Bài đọc liên quan:
Cách đây 2 năm, khi Mùa Xuân Ả Rập làm cuộc domino sụp đổ chính trị ở cả Trung Đông và Bắc Phi, tôi đã có bài dự đoán - Syria - Nơi khởi nguồn lại tranh bá đồ vương. Nay tình hình ở Syria đã dần lộ rõ những gì tôi đã tiên đoán sau 2 thập niên chiến tranh lạnh chấm dứt. Chúng ta hãy làm một tổng kết để có cái nhìn về tương lai chính trị và kinh tế toàn cầu.
Sau gần 4 thập niên từ giã Thái Bình Dương bằng cú đi đêm với Thông Cáo Thượng Hải với Trung Hoa, Hoa Kỳ chuyển trục sang Trung Đông để nắm giữ nguồn năng lượng toàn cầu, và giúp đồng minh châu Âu cũng như Do Thái trụ vững với Liên Xô. Kết quả là kết thúc chiến tranh lạnh bằng Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Hoa Kỳ múa gậy vườn hoang suốt 2 thập niên.
Nhưng một lực lượng mới xuất hiện dưới sự bảo trợ trực tiếp của Ba Tư, và gián tiếp của Trung Hoa và Nga. Các tổ chức Hồi giáo cực đoan làm những cuộc khủng bố khắp nơi, trong đó, trọng tâm là Hoa Kỳ - sự kiện 11/9 với toà nhà World Trade Center bị al Qadea đánh sập. Nó đã đẩy cuộc chiến đi sang ngả rẽ khác - hao tốn tiền của để chống khủng bố - và làm kinh tế Hoa Kỳ suy sụp, thế giới mất lòng tin với sức mạnh mềm của Hoa Kỳ.
Một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu từ Hoa Kỳ vào năm 2008 đến nay đã 5 năm. Tất cả những điều đó đã làm cho giá dầu và khí thế giới tăng cao gấp 3 lần. Nước Nga của Putin đã gặp thời để hưởng lợi, khi họ là nguồn cung cấp chính cho châu Âu về dầu và khí. Sau Mùa Xuân Ả Rập, Nga lại là nguồn cung cấp chính năng lượng cho Trung Hoa. Ngoài công nghiệp vũ khí xuất khẩu để sống, thì xuất khẩu năng lượng chiếm đến 17% GDP của Nga.
Trong khi đó, 30 năm nằm yên chờ thời của Trung Hoa đã giúp nước này vượt qua mặt Nhật, chiếm vị trí siêu cường kinh tế thứ hai thế giới. Một mối đe dọa đối với vai trò điều hành toàn cầu của Hoa Kỳ.
Nước Mỹ cần lấy lại lòng tin của thế giới. Một quyết định thay đổi có tính lịch sử của nước Mỹ, khi đảng dân chủ phải chọn một người da màu để ngồi vào nhà Trắng. Một giấc mơ mà 50 năm trước mục sư Luther King đã đọc diễn văn tại trước quảng trường thủ đô Washington lịch sử.
Obama vào nhà Trắng làm cho thế giới nhìn nước Mỹ quay ngoắt 180 độ. Thế giới Hồi giáo trở nên yêu mến nước Mỹ, vì ở ngay nơi chống Hồi giáo cực đoan lại có một người đứng đầu đã từng là con chiên của mình. Dân da màu trên khắp thế giới trở nên yêu mến nước Mỹ, và quên đi nước Mỹ là trung tâm gieo rắc chiến tranh đến toàn cầu, vì chỉ có ở đó mới có mọi cơ hội cho bất kỳ ai, bất kỳ màu da hay chủng tộc nào có một ước mơ chính đáng. Và Mùa Xuân Ả Rập tự nó xuất hiện mà không cần ai phải tạo ra. Sức mạnh mềm của Hoa Kỳ trở lại thời kỳ Hoàng Kim như chưa bao giờ mạnh hơn.
Với phát minh kỹ nghệ mới - làm ra năng lượng từ đá phiến sét - một thời kỳ an toàn năng lượng cho riêng Hoa Kỳ, và còn có thể sẽ chiếm vị trí hàng đầu về xuất khẩu dầu khí trong tương lai gần vào 2020. Tăng trưởng kinh tế đang phục hồi. Hoa Kỳ bỏ Trung Đông để xoay trục trở lại Thái Bình Dương sau 40 năm xa cách. Hai chiến lược bao vây Trung Hoa - gồm TPP và TAP - đang bắt đầu chuyển động.
Nhưng mọi việc không đơn giản như mong muốn của Hoa Kỳ. Nơi không có gì để Hoa Kỳ quan tâm - Syria - lại là nơi níu chân Hoa Kỳ ở lại Trung Đông, bằng vào cuộc thảm sát bằng khí độc sarin mà Putin đã dùng để giải thoát con tin năm 2002 ở Mạc Tư Khoa. Và Syria lại là nơi làm phân tán sức mạnh của Hoa Kỳ khi chuyển trục. Với 11 hàng không mẫu hạm, cho tới giờ, Trung Đông vẫn đòi hỏi Hoa Kỳ phải cắm lại ở đây đến 6 chiếc, khi chiến sự lớn chưa diễn ra.
Hai hôm nay bắt đầu cuộc gặp G20 - chủ yếu là bàn định kinh tế thế giới của 20 nền kinh tế mạnh nhất toàn cầu - nhưng vấn đề Syria lại là vấn đề chính trên bàn hội nghị thượng đỉnh của các quốc gia. Những phân tích gia gồm nhà báo và giáo sư chuyên về phân tích ngôn ngữ cơ thể - Body Language Analysis - của Hoa Kỳ đưa ra 5 phân tích trong động thái gặp nhau giữa ông Putin và ông Obama ngay trước khi vào phòng đàm phán:
1. Obama không cài cúc áo veston trước mà chờ ra khỏi xe mới cài và chỉ cài 1 cúc cho thấy ông ta muốn thể hiện quyền lực cho Putin thấy là tao tới đây để trói mày.
2. Có đến 18 cái bắt tay giữa 2 người. Obama để tay mình ở dưới là cho thấy ông ta ở thế chủ động nâng lên và hạ xuống trong lúc bắt tay.
3. Khuôn mặt Obam và Putin không thân thiện, chứng tỏ đây là cuộc đàm phán không cùng quan điểm về Syria.
4. Obama chồm người về phía trước để người của ông ta che cả người của Putin bằng cái bóng của Obama để cho thế giới thấy Putin chỉ là chiếc bóng của Obama.
5. Trước khi bước vào tòa nhà hội nghị, Obama đưa tay phải vỗ vai Putin cho thấy Obama thể hiện quyền lực của kẻ cả.
Nhưng, trước khi vào G20, ông Putin đã cho Adward Snowden được tỵ nạn chính trị tại nước Nga dưới sự hỗ trợ của Trung Hoa, để nhân viên tình báo Hoa Kỳ bị cho là phản quốc bay từ Hongkong sang Mạc Tư Khoa. Đó là một hành động cho thấy Trung Hoa và Nga đang liên kết lại để làm một cực chống Hoa Kỳ. Và nó chứng minh rằng thế giới lại phân cực, thế giới lại vào chiến tranh lạnh lần 2, mà Syria là nơi thử bom đạn sau 40 năm các cường quốc chưa có dịp thử lửa như ở Việt Nam.
Khác với những sai lầm của Hoa Kỳ ở chiến trường Việt Nam cách đây 40 năm về trước. Các cuộc chiến gần đây, việc đổ bộ quân lính vào chiến trường đã chỉ còn là việc dọn dẹp chiến trường. Cuộc chiến chính khi Hoa Kỳ tham gia là các cuộc không kích, địa kích và truy lùng thủ phạm diễn ra bằng hải quân và không quân bằng máy bay không người lái.
Người ta thống kê rằng ở Địa Trung Hải hiện có đến 6 tàu chiến và 1 hàng không mẫu hạm duy nhất của Nga. Có đến 1 hàng không mẫu hạm, 6 tàu chiến, và 2 tàu ngầm của Hoa Kỳ. Trong khi đó, có 1 hàng không mẫu hạm của Pháp đang hoạt động để chuẩn bị chiến tranh, chưa kể những tàu chiến đấu khác. Ngoài ra, ở vịnh Ba Tư có 2 hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ để ngăn chặn sự tiếp tay của Ba Tư.
Hình ảnh mô tả tập trung lực lượng của Hoa Kỳ, Nga, Pháp và có cả tàu ngầm của Anh Quốc tại Địa Trung Hải và Vịnh Ba Tư chuẩn bị cho chiến sự ở Syria.
Thông tin mới nhất cho biết, Ba Tư sẽ cung cấp sức người, sức của cho Syria. Nga cung cấp vũ khí tối tân cho Syria thông qua hải quân. Còn Trung Hoa thì cung cấp tiền bạc và dàn radar tầm soát tên lửa từ xa đến 500km cho Syria, và đang gửi tàu chiến đến Syria. Mọi động thái chỉ còn chờ giờ phát hỏa vào quyết định ngày 09/9/2013 này của quốc hội Hoa Kỳ, sau khi có 10 phiếu đồng thuận của các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ cho phép ông Obama khai hỏa, so với 7 phiếu chống, và 1 phiếu trắng trong cuộc họp vào ngày 04/9/2013 vừa qua. Phần còn lại là ở Hạ viện và người dân Hoa Kỳ quyết định chủ yếu về ngân sách để phát hỏa chiến tranh.
Ở đầu bên kia của Nga, ông Putin tuyên bố, các cường quốc không được đơn phương tuyên chiến ở Syria, vì nó trái với luật pháp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, khi chưa có chứng cứ về việc chính quyền al Assad là kẻ thảm sát dân thường bằng khí độc. Ngoài ra, ông Putin còn công khai tuyên bố rằng, ông ủng hộ ai thì người đó là người tốt - Bashar al Assad.
Song, nếu chiến sự Syria diễn ra thì, kẻ có lợi nhất là Nga nhờ vào giá dầu tăng cao, và bán vũ khí cho Syria. Hoa Kỳ và Trung Hoa sẽ thiệt thòi. Nhưng kẻ thiệt thòi nhất là Trung Hoa do giá năng lượng tăng cao trong lúc Trung Hoa đang khủng hoảng kinh tế trầm trọng do nền chính trị đơn nguyên tập quyền gây ra. Với Hoa Kỳ, vấn đề chính vẫn là vấn đề chứng tỏ vị trí đại ca toàn cầu, mà phải nai lưng ra gánh vác.
Trong khi đó, đồng minh thân tín nhất của Hoa Kỳ ở châu Âu, mà lâu nay luôn ủng hộ Hoa Kỳ trong các cuộc chiến là Anh Quốc lại bị quốc hội từ chối tham chiến. Đức sau chiến tranh thế giới 2 không còn là một cường quốc quân sự, mà họ núp bóng Hoa Kỳ để hưởng hòa bình làm kinh tế, đang loay hoay lo khủng hoảng kinh tế khối EU. Chỉ còn một nước Pháp ủng hộ đánh Syria.
Trong cơn bỉ cực kinh tế toàn cầu diễn ra 5 năm qua, hiện nay khủng hoảng kinh tế đang lan khắp thế giới, không chừa bất kỳ quốc gia nào. Tình hình kinh tế chính trị toàn cầu hiện nay không khác tình hình khủng khoảng kinh tế 1907 và 1929 đã gây ra 2 cuộc chiến tranh thế giới 1 và 2.
Liệu cuộc chiến ở Syria có diễn ra không? Theo tôi sẽ có 3 kịch bản cho Syria:
1. Kịch bản đầu tiên nhẹ nhàng nhất là sẽ không có chiến sự xảy ra. Lúc đó ông Putin phải thỏa hiệp với ông Obama trên bàn đàm phán là, Bashar al Assad phải ra đi và chịu trách nhiệm trước tòa án tội phạm quốc tế. Một nhà nước Syria mới hình thành có liên minh giữa chính phủ cũ và quân nổi dậy. Song một lo ngại cho chính quyền mới không kiểm soát được tình hình hậu triều đại al Assad là có thể xảy ra. Kịch bản này vẫn có thể diễn ra và G20 đang họp sẽ là nơi quyết định.
2. Kịch bản thứ hai là, chiến sự xảy ra trong giới hạn tại Syria nhanh và thần tốc trong vòng một vài tháng trở lại để các cường quốc thử bom đạn như ở Việt Nam, và chiến tranh lạnh vẫn còn tiếp diễn kéo dài sau đó. Khả năng này rất có thể.
3. Kịch bản cuối cùng là, một cuộc chiến kéo dài nhiều năm như ở Việt Nam và lan rộng khắp nơi. Điều này ít xảy ra.
Như tôi đã viết nhiều bài trên blog này, sau chiến tranh Việt Nam, vị trí độc tôn của Hoa Kỳ được giữ vững. Chế độ cộng sản tự sụp đổ ngay trên mảnh đất sinh ra nó - Liên Xô. Không nghi ngờ gì về sự thay đổi vị trí siêu cường khi mà cuộc chiến Syria sẽ có hay không diễn ra.
Như tôi đã viết nhiều bài trên blog này, sau chiến tranh Việt Nam, vị trí độc tôn của Hoa Kỳ được giữ vững. Chế độ cộng sản tự sụp đổ ngay trên mảnh đất sinh ra nó - Liên Xô. Không nghi ngờ gì về sự thay đổi vị trí siêu cường khi mà cuộc chiến Syria sẽ có hay không diễn ra.
Ba kịch bản trên có xác suất diễn ra bằng nhau trong sự ràng buộc của tình hình hiện nay về kinh tế toàn cầu và những quyết định kiềm chế hoặc bốc đồng của các chính khách. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, dù kịch bản nào diễn ra thì, nó đều ảnh hưởng đến vị trí siêu cường của Hoa Kỳ và sự sụp đổ và suy yếu của Trung Hoa trong tương lai gần. Lúc ấy, các chư hầu của Trung Hoa sẽ sống ra sao?
Asia Clinic, 11h15' ngày thứ Sáu, 06/9/2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét