Thanh Trúc, phóng viên RFA
Họ, những người chủ trương Quĩ Khuyến Học Tây Du, với trang Web Tây Du Hôm Nay, Việt Nam Ngày Mai, mới ra mắt trên mạng ngày 5 Tháng Năm vừa rồi, thực sự chưa hề gặp mặt nhau ngoài đời mà chỉ liên lạc trò chuyện với nhau qua Facebook để rồi tìm được sự đồng cảm và quyết định đồng hành cùng nhau trong Go West Foundation Quĩ Khuyến Học Tây Du.
Tạo dựng khó hơn lãnh đạo
Từ Sài Gòn, chủ tịch kiêm người sáng lập Quĩ Khuyến Học Tây Du, bác sĩ Hồ Hải, chia sẻ rằng sau nhiều năm miệt mài với công việc thì tới một lúc nào đó người ta chợt nhận ra cuộc đời không chỉ đơn giản là kiếm sống rồi hưởng thụ mà hãy còn nhiều thứ khác quan trọng hơn:
Với lại tình hình giáo dục của nước nhà cũng đi xuống nhiều lắm, chính vì đó trong thời gian qua, khoảng năm năm gần đây thì tôi viết blog và tôi có hướng dẫn một số cháu lấy học bổng đi du học qua Mỹ. Tại vì tôi có kinh nghiệm qua con tôi, hồi đó cha con cũng đi kiếm học bổng để qua Mỹ du học chứ mình đâu có dư tiền.
Trên trang blog của mình, bác sĩ Hồ Hải san sẻ kinh nghiệm tìm kiếm cơ hội du học với các bạn trẻ trong nước mà điểm lại thì ông đã giúp cho khoảng 268 em:
Trong 268 cháu đó thì có khoảng 17 đứa không đủ tiền đi mặc dù đã có học bổng. Thí dụ cháu nhận được 75% thì số tiền còn lại là khoảng một chục ngàn, nhưng một chục ngàn đó thì gia đình nó chỉ có thể lo một hai ngàn một năm, thành ra cuối cùng tụi nó không đi được. Không đi được thì nó ở nhà, thi vô y khoa của đại học các nơi, học rồi ra trường mà cuối cùng cũng thất nghiệp, không làm gì được.
Thế nhưng yếu tố quyết định dẫn tới sự ra đời của Quĩ Khuyến Học Tây Du khởi nguồn từ buổi tọa đàm có chủ đề Tư Duy Lãnh Đạo-Sáng Tạo Và Đổi Mới, diễn giả là Giáo Sư Tiến Sĩ Tony Wagner từ đại học Havard, Hoa Kỳ. Đây là buổi hội thảo nhằm thu hút và tạo động lực cho giới trẻ, những người sẽ thay đổi bộ mặt của thế giới, do Công Ty Phát Triển Nguồn Nhân Lực Deloitte Việt Nam (Deloitte Vietnam HRD) và Hiệp Hội Kế Toán Công Chứng Anh (ACCA) cùng tổ chức.
Điều khiến blogger Hồ Hải chú ý là tại buổi hội thảo này, tiến sĩ Tony Wagner khẳng định rằng :
Ông nói thế kỷ thứ XXI này là thế kỷ của creator tức là thế kỷ của những con người gầy dựng chứ không phải là những con người của innovator tức là sáng tạo hoặc những con người leader tức là người dẫn đường, người lãnh đạo.
Thế kỷ thứ XXI này là thế kỷ của creator tức là thế kỷ của những con người gầy dựng chứ không phải là những con người của innovator tức là sáng tạo hoặc những con người leader tức là người dẫn đường, người lãnh đạoTiến sĩ Tony Wagner
Qua câu chuyện thì có nhiều câu hỏi và ông ta trả lời rất hay. Một câu hỏi là ở một xã hội mà giáo dục đang đi xuống như thế này thì làm sao vực được nhân cách của người Việt. Ông ta trả lời rằng ông có đọc một câu chuyện thiền bên Ấn Độ, ở ngôi làng đó thì hồi xưa ông Tất Đạt Đa từng đi ngang qua, sau này họ xây lên những ngôi chùa có Xá Lợi Phật. Chính vì được Xá Lợi Phật thành ra những người trung lưu và những giàu ở đó nghĩ rằng phải đúc một cái chuông bằng đồng. Họ muốn có một cái chuông mà đánh lên một cái là vang từ làng này qua làng khác.
Trong lúc góp tiền đó thì một ông ăn mày đi ngang qua và ông góp một đồng xu. Những người giàu họ khinh thường, lấy đồng xu đó ra vất xuống sông. Khí đúc chuông xong rồi thì gõ không kêu.
Ngay khi đó, vị sư trụ trì chùa giải thích chuông không kêu là vì mọi người đã vứt bỏ đi cái đồng xu nhỏ nhoi là tiền mồ hôi nước mắt của người ăn xin:
Bây giờ phải lấy đồng xu đó lên, nấu và đúc ra chuông mới thì chuông sẽ kêu. Thế là cả làng phải bỏ tiền ra, lặn xuống dưới sông Hằng để lấy đồng xu, mà kiếm đồng xu đó còn mắc hơn đức cái chuông nữa. Kiếm ra được đồng xu, bỏ vô chuông nấu lại thì khi gõ nó vang.
Tiến sĩ Tony Wagner kể tới đó để kết luận rằng làm một nhà tạo dựng, tức là gầy dựng một cái gì đó, thì khó hơn là làm một nhà sáng tạo hay một nhà lãnh đạo:
Bởi vì gầy dựng ban đầu là phải biết gầy dựng từ những cái nhỏ tới cái lớn mới làm được chứ không phải chuyện đơn giản, và để mà tạo dựng những thế hệ Việt Nam có nhân cách, biết sống với cộng đồng và biết bao dung …phải bắt đầu từ những cái nhỏ, những cái rất nhỏ, đó là giáo dục từng thế hệ, từng thế hệ một, và phải tốn vài ba thập kỷ nữa thì may ra nền giáo dục Việt Nam mới tốt, mới có được những thế hệ nền tảng để gầy dựng đất nước này. Chính sau cuộc nói chuyện đó thì tôi về tôi nghĩ phải làm cái quĩ này.
Với ước ao có thể thuyết phục mỗi người trong nước và ngoài nước mỗi năm bỏ ra chỉ một đô la, Quĩ Khuyến Học Tây Du sẽ thực hiện được hoài bảo đưa những người trẻ đi du học ở các quốc gia Tây Phương:
Bởi vì gầy dựng ban đầu là phải biết gầy dựng từ những cái nhỏ tới cái lớn mới làm được chứ không phải chuyện đơn giản, và để mà tạo dựng những thế hệ Việt Nam có nhân cách, biết sống với cộng đồng và biết bao dung…phải bắt đầu từ những cái nhỏ, những cái rất nhỏ, đó là giáo dục từng thế hệTiến sĩ Tony Wagner
Những đứa trẻ không tài năng nhưng cần cù, hiếu học, chưa chắc là những người tốt, nhưng mình đưa đi để gầy dựng những thế hệ mà một năm ít nhất cũng vài ngàn đứa. Mình cũng không mong rằng tụi nó sẽ quay về, đứa nào ở lại thì bắt trả tiền lại cho quĩ để mình lo cho thế hệ sau, còn đứa nào quay về thì cho luôn số tiền đó để nó quay về gầy dựng quốc gia thôi. Thành ra Quĩ Khuyến Học Tây Du ra đời từ đó.
Những thành viên ban đầu của Quĩ Khuyến Học Tây Du vừa ra mắt cách đây 18 ngày, bác sĩ hay blogger Hồ Hải cho biết, hiện có một người cư ngụ tại Michigan, một người tại Washington DC và một người tại Louisiana:
Những đồng tiền dù rất nhỏ để xây dựng xã hội, phải biết lo cho cộng đồng thì xã hội đó mới tốt. Xã hội Việt Nam bây giờ kiếm một đại gia bỏ tiền ra để chăm lo cho thế hệ tương lai và giáo dục hầu như là không có. Họ bỏ tiền ra để xây trường đại học hay xây trường trung học để họ kiếm lãi, kiếm lợi nhuận chớ không bao giờ nghĩ tới cái chuyện lo cho cái thế hệ tương lai. Mình không gầy dựng thì ai gầy dựng, mình không làm thì ai làm?
Anh Thomas Công, cư ngụ tại vùng Northern Virginia gần thủ đô nước Mỹ, trước giờ từng tham gia những hoạt động về giáo dục như Trường Việt ngữ Thăng Long, Nhóm ViệtToon chuyên vẻ tranh ảnh về lịch sử Việt Nam:
Trước giờ tôi cũng ủng hộ một số quĩ học bổng ở Việt Nam với tính cách cá nhân. Mỗi một năm tôi dành một quĩ cá nhân và dùng tiền đó ủng hộ những học sinh nghèo ở miền Trung hoặc miền Tây. Tôi biết anh Hồ Hải có giúp được nhiều em sinh viên đi du học nhưng vì hoàn cảnh gia đình nhiều em được học bổng tới 60 hay 70% rồi nhưng vì gia đình không có điều kiện nên phải bỏ rất là uổng.
Tôi với anh Hồ Hải cũng chung ý nghĩ rằng giáo dục là vấn đề then chốt trong việc thay đổi suy nghĩ của lớp trẻ và thay đổi tương lai của Việt Nam. Từ đó mấy anh em đưa ra ý định làm một quĩ khuyến học chung.
Tôi với anh Hồ Hải cũng chung ý nghĩ rằng giáo dục là vấn đề then chốt trong việc thay đổi suy nghĩ của lớp trẻ và thay đổi tương lai của Việt Nam. Từ đó mấy anh em đưa ra ý định làm một quĩ khuyến học chungAnh Thomas Công
Mục đích của quĩ khuyến học này được rất nhiều người tán thành. Nhất là những em học sinh sinh viên trong nước rất háo hức muốn có cơ hội đăng ký để cạnh tranh để lấy được học bổng của Quĩ Tây Du.
Về phía người Việt ở hải ngoại thì sao, khi mà Quĩ Khuyến Học Tây Du hãy còn rất mới và tôn chỉ là đưa người trẻ trong nước đi du học ở Hoa Kỳ hay các nước Tây Phương khác? Vẫn lời anh Thomas Công:
Nói chung bà con ở hải ngoại thì tất cả những gì bắt nguồn từ trong nước ra đều có một sự dè dặt nhất định. Nhưng phải nghĩ là với thời gian, khi chúng tôi giải thích được về mục đích và chương trình hành động của Quĩ Tây Du thì hy vọng sẽ có sự ủng hộ của bà con.
Bản thân tôi nghĩ người ở hải ngoại có rất nhiều trăn trở về tình hình hiện tại ở Việt Nam. Thực tế mà nói thì để có thể trực tiếp gây ảnh hưởng hoặc là thay đổi điều kiện hoặc phầm chất ở Việt Nam rất là giới hạn. Cái chúng ta có thể làm được đa số nằm trong lãnh vực về giáo dục về văn hóa , về công ăn việc làm và những ý tưởng về xã hội dân sự.
Chuẩn bị cho tương lai của đất nước
Trong bất cứ mọi nơi và mọi thời, anh Thomas Công bày tỏ tiếp, giáo dục luôn là phương tiện, là công cụ mà cũng là sự chuẩn bị cho tương lai của một đất nước. Đó cũng là đường hướng của Phong Trào Đông Du hơn một trăm năm trước mà dẫu không thành công như mong đợi thì cũng đã tạo tiếng vang đáng kể:
Quĩ Khuyến Học Tây Du đi theo hướng mà một trăm năm trước hai nhà chí sĩ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh đề ra, đưa những tài năng trẻ ra nước ngoài để sau này có thể quay lại xây dựng tương lai của Việt Nam.
Môi trường giáo dục của Việt Nam hiện nay chủ yếu đi về tuyên truyền và học gạo. Tất nhiên cũng có người này người kia chứ không thể vơ đũa cả nắm, nhưng rất nhiều em trẻ Việt Nam, ngay cả khi đã được ra nước ngoài rồi, vẫn chỉ chăm chú vào học hành, chăm chú vào việc gầy dựng cho bản thân mình và cho gia đình mình thôi, chứ còn nhận thức xã hội và đóng góp cho cộng đồng rất thấp. Thành ra một trong những mục đích của Quĩ Khuyến Học Tây Du là nâng cao nhận thức về cộng đồng, nâng cao tinh thần vì tha nhân để khi mà có được sự thành công nhất định về mặt cá nhân thì mình phải quay lại giúp thế hệ đi sau, quay lại giúp cộng đồng, và trong mức độ nào đó rộng lớn hơn là giúp cho đất nước.
Là người sống xa nhà rất lâu, nhưng chỉ một lần trở về thì nhận ra mọi thứ đã khác trước, anh Việt Nguyễn là thành viên thứ ba của Quĩ Khuyến Học Tây Du tính đến lúc này. Tự nguyện đóng góp phần nào về tài chính trong khả năng của mình, anh Việt Nguyễn còn kêu gọi sự giúp đỡ từ những người thân quen để Quĩ Khuyến Học Tây Du có thể hoạt động về lâu về dài:
Chỉ mơ là chung tay với nhau xây dựng đất nước cho nó đàng hoàng hơn, tử tế hơn, chan hòa hơn, làm việc chung với nhau một cách thẳng thắn trung thực hơn, thế thôi.
Nói chung mới đầu mình cũng không có suy nghĩ gì nhiều, nhưng mà khi về Việt Nam thăm gia đình rồi trở qua đây là tôi tự động có khuynh hướng muốn làm gì cho xã hội. Mặc dù khả năng mình cũng không có nhiều nhưng mà về Việt Nam mình thấy cái đất nước mình tệ quá, nhìn sâu vào cuộc sống tôi thấy đất nước mình tệ quá.
Những ý nghĩ như thế, Thanh Trúc nêu câu hỏi với các thành viên của Quĩ Khuyến Học Tây Du, như giúp phương tiện học hành, ra nước ngoài, tạo thay đổi trong tư duy, trở lại xây dựng đất nước vân vân…đang là những tư tưởng nặng phần nhạy cảm trong mắt nhìn của chính phủ bên nhà, liệu các anh chị em trong Quĩ Khuyến Học Tây Du có biết và có lường trước những khó khăn trở ngại hay không?
Với anh Việt Nguyễn, nếu không khéo điều hành và thiếu sự tế nhị cần thiết thì việc làm hay thiện chí của Quĩ Khuyến Học Tây Du có thể gặp cản trở trong hiện tình đất nước Việt Nam lúc này.
Còn đối với người tiên phong sáng lập Quĩ Khuyến Học Tây Du, bác sĩ Hồ Hải, giáo dục để thay đổi nhận thức là công việc không thể thiếu lòng can đảm và sự dấn thân:
Ngoài chuyện uy tín thì cần có sự can đảm nữa. Trong giáo dục thì dù anh có vô tư cỡ nào, anh có phi lợi nhuận cỡ nào, anh có phi chính trị cỡ nào thì trong giáo dục nó đã có nhiệm vụ chính trị của nó, nhất là trong nền chính trị Việt Nam hiện tại. Quĩ Khuyến Học Tây Du đòi hỏi sự can đảm, tâm huyết và hết lòng.
Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi, câu chuyện về Quĩ Khuyến Học Tây Du do người Việt ở trong và ở ngoài nước đứng ra thành lập, tạm ngưng ở phút này. Thanh Trúc sẽ gặp lại quí vị tối thứ Năm tuần tới.
Tư Gia, thứ Sáu 23/5/2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét