Văn hoá duy tình, bần nông có cái hay khi cộng đồng biết "lá lành đùm lá rách" hay "bà con xa không bằng láng xóm giềng gần", v.v... Nhưng cái văn hoá bần nông cũng có những cái xấu, khi nó bị lợi dụng cho mục đích định hướng cộng đồng. Vì đặc trưng của văn hoá duy tình, bần nông là ngồi lê đối mách, chuyện trong nhà bằng cái mõ, nhưng ra ngoài ngõ bằng cái nia, soi mói chuyện riêng tư, đem chuyện riêng tư, quyền riêng tư của người khác đến chốn công đường, dù 2 vấn đề riêng tư và công đường cần tách bạch.
Trước đại hội đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XI, để thực hiện đấu nhau, chuyện riêng tư của ông chủ tịch tỉnh Nguyễn Trường Tô ở tỉnh Hà Giang đã đem vào chốn công đường để xử và hạ bệ ông. Mặc dù, không có cái gì minh chứng ông ta sai ở chốn công đường. Đó là chuyện nước nhà, chuyện lớn. Nó khẳng định 2 cái phàm là của Mao rất thành công trong việc buộc cán bộ tuyệt đối trung thành với đảng cầm quyền mà tôi đã viết trong bài: Ngây thơ và không tưởng.
Cuối tháng 9/2012, có bài báo của tờ An Ninh Thủ Đô viết bài, Sự thật về bà già 83 tuổi "cơ khổ" bên Hồ Thiền Quang, mà trước đó, ai cũng thương cảm. Hôm nay trên báo Tiền Phong lại có bài dẫn nguồn từ báo Nhịp cầu Đầu tư về câu chuyện, Thêm sự thật ông già bán me bên đường Sài Gòn. Hai bài báo phản ánh cái ác của truyền thông với những con người dưới đáy xã hội, trong khi những kẻ ăn trên ngồi trốc thì không thấy báo chí ra tay.
Tục ngữ Việt Nam có câu, "Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ". Nó nói lên rằng con nít như tờ giấy trắng không biết nói láo. Người già trải bao thăng trầm cuộc sống, họ cũng không nói láo làm gì, vì họ đã từng chứng kiến quá nhiều cái láo trơ trẽn trên cõi đời này, kể cả bản thân cũng từng, rồi cũng chẳng được gì, và trước khi từ giã cõi đời nói thật như một lời sám hối, để về bản tính thiện của con Người.
Hai bài báo cũng kiểu phóng sự điều tra viết tả chân, nhưng thêm vào chuyện đời tư của 2 ông bà già để thâm phần mắm muối câu khách đọc rẻ tiền, và vi phạm vào đời tư của những con người thấp cổ bé miệng nhất của xã hội.
Cứ cho là 2 bài phóng sự này đúng 100% thì liệu người viết bài có làm được điều thiện? Hay là những nhà báo này, ngoài việc phạm vào luật xâm phạm đời tư của những công dân, thì còn đẩy thêm 2 con người cùng khổ vào chỗ không còn đất sống. Ông cụ từng ấy tuổi phải trèo cành me mỗi sáng để kiếm sống, liệu sau bài báo gia đình ông sống bằng gì? Việc ông cụ hái me có làm hại đến xã hội không? hay là ông còn làm sạch xanh thêm đô thị vì không có những trái me thối rửa rơi vãi trên đường? cũng vậy, bà cụ 83 có làm cho xã hội tệ hơn các quan tham nhũng, những thầy giáo dâm ô với học trò, các quan chạy chức chạy quyền, mua bằng giả đã và đang làm sụp đổ không chỉ kinh tế, chính trị mà còn cả văn hoá dân tộc suy đồi không? Giữa 2 sự việc làm phóng sự điều tra báo chí thì nên làm việc nào để xã hội tốt đẹp hơn?
Còn nếu vì mục tiêu định hướng dân chúng quên đi những sai lầm của nhà nước hoặc vì, câu khách mà các nhà báo thêm mắm muối để cho bài báo tăng lượng người đọc thì, lại càng ác đức hơn vạn lần. Cái nào ác, cái nào thiện đã quá rõ.
Khi quyền lực thứ 4 - truyền thông báo chí - ngoài lập pháp, hành pháp và tư pháp đã bị thâu tóm và độc quyền ở một xã hội như xã hội Việt Nam hiện nay thì, hầu như cái thiện không còn đất sống, và cái ác lên ngôi. Liệu một xã hội như thế thì có trường tồn hay sẽ chết iểu trong tương lai gần?
Tư gia, 21h28' ngày thứ Năm, 17/01/2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét