nha ban quan tan binh | mua nha quan tan binh

Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2013

THOÁT TRUNG LUẬN 2

Hình ảnh ông cựu chủ tịch nước - Nguyễn Minh Triết - mặc Hoàng Bào trong lễ bế mạc Hội nghị APEC tổ chức ở Hà Nội, lần thứ 14 vào ngày 19/11/2006 là một dấu hiệu cho thấy tư duy Thoát Trung Luận của ông tại diễn đàn lớn này - Ảnh của AFP


Câu chuyện Thoát Trung Luận là câu chuyện lớn cho cả tổ quốc và dân tộc. Nó không chỉ có liên quan đến cơ hội, thời thế, mà còn liên quan đến cả tư duy và hành động của lãnh đạo, nhân dân cần phải thoát ra khỏi cái quán tính tư duy bao đời hằn sâu trong tâm khảm.

Trong phần Thoát Trung Luận mà tôi đã viết hôm 28/6/2013 chỉ là nói đến thời cơ - thời thế và cơ hội - sau khi điểm qua lịch sử, địa chính trị của khu vực và bài học của Nhật Bản cách đây 2 thế kỷ, và bài học của Miến Điện hôm nay. Trong bài viết này tôi xin bàn đến tư duy của lãnh đạo và dân tộc. Vì cuộc cách mạng tư tưởng luôn phải đi trước cách mạng xã hội một bước, tư tưởng mà không thông thì đừng hòng làm được bất cứ cái gì.

Chúng ta bắt đầu từ văn hóa

Văn hóa là nguồn cội của tư duy. Như tôi đã viết, văn hóa duy tình kiểu làng xã, tiểu nông của Việt Nam chỉ quanh quẩn bỡi cái ăn chắc mặc bền, mà không hoặc khó dám nghĩ đến chuyện thay đổi cái cũ, để tìm cái mới tốt đẹp hơn. Chỉ khi nào vận đến cùng thì mới dám nghĩ đến chuyện phải tự cứu lấy mình, bằng cách thay đổi lề lối làm việc và chọn phương cách mới.

Chính cái quan điểm văn hóa duy tình, làng xã bám vào gốc rạ để sống, hòng tìm một sự bền lâu này nó đã là một quán tính tư duy trong mỗi con người Việt Nam, từ lãnh đạo đến cùng đinh không dám có sự thay đổi và bức phá, ù lì trong cái túng cùng cả nghèo hèn và nhược tiểu.

Điểm lại lịch sử, hầu hết các cuộc cách mạng của dân ta cũng chỉ xảy ra khi và chỉ khi cái chén cơm của mỗi người đều bị mất trắng, đời sống của toàn dân bị cơ cực đến tận cùng. Thời phong kiến các đời cũng vậy, mà thời Pháp thuộc cũng thế. Ba mươi tám năm qua, sau thống nhất đất nước cũng không hơn, chỉ sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, không còn chỗ để ăn xin, nên đảng cầm quyền mới nghĩ và hành động để cỡi trói cứu lấy quyền lợi bền lâu của mình.

Nhưng sau khi cỡi trói thì cái tư duy làm nô lệ và cầu viện ngoại bang vẫn còn khắc vào tâm khảm, nên mới có cái Hội nghị Thành Đô 1990, để đảng cầm quyền tìm một chỗ nương náu yên thân. Thời nội chiến từ 1954 đến 1975 cũng vậy, cả 2 miền Nam Bắc, các lãnh đạo Việt cũng kẻ Bắc tìm sự nô dịch với Liên Xô và Trung Hoa, người Nam bám vào sự viện trợ của Hoa Kỳ để tranh bá. Cuối cùng nhân dân là người thua cuộc. Để hôm nay, chúng ta lại phải hầu hạ và tôn thờ Trung Hoa một cách mù quáng.

Cho nên, cái cần kiếp ngay từ bây giờ là, phải đào tạo một thế hệ có tư duy thoát ra khỏi cái văn hóa bần nông, làng xã và duy tình này. Cần duy lý, tự lực cảnh sinh để tự cường đứng dậy đi thẳng lưng như người ở đồng bằng, chứ không đi lom khom như ngàn năm nay của người sơn cước.

Rất dễ để kiếm tìm những bài viết của các học giả, hay trí thức đến sinh viên nhìn sự việc cảm tính hơn là duy lý. Và dân gian nước mình cũng có những câu ca dao lột tả rất rõ về điều này - Thương nhau cũ ấu cũng tròn/Ghét nhau trái bồ hòn cũng méo.

Vấn đề quán tính tư duy

Hơn một năm trước, tôi viết bài quán tính tư duy là cái làm cho đám đông vô thức bị tầng lớp tinh hoa xỏ mũi kéo lê dân tộc đi từ khổ nạn này đến tai ách khác. 

Nhưng nếu nhìn lại, thì cái quán tính tư duy cũng làm cho tầng lớp tinh hoa của đất nước Việt Nam bao đời nay vẫn còn trong ao tù nước đọng.

Ngàn năm trước dưới ách đô hộ của Trung Hoa, lãnh đạo bao triều vua vẫn chịu thần phục, triều cống phương Bắc dù dân khí có hùng cường đánh đuổi được giặc phương Bắc ra khỏi bờ cõi.

Điểm lại lịch sử công tâm, chỉ có triều Nhà Nguyễn gần đây mới có chuyện độc lập tự chủ, mở mang bờ cõi đến Cà Mau, Trường Sa, Hoàng Sa và biển Đông thuộc về ta mà bao triều đại trước đó, và cả ngay bây giờ cũng không thể sánh bằng. Đó cũng nhờ một phần Nhà Thanh bên Trung Hoa suy tàn, và Nhà Nguyễn nước ta có tư duy thoát Trung Hoa.

Sau Nhà Nguyễn suy tàn, nước ta rơi vào ách thực dân Pháp, những hòa ước Pháp Thanh cũng phải lấy bản gốc triều Nguyễn để ký kết về biên giới, biển đảo. Nhưng các tinh hoa làm cách mạng thoát Pháp vẫn cứ mang tư duy cậy nhờ ngoại bang, để đẩy dân tộc vào máu lửa chiến tranh, và nhân dân vẫn là người thua cuộc.

Bây giờ cũng thế, sau hội nghị Thành Đô 1990 tạm giúp ổn định không chiến tranh được 23 năm nay. Nhưng gần đây nguy cơ này lại đến. Đầu tháng 6/2013 này lại có cái ký kết vịnh Bắc Bộ với Trung Hoa, nhưng chữ ký chưa ráo mực thì tàu hải giám Trung Hoa đã tấn công ngư dân ta ngay trên vịnh Bắc Bộ. Câu chuyện chủ tịch nước phải đi thăm Hoa Kỳ vội vả vào 25/7/2013 này nói lên tất cả những thất bại về quan hệ kiểu nương nhờ ngoại bang trong cái tư duy của lãnh đạo của ta hiện nay. Trong khi đó, dân khí mới là rường cột của quốc gia, thì chính quyền lại thẳng tay đàn áp. Một tư duy có bản chất nô lệ, có quán tính từ ngàn xưa vẫn còn mãi đến hôm nay.

Nếu còn tư duy nô lệ như thế thì ngàn năm sau không hy vọng gì đất nước ta có thể tự lực, tự cường, đứng thẳng người như Nhật, Hàn hay một số quốc gia trong khu vực kể cả Miến Điện và Cambodia.

Chính trị là một nghệ thuật của sự có thể - Otto Von Bismarck - vấn đề là cần nâng nghệ thuật này bằng tư duy tới hạn từ những vấn đề mà tôi đã lược ra ở trên.

Ngay cả nước Pháp có cuộc phá ngục Bastille vào ngày hôm qua cách đây 224 năm, mà mọi người cứ tưởng là cuộc cách mạng dân chủ tư sản dẫn dắt nhân loại từ bỏ phong kiến đến nền cộng hòa, thì cũng phải diễn ra chậm hơn cuộc cách mạng Trà Boston của Hoa Kỳ đến 16 năm. Nhưng Nã Phá Luân đã đưa nước Pháp trở về thời đại phong kiến một lần nữa, sau thế chiến thứ hai nước Pháp mới có nền cộng hòa thực sự. Trong khi đó, Hoa Kỳ đi một mạch trước cả châu Âu và Pháp để đến cường quốc số một toàn cầu là chuyện đáng để kính trọng hơn tất cả.

Nói lên điều này để thấy việc thoát ra khỏi cái quán tính tư duy không dễ ngay ở các quốc gia tiên tiến phương Tây. Nó càng khó hơn với Việt Nam, nếu hệ thống tuyên truyền của đảng cầm quyền mãi còn tư duy nô dịch.

Muốn cỡi trói văn hóa nô dịch và tư duy bần nông làng xã hành động thế nào thì lại liên quan đến nghệ thuật của sự có thể. Hẹn ở phần ba cho đề tài Thoát Trung Luận này. Chúc dân tộc này một tương lai tốt đẹp.

Asia Clinic, 8h59' ngày thứ Hai, 15/7/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét