nha ban quan tan binh | mua nha quan tan binh

Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

ĐẦU NĂM NHÌN TỚI NHÌN LUI

Bài đọc liên quan:

Sàn chứng khoán NYSE kết thúc năm 2014 với giá vàng giảm $17.10 mỗi ounce. Chốt giá ở mức $1182.90/ounce. So với 1 năm trước vàng chỉ giảm đúng $22.60 mỗi ounce. 

Trong khi đó, giá dầu thô chốt giá ở mức $53.71/thùng giảm hơn $40/thùng so với ngày cuối năm 2013. Giá dầu thô giảm là do kết quả của sự ra đời kỹ thuật khai thác dầu từ đá phiến của Hoa Kỳ. Sự cạnh tranh thị trường dầu hỏa giữa khối Ả Rập và Hoa Kỳ đã làm giá dầu sụt giảm nhanh. Trong bối cảnh đó, sự kiện Nga chiếm Crimea của Ukraina chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, và kinh tế Nga sụt giảm do giá dầu xuống cũng chỉ là một sự ngẫu nhiên hợp lý.

Vì kinh tế Mỹ phục hồi với tăng trưởng ngoài dự kiến ở mức 5%, nên chỉ tệ đồng đô la mạnh ở mức 90.28, tăng hơn 3 điểm so với cùng ngày năm ngoái. Chính vì thế và vì việc Mỹ và châu Âu trừng phạt Nga mà, đồng Rub Nga tiếp tục mất giá với 60.54 Rub mới ăn được 1 đô la Mỹ, so với ngày 31/12/2013 thì Rub Nga mất giá hơn 27 điểm so với đồng đô la Mỹ - 32.8 rub ăn 1 đô la ở ngày 31/12/2013. So với hôm qua, đồng Rub Nga tiếp tục mất thêm gần 5 giá. Nó tiên lượng rất xấu cho kinh tế Nga năm 2015. Vì dầu sẽ tiếp tục giảm cho đến khi giá khai thác 1 thùng dầu thô từ đá phiến không có lãi - khoảng $37/thùng. Lúc đó, các mỏ khai thác đá phiến sẽ ngưng hoạt động, và giá dầu sẽ tăng trở lại. Nhưng liệu kinh tế nước Nga có chịu được đến lúc đó?

Nó cũng tiên lượng năm 2015 rất căng thẳng giữa 2 phe hắc bạch khi kinh tế Nga, châu Âu suy thoái. Mọi việc không thể lường được là chiến tranh khu vực có thể xảy ra hay không?

Tình hình các cường quốc phân tranh ở biển và các vùng lãnh thổ lâng bang đã dẫn đến nhiều căng thẳng ở các khu vực: Đông Âu, Trung Đông, Bắc Phi và Đông Á. Chỉ duy nhất ở châu Mỹ và Úc Châu là ổn định, vì những lục địa này tách rời ra khỏi cựu lục địa nhờ những đại dương. 

Cũng vì lý do các cường quốc phân tranh mà, có giả thiết đưa ra rằng vì các cường quốc phân tranh mà mới có các vụ rơi máy bay liên tục gần đây của các hãng hàng không Malaysia và Indonesia. Dù là lý do gì, thì chắc chắn rằng hành khách đi máy bay lo sợ về phương tiện an toàn nhất trong giao thông này. Và các quốc gia Malaysia và Indonesia sẽ khó khăn để vực nền du lịch của mình.

Thật nhỏ bé khi chúng ta ngồi trên máy bay nhìn xuống trái đất. Và những gì chúng ta vẫn tự hào là những công trình đồ sộ mà con người làm ra trên hành tinh xanh cũng chả là gì với tạo hóa. Chúng ta như những con kiến tần tảo kiếm ăn, và tạo dựng so với tạo hóa. Từ thời Coperncius đến Galileo, đến Newton và đến ngày nay, con người chỉ làm một việc đi tìm quy luật của tạo hóa, thiên nhiên nhằm hoàn thiện cuộc sống của mình, nhưng nhiều thế hệ, hàng triệu nhà khoa học vẫn còn rất xa so với tầm tay với đối với thiên nhiên.

Năm nay Singapore kỷ niệm 50 năm lập quốc - 1965 - 2015. Nhờ vào địa chính trị và có một lãnh đạo có tầm nhìn mà Singapore từ 1 rẻo đất của Malaysia thuộc địa Anh, họ đã tách ra và biến mình trở thành 1 con rồng kinh tài Đông Á. Họ cạnh tranh với Hong Kong trong tài chính ngân hàng. Họ cạnh tranh với Úc về môi trường sống sạch và xanh. Họ đứng vị trí số 1 về môi trường đầu tư tốt nhất toàn cầu. Nhưng họ còn đang khó khăn trong an sinh xã hội cho người già. Dù sao thì con rồng Tân Gia Ba vẫn là bài học cho các nước trong khu vực và trên thế giới.

Bài học Tân Gia Ba là bài học của những nhà lãnh đạo quốc gia phải có tầm nhìn và không vì lợi ích cá nhân. Bài học Tân Gia Ba là bài học của một quốc gia mà thượng tầng kiến trúc là những con người vì dân vì nước, và luật pháp nghiêm minh, đi đôi với hạ tầng cơ sở là những con người tuân thủ luật pháp và quy hoạch cho thiên niên kỷ chứ không vì thế kỷ.

Cũng 50 năm đó, một bài học khác cho thế giới là Hàn Quốc. Hàn Quốc còn là một phép so sánh đối xứng về mặt toán học giữa Nam Hàn và Bắc Hàn, giống như Đông Đức và Tây Đức trước đây. Hàn Quốc đã bật dậy chỉ trong vòng chưa tới 3 thập niên. Sau khi thay đổi hiến pháp vào năm 1987 để biến Hàn Quốc độc tài dưới sự cai quản của quân đội thành một Hàn Quốc tự do dân chủ. Hàn Quốc và Tây Đức đã minh chứng cho thế giới thấy rằng, giữa tư bản và cộng sản chế độ nào tốt đẹp hơn? Họ cũng minh chứng cho thấy rằng giữa đa nguyên tản quyền và đơn nguyên tập quyền thì hình thái xã hội nào tốt đẹp hơn.

Sau nửa thế kỷ không nhìn mặt nhau, Hoa Kỳ và Cu Ba đã đi đến ban giao, và đang mong mỏi Hoa Kỳ xóa cấm vận. Người dân Cu Ba ăn mừng. Nó cũng cho thấy tư bản và cộng sản chế độ nào tốt đẹp hơn. Nhưng trên tất cả là con người. Nếu con người làm ra những điều tốt đẹp, thì cũng chính con người làm ra điều tệ hại nhất hành tinh.

Một nghiên cứu về xã hội học cho thấy, chỉ cần 2% của 1 nhóm người biết đoàn kết lại, thì nhóm ấy sẽ lãnh đạo cộng đồng còn lại. Đó là một bi kịch cũng là một điều tốt đẹp. Bi kịch khi 2% ấy lãnh đạo cộng đồng mà không có tầm nhìn cho cộng đồng mà chỉ vì tư lợi cá nhân. Tốt đẹp khi ngược lại. 

Riêng Việt Nam, mọi con số báo cáo đều tốt đẹp. Tăng trưởng 5.93%, nhưng nếu bỏ đi 12 tỷ đô la kiều hối thì liệu tăng trưởng kinh tế Việt có hay không? Nhất là trong 12 tỷ đô la đó có đến gần 80% là tiền từ thân nhân ở Hoa Kỳ gửi về cho gia đình sống vật vờ trong lúc kinh tế đang suy thoái tại Việt Nam. Suốt gần 10 năm qua, lần đầu tiên Việt Nam có suất siêu dương, và tỷ lệ lạm phát thấp nhất nhờ vào sức mua của dân chúng giảm của một nền kinh tế đang đi xuống mà chưa thấy đáy.

Chính trị Việt Nam cũng không khá hơn tình hình kinh tế. Nó như câu nói của một quan chức chính phủ, chúng ta đi, mà không biết đi đâu?

Thiên, địa, nhân cho 1 gia đình, lớn hơn cho một đất nước, lớn hơn nữa cho toàn cầu, thì con người vẫn là yếu tố quyết định tất cả. Những Hàn Quốc, Nhật Bản địa lý và thiên nhiên không thuận lợi, chỉ con người làm nên cường quốc. Những Nigeria, Việt Nam, Cu Ba, Venzuela, etc đầy thuận lợi về thiên nhiên và địa lý ưu đãi, nhưng nhược tiểu vẫn là nhược tiểu, cũng bỡi vì con người. Tất cả các quốc gia không hoặc ít sáng tạo để biết tận dụng tài nguyên vô tận là con người, mà chỉ dựa vào tài nguyên thiên nhiên địa lý mà tạo hóa ban cho đều có kết cục bi thảm.

Xin đừng trói buộc tư duy của con người ắt sẽ thành công

Con người của 2015 vẫn là con người của muôn năm cũ, nhưng chỉ mong rằng con người của 2015 có tư duy sáng sủa hơn - như câu nói của ông Obama trong bài phát biểu vào ngày 20/11/2014: "We are strangers once, too" một lần nữa chúng ta là những con người khác biệt. Nước Mỹ đã làm thế để vượt qua đại khủng hoảng 2008. Thế giới cũng có thể làm thế để thay đổi những lối mòn cũ, nhằm thay đổi diện mạo thế giới nhân bản hơn, chắc chắn rất khó, nếu không nói là không có giải pháp. Vì đấu tranh sinh tồn, tư hữu và quyền lực vốn là bản chất của mọi loài - con người không thoát ra được những bản chất đó để trở thành thánh nhân - thế giới vẫn không có lối ra.

Nhưng dù sao thì cũng cứ chúc mừng năm mới để có hy vọng mà sống!

Asia Clinic, 9h16' ngày thứ Năm, 01/01/2015

Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

BẢN CHẤT VÀ HIỆN TƯỢNG CỦA VIỆC BẮT CÁC BLOGGERS ÔN HÒA

Bài đọc liên quan:

Năm 2014 không có gì đặc biệt về kinh tế chính trị như những năm trước. Vì tình hình ngày càng bi đát hơn trong cái hướng đi bắt buộc phải có như đã tiên tượng trong nhiều bài viết của tôi trước đây: Nhìn đến 2013Nước Việt đến 2016 mà tôi đã viết rồi. Hôm nay đọc bài báo Ngăn chặn phát tán tài liệu chia rẽ nội bộ. Nên thay vì trong tổng kết năm 2014, tôi chỉ nhìn sự việc các bloggers ôn hòa bị bắt gần đây 

Sau gần một tháng theo dõi, nghiên cứu và liệt kê các sự kiện về việc bắt người mỗi lần đại hội đảng cầm quyền ở Việt Nam chuẩn bị nhân sự tôi thấy vấn đề giải mã 3 bloggers - Nguyễn Quang Lập, Hồng Thọ Lê và Nguyễn Đình Ngọc - mới vừa bị bắt theo cái nhìn khách quan theo sự kiện.

Cứ gần đến đại hội đảng là nhiều vụ bắt giam xảy ra. Nó là hậu quả của việc đấu đá hậu trường chuẩn bị nhân sự cho các phe cánh chính trị trong đảng cầm quyền tại Việt Nam. Sự biến tướng về mặt hiện tượng của 3 kỳ đại hội đảng gần đây về việc bắt bớ giam cầm có thay đổi. Nhưng về mặt bản chất vẫn là sự rò rỉ thông tin xấu cho đảng cầm quyền từ các phe cánh đấu nhau.

Nhớ đại hội X, 2 nhà báo Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến bị bắt, cùng với tướng Quắt bị kỷ luật cũng vì rò rỉ thông tin dự án Bờ Mu 18. Thời ấy blogger chỉ mới ra đời, Yahoo 360 không làm nhiệm vụ đưa tin, mà chỉ làm công việc của những blogger phả ảnh tâm tư nguyện vọng cá nhân, hoặc của những nhóm bất đồng chính kiến ôn hòa.

Lại nhớ, sau vụ án Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Lê Thăng Long và Nguyễn Tiến Trung, Yahoo không còn được tin tưởng về bảo mật. Thế giới blogger bỏ chạy sang nhiều nơi khác nhau. Đến giờ này, nơi đáng tin cậy chỉ còn Google thông qua bolgspot.com. Nhưng những nhóm hay cá nhân như Nguyễn Văn Hải, Bùi Thị Minh Hằng, Tạ Phong Tần, Trần Huỳnh Duy Thức, etc hầu hết là những người có tính tập thể đấu tranh, hành động mà chính quyền cho rằng nguy hiểm đến đảng cầm quyền và chế độ - phạm và điều 4 hiến pháp của đảng cầm quyền. Ở đây tôi chỉ xin phân tích và nhìn ra vấn đề các bloggers ôn hòa bị bắt gần đây như, Nguyễn Quang Lập, Hồng Thọ Lê và Nguyễn Đình Ngọc - tức Nguyễn Ngọc Già.

Từ những nhóm và cá nhân bày tỏ ôn hòa, thế giới blogger lại xuất hiện những blogger có tính phe nhóm chính khách đối lập, chạy đua vào ghế nghị trường, đấu đá bôi nhọ nhau.

Blog nặc danh "Chân dung quyền lực" đặt ở nước ngoài viết bài bôi nhọ mà còn bỏ tiền ra quảng cáo trên facebook.

Có thể có những bloggers nặc danh đặt ở nước ngoài tung tin là có sự chỉ đạo từ hậu trường chính khách vì mưu sinh, nhưng đó là một chuyện khác. Họ có ăn có chịu làm nhiệm vụ được giao.

Nay thì thông tin ấy đã được các nhà báo và công an điều tra rút kinh nghiệm, không dám xì ra để bị họa. Nhưng ở họ có những bloggers thân tín có ảnh hưởng với cộng đồng. Đó là những nơi bắn tin đi xa và nhanh nhất. Vô tình hay hữu ý, các bloggers dù không viết vì tiền bị sập bẫy vào điều luật 258 và điều 88, tùy theo quan điểm của nhà cầm quyền.

Lại có những bloggers vô tình lấy câu chuyện hậu trường để làm quà, và câu khách viếng thăm blog của mình. Và từ đó, trong giới blogger có những bloggers vi phạm lằn ranh đỏ mà lâu nay chỉ có nhà báo và công an điều tra mới có thông tin. Kết quả của nó là gần đây, thay vì các nhà báo và các sĩ quan công an điều tra xét hỏi bị kỷ luật hoặc bị bắt, thì hôm nay là những bloggers. Đầu và giữa năm có blogger Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào. Cuối năm có Nguyễn Quang Lập, Hồng Lê Thọ và Nguyễn Đình Ngọc. Những thông tin xấu của cá nhân lãnh đạo, và đảng cầm quyền được các ông chủ chính khách xì cho các bloggers quen biết, hoặc phe cánh của mình có ảnh hưởng đến cộng đồng, tung tin bôi nhọ nhau, mà không có chứng cứ.

Với những diễn biến và đánh giá trên của tôi, thì tôi cho rằng cũng giống như 2 nhà báo và tướng Quắt thời đại hội X. Sau việc chuẩn bị nhân sự đại hội đảng lần thứ XII, ắt các bloggers sẽ được trở về nhà, và dĩ nhiên trước kỳ đại hội đảng diễn ra vào năm 2016. Trật tự mới lại bắt đầu nhưng bổn cũ cứ soạn lại, bản chất vấn đề không thay đổi, chỉ hiện tượng bên ngoài là thay đổi. Nhưng một mũi tên bắn ra lại trúng nhiều đích, vừa được việc như xưa, mà vừa răn đe được thế giới thông tin mạng đã và đang lấn át truyền thông chính thống của đảng cầm quyền. Người dân lâu nay đã sợ chính quyền, nay càng lo sợ hơn, không biết mình sẽ bị bắt lúc nào, nhìn đâu cũng là kẻ thù, nghi ngờ và tan rã sức mạnh dân sự.

Với giải thích này, không biết đúng sai thế nào, nhưng qua đó thấy được hai việc: nhân dân lúc nào cũng ngây thơ và hy vọng một ngày mai tươi đẹp để sống với những gì mình cho là lương thiện, thể hiện cái sỹ của mình. Nhà cầm quyền thì luôn nghĩ ra chiêu để trị dân ở một chế độ đơn nguyên tập quyền. Khi nào nhà tù và súng đạn vẫn còn nằm trong tay nhà cầm quyền lúc ấy người dân còn ngây thơ và tù tội. Đó là những bài học xương máu cần rút ra.

Asia Clinic, 16h15' ngày thứ Ba, 30/12/2014

Chủ Nhật, 28 tháng 12, 2014

THÔNG BÁO CỦA GO WEST FOUNDATION TƯ VẤN HỒ SƠ DU HỌC


Các bạn trẻ và phụ huynh thân mến, 

Do nhu cầu du học có nhiều bạn trẻ và gia đình cần tư vấn, nên:

Bắt đầu từ ngày 01/01/2015 tôi - BS Hồ Hải - sẽ làm tư vấn chọn trường nộp hồ sơ nhập học ở Hoa Kỳ từ trung học, đến community college và four year college ở Hoa Kỳ. Mỗi ngày tôi sẽ không ngủ trưa, bỏ ra 2h đồng hồ từ 11h đến 13h để tiếp đón các bạn cần tư vấn. Nhưng phải hẹn trước 1 tuần và gửi hồ sơ cho tôi trước 1 tuần để tham khảo, cho tôi có thì giờ xếp lịch hẹn.

Thay vì các bạn đến các trung tâm tư vấn sẽ phải đóng tiền cọc có khi không được visa và mất tiền cọc. Tôi sẽ tư vấn cho đến khi nào các bạn có visa du học Hoa Kỳ thì lúc đó tiền tư vấn đó các bạn sẽ đóng góp cho Go West Foundation.

Nếu hồ sơ của các bạn bị ách tắt ở bất kỳ khâu nào trong việc đi du học - làm hồ sơ, không được I-20, không được qua vòng phỏng vấn visa etc - thì các bạn không cần phải đóng góp cho Go West Foundation.

Và nếu được visa du học Hoa Kỳ, Go West Foundation chỉ yêu cầu các bạn đóng góp theo lòng hảo tâm của các bạn, hoặc bằng 1/2 số tiền mà các bạn phải bỏ ra cho các trung tâm tư vấn du học thì các bạn thấy tôi có nên làm không?

Nếu các bạn thấy nên làm và tin tưởng thì mọi hồ sơ liên lạc và sắp xếp thời gian xin gửi về địa chỉ email: quytaydu@gowestfoundation.org.

Chúc một tuần mới tốt đẹp.

Asia Clinic, 7h41' ngày thứ Hai, 29/12/2014

Thứ Ba, 23 tháng 12, 2014

VENEZUELA VÀ SỰ KHÁNH KIỆT VÌ CHÍNH TRỊ

Bài đọc liên quan: Sau Gaddafi là Hugo Chavez

Sau khi quốc hữu hóa toàn bộ nền kinh tế Venezuela, và đuổi hết các tập đoàn kinh tế tư bản ra khỏi đất nước, ông Hugo Chavez đã biến Venezuela thành một quốc gia cô lập với thế giới phương Tây. Ông chuyển sang chơi với các quốc gia cánh tả, trong đó, có Trung Hoa, Việt Nam, Cu Ba và Nga. Nền kinh tế Venezuela bắt đầu đổ dốc. Quý I năm 2011, tỷ lệ lạm phát của Venezuela độc chiếm ngôi đầu, kế đến là Việt Nam - những quốc gia chỉ biết ăn của để dành mà tổ tiên để lại, và tham nhũng, độc tài.


Ông Hugo Chavez đã ra đi vì bệnh ung thư vào tháng Ba năm 2013, sau 14 năm cầm quyền. Ông trao quyền lãnh đạo đất nước cho người phó thân tín của mình - Nicolas Maduro - đất nước Venezuela tiếp tục con đường u tối, đến nỗi giấy vệ sinh cũng không có để dùng.

Có những điểm giống và khác nhau giữa chính trị, kinh tế Venezuela với Việt Nam xưa và nay đã làm cho đất nước này khánh kiệt và nguy cơ đi đến sụp đổ trên đống tài nguyên.

Sau khi quốc hữu hóa, ông Hugo Chavez đưa toàn dân vào chế độ tem phiếu và hộ khẩu như Việt Nam thời bao cấp để quản lý chính quyền. Ông bắt chước Gaddafi thuê quân đội và cảnh sát các nước như Cuba để quản lý nội an, và bảo vệ mình, vì không tin người dân trong nước.

Ở Venezuela hiện nay, về tài chính ngân hàng cũng giống tình trạng của Việt Nam - chỉ có khác là Việt Nam có 1 số ngân hàng nước ngoài được hoạt động. Chính phủ Venezuela không có bất kỳ ngân hàng nước ngoài nào được phép hoạt động. Người dân không được sử dụng ngoại tệ cả trong ngân hàng và ngoài thị trường, nếu không có chức năng đặc biệt làm xuất nhập khẩu, đầu tư cho chính quyền. Đồng Venezuela Bolivar được nhà nước quy định cứ 6 đồng ăn 1 đô la Mỹ, nhưng thị trường chợ đen phải 70 đến 80 Venezuela mới mua được 1 đô la Mỹ. Mọi việc mua bán ngoại tệ đều phi pháp, và bị chính quyền tịch thu, nhằm ổn định tình hình kinh tế đang sụp đổ trên những giếng dầu.

Cũng chính vì lạm phát ở Venezuela mỗi năm từ 30 - 60% trong 3 năm qua - 2012 đến 2014 - và sự chênh lệch gấp hơn 10 lần giữa giá đồng đô la Mỹ giữa thị trường chợ đen và thị trường chính thống, trong khi môi chi phí của Petro Việt Nam tại dự án đầu tư thăm dò khai thác dầu trên biển của Venezuela đề bằng ngoại tệ chợ đen, nên dự án này đã chính thức ngừng hoạt động kể từ tháng 10/2014. Tuy được đánh giá là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất của Petro Việt Nam - khoảng hơn 8 tỷ đô la Mỹ - nhưng phá sản vì kinh tế chính trị Venezuela bất ổn.

Cũng giống như Iraq thời ông Saddam Hussein, người dân nghèo Venezuela đang chết đói trên tài nguyên vì lệnh cấm vận của Hoa Kỳ và phương Tây, vì một nền chính trị độc tài. Giá xăng tại Venezuela hiện nay là rẻ nhất thế giới, chỉ khoảng 0.02 đô la Mỹ 1 lít xăng, tương đương 428 đồng Việt Nam 1 lít, rẻ hơn 1/40 so với giá xăng của Việt Nam hiện tại. Nhưng ở Venezuela có sự phân cực giàu nghèo nặng nề, nếu nhà giàu sống hơn cả vua chúa, thì dân trung lưu và nghèo phải chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi.

Dù giá dầu ở Venezuela là rẻ nhất thế giới, trong khi nền kinh tế khánh kiệt, nhưng chính phủ của ông Nicolas Maduro không dám tăng giá xăng dầu, vì sợ phe đối lập lấy cớ trong tranh cử. Vì Venezuela còn thể chế chính trị đa nguyên, nhưng quân đội và an ninh thuộc về phe nhóm của ông Hugo Chavez. Đó là điểm khác của Venezuela và Việt Nam.

Chính trị là một nghệ thuật của sự có thể. Chính trị đúng quy luật mẫ thuẫn và đối lập trong triết học - đa nguyên tản quyền - thì nền kinh tế đi lên, khoa học kỹ thuật phát triển, đời sống người dân tốt đẹp, và đất nước hùng cường. Ngược lại, chính trị đi ngược với quy luật triết học - độc tài đơn nguyên - thì thui chột trí tuệ và tài nguyên con người, đất nước yếu hèn, do tham nhũng tràn lan vì cửa quyền, và kinh tế suy sụp dẫn đến chính trị sẽ nô dịch hoặc sụp đổ.

Venezuela là một quốc gia giàu dầu mỏ nhất châu Mỹ và đứng tóp 5 thế giới, nhiều tài nguyên, nhưng chính trị Venezuela đã làm khánh kiệt đất nước này cũng chỉ vì lòng tham của một vài chính khách, trong đó, tội lỗi của Hugo Chavez không thể không ghi vào lịch sử đất nước này.

Asia Clinic, 8h50' ngày 24/12/2014

Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

GIÁ DẦU GIẢM VÀ CAO SU RỈ MÁU

Nông dân Dak Nông phải chặt bỏ cao su bán làm gỗ, củi vì lỗ.

Ai đã từng học qua chương trình hóa học phổ thông cũng đều rõ, có sự quan hệ mật thiết giữa lọc hóa dầu và các sản phẩm nhựa đi theo, trong quá trình cracking dầu thô. Chính vì thế mà giá dầu lên xuống đều tỷ lệ thuận với giá cao su.

Gần đầy khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã làm cho lượng tiêu thụ cao su trên thế giới giảm mạnh. Cầu giảm kéo theo giá cao su cũng giảm theo. Nếu ngày xưa mỗi tấn cao su theo tiêu chuẩn Việt Nam có giá trên 40 triệu đồng, thì từ sau 2008 trở lại đây giá cao su khó đạt được 30 triệu đồng mỗi tấn.

Từ khi khủng hoảng Ukraina với Nga, lệnh cấm vận kinh tế của Hoa Kỳ và phương Tây với Nga đã đẩy giá dầu sụt giảm nhanh chóng gần 50%. Nó tác động đến giá cao su thế giới cũng giảm theo. Giá hiện nay chỉ trong khoảng 29-29,5 triệu mỗi tấn. Không biết rồi giá cao su còn giảm đến đâu trong những ngày tới?

Ngoài ra, tình hình tiêu thụ cao su, cũng như căng thẳng giữa Việt Trung trên biển Đông cũng làm ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu cao su sang Trung Hoa, cũng là một yếu tố làm giá cao su giảm.

Cách nay 3 hôm, ngồi nói chuyện với một chuyên gia trồng, bán cây cao su con cho người khác trồng, chuyển giao kỹ thuật trồng, sản xuất và xuất khẩu cao su, mới biết là cây cao su Việt Nam đang chảy máu.

Anh ta bảo, giá thành 1 tấn cao su là giá của công chăm sóc, vốn và hoàn vốn trong 5 năm là giá của 7 năm trồng trọt cho đến khi thu hoạch mủ đủ độ chín, và sản xuất xuất khẩu. Giá thành hiện nay để sản xuất ra 1 tân cao su đủ tiêu chuẩn Việt Nam xuất khẩu khoảng 35 triệu đồng. Nhưng giá cao su chỉ khoảng 29,5 triệu mỗi tấn. Nếu tính theo giá này thì lỗ. Nhưng tính theo giá bán 29,5 triệu mỗi tấn mà không khấu hao, và hoàn vốn thì mỗi tấn lãi khoảng 100 đến 200 ngàn đồng. Nên các chủ trồng cao su phải bóp bụng để làm, chờ ngày cao su tăng giá, và chấp nhận tự ăn thịt mình, vẫn còn hơn là từ bỏ nó, khi đã chôn vốn, và cây cao su đã thu hoạch.

Nghề làm cao su có 2 cái lo là tiền thuê mướn nhân công ngày càng tăng. Nếu cách đây 10 năm tiền nhân công rẻ, thì bây giờ đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3. Cái đáng sợ là nhân công ăn cắp mủ cao su. Hai yếu tố này khi giá cao su cao không là gánh nặng. Nhưng khi giá cao su giảm như hiện nay thì nó là cái làm cho người chủ thuê trồng chăm sóc phải lỗ.

Gần đây, trên thị thường gỗ, nhiều nơi kêu bán thân cây cao su theo đơn vị xe tải. Đó là, hậu quả của các nhà trồng và sản xuất cao su không chịu được lỗ, buộc lòng phải đốn cây cao su bán lấy lại vốn.

Thế mới biết làm ăn cái gì cũng phải cần kiến thức kinh tế chính trị học cập nhật trên toàn cầu. Nếu không thì sự nghiệp cả đời người bay mất chỉ trong vài tháng. Riêng nông dân Việt thì họ từ thua đến thất bại, vì làm theo tin đồn, giá thị trường, mà không có thông tin và kế hoạch của chính quyền đặt ra.

Asia Clinic, 16h05' ngày thứ Năm, 18/12/2014

Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014

DYNOMAK MẶT TRỜI NHÂN TẠO LÀM RA NĂNG LƯỢNG SẠCH

Ngày 17 tháng Mười năm 2014 vừa qua, tại Hội nghị khoa học Vật lý toàn cầu tổ chức ở cơ quan năng lượng nguyên tử Saint Petersburg của nước Nga, một báo cáo thiết kế động cơ Dynomak của giáo sư Thomas R. Jarboe cùng cộng sự là nghiên cứu sinh Derek Sutherland thuộc khoa Vật Lý của University of Washington, bang Washington ở bờ Tây nước Mỹ, đã trình bày một động cơ có tên là dynomak. Dynomak được xem là mặt trời nhân tạo sinh ra nguồn năng lượng nhiệt hạch tách từ nước của các phân tử Helium và Hydro.

Động cơ Dynomak tạo ra phản ứng nhiệt hạch như một mặt trời nhân tạo. Ảnh của University of Washington

Trước đó, ngày 08/10/2014 trên tập san Vật lý học hàng đầu thế giới và trên website của University of Washington đồng loạt đăng bài viết về Dynomak: UW: fusion reactor concept could be cheaper than coal - University of Washington: Lý thuyết lò phản ứng nhiệt hạch có thể rẻ hơn dùng than đá.

Phản ứng nhiệt hạch có cùng bản chất với phản ứng hạt nhân, nhưng không sinh ra phóng xạ gây hại sự sống, mà chỉ sinh ra năng lượng nhiệt không gây hiệu ứng nhà kính, không ảnh hưởng môi trường.

Đây là kết quả của nửa thế kỷ của một dự án tốn đến hơn 5 tỷ Euro do các nhà khoa học Đức đã đề xuất cho tình hình an ninh năng lượng toàn cầu từ năm 1964. Hầu hết các hãng năng lượng lớn trên thế giới đều đóng góp tham gia, và có nhiều trung tâm nghiên cứu ở các trường đại học của các quốc gia cùng tham gia như Mỹ, Nga, EU, Nhật, Trung Quốc, Ấn, Hàn Quốc, với hy vọng tạo ra một mặt trời nhân tạo sản sinh ra nguồn năng lượng nhiệt hạch sạch với môi sinh.

Năm mươi năm qua, 2 khó khăn lớn nhất là làm sao tạo ra một lò phản ứng nhiệt hạch có giá trị thực tế là:

1. Lò phản ứng phải có giá thành rẻ hơn một nhà máy nhiệt điện chạy bằng than cùng công suất.

2. Lò phản ứng phải chịu đựng được nhiệt độ và áp suất cao để làm ra hydro và helium tan chảy thành plasma. Sau đó là lò phải giữ được điều kiện nhiệt hạch để plasma được tạo ra phản ứng nhiệt hạch phóng thích năng lượng như mặt trời và các hành tinh tạo ra năng lượng của nó. 

GS Thomas R. Jarboe với lò phản ứng nhiệt hạch Dynomak.

Dưới mô hình của GS hàng không vũ trụ Thomas R. Jarboe có sẵn, nghiên cứu sinh Derek Sutherland được đào tạo thiết kế lò phản ứng hạt nhân từ MIT - Massachusetts Institute of Technology - đã hoàn thiện Dynomak để nó đáp ứng được 2 yêu cầu trên.

Các thành viên khác của đội ngũ thiết kế UW gồm Kyle Morgan khoa vật lý; Eric Lavine, Michal Hughes, George Marklin, Chris Hansen, Brian Victor, Michael Pfaff, và Aaron Hossack của khoa hàng không và du hành vũ trụ; Brian Nelson kỹ thuật điện; và, 2 người trước đây thuộc WU là Yu Kamikawa và Phillip Andrist.

Theo các nhà khoa học chỉ trong 2 thập niên tới, những gì trong phòng thí nghiệm hôm nay sẽ được áp dụng thực tế cuộc sống. Nó sẽ là nguồn năng lượng vô tận, không gây ảnh hưởng môi trường, có giá thành rẻ phục vụ cho con người. 

Các nhà nghiên cứu UW làm một bài toán đơn giản là, một nhà máy điện nhiệt hạch sản xuất 1 gigawatt (1 tỷ watt) sẽ có chi phí 2.7 tỷ đô la, trong khi một nhà máy điện chạy bằng than có cùng một sản lượng sẽ có chi phí 2,8 tỷ USD, theo như mô hình của họ đang làm hiện nay. Nhưng nhà máy điện nhiệt hạch của họ lại không tiêu tốn gì khác ngoài chỉ một ít nước để tạo ra phản ứng nhiệt hạch!

Hết vắt đá ra dầu để không còn phụ thuộc năng lượng trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau, nay các nhà khoa học Mỹ vắt nước ra điện để phục vụ nhân sinh. Có lẽ, nền chính trị và văn hóa dễ thay đổi của nước Mỹ sẽ còn là đại ca toàn cầu không chỉ 1 thế kỷ nữa?

Hy vọng của nhân loại không còn lo lắng đển hủy hoại môi sinh đã được mở cửa. Một thời đại mới không còn lo một ngày nào đó, than đá và dầu hỏa cạn kiệt đã có thể được gác lại. Và giá dầu thế giới tiếp tục rớt giá để các quốc gia không sáng tạo, mà chỉ biết ăn bám vào tài nguyên ông cha để lại mãi làm thân nô lệ cho ngoại bang giày xéo.

Asia Clinic, 15h38' ngày thứ Ba, 16/12/2014

Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014

THÀNH TÂM HỒI HƯỚNG, CƠ HỘI CUỐI CÙNG CỦA GIỚI LÃNH ĐẠO VIỆT NAM

Một bài viết tâm huyết của một người bạn, trí thức nhưng xin được giấu tên, gửi cho tôi đăng dùm trên blog, như một lời nhắn gửi của 1 người con yêu nước.

Giặc trong cửa ngõ

Giặc đã vào nhà. Hãy cùng nhau nói chuyện lần cuối. Chúng ta sẽ không còn thời gian, cơ hội hay cảm xúc, lòng tin để nói với nhau thêm lần nữa.

Nước Việt Nam tôi, khi bên ngoài có giặc thì trong cõi lại tạm yên để hợp lực chống kẻ thù chung, khi bên trong nồi da xáo thịt thì thường cũng may mắn vắng bóng kẻ thù bên ngoài… Mấy nghìn năm lịch sử, cũng chỉ đôi lần thiếu mất sự đồng tâm, khi kẻ xâm lăng đã xông thẳng vào nhà.

Năm 1407, một Nhà Hồ không thua kém Nhà Trần tại thời điểm ngay trước đó bất cứ điều gì, nếu không muốn nói là một sự thay thế mang tính tiến bộ, đã vì không có được lòng dân mà mất nước, mất nhà, nhưng vẫn nêu được tấm gương kiên tâm chống giặc. “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”, Hồ Nguyên Trừng đã nói thế. Cuối cùng, Nhà Hồ đã đánh. Việt Nam đã đánh. ĐÁNH, dù biết trước cuộc thua.

Năm 1862, Nhà Nguyễn khiếp nhược và bất lực trước đại bác Phương Tây, kìm nén sức dân để đất nước rơi vào một cuộc đô hộ trăm năm, cội nguồn nhiều đổ vỡ ly tán dân tộc còn đến tận hôm nay.

Năm 2014 này, năm của thế hệ chúng tôi đang sống, nguy nghịch thay cho đất nước Việt Nam, một lần nữa lại bị rơi vào cảnh ấy, và có phần còn tệ hại hơn thế nữa. Trong bối cảnh đó, lòng dân đang ở đâu? Và giới cầm quyền đang ở đâu?

Ngay lúc này đây, đứng trước quốc dân và đứng trước lịch sử dân tộc, giới cầm quyền Việt Nam đang nghĩ gì và làm gì?

Đang hòa hoãn với giặc. Đang đưa ra những câu nói bất hủ sẽ còn gieo khối nhục ngàn năm.

Tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây, giặc nước vào nhà, thì đuổi sứ, cắt bang giao, đóng cửa biên giới, huy động quân bị, chứ có thấy ai hùng hồn tuyên bố “kiên quyết không sử dụng… vũ lực” hay chưa vậy tổ tiên đất nước này!

Sợ giặc à? Tự thâm tâm, tôi còn chưa nghĩ thế.

Sợ mất chế độ.

Sợ đánh giặc thì một cuộc sụp đổ kinh tế dẫn đến một cuộc sụp đổ chính trị. Kinh tế nước nhà đang lệ thuộc vào giao thương với nước giặc. Giới cầm quyền đã không dám vào cuộc “tiêu thổ kháng chiến” như cha ông những năm 1258, 1285; hay như chính tiền nhân của họ năm 1946.

Cũng như Nhà Hồ, giới lãnh đạo hiện nay hiểu rõ lòng dân đang không theo. Nhưng thuận lợi cho họ hơn Nhà Hồ, giặc hiện nay không thể đánh rát như cha chú của chúng trước đây, mà phải dùng chiến lược tằm ăn dâu. Bản thân giặc cũng đang có những khó khăn nội tại chồng chất, thậm chí là nguy cơ tan rã quốc gia. Và như thế, có thời gian cho giới cầm quyền Việt Nam lấy lại lòng tin từ người dân, bằng những hành động thực tiễn.

Trước khi đề cập đến những đòi hỏi hành động đó, hẵng cùng điểm qua một lịch sử gần.

Nhìn qua quá khứ

Cùng nói về cái chế độ mà họ đang sợ đánh mất: chế độ Xã hội chủ nghĩa.

Làm gì có cái chế độ đó trên đất nước này, ngày hôm nay, hay bất cứ ngày tháng nào mà dân tộc tôi đã sống qua.

Con đường Cách mạng Vô sản từ góc nhìn của những năm 1930-1945 là một sự LỰA CHỌN, của thời điểm 1954-1955 là một sự ĐÁNH ĐỔI, của năm 1975 là một sự HIỂN NHIÊN, của những năm 1989-1991 là một sự NGỘ NHẬN và của thời kỳ năm 2010 đến nay là một sự LỪA DỐI.

Tại sao tôi gọi tên như thế?

Phải thừa nhận sự thật lịch sử là thế hệ những người Cộng sản đầu tiên đem công cụ này về Việt Nam không ngoài mục đích giải phóng dân tộc. Và công cụ đó tại thời điểm đó đã tỏ ra mạnh mẽ và hiệu quả hơn hẳn [các giải pháp khác]. Do đó, hãy gọi đó là một sự Lựa chọn. Đừng đánh giá họ đứng từ lăng kính của Thế kỷ XXI này.

Đáng thương cho dân tộc Việt Nam sau Chiến tranh thế giới thứ hai đã rơi vào bàn cờ thế giới. Đó chính là thời khắc toàn cầu hóa đấy, chứ nào phải đợi tới cuối thế kỷ XX đâu. Và số phận dân tộc này đã bị các siêu cường quốc tế tung đi hứng lại. Trong cuộc mà cả toàn cầu đó, các nhà lãnh đạo Việt Nam (của cả hai bên) đã thực hiện những Đánh đổi đầu tiên, đánh đổi việc bảo vệ lý tưởng của phe mình, bảo vệ quyền lực thống trị của phe mình lấy sự chia cắt đất nước, lấy cuộc chiến 21 năm tiếp theo mà họ cũng không tưởng tượng ra nổi vào cái năm 1954 đó. Một cơn lốc lịch sử khốc liệt tang thương. Cuộc đánh đổi đã đẩy hẳn chính thể Việt nam Dân chủ Cộng hòa vào phe Xã hội chủ nghĩa khi ấy.

Năm 1975. Người chiến thắng có bao giờ phải thay đổi? Cả nhân loại xưa nay vẫn thế. Do đó, có thể xem định hướng đất nước trong việc đổi tên gọi đầy cao vọng và không chút do dự vào năm 1976 như là một sự Hiển nhiên. Không thể đòi hỏi gì nhiều hơn logic thực tế đó. Vinh quang chiến thắng của người lính Cộng sản Việt Nam huy hoàng hơn nhiều nhiều nước XHCN Đông Âu – những nhà nước được ngoại bang dựng lên, hơn cả nước lớn Trung Hoa còn chưa thống nhất.

Hai cuộc chiến Tây Nam và biên giới phía Bắc sẽ mãi mãi còn là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, cho dù chính thể lãnh đạo hai cuộc chiến đó có còn tồn tại hay bị lịch sử chối bỏ. Giới sử học quốc tế đã có nhiều tiếng nói nêu lại công lao chống diệt chủng của Việt Nam, xóa dần những đánh giá bất công mang màu sắc chính trị hơn là lịch sử, của mươi hai mươi năm trước… Đừng trách Việt Nam đã đóng quân quá lâu, những gì Việt nam đã làm không khác Mỹ, Liên Xô, Anh, Pháp, để bảo vệ an ninh chính đất nước mình… Sự hy sinh của người lính Việt Nam 10 năm trên biên giới Tây Nam cần được Tổ quốc thực sự ghi công. Cũng 10 năm ấy là sự hy sinh thầm lặng của bao chiến sĩ trên biên giới phía Bắc và miền hải đảo.

Những năm 1989-1991. Giới lãnh đạo Việt Nam bàng hoàng và lúng túng. Họ còn quá bận với hai cuộc chiến nêu trên. Họ thực ra vẫn chỉ là những người lính chiến thắng mà thôi. Họ không hiểu những gì đang xảy ra (tại Liên Xô và Đông Âu), cũng như trước đó họ chưa từng hiểu về Liên Xô và Đông Âu. Ta nên biết, nếu quy chiếu máy móc, tầm nhìn, tâm thế của họ vào năm 1990 (15 năm sau chiến tranh), phải tương tự các nước Đông Âu – Liên Xô vào năm 1960 (15 năm sau chiến tranh), nhưng thực tế còn thậm tệ hơn thế do đặc thù địa lý, văn hóa và xuất thân. Trung Hoa kế cận cũng đã có 41 năm hòa bình độc lập (1949-1990). Các cuộc chiến biên giới tứ phương của Trung Hoa thật ra chỉ mới là màn thủ đoạn trộm vặt của họ. Làm sao ta có thể đòi hỏi các nhà lãnh đạo Việt Nam khi ấy đủ bản lĩnh, hiểu biết và sáng suốt? Thiếu hết những thứ đó, họ đã rơi vào cạm bẫy Ngộ nhận do gã to xác nham hiểm giương ra.

Thật ra trước đó, trong kỳ Đại hội năm 1986, Việt Nam đã manh nha một cơ hội cực kỳ quý báu để có thể tự thoát thai. Đáng tiếc, cơ hội đó đã bị đánh rơi mất, khi những biến động Đông Âu xảy ra hơi sớm (nhìn ở góc độ tác động đến bối cảnh Việt Nam) và quá quyết liệt, khiến giới lãnh đạo Việt Nam giật mình nhảy ngay vào bẫy.

Cái đáng sợ của sự lừa dối là lừa dối huyễn hoặc cả chính bản thân mình.

Việt Nam 2010.

Xã hội Việt nam đã bắt đầu giống với Đông Âu 1980. Trung Hoa 1985. Trong khi chính giới Trung Hoa may mắn có một Đặng Tiểu Bình (tội đồ của nhân dân Việt Nam) và một số nhân vật chủ chốt khác đã nếm đòn của chính nền Chuyên chính Vô sản, và khi nắm lại quyền đã lẳng lặng vo tròn bóp méo nó; thì Việt Nam không có một nhân vật tương tự. Nhưng trên thực tế lãnh đạo Việt Nam cũng đã đủ độ lùi thời gian để đọc hiểu cỗ xe lịch sử hiện đại. Họ đã quá hiểu Chủ nghĩa Xã hội nằm ở chốn nào. Thế thì, đặt tên cho ngọn cờ Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa trong tay họ lúc này là sự Lừa dối, có gì quá đáng?

Cái họ đang sợ đánh mất có phải – hay có còn – là chế độ Xã hội chủ nghĩa?

Có thể trong tâm tư thế hệ lãnh đạo 1986-1990 thì còn là thế thật – cái thế hệ lãnh đạo Ngộ nhận; nhưng trong tâm địa thế hệ lãnh đạo hiện nay điều họ sợ đánh mất chỉ đơn thuần là cái quyền lực thống trị cá nhân và tập đoàn mà thôi! Mượn Đảng (như cái công cụ) để trị dân.

Chính quyền đang tự đưa mình vào thế đối lập với nhân dân, và đang tự tay mình hàng ngày hàng ngày châm thêm dầu vào lửa.

Hy vọng bảo vệ chế độ hiện nay, đặt hết vào hai bộ máy Công an và Quân đội.

Xin đặt một câu hỏi: Bảo vệ vì cái gì, Lý tưởng hay Lợi ích?

Lý tưởng ư? Ôi thôi bản thân giới lãnh đạo cũng đang hành xử như không hề mang lý tưởng đó, và họ cũng đủ tỉnh táo tự biết mình không hề còn lý tưởng đó, thì chẳng lẽ không đủ tỉnh táo để vứt bỏ đi niềm tự huyễn hoặc dựa vào đó để điều động nòng súng? (“Súng đẻ ra chính quyền”, câu nói này của Mao có thể còn đúng một thời gian nữa, và mong sao "chân lý" đó chưa kịp hủy diệt thế giới loài người trước khi nó bị đào thải.)

Còn nếu dựa vào Lợi ích? Thế thì lợi ích sát sườn mới là cơ bản, và khi lợi ích sát sườn được tọa độ hóa vào quảng đại quần chúng, thì họng súng đó quay chỉ vào đâu, lịch sử thế giới cũng đã nhiều lần chứng minh.

Thưa các nhà lãnh đạo, không phải súng, không phải công an hay quân đội, ngày hôm nay chỉ một thứ có thể bảo vệ được cho các anh, đó chính là Sự chấp nhận của Nhân dân.

Hãy thành tâm hồi hướng

“Hồi hướng” sử dụng trong khung cảnh bài viết nhỏ này, có thể không trùng khớp với định nghĩa nguyên thủy trong Giáo pháp; nhưng tôi vẫn muốn sử dụng từ này ở đây, vì đi chung với “thành tâm”, cụm từ vừa mang ý nghĩa biến đổi nhận thức đi liền thay đổi hành động, và với nghĩa đen của từng chữ tách riêng “hồi” và “hướng”, tôi không tìm được thay thế nào hay hơn để diễn tả mong muốn cá nhân đối với giới cầm quyền hiện nay; mong muốn một sự “tự giác hướng thiện”.

Trí thông minh và Lòng tham

Đối với đa số trong những người lãnh đạo hiện nay, tôi không tin họ thiếu trí tuệ hay tri thức. Do có điều kiện tốt hơn ở góc độ này góc độ khác, họ có được lợi thế trau dồi hiểu biết hơn đại bộ phận những người công dân khác. Điều này lại càng đúng hơn với các thế hệ f2, f3 của họ. Nhìn nhận một cách đơn giản nhất, chắc chắn họ phải có những tâm cơ hơn hẳn người khác để trèo lên cao, cho dù cách trèo thế nào chăng nữa, thì cũng phải vận dụng tâm cơ một cách linh hoạt. Họ có một bản chất ưu tú nhất định.

Như vậy, lên án họ ngu dốt là không đúng với thực tế. Họ đủ thông minh nếu không hơn thì cũng là bằng mức bình quân của tất cả, tôi tin điều đó.

Họ có sự thông minh, có trí tuệ, nhưng họ lạm dụng trí thông minh vào những động cơ đi ngược lại với quyền lợi nhân dân mà họ đã giành được quyền đại diện, họ tự bịt mắt trí tuệ của mình. Họ làm cho hình ảnh của họ trở thành ngu ngốc và ngớ ngẩn, nhưng họ không đoái hoài điều đó, khi họ tin rằng lợi ích của họ vẫn đang được bảo toàn chu đáo.

Điều gì đang điều khiển con người họ thay thế cho bản năng trí tuệ?

Chẳng có gì khác hơn Lòng tham.

Lòng tham có cơ hội phát triển và thăng hoa, đã giết chết trí tuệ, giết chết nhiều tình cảm cá nhân khác trong họ: lòng tự trọng, cảm giác biết xấu hổ, và nhiều thứ tình cảm thiêng liêng khác: lòng yêu thương đối với quê hương đất nước, đối với đồng bào, lòng biết ơn với tiền nhân, lòng kính Trời tin Phật (tôi tin 99% trong số họ tự thâm tâm đã trở thành hữu thần từ lâu), sự chung thủy đối với niềm tin của đồng đội họ đã ngã xuống cho đất nước này, cho chính thể họ đang lèo lái, cho họ có vị trí lãnh đạo ngày hôm nay. Họ xổ toẹt vào những gì tốt đẹp còn sót lại, và làm rỉ máu vết thương chia rẽ trong lòng dân tộc.

Chúng ta chẳng cần chỉ dạy cho họ những điều cụ thể như: phải bỏ Điều 4 Hiến pháp, phải từ bỏ học thuyết Mac-xit, phải đổi Quốc ca, thay Quốc hiệu…

Chúng ta chỉ mong một điều, họ đừng để Lòng tham che mắt bịt tai, và vận dụng chính trí tuệ của họ để tỉnh trí nhìn rõ một điều: nếu bản thân họ không "thành tâm hồi hướng", tự giác thay đổi, chìa bàn tay ra với nhân dân, với dân tộc, cùng nhân dân gánh vác chia sẻ họa phúc, thì dòng thác lịch sử cũng sẽ cuốn phăng họ theo cách đẫm máu nhất cho nhân dân Việt, và khi điều đó xảy ra, đau thương thay cho những người dân vô tội lại phải nếm cảnh tang tóc lầm than, đau thương thay cho đất nước này mãi ngụp lặn trong hận thù và đố kỵ.

Asia Clinic, 12h05' ngày thứ Sáu 12/12/2014