bắt đầu tiến trình lão hóa diễn ra của con người. Có nghĩa là, quá trình chết diễn ra mạnh hơn quá trình sống. Và loảng xương cũng bắt đầu diễn ra, nhưng quá trình loảng xương diễn ra mạnh mẽ nhất bắt đầu từ lúc phụ nữ bặt kinh, và đàn ông không còn ham muốn tình dục.

Gần đây có loại sữa được báo chí, đài truyền hình, truyền thanh bảo rằng sữa chống loảng xương cho người cao tuổi là sai. Vì người cao tuổi cơ quan sinh dục đã giảm, hoặc ngừng hoạt động sinh đẻ ở nữ, và đòi hỏi tình dục ở nam, nên không còn đủ hormone sinh dục để đưa Calcium và nơi cần để tạo xương. Người già chỉ còn cách là vận động như, đi bơi, tập nhẹ kiên trì để chống quá trình loảng xương do lão hóa gây ra.

Uống sữa lúc nào?

Dĩ nhiên về mặt sinh lý hấp thu phải hợp với lẽ tự nhiên là trẻ sơ sinh chỉ uống sữa lúc đói. Đối với người lớn cũng vậy, phải uống sữa lúc đói mới có tác dụng tốt cho cơ thể. Vì trong sữa có Calcium và chất bổ dưỡng chỉ được hấp thu tốt lúc đói, mà không bị kết tủa và bị thải theo phân, khi có các hợp chất gây phản ứng kết tủa vì thức ăn khác trong ống tiêu hóa.

Nhưng có nhiều bà mẹ ông bố, sau khi con mình đã được ăn no nê buổi cơm chiều, thì tối đến lại cho con mình nốc thêm 1 ly sữa to, vì thế mà bé trở nên béo phì. Sữa phải được uống trước khi ăn ít nhất 1 giờ đồng hồ khi bụng đói mới hợp sinh lý của cơ thể.

Sữa trên thị trường có phải là sữa không?

Rõ ràng theo tiêu chuẩn và định nghĩa sữa thì không có bất kỳ loại sữa nào được quảng cáo, và bán trên thị trường toàn cầu được gọi là sữa, mà phải gọi là thực phẩm bổ sung - Supplementary Food. Nhưng khi về đến Việt Nam cái từ Supplementary Food được các nhà kinh doanh dịch ra thành, Thực Phẩm Chức Năng, để biến nó từ thực phẩm bổ sung cũng giống như tôm, cá, rau, củ, quả mà chúng ta vẫn ăn hằng ngày thành "thuốc", nên chúng có giá đắt hơn thuốc!

Sữa hiện nay trên thị trường Việt Nam chỉ có nồng độ đạm chưa bằng 50% nồng độ đạm mà Tổ chức Y tế Thế giới quy định!

Ăn uống là thuốc để xây dựng và phát triển cơ thể sống. Nhưng ăn uống sai là thuốc độc để cơ thể mau bệnh tật, và dẫn đến tử vong.

Kết

Bộ y tế cần những con người có kiến thức y học chuẩn mực, và hàn lâm. Các bộ ngành khác của chính phủ Việt Nam cần có những con người có kiến thức hàn lâm, có tâm, và có tầm với Tổ quốc và Dân tộc, cùng hoạt động nhịp nhàng, đồng bộ với nhau, thì mới mong đem lại những hiểu biết đơn giản cho người dân, nhằm dân không bị thiệt, mà nền kinh tế không bị chảy ngân sách ra nước ngoài thì văn hóa chuộng hàng ngoại của dân Việt bấy lâu nay.

Asia Clinic, 12h24' ngày thứ Năm, 14/8/2014

Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014

LÀM SAO ĐỂ HỌC VÀ HÀNH Y KHOA GIỎI?

Bài đọc liên quan:

Học cái gì cũng vậy, có những cái kiềng 3 chân để làm chân đế cho một chiếc ghế vững trên một mặt phẳng trong hình học không gain 3 chiều và đa chiều.

Trong y khoa, phải học rất nhiều, như tôi đã viết trong bài - Y khoa là ngành khoa học gì? - nhưng người dạy phải biết truyền đạt cho người học, những bộ môn chìa khóa để làm nền tảng cho y học là gì, nhằm tạo ra những sản phẩm tốt trong ngành y. Dĩ nhiên, học y khoa mà không giỏi ngoại ngữ thì xem như không thể giỏi bằng nghề y, nên ở đây tôi chỉ chú tâm vào những lĩnh vực chìa khóa thành công trong việc học và hành nghề y.

Kiềng 3 chân của y học

Trong phần xác của y học có cái kiềng 3 chân, mà bất kỳ sinh viên trường Y nào cũng phải học và nắm chắc, để làm nền tảng cho các môn học kia là: Giải phẫu học - Anatomy; Sinh lý học - Physiology; và Triệu chứng học - Symtomatology.

Phải nắm giải phẫu học thì mới nắm được cơ chế bệnh sinh cho nội khoa, cho thực hành phẫu thuật cho ngoại khoa.

Phải chắc kiến thức sinh lý học thì mới có sự hiểu biết hoạt động cơ thể bình thường, nhằm hiểu biết khi nào cơ thể bị bệnh.

Phải nắm triệu chứng của bệnh tật chắc chắn mới có thể chẩn đoán bệnh tật. Trong y học, chẩn đoán quan trọng hơn điều trị. Người thầy thuốc giỏi là người chẩn đoán giỏi. Chẩn đoán đúng thì điều trị mới đúng và hết bệnh. Chẩn đoán sai là có tội làm nghề y mà không có đạo đức, chứ không phải làm bệnh nhân chết mới là không có y đức.

Kết hợp 3 cái, giải phẫu sinh lý và triệu chứng sẽ giúp người thầy thuốc đi đến tiên lượng bệnh sẽ đi về đâu, kết quả điều trị chắc chắn sẽ hết trong bao lâu, bệnh có cần nhập viện, hay chỉ điều trị ngoại trú? Trong y học, người thầy thuốc xuất sắc, đi hết nghề và nghiệp y khoa sẽ cho ra tiên lượng chính xác, khi nào hết bệnh, khi nào có biến chứng, khi nào tử vong, bệnh nên điều trị nội trú hay cho về nhà chờ chết, v.v...

Kiềng 3 chân của khoa học xã hội

Trong phần hồn của y học thì cũng có cái kiềng 3 chân, mà bất kỳ sinh viên nào cũng phải nắm vững để giúp nghiên cứu, thực hành với đối tượng của ngành y là bệnh nhân: Duy vật luận hay còn gọi là phương pháp luận khoa học - Materialism; Phân tâm học - Psychoanalysis; và Y đức - Medical Ethic!

Phải nắm phương pháp luận khoa học để làm nền tảng cho việc học, và hành nghiên cứu khoa học y học và các lĩnh vực y học cơ sở.

Phải nắm phân tâm học để làm nền tảng cho việc học tâm lý bệnh nhân, hiểu bệnh nhân đang có những lo âu gì, nhằm đưa ra giải pháp chữa trị phần hồn cho bệnh nhân. Ví dụ, Loét hành tá tràng và cao huyết áp do stress, nếu thầy thuốc giỏi sẽ có biện pháp chữa trị bệnh nhân về lâu dài không cần thuốc. Vì thuốc là có độc, dùng thuốc không phải bao giờ cũng tốt, người ta chỉ dùng thuốc để tự tử, nên phải có trách nhiệm khi kê toa là một làm có y đức vậy.

Phải nắm y đức căn bản bắt đầu từ Lời thề Hippocrates, trên nền tảng đó, sẽ thực hiện hành động và nhân cách của người thầy thuốc cao quý cho mỗi xã hội có một luật pháp hành nghề y khác nhau.

Kết

Kết hợp cả cái kiềng ba chân phần xác và phần hồn trong y học: giải phẫu, sinh lý, triệu chứng, triết học, phân tâm học, và y đức học sẽ giúp sinh viên trường Y có nền tảng vững chắc để học những môn khoa học khác, hòng trở thành thầy thuốc không những vừa chữa bệnh phần xác lẫn phần hồn, mà còn làm nghiên cứu khoa học phục vụ cho y học. Từ đó, chính các bạn sẽ phát hiện ra rằng, bệnh nhân là thầy của thầy thuốc, lúc đó mới trở thành thầy thuốc giỏi.

Tóm lại, học nghề gì cũng vậy, phải biết chìa khóa để đi đến đỉnh cao. Y học là một ngành khoa học thực nghiệm trung gian kết nối giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, mà đối tượng là con người trong bối cảnh bệnh tật. Nên việc học đòi hỏi phải học rất nhiều, nếu không có phương pháp học, và hiểu biết chìa khóa y học, thì dù có học giỏi ở bậc phổ thông cũng khó trở thành người học và hành nghề y xuất sắc.

Asia Clinic, 11h36' Chúa Nhựt, 10/8/2014

Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

Y KHOA LÀ NGÀNH KHOA HỌC GÌ?

Nhân câu chuyện cháu Trần Văn Cường đậu thủ khoa Đại học Bách khoa TpHCM, và đậu á khoa Đại học Y khoa Hà Nội, tôi đại diện Go West Foundation đã liên hệ với cháu, thì mới hiểu ra, nhiều bạn trẻ chỉ biết yêu ngành y, mà không biết yêu nó vì cái gì? Nên tôi viết bài này để các bạn trẻ hiểu ngành y là ngành khoa học như thế nào?

Tôi đã có 2 cuộc nói chuyện với Cường để giải thích Y khoa là ngành khoa học gì? Và ngay cả trong tất cả các bác sỹ đã trưởng thành trong nghề nghiệp, họ cũng chưa chắc có một lần suy nghĩ, để tìm ra câu trả lời đúng nhất này.

Nếu không hiểu và trả lời đúng câu hỏi này, thì người làm y không thể đi đến tận cái nghề y, mà mình đang làm. Dù có thể, người ấy giỏi về chuyên môn, nhưng không thể là người tận tâm, và đi hết cái nghiệp của nghề y để hành nghề.

Định nghĩa

Làm bất kỳ cái gì cũng vậy đều phải có mục tiêu. Ở một lĩnh vực nào cũng vậy, phải nắm được định nghĩa, thì mới biết đâu đúng, đâu sai. Ngành y khoa cũng phải có định nghĩa rõ ràng, nhưng hầu như chưa có sách giáo khoa nào trên toàn cầu có được định nghĩa đúng cho nó.

Theo tôi, định nghĩa đơn giản và ngắn nhất cho ngành Y là nghành khoa học thực nghiệm, nó là ngành đứng trung gian nối kết giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Tại sao?

Vì ngành Y có đối tượng nghiên cứu và thực hành là con người. Trong cơ thể con người có 2 phần: phần xác và phần hồn.

Phần xác của con người là một bộ máy thống nhất, và tinh vi từ toán học, vật lý, hóa học, sinh học, hóa sinh học, sinh lý, sinh lý bệnh học, vi sinh, ký sinh, dược lý học, triệu chứng học, bệnh học, v.v... Nói hơi ngoa là, học cho đến khi hiểu rằng cơ thể con người như một trái đất thu nhỏ, thì lúc đó mới hiểu hết phần xác của con người! Nên người học phải học không những giỏi, mà phải cần phải tiêu hóa tất cả kiến thức của các chuyên ngành khoa học cơ sở này, để làm nền tảng xây dựng cho nghề của mình, khi bước vào giai đoạn xây căn nhà y học cho riêng mình.

Phần hồn là giai đoạn thứ hai, mà người học y khoa phải học. Tâm lý học, tâm lý người bệnh, Phân tâm học của Freud, y đức, ngôn ngữ học chuyên ngành y khoa, và kể cả ngôn ngữ bình dân để tiếp xúc với người dân ít học. Phần hồn này giúp cho người làm nghề y có một khả năng quan hệ cộng đồng, để hiểu tâm lý cộng đồng, và hiểu cả tâm lý người bệnh, mà làm nghề. Ví dụ, nói với đồng nghiệp về bệnh lý dạ dày, nhưng nói với người dân phải dùng từ bệnh lý bao tử. Trong tiếng Anh cũng vậy, nói với đồng nghiệp về bệnh loét dạ dày thì dùng từ Gastric Ulcer, nhưng nói với bệnh nhân phải dùng từ stomachache hay Ulcer of stomach thì người bình dân mới hiểu. Truyền đạt thông tin là một kỹ năng của bác sỹ phải giỏi, nếu không thì bệnh nhân và thầy thuốc không thể hiểu nhau.

Trên tất cả, có Triết học là một khoa học quan trọng nhất để làm nền tảng cho nghiên cứu khoa học, và vận dụng những cặp phạm trù, và quy luật triết học tìm ra phát minh trong khoa học cơ sở, và thực hành trên lâm sàng. Triết học không chỉ có duy vật, mà phải từ Hiện tượng học, đến duy tâm, hiện sinh, đến Phân tâm học của Freud, v.v... không từ bỏ bất kỳ trường phái nào. Không có triết học, một người làm nghề y không thể giỏi cả lý luận đến thực tế, không thể giỏi từ nghiên cứu đến thực hành.

Những yếu tố buộc phải có khi học và làm nghề y

Đương nhiên, học và làm cái gì cũng phải có sự đam mê. Học và làm nghề y cũng vậy, thiếu sự đam mê thì không đến được đỉnh cao của y học.

Trong Đông y có vọng, văn, vấn và thiết - nhìn, nghe, hỏi, khám - thì trong Tây y có Nhìn, Sờ, Gõ và Nghe, thậm chí phải Ngửi, và ... Nếm khi cần.

Muốn học y khoa phải giỏi ngôn ngữ. Học ở đâu thì phải giỏi ngôn ngữ ở đó. Học ở Việt Nam thì phải giỏi ngôn ngữ Việt Nam. Học ở Hoa Kỳ thì phải giỏi tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ. Không giỏi ngôn ngữ, không thể khai thác bệnh sử, không thể nghe được tiếng nói thì thào của bệnh nhân hấp hối, không thể đi đến kết luận cuối cùng của một con bệnh. Không những giỏi nghe nói, mà còn phải giỏi viết để trình bày một bệnh án, một công trình khoa học, để phát triển nghề nghiệp. Muốn học y khoa giỏi bắt buộc phải giỏi 1 ngoại ngữ, và ngày nay, ngoại ngữ đó là english!

Có lẽ về mặt ngôn ngữ, thì chỉ có 2 ngành y khoa và luật khoa là đòi hỏi cao nhất trong tất cả các ngành nghề trong xã hội. Đã có biết bao nhiêu luật sư người Việt sống ở Hoa Kỳ, tốt nghiệp trường Luật ở Hoa Kỳ, nhưng không đủ khả năng ngôn ngữ để hành nghề là vậy.

Muốn học y khoa và thành người làm nghề giỏi phải giỏi xã hội học, nào văn hóa vùng miền, tâm lý bệnh nhân, sự liên quan giữ chính trị kinh tế với bệnh tật, v.v... Ví dụ, chỉ 1 cuộc tăng giá xăng thì sẽ có nhiều tài xế, ngư dân, đại gia, v.v... đau dạ dày và cao huyết áp, vì stress do giá hàng hóa tăng, thu nhập sụt giảm. Vì đối tượng của nghề y là con người được đặt trong hoàn cảnh xã hội cụ thể, chứ không chung chung, mơ hồ.

Muốn học và làm nghề y giỏi phải nắm chắc những khoa học y học cơ sở cả lý thuyết lẫn thực hành để có một lý luận khoa học vững chắc cho công việc khám, chữa bệnh, và nghiên cứu khoa học.

Muốn học và hành nghề y giỏi phải giỏi nghiên cứu khoa học, và phải biết làm đề cương, dự thảo và dự án tổng thể cũng như cụ thể cho những đề tài nghiên cứu cấp cơ sở, cấp tỉnh thành, cấp nhà nước, đến cấp toàn cầu. Vì nó là cơ sở khoa học để có tầm nhìn một vấn đề ở tầm bao quan từ nhỏ đến lớn.

Một người học giỏi ở bậc phổ thông trung học đậu thủ khoa đại học y khoa, nhưng khi vào học, và ra làm việc chưa chắc học tốt và làm việc tròn vai trò.

Kết

Tóm lại, y học là một ngành khoa học thực hành, nghiên cứu mà đối tượng là bệnh tật và con người, nên nó là một ngành khoa học trung gian kết nối giữa khoa học xã hội với khoa học tự nhiên. Người học và làm ngành y đòi hỏi phải giỏi toàn diện cả 2 lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội.

Tôi sẽ viết tiếp bài hai: Làm sao để học và hành giỏi y khoa.

Asia Clinic, 8h08' ngày thứ Sáu, 08/8/2014

Thứ Hai, 4 tháng 8, 2014

NỖI LO TÌM TRƯỞNG VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN CỦA QUỸ TÂY DU TẠI VIỆT NAM

Bài đọc liên quan:

Tính đến hôm nay đã 3 tháng kể từ ngày thành lập Go West Foundation – Quỹ Tây Du – tại Hoa Kỳ. Hiến chương, quy chế hoạt động, tầm nhìn và nhân sự của cơ quan đầu não Quỹ Tây Du(QTD) đã tạm ổn.

Trong tất cả các văn phòng đại diện của Quỹ Tây Du, thì Văn phòng tại Việt Nam là quan trọng nhất. Nên vấn đề tìm kiếm một nhân vật nắm vị trí Trưởng Văn phòng Đại diện Quỹ Tây Du tại Việt Nam là một vấn đề khó hơn đi tìm tài năng trẻ Việt Nam để trao học bổng Tây du.

Người nắm Trưởng Văn phòng Đại diện Quỹ Tây Du phải đòi hỏi 5 phẩm chất và đặc điểm hiếm có trong thời buổi này ở Việt Nam.

Thứ nhất là một con người thông thái và hàn lâm cả lý thuyết lẫn thực hành.

Thứ hai, người ấy phải có nhân cách lớn, có khả năng tài chính để không bị đồng tiền cám dỗ. Phải trong sạch từ quá khứ đếnh hiện tại, và có tác động tốt với cộng đồng.

Thứ ba, người ấy phải làm việc khoa học, công tâm, minh bạch, và phải không làm công việc vụ lợi, có thời gian để lo toàn tâm toàn ý với Quỹ Tây Du tại Việt Nam.

Đặc điểm đầu tiên người ấy phải cư ngụ tại Sài Gòn hoặc Hà Nội để dễ làm việc và chọn địa điểm cho trụ sở của Văn phòng Đại diện Quỹ Tây Du.

Và cuối cùng là một đặc điểm vô cùng quan trọng, người đó phải hoàn toàn không phải là thân bằng quyến thuộc của các thành viên Hội đồng Quỹ Tây Du, để tránh tình trạng tập quyền, độc tài trong suốt quá trình làm việc của Quỹ Tây Du Việt Nam nói riêng, và của tất cả các chi nhánh Quỹ Tây Du trên toàn thế giới và cơ quan chủ quản QTD tại Hoa Kỳ. Nhưng người đó phải cùng một nhịp đập với các thành viên QTD là lòng thiết tha yêu tổ quốc, và không vì bất kỳ đảng phái chính trị nào.

Đã có tổ chức giáo dục vô vụ lợi bị giẫm lên con đường sai lầm của sự tập quyền, độc tài, và vụ lợi sau một thời gian thành công ban đầu. Hậu quả của nó là bắt đầu phân hóa và tan rả. Đó là bài học kinh nghiệm khi thành lập, phát triển cho một tổ chức phi vụ lợi: đa nguyên và tản quyền trong tổ chức.

Không những thế, gần đây, các tổ chức từ thiện là nơi rửa tiền đang rộ lên trên thế giới. Nó là điều làm chúng tôi phải đưa ra tiêu chuẩn để tuyển lựa người đứng đầu của QTD tại Việt Nam hiện nay, trong hoàn cảnh kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục của nước Việt đang suy đồi.

Ba tháng nay đã có gần 10 ứng viên được giới thiệu cho vị trí Trưởng Văn phòng Đại diện QTD tại Việt Nam. Trong đó, có những ứng viên nổi tiếng với cộng đồng Việt Nam trên toàn thế giới và trong nước, nhưng không đáp ứng được 5 phẩm chất và đặc điểm trên. Những ứng viên năng động, trẻ trung, đầy nhiệt huyết thì lại thiếu tầm nhìn, tính hàn lâm, minh bạch và vô vụ lợi về mặt lâu dài.

Có lẽ, việc làm thiện nguyện giáo dục tại Việt Nam hiện nay là việc làm thuộc loại khó hàng đầu, trong các việc khó.

Là người sáng lâp, gầy dựng và lo cho QTD sống còn, phát triễn và trường tồn trong giai đoạn vạn sự khởi đầu nan, tôi đem tâm tình này để gửi đến cộng đồng người Việt Nam trong nước, hầu mong có sự đồng lòng, và chung sức của những nhân cách lớn trong nước Việt, nhằm lo cho một dự án lớn có tính thiên niên kỷ, vì thế hệ trẻ tài năng của đất nước tương lai.

Chúng tôi, Hội đồng thành viên của Quỹ Tây Du rất hoan nghênh, và sẵn lòng mời những ai có tấm lòng nộp hồ sơ cá nhân ứng tuyển vào vị trí Trưởng Văn phòng Đại diện Quỹ Tây Du.

Hồ sơ ứng tuyển gồm:

1. Lý lịch tư pháp cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt.

2. Một CV cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt.

3. Giấy tờ tùy thân hoặc hộ chiếu.

Mọi hồ sơ ứng tuyển vào vị trí này xin gửi về địa chỉ email: quytaydu@gowestfoundation.org

Xin cảm ơn.

Sài Gòn, 15h30′ ngày thứ Hai, 04/8/2014