Bài đọc liên quan:
Thế cờ đã rõ
Thế cờ đã rõ
Thế giới của 67 năm qua như một ván bài, như một bài viết của tôi hồi tháng 7/2011. Chủ sòng bài là Hoa Kỳ, phần còn lại của thế giới là những con bạc khát nước, đảo điên, từ tháng Mười một năm 1944. Con bạc khôn thì biết hùn vốn, kết thân với chủ sòng để lo bề yên dân, vận nước mạnh. Con bạc ranh ma thì chỉ nhìn ngắn hạn để rồi đẩy đất nước và dân tộc vào cảnh bần cùng, điêu linh.
Đứng trên quan điểm Thiên, Địa và Nhân thì, Hoa Kỳ được lợi cả 3 điều trong một chiến lược trường kỳ lãnh đạo thế giới.
Thiên thời của Hoa Kỳ là được một thế hệ những Quốc Phụ làm nên một quốc gia non trẻ với tư tưởng của những người đi mở cõi, với tinh thần tam dân: do dân, của dân và vì dân trong tinh thần độc lập, tự do và hạnh phúc. Tư tưởng ấy của Hoa Kỳ đã được ông Tôn Dật Tiên bên Trung Hoa lấy làm chủ thuyết cho mình để xoá chế độ phong kiến và dựng nên nền Cộng Hòa cho Trung Hoa Dân Quốc.
Về địa lợi, Hoa Kỳ có một thuận lợi vô cùng vững bền là, nằm ở một lục địa giáp 2 đại dương lớn - Thái Bình Dương và Đại Tây Dương - như 2 mặt tiền nhìn ra 2 siêu xa lộ nắm hầu hết 100% lưu thông toàn cầu. Đã thế, Hoa Kỳ còn tách rời những cựu lục địa Á, Phi, Âu - nơi mà những tư tưởng thủ cựu còn mãi trường tồn - có thể làm cho tư tưởng độc lập, tư do và hành phúc khó thực thi.
Về nhân hòa là yếu tố quan trọng bậc nhất của Hoa Kỳ khi, các Quốc Phụ của nước Mỹ đã làm ra một nơi mà các chủng tộc, các tư tưởng, các người con muốn tìm bến bờ để biết uốn mình cuốn theo chiều gió, để thực hiện chí hướng của mình. Điều này làm ra Hoa Kỳ không phải là thiên đường mà, là một chiến trường thực sự cho mọi ý tưởng, hành động tiến về phía trước bằng sức lực của mỗi thành viên. Hay nói cách khác, Hoa Kỳ là cái sọt rác của tinh hoa toàn cầu.
Ông chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết với chiếc áo dài màu vàng - Hoàng Bào - đã làm phật lòng ông Hồ Cẩm Đào trong APEC 2006.
Quay lại vấn đề ván bài của toàn cầu, mà các lá bài đã được bắt đầu chia từ ý tưởng của 4 nước: Singapore, New Zealand, Chile và Brunei từ tháng Sáu năm 2005 bằng một mục đích là hội nhập các nền kinh tế khu vực Thái Bình Dương. Đến tháng Năm 2006 bắt đầu hiệp định được thực thi. Tháng 11/2006, hội nghị APEC lần thứ 14 tổ chức tại Hà Nội, ý tưởng này được phát huy. APEC 2010 tại Nhật Bản, ý tưởng này được ông Obama triển khai thêm 6 quốc gia, bắt đầu cho một chiến lược mới ở châu Á Thái bình dương: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Peru, Mã Lai Á và Việt Nam. APEC 2006, tấm Hoàng Bào của vị chủ tịch Việt Nam đã làm anh cả đỏ phật lòng. Nhưng, chiến lược ngoại giao theo sách lược Tôn Tử của Việt Nam - dĩ bất biến ứng vạn biến, không đánh mà thắng - đã hình thành và ngày một phát huy tác dụng tốt.
Ba hôm nay tại APEC 2011 ở Honolulu, Hawaii Hoa Kỳ vấn đề chính và quan trọng nhất là thực thi Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement - viết tắt TPP ). Một kiểu NATO mới ở châu Á ra đời. Câu chuyện một lần nữa lại làm phật lòng anh cả đỏ, vì không được "mời". Nhưng 10 thành viên của TPP đã tuyên bố rõ ràng rằng, TPP không đóng cửa bất kỳ nước nào và cũng không mời bất kỳ nước nào, nếu không vì tự nguyện xin gia nhập. Và bất kỳ nước nào muốn gia nhập thì, phải tuân theo những qui định chung của TPP. Song anh cả đỏ Trung Hoa lại cho rằng, họ sẽ không tuân thủ qui định khi những qui định ấy họ không được tham gia soạn thảo ngay từ đầu. Điều này cho ta thấy, sân chơi TPP không là nơi dành cho anh cả đỏ.
Câu chuyện TPP không chỉ liên quan đến kinh tế thương mại, mà đằng sau nó còn là chuyện hoà bình, ổn định để phát triển ở khu vực Đông Nam Á nói riêng và các nước có mặt tiền nhìn ra Thái Bình Dương. Nơi mà cái mặt tiền của ngôi nhà Hoa Kỳ đã cai quản hơn 60 năm qua với hơn 80% lưu thông phân phối trên toàn thế giới. Như vậy, các quân bài đã được xào và chia lại sau 33 năm được Hoa Kỳ chia cho Trung Hoa, kể từ ngày họ Đặng chịu đổi mới tư duy vì sự kiện Thiên An Môn đẩm máu có thể làm Trung Hoa tao loạn.
Cũng bằng thời gian từ ngày Hoa Kỳ lên làm thống soái toàn cầu, một liên minh NATO - Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - được sự chở che an ninh của Hoa Kỳ để bình yên phát triển vượt bậc. Họ đã thành lập khu vực đồng tiền chung châu Âu - Eurozone - để hòng tranh bá. Một công đôi việc, sử dụng sức mạnh mềm của đồng Mỹ kim dự trữ cho toàn cầu, Hoa Kỳ đang làm đảo điên một châu Âu bảo thủ và muốn trở lại mộng bá chủ. Và đây cũng là hình ảnh của Trung Hoa trong vòng 1 thập niên tới.
Và bây giờ là kỷ nguyên của châu Á Thái Bình Dương của chủ sòng bài thế giới, như vậy thì ta phải làm sao?
Nguy cơ là từ rất hay của tiếng Việt trong sáng - trong nguy nan luôn có cơ hội - Nhưng TPP lại là cơ hội chứ không có nguy nan cho đất nước và dân tộc. Nếu có nguy nan thì chỉ có cho những tư tưởng cực đoan bảo thủ cố giữ quyền lợi riêng tư.
Hơn bao giờ hết, lúc này mới thấy được qui luật của muôn đời là, thắng bản thân mình quan trọng hơn là thắng người. Đừng nên lo sợ kẻ khác hại mình mà, hãy sợ chính ta hại tạ vì thiếu hiểu biết và không có năng lực. Vấn đề quan trọng nhất của Việt Nam bây giờ không phải là các thế lực thù địch từ bên ngoài như truyền thông của đảng vẫn ra rả mỗi ngày mà, là thế lực thù địch có từ bên trong lòng của một hình thái xã hội lạc hậu với thời cuộc, do đảng "quang vinh" tạo ra (tham nhũng, ôm đồm quyền lực, tha hoá về đạo đức, văn hoá, giáo dục, suy sụp về kinh tế, v.v...). Điều này đã được minh chứng qua sự sụp đổ Liên Xô Đông Âu và các cuộc cách mạng hoa nhài trong thời gian gần đây.
Thế thì, với 5 năm kể từ ngày APEC 2006 tại Hà Nội, chiến lược phát triển toàn diện của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đảng "quang vinh", đã chuẩn bị những gì cho những quân bài được chia thông qua TTP?
Chỉ có một điều người viết xin đưa ra, là hãy nhìn sang Nhật Bản mà, đặc biệt là Hàn Quốc để học những gì họ đã làm, khi sống với một anh cả đỏ lắm mưu gian kế hiểm, lại có thêm Chí phèo Bắc Hàn làm cái đệm. Đừng biến các nhóm lợi ích thành quyền lợi nhóm bằng các chiêu bài, hình ảnh mơ hồ trong chính trị, ắt sẽ đưa quốc gia dân tộc vào một thảm cảnh trông thấy.
Rõ ràng vấn đề chỉ còn lại là ta - mà là của đảng và lãnh đạo của đảng - mà không phải là nhân dân. Liệu cơ hội có đến rồi đi như trong quá khứ?
Asia Clinic, 11h03' ngày thứ Ba, 15/10/2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét