II. TRIỆU CHỨNG
Viêm cân gan chân thường gây đau như dao đâm ở lòng bàn chân gần gót chân. Cơn đau thường xuất hiện ở những bước đầu tiên khi thức dậy. Sau khi bàn chân được khởi động thì sự đau sẽ giảm, nhưng có thể trở lại sau một thời gian dài đứng hoặc khi đứng dậy từ tư thế ngồi.
Vị trí của đau gót chân trong viêm cân gan chân
Ban đầu, cơn đau giảm khi đi lại hoặc sau khi được khởi động, nhưng sau đó đau tăng trong suốt cả ngày khi hoạt động tăng. Trong những trường hợp nặng hơn, bệnh nhân kêu đau gót chân sau thời gian ngồi kéo dài. Đau âm ỉ có thể được cảm nhận ở gót chân vào cuối ngày, đặc biệt là sau khi đi bộ hoặc đứng nhiều.
Ngoài ra, có thể thấy cứng khớp ở bàn chân và sưng ở gót chân, hoặc tê do chèn ép thần kinh gan chân.
Viêm cân gan chân thường đau hơn khi đi nhón gót, và đây cũng là dấu hiệu để phân biệt với đau do vấn đề ở xương gót thường đỡ đau khi đi nhón gót.
III. NGUYÊN NHÂN
Viêm cân gan chân thực sự là một quá trình thoái hóa, với sự tăng sinh nguyên bào sợi, mà không hẳn kèm theo những thay đổi do viêm.
Trong những trường hợp bình thường, cân gan chân hoạt động như một dây cung hấp thụ xóc, hỗ trợ các kiến trúc của bàn chân. Nếu áp lực đè lên dây cung đó trở nên quá lớn, nó có thể tạo ra những vết rách nhỏ. Việc lặp lại nhiều lần thì tổn thương này có thể trở nên bị kích thích hoặc viêm, gây thoái hóa mãn tính.
IV. YẾU TỐ NGUY CƠ
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển viêm cân gan chân bao gồm:
Tuổi: Tuổi cao làm giảm tính linh hoạt của cân gan chân và teo mô mỡ vùng gót chân là 2 yếu tố thoái hóa gây nguy cơ viêm cân gan chân, phổ biến nhất ở độ tuổi 40 - 60, nữ gấp đôi nam.
Béo phì: Trọng lượng dư thừa tạo áp lực trên cân gan chân.
Một số loại hình thể thao: Những vận động lặp lại nhiều lần tạo áp lực trên gót chân và các mô kế cận - như chạy đường dài, khiêu vũ và thể dục nhịp điệu. Khi chạy, trọng lực thẳng đứng tác động lên bàn chân có thể gấp 2-3 lần trọng lượng cơ thể.
Nghề nghiệp: Công nhân nhà máy, giáo viên và những người đi bộ hoặc đứng trên bề mặt cứng, những người thường phải mang vác nặng.
Dị tật bàn chân: Tật bàn chân bẹt (bàn chân phẳng), hay vòm bàn chân quá cao, hay cách đi đứng làm tăng áp lực trên cân gan chân.
V. BIẾN CHỨNG
Viêm cân gan chân gây đau gót chân mãn tính và ảnh hưởng hoạt động thường ngày.
Một số hiếm trường hợp, cân gan chân có thể bị đứt tự nhiên. Nhất là những người có tiền sử điều trị với corticosteroid tiêm.
VI. CHẨN ĐOÁN HÌNH ẢNH
Việc chẩn đoán viêm cân gan chân dựa trên khai thác bệnh sử và khám thực thể thường là đủ.
Các cận lâm sàng thường không cần thiết.
Đôi khi X-quang hoặc MRI có thể được đề nghị để loại trừ các vấn đề khác, chẳng hạn như gãy xương hoặc đau do chèn ép thần kinh.
Có khi X-quang cho thấy gai xương gót chân (heel spur).
Gai gót chân (hay cựa gót chân) là do sự lắng đọng calcium tạo thành mẩu xương nhỏ nhú lên ở mặt dưới của xương gót chân.
Quá trình này xảy ra trong nhiều tháng (> 6 tháng ), do sự kéo căng của cơ và dây chằng vùng chân, cân gan chân, làm rách màng bao xương gót lặp đi lặp lại. Thông thường cân gan chân bị thương tổn sẽ được chữa lành thông qua hoạt động của nguyên bào sợi trong vòng ít nhất sáu tuần. Nếu chấn thương vẫn tồn tại vượt thời gian này, nguyên bào tạo xương được huy động vào khu vực này và kết quả cuối cùng là sự vôi hóa tạo gai xương.
Trước đây, các gai xương thường được qui cho là gây đau gót chân và được phẫu thuật cắt bỏ. Các nghiên cứu thấy rằng gai gót chân xuất hiện ở khoảng 50% bệnh nhân có triệu chứng và 20% bệnh nhân không có triệu chứng đau gót chân. Nhiều bệnh nhân bị viêm cân gan chân không có gai gót chân, và cũng rất nhiều người có gai xương gót mà không đau gót chân. Vì thế, ngày nay người ta cho rằng gai gót chân không phải là nguyên nhân gây ra các triệu chứng của viêm cân gan chân, đúng hơn, nó là hậu quả của tiến trình này; do đó, không cần điều trị hoặc loại bỏ.
Gai gót chân thường dễ thấy trên phim Xquang chụp nghiêng bàn chân.
Phim nên được chụp trong các trường hợp sau:
• Điều trị không phẫu thuật (để loại trừ u hoặc gãy xương).
• Vẫn tồn tại triệu chứng sau 1-2 tháng điều trị bảo tồn.
• Trước khi tiêm corticosteroid.
VII. ĐIỀU TRỊ
Việc điều trị luôn luôn là sự phối hợp giữa thay đổi thói quen đi đứng, giảm cân, nghỉ ngơi, thuốc, vật lý trị liệu làm căng giãn gân/cân và các dụng cụ hỗ trợ.
- Nghỉ ngơi là điều quan trọng để điều trị viêm cân gan chân, đặc biệt đối với cá nhân hoạt động nhiều hoặc những người có công việc đòi hỏi phải đứng.
Thay đổi môn thể thao, chẳng hạn như bơi lội hoặc đi xe đạp, thay vì đi bộ hoặc chạy bộ. Tránh đi đứng quá lâu.
Thay đổi cách đi đứng để giảm thiểu đau do viêm cân gan chân cũng có thể thể giảm thiểu các vấn đề của chân, đầu gối, hông hay cột sống.
- Giảm cân: để giảm thiểu sự đè ép lên cân gan chân.
- Giày có đệm hỗ trợ bàn chân để giảm xóc, gót thấp vừa phải. Đừng đi chân đất, đặc biệt là trên các bề mặt cứng. Tránh đi giày cao gót vì mang giày cao gót trong một thời gian dài thì mô cân gan chân trở nên ngắn hơn. Cơn đau xảy ra khi kéo căng phần cân đã bị ngắn, như khi đi chân không xuống giường vào buổi sáng. Thay giày đã mòn khi không còn tác dụng hỗ trợ và nâng đỡ đôi chân, chọn giày phù hợp. Nên thay giày mới sau khi đi được khoảng 250-500 dặm (400-800 km) để duy trì đệm giày tối ưu. Nên có vài đôi giày để luân phiên thay đổi hàng ngày.
- Chườm đá. hoặc massage đá trên vùng đau 15-20 phút, ba hoặc bốn lần một ngày hoặc sau khi hoạt động.Thường xuyên massage đá có thể giúp giảm đau và viêm.
- Vật lý trị liệu: Kiên trì tập luyện lâu dài và tăng cường các bài tập hoặc sử dụng các thiết bị chuyên dụng có thể làm giảm triệu chứng.
Các động tác làm kéo dài cân gan chân và gân Achilles, tăng cường cơ bắp cẳng chân để ổn định cổ chân và gót chân, phòng ngừa viêm cân gan chân: Giữ trong ít nhất 30 giây và lặp lại 2-3 lần một ngày.
Hình bên trái: Đứng như hình, chân sau thẳng và gót chân chạm đất. Di chuyển hông về phía trước cho đến khi cảm thấy căng ở bắp chân. Đổi chân và lặp lại.
Hình trên bên phải: Khi ngồi, nắm bắt các ngón chân và nhẹ nhàng kéo về phía lưng bàn chân cho đến khi cảm thấy căng bàn chân.
Hình dưới bên phải: Để tăng cường cơ bàn chân, đặt một chiếc khăn trên sàn nhà, lấy ngón chân di chuyển khăn kéo nó về phía bạn. Lặp lại với chân kia.
- Nẹp đêm: đeo nẹp từ bắp chân đến bàn chân khi ngủ (duy trì một góc 90 ° giữa cẳng và bàn chân) để cân gan chân và gân Achilles được kéo dài qua đêm.
Mục tiêu của điều trị viêm cân gan chân là giảm đau và ngăn ngừa biến chứng. Thông dụng nhất là các loại thuốc kháng viêm giảm đau như NSAIDs và corticosteroid.
NSAIDs: 79% bệnh nhân được điều trị thành công với NSAID.
Tác dụng phụ: đau dạ dày, tổn thương thận.
Corticosteroid: uống hoặc tiêm trong giai đoạn cấp hoặc thay thế / phối hợp với NSAIDs.
Tác dụng phụ: đau dạ dày, hội chứng Cushing, teo da, giảm sắc tố da, teo mô mềm, nhiễm trùng, chảy máu.
Tiêm steroid vào gân để giảm đau tạm thời trong cơn cấp tính: Phương pháp này không được khuyến khích vì có thể làm suy yếu cân gan chân, và gây rách đứt gân. Tiêm không đúng cách có thể dẫn đến hoại tử và teo mô mỡ gót chân, làm giảm khả năng hấp thụ xóc của cân gót chân.
- Chỉnh hình bằng các thiết bị hỗ trợ để giúp phân phối áp lực lên chân đều hơn.
- Điều trị sóng xung kích Extracorporeal (Extracorporeal Shock-Wave Therapy: ESWT) vào vùng đau gót chân thường sử dụng cho viêm cân gan chân mãn tính mà không còn đáp ứng với điều trị bảo tồn. Nó có tác dụng kích thích sự lưu thông máu có lợi cho đáp ứng miễn dịch, làm tái tổn thương mô để kích thích lành bệnh, và giảm đau do ức chế các xung động thần kinh.
Thủ thuật này có thể gây ra những vết bầm, sưng, đau, tê hoặc ngứa ran và chưa được chứng minh là có hiệu quả kéo dài.
- Phẫu thuật tách các cân gan chân từ xương gót chân là lựa chọn cuối cùng khi thất bại với các điều trị khác. Rất ít người cần phải thực hiện phương pháp này.
Các tác dụng phụ là suy yếu kiến trúc bàn chân.
- http://emedicine.medscape.com/article/86143-overview
- http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/plantar-fasciitis/basics/definition/con-20025664
- http://www.hopkinsmedicine.org/healthlibrary/conditions/orthopaedic_disorders/foot_pain_and_problems_85,P00914/