Bài đọc liên quan: 7 bài Ngành Y Việt Nam cần thay đổi gì?
Vấn đề đào tạo, thi hay tuyển trong giáo dục là vấn đề nhức đầu không chỉ ở Việt Nam, mà ở cả các quốc gia tiên tiến, ngay cả ở Hoa Kỳ. Cứ mỗi lần ứng viên đảng dân chủ lên nắm quyền, là y như rằng cải tổ giáo dục Hoa Kỳ là vấn đề được tiến hành và quan tâm.
Những khó khăn trong đào tạo và giáo dục ở các cấp học, mà đặc biệt là ở bậc đại học không chỉ đơn thuần là đào tạo, mà còn ở chỗ chất lượng đầu ra, và giải quyết việc làm sau khi xong đại học. Nó liên quan đến tỷ lệ thất nghiệp, tình hình kinh tế trong mỗi quốc gia và toàn cầu. Tình hình chính trị mỗi quốc gia như tốc độ gia tăng dân số và tuổi về hưu cao thấp, chế độ an sinh xã hội, v.v...., chính trị toàn cầu cũng ảnh hưởng không nhỏ. Và biết bao nhiêu yếu tố làm cho việc thi, hay tuyển, chất lượng đào tạo ở bậc đại học, chế độ sử dụng con người ảnh hưởng rất lớn, chứ không đơn thuần chỉ là đạo tạo và giáo dục.
Nên nếu chỉ nhìn đơn thuần ở góc độ giáo dục và đào tạo thì sẽ đi vào ngõ cụt trong vấn đề rất lớn, mà nó làm nên phần hồn của sinh khí một quốc gia - giáo dục và đào tạo. Ngành làm ra sản phẩm vô hình, phi lợi nhuận, nhưng lại có tác động rất lớn đến sự hùng cường của một quốc gia. Trong đó, chỉ riêng ngành y là một bài toán còn nan giải hơn nhiều, mà tôi đã có 7 bài viết cách đây 4 năm, nhưng chưa thấy có cơ chế để thực hiện. Đó là một vấn đề hầu như không giải quyết được dưới cơ chế chính trị hiện tình của đất nước. Nên mọi chỉ trích các đời bộ trưởng y tế Việt Nam là đều chủ quan và cảm tính.
Bài toán thi tuyển và đào tạo trong ngành y:
Đến hôm nay thì hầu hết các trường đại học trong cả nước đã có kết quả điểm thi tuyển sinh bậc đại học năm 2013-2014. Đồng thời cũng có thể đoán trước kết quả điểm sàn để trúng tuyển vào các trường đại học. Riêng ngành y năm nay điểm sàn trúng tuyển vào đại học sẽ rất cao. Ở trường Y Sài Gòn dự kiến điểm sàn là 26,5 điểm. Nhưng ở Y khoa Hà Nội lại dự kiến đạt kỷ lục là 28 điểm. Có nghĩa là thí sinh thi mỗi môn lấy điểm trung bình 9/10 điểm, cũng bị rớt ở kỳ thi tuyển sinh đại học Y khoa Hà Nội năm nay. Và trường Y Hà Nội đang lên kế hoạch cứu vớt thí sinh 27 điểm phải đậu!
Nhìn lại thời bao cấp, trường Y khoa Sài Gòn mỗi năm thi tuyển sinh 300, trong đó ưu tiên 150 cho chế độ lý lịch. 150 thí sinh còn lại bằng thực lực để vào. Số sinh viên thực tập từ học kỳ 2 của năm thứ 2 đến năm thứ 6 của toàn trường chỉ khoảng 1.500 chia đều cho hơn 10 bệnh viện lớn, mà mỗi bệnh viện có hơn 10 chuyên khoa thì ở mỗi khoa chỉ không hơn 10 sinh viên thực tập.
Hiện nay, do chế độ mở rộng tuyển sinh sau khi trúng tuyển với cái gọi là kế hoạch B. Rồi các trường Y mọc thêm làm quá tải sinh viên thực tập. Điều kiện đó khiến mỗi sinh viên trở thành người hành hạ bệnh nhân trong hỏi, thăm khám và làm bệnh án hơn là giúp đỡ bệnh nhân trong điều kiện ngày càng quá tải ở các bệnh viện. Người thường sau giờ làm việc cần phải nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động. Người bệnh cần tĩnh dưỡng tốt hơn người thường, thì quá tải bệnh viện làm cho bệnh nhân không được tĩnh dưỡng, mà còn bị sinh viên hành hạ, thăm khám, thì không còn là bệnh nhân, mà là vật thí nghiệm cho y học lâm sàng. Đây là hậu quả của sự thiếu trách nhiệm đầu tư trong ngành y của chính quyền. Từ đó, kéo theo chất lượng đào tạo cũng giảm dần. Đầu ra chất lượng cũng kém theo.
Ngành y là một ngành khoa học bao gồm 3 lĩnh vực: nghiên cứu, ứng dụng và thực hành trên con người. Một ngành liên kết cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Từ toán, lý, hóa, sinh, sinh hóa, sinh lý đến tâm lý học, không kể hết. Sáu năm học y khoa, trong giấc ngủ người sinh viên chỉ mơ thấy những kỳ thi không ngơi nghỉ bất kỳ đêm nào. Chưa kể nửa năm huấn nhục công việc của y tá và hộ lý. Một sản phẩm xuất xưởng ra của đại học ngành y là một sản phẩm toàn diện không chỉ y khoa, mà còn cả xã hội học. Với tình hình trên khó lòng có được những bác sỹ giỏi toàn diện.
Vấn đề sử dụng con người trong ngành y:
Qua đó, chúng ta thấy đây là một bài toán cực kỳ khó khăn cho việc thi tuyển sinh đại học y khoa trong toàn quốc. Nhưng vấn đề khó hơn nữa là hầu hết sinh viên y khoa ra trường phải bỏ nghề đi làm trình dược viên, cái nghề mà ở các quốc gia khác, không cần hiểu biết y, nha, dược, chỉ cần một cô, cậu bán hoa quả ở chợ học thêm một vài lớp đào tạo về sản phẩm là đi làm tốt, vì họ chỉ làm tiếp thị và bán hàng. Vì vấn đề giải đáp về y, nha, dược đã có các chuyên gia giải quyết. Đó là một nghịch lý lớn không chỉ lãng phí thời gian, công sức, mà còn cả nhân tài của đất nước.
Nhìn lại thời bao cấp, chỉ tiêu đào tạo hằng năm được căn cứ theo đòi hỏi của xã hội. Sinh viên y khoa ra trường buộc phải nhận nhiệm sở 2 năm ở nơi nào mà nhà trường phân công, thì mới được lãnh bằng. Nếu không, không được có bằng. Hiện nay hễ cứ ra trường thì đã có bằng mà không cần phải đi làm việc. Hậu quả của đào tạo đại trà, vượt chỉ tiêu, nên không có chỗ để phân công nhiệm sở.
Ngoài ra, một yếu tố không kém phần quan trọng là sinh viên y khoa ra trường không muốn về vùng thiếu thốn điều kiện làm việc, hậu quả của kế hoạch đầu tư trong y tế không đồng bộ.
Hai hậu quả trên kéo theo một hậu quả tệ hại là duy trì chế độ chuyên tu y khoa theo kiểu 3 năm cao đẳng y tế + 3 học liên thông là thành bác sỹ, để phục vụ cho cái gọi là, lấp đầy bác sỹ ở vùng sâu, vùng xa. Đây là bài toán để giải quyết nhân sự ngành y mà có BS Phạm Ngọc Thạch đưa ra cho thời kỳ chiến tranh, nhưng nay vẫn dùng. Một sai lầm của lịch sử chưa từ bỏ. Cuối cùng, hệ đào tạo này gây ra nhiều hệ lụy không nhỏ trong việc quản lý, và về cả thực hành chuyên môn y khoa trên toàn đất nước trong gần 50 năm qua.
Đó là chưa kể chế độ đãi ngộ, lương bổng, ... lắm việc tạo ra bất cập ngành y tế Việt Nam. Trong khi đó, tiền thuế của dân thì lại đem vứt vào những nơi rất vô bổ mà không ai kiểm soát được. Ví dụ như, tiền lương cho dư luận viên, tiền cho những ban bệ họp hành hằng tháng, hằng năm để rồi ra những thông tư, nghị định, nghị quyết hoàn toàn không hợp với đòi hỏi thực tế xã hội Việt Nam.
Đó là chưa kể chế độ đãi ngộ, lương bổng, ... lắm việc tạo ra bất cập ngành y tế Việt Nam. Trong khi đó, tiền thuế của dân thì lại đem vứt vào những nơi rất vô bổ mà không ai kiểm soát được. Ví dụ như, tiền lương cho dư luận viên, tiền cho những ban bệ họp hành hằng tháng, hằng năm để rồi ra những thông tư, nghị định, nghị quyết hoàn toàn không hợp với đòi hỏi thực tế xã hội Việt Nam.
Phương án giải quyết toàn diện cho ngành y:
Đây chỉ là một bài viết ngắn để nhắc lại vấn đề khó khăn trong ngành y mà tôi đã viết 7 bài: Ngành y Việt Nam cần thay đổi gì? cách dây 4 năm trước. Muốn giải quyết thì cần giải quyết toàn diện từ quan niệm đến đào tạo, chế độ sử dụng người, tiền lương... chứ không chỉ đơn thuần giật gấu vá vai như lâu nay, thì bộ trưởng y tế có là thần thánh cũng không thể làm được gì.
Asia Clinic, 11h26' ngày thứ Bảy, 03/8/2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét