nha ban quan tan binh | mua nha quan tan binh

Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

KÝ SỰ HOA KỲ 3: GIẢI QUYẾT NHỮNG BẤT CẬP

Bài đọc liên quan:

Cũng như mọi quốc gia khác trên toàn cầu, Hoa Kỳ cũng có những bất cập của loài người tồn tại từ 1776 đến nay. Nếu những quốc gia nhược tiểu có cái bất cập của xứ hoang dã, hạ đẳng của loài động vật gần như bậc thấp, thì Hoa Kỳ có những bất cập của quốc gia đại ca toàn cầu.

Bất cập lớn nhất và có tính bản chất của Hoa Kỳ là thể chế của Hoa Kỳ luôn phải thúc đẩy toàn dân Hoa Kỳ trong tư thế chủ động để làm đại ca toàn cầu. Từ bất cập này, công dân Hoa Kỳ như một cái máy làm việc cật lực, ăn chơi hết mình, và luôn tiên phong trong mọi sáng tạo.

Câu chuyện bất cập của Hoa Kỳ luôn phải tiên phong trong mọi sáng tạo thì ai cũng rõ. Vì từ khoa học xã hội đến khoa học tự nhiên hầu hết mọi phát minh, phát kiến được trao giải Nobel hằng năm thì Hoa Kỳ luôn chiếm phần đông. Ngoài ra, ngay cả giải Nobel cho những khoa học gia ngoài Hoa Kỳ, thì phần đông họ cũng phải làm việc, nghiên cứu tại Hoa Kỳ. Hơn nữa, ngay những phát kiến, phát minh phục vụ cho thực tế cuộc sống hầu hết cũng có nguôn gốc xuất xứ từ Hoa Kỳ. Ví dụ, Bill Gates với hệ điều hành Microsoft mở một cửa sổ cho nhân loại nhìn ra toàn cầu; Steve Jobs với sự khiêm nhường chỉ xin cắn 1 phần quả táo toàn cầu, nhưng máy tính cá nhân, Ipad, Iphone đã làm thay đổi cả thế giới; v.v... Thế giới còn lại hầu như mua bảng quyền hoặc ăn cắp sao chép từ Hoa Kỳ.

Động lực làm đại ca toàn cầu, để giữ ngôi vị siêu cường số 1 toàn cầu của Hoa Kỳ là một thúc bách lớn làm người dân Hoa Kỳ luôn phải năng động và cật lực trong cuộc mưu sinh. Nhưng để động lực ấy được truyền từ thể chế chính trị xuống đến người dân, mà người dân cảm thấy nó là một niềm hứng khởi để làm việc hết mình, để sống chết vì lý tưởng tự do là một nghệ thuật mà các chính khách phải vắt óc để đưa ra chính sách hợp lý và khoa học.

Nơi Alejandro - một binh lính viễn chinh của Hoa Kỳ tại Iraq - nằm cũng chính là nơi các tướng lĩnh Hải quân Hoa Kỳ cùng nằm tại Nghĩa trang Nghĩa tử Quốc gia California. Ở đó là mảnh đất vàng đẹp nhất Hoa Kỳ và California nằm ở vịnh Cabrillo. Ở đó không phân biệt cấp bậc và chủng tộc.

Ngày 18/02/2014, tôi được người bạn đưa đi thăm San Diego - thủ phủ của căn cứ hải quân Hoa Kỳ trên toàn cầu. Ở đây tôi đã rơi nước mắt trước tấm bia mộ của chàng trai trẻ có tên Alejandro A. Dominguez. Anh đã nằm xuống ở tuổi 25 tại chiến trường Iraq, với lời âu yếm của bậc sinh thành trên bia mộ: "Ta sẽ luôn yêu mến con, con trai bé bỏng - I will always love you baby!" Nơi Alejandro nằm là nơi mà cả tướng lĩnh và đô đốc cùng nằm. Không có sự phân biệt thứ hạng, cấp bậc trong quân ngũ khi còn sống. Nơi Alejuandro nằm là nơi đất vàng, đẹp nhất của tiểu bang California!

Tại sao ở tuổi thanh niên phơi phới của một công dân số 1 toàn cầu, đang ở thời vàng son, mộng mơ, yêu đương vẫn còn mài đủng quần trên ghế nhà trường như Alejandro, lại tự nguyện đi đến vùng đất mà, chưa có một ngày ân oán với đời mình để hy sinh cho một dân tộc khác một cách tự nguyện?

Cũng như tại sao nhà giàu ở Hoa Kỳ sau khi về hưu thì di chúc lại tài sản hiến cho quốc gia, trường học, cộng đồng. Nhưng điều đó chưa bao giờ xảy ra ở những quốc gia nhược tiểu luôn tự sướng và cho rằng mình là quốc gia hạnh phúc nhất toàn cầu?

Tại sao người dân Hoa Kỳ luôn phải sắp xếp thời gian mợt cách chi ly cả năm từ khi còn là học sinh tiểu học, trong cuộc sống đầy đặc những công việc, nhưng họ vẫn sống trung thực, theo pháp luật, vui vẻ đóng thuế rất cao cho tương lai của thế hệ sau và cho bản thân mình. Nhưng ở các quốc gia nhược tiểu luôn tự sướng cho mình là xứ thiên đàng lại lắm lừa dối và gian manh?

Tại sao người dân Hoa Kỳ chấp nhận đóng thuế thổ trạch cho mảnh đất có căn nhà được quyền sở hữu của mình, nhưng ở những quốc gia tự sướng, và tự cho mình là thiên đường - như Việt Nam - hiện vẫn chưa có việc đóng thuế thổ trạch trên mảnh đất có căn nhà, mà dân chỉ được quyền sử dụng mà không được quyền sở hữu?

Có rất nhiều câu hỏi tại sao cho những bất cập ở Hoa Kỳ. Nhưng những bất cập ấy lại là động lực để người công dân Hoa Kỳ biến nó thành sức mạnh cho tiềm năng vô hạn của mình để thực hiện nhiệm vụ vinh quan cai quản toàn cầu của họ. Trong khi đó, những bất cập ở các quốc gia nhược tiểu - như Việt Nam - nó lại là trở lực ngăn cản sự tiến bộ và văn minh. Đó là nhiện vụ của một thể chế chính trị làm nên.

Tôi còn nhớ bài phát biểu của cựu Tổng thống Bill Clinton năm 2000 tại Hà Nội, Vào WTO là nhập vào với cơn bão tố và sóng dữ, nhưng nếu biết cách biến sóng dữ và gió to của bão tố thành năng lượng điện để dùng thì WTO sẽ là cơ hội, mà không còn là nguy cơ nguy hiểm. Đó là nhiệm vụ của chính trị, vì chính trị là nghệ thuật của sự có thể.

Không có quốc gia nào không có bất cập. Mọi bất cập do chính con người gây ra. Vấn đề là một thể chế xã hội tốt là thể chế biết biến những bất cập và trở ngại ấy thành thuận lợi và nhân bản. Đó là nhiệm vụ của chính trị - nghệ thuật của sự có thể. 

Đừng lừa dối, mà hãy làm tròn trách nhiệm của mình ở mọi vị trí xã hội, thì sẽ không trở thành quốc gia nhược tiểu và dân tộc đớn hèn. Đó là cách mà Hoa Kỳ đưa thông điệp đến toàn cầu trong cách giải quyết những bất cập của xã hội loài người.

Asia Clinic, 18h46; ngày thứ Hai, 24/02/2014

Mời đọc tiếp: Ký sự Hoa Kỳ 4: Vì dân, do dân và của dân

Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2014

KÝ SỰ HOA KỲ 2: SỰ KHÁC BIỆT CỦA HOA KỲ

Bài đọc liên quan:

Nói về sự khác biệt của Hoa Kỳ với thế giới còn lại thì nói cả năm không hết. Muốn nắm bắt sự khác biệt của Hoa Kỳ thì phải nắm từ bản chất của vấn đề, mà vấn đề cốt lõi ở đây là: đã là công dân của Hoa Kỳ thì sẽ là công dân số 1 toàn cầu. Tôi làm hồ sơ nhập cảnh Hoa Kỳ bắt đầu lúc 13h15' ngày 12/02/2014 theo giờ Los Angeles - tức khoảng 20h15' ngày 13/02/2014 giờ Việt Nam. Dù chỉ là một cửa khẩu quốc tế trong hàng chục cửa khẩu tương tự, nhưng chỉ buổi chiều hôm ấy có đến hàng trăm công dân từ các quốc gia trên toàn cầu từ Việt Nam, Trung Hoa, Trung Đông, Bắc Phi đến các quốc gia Đông Âu, và Tây Âu như, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Đức, Anh, Israel, đến cả Thụy Sỹ, Đan Mạch, v.v... Chiều hôm đó có đến 56 quốc gia có công dân xin thị thực nhập cư Hoa Kỳ tại cửa khẩu phi trường Los Angeles!

Ngay từ khi đến sân bay quốc tế Los Angeles là văn hóa sống theo kỹ luật và pháp luật đã dạy cho tất cả mọi người một bài học: văn hóa xếp hàng, và chờ cho đến lượt mình, không phân biệt màu da, sắc tộc và chức vụ của bất kỳ ai. Hôm đó, có một gia đình của một viên chức làm việc cho chính phủ Mỹ, người Hoa Kỳ lấy vợ và sinh con gốc Ấn Độ. Ông bảo lãnh cho vợ con ông nhập cư, nên ông đích thân ra làm thủ tục cho vợ con ông, nhưng chính vợ con ông ta cũng phải xếp hàng đúng thứ tự như mọi người!

Dân nhập cư xếp hàng trước tòa nhà chính phủ của Hạt Los Angeles để chờ đến lượt mình vào làm thẻ và lấy số an sinh xã hội sáng ngày 13/02/2014 

Hôm sau đi đăng ký số an sinh xã hội - Social Security Number - cũng thế, ai đến trước vào trước, ai đến sau vào sau. Nhưng có một sự công bằng là, người già đi xe lăn và trẻ con thì được ưu tiên trước.

Văn hóa khác biệt làm nên một Hoa Kỳ khác biệt

Hoa Kỳ là một Hiệp Chủng Quốc với hầu hết các dân tộc toàn cầu tụ hội về đây tìm cho mình một tương lai. Trên cơ sở đó, nếu thể chế Hoa Kỳ không khác biệt và khoa học thì khó mlo2ng tạo nên một xã hội ổn định, phát triển hùng cường và trở thành siêu cường số 1 toàn cầu vào năm 1944, chỉ sau 168 năm lập quốc.

Nhưng sự khác biệt văn hóa đó đã làm nên một sự khác biệt lớn nhất của Hoa Kỳ so với thế giới còn lại là cơ sở hạ tầng - infrastructure - của nước Mỹ. Chữ cơ sở hạ tầng ở đây là một nghĩa đầy đủ của một hệ thống chính quyền từ cơ sở vật chất cơ bản, dịch vụ, và thiết lập những thành tố cần thiết cho sự hoạt động của một cộng đồng hay xã hội, chẳng hạn như giao thông vận tải và các hệ thống thông tin liên lạc, nước và đường dây điện, và các tổ chức công cộng như trường học, bưu điện, và nhà tù. 

Từ thập niên 1950s, TT Eisenhower đã đưa ra dự án lớn về cơ sở hạ tầng cho toàn bộ Hoa Kỳ. Trong đó, bắt đầu xây dựng xa lộ trong tiểu bang(Freeway) và xuyên bang (Interstate Highway) vì họ biết cơ sở hạ tầng như loại xa lộ này là cực quan trọng cho xự phát triển kinh tế.

Có câu chuyện vui nhưng là thực, khi anh em đi với nhau trên Freeway 10. Hôm ấy giờ tan tầm xa lộ 10 bị "kẹt xe", anh bạn đưa chúng tôi đi chơi với tốc độ 35 miles/h. Anh ta buộc miệng, tiên sư nó California, kẹt xe là chuyện thường ngày ở huyện. Mình thấy lạ, mình bảo, xe chạy hơn 50km/h mà kẹt gì cha nội? Anh ta bảo, xa lộ cho phép chạy 70miles/h, mình chỉ chạy được một nửa tốc độ là kẹt chứ còn gì ông anh? Khái niệm kẹt xe ở Mỹ không phải là kẹt cứng ngắt, đứng yên một chỗ như ở Việt Nam, ông anh ơi!

Ở các xa lộ xuyên bang - Interstate - cứ 1 mile là có 1 call box dành cho người đi đường gặp chuyện bất trắc có cái để gọi 911 không tốn tiền.

Ai muốn hiểu sự vĩ đại của Hoa Kỳ thì hãy đi hết những xa lộ tiểu bang và xa lộ liên bang trong toàn nước Mỹ. Ở các xa lộ xuyên bang - Interstate - cứ 1 mile là có 1 call box dành cho người đi đường gặp chuyện bất trắc có cái để gọi 911 không tốn tiền. Khi công nghệ viễn thông không dây và Ipad và Iphone của Steve Jobs ra đời chính phủ Mỹ đang lo dự án nhổ bỏ toàn bộ các cây điện thoại công cộng này. Nhưng trên free way và interstate Highway cứ 40miles lại có 1 rest area - nhà đi giải quyết những gì tồn đọng cho khách lữ hành. Nhiều Rest Areas này lại còn có cả phòng tắm đứng nữa để những chàng tài xế xe tải đường trường ghé nghỉ/ngủ.

Nhưng vấn đề ở cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ không chỉ là hệ thống xa lộ tiểu bang và xuyên bang. Nó còn là quy hoạch đô thị. Nói chuyện với một chuyên gia chuyên đầu tư bất động sản thì mới rõ, ở California, xin giấy phép xây dựng một căn nhà phải mất thời gian trung bình 8 tháng. Nhưng xin xây dựng từ 2 căn nhà trở lên tại một khu nhà ở thì phải mất thời gian trung bình 4 năm, dù 2 căn hay 30 căn cũng chừng ấy thời gian. Vì sao? Vì phải làm dự án điện, nước, cống rảnh, đường xá, v.v... cho phù hợp với thành phố mà anh muốn xây nhà trình lên chính phủ thành phố. Sau khi chính phủ phê duyệt, chính phủ sẽ trình với dân chúng trong thành phố, có những đại diện thành phố góp ý kiến, bảo sửa chỗ này, di dời chỗ kia, không được chặt cây này, phải trồng cây mới, diện tích dành cho sân vườn, cây cảnh, gần chợ siêu thị, trường học cho trẻ em, bệnh viện cho mọi người, v.v... phải đúng với tiêu chuẩn. Sau đó nhà đầu tư mang hồ sơ về chỉnh sửa theo ý dân và ý của chính quyền thì hồ sơ mới được thông qua.

Cổng vào phía Tây khu Bel Air trên đại lộ Sunset - khu của giới thượng lưu trong đồi Beverly Hills. Hai bên là 2 cổng gác an ninh có camera quan sát và ghi hình cho khu Bel Air

Cái văn hóa duy lý của Hoa Kỳ quan niệm nhà ở là nơi để nghỉ dưỡng, và phục hồi sức lao động sau những giờ làm việc cực nhọc. Đó là sự khác biệt lớn với văn hóa duy tình xứ Á Đông, nhà ở cũng là nơi mua bán làm ra lợi nhuận.

Nhà ở Hoa Kỳ đắt rẻ tùy theo thành phố, đường phố yên tỉnh hay náo nhiệt. Thành phố có giá trị tùy theo trường học, bệnh viện, siêu thị, và tầng lớp dân chúng cư ngụ. Khu vực nhà ở luôn đắt tiền và an toàn nhất ở mọi tiểu bang của Hoa Kỳ là khu làng của những trường đại học. Trường đại học càng lớn và danh tiếng thì thành phố ở đó nhà cửa cũng đắt đỏ theo.

Nhà ở chỉ dùng để ở, không được dùng để kinh doanh và làm ăn. Nhà càng đắt khi càng yên tỉnh, vì nhà nào cũng ở mặt tiền đường nội địa. Nên càng ở mặt tiền đường càng lớn thì nhà có giá càng rẻ, do ồn ào có nhiều xe chạy qua. Nhà ở khu vực có nhiều giống dân có tầng lớp thấp thì càng mất giá. 

 Một căn biệt thự ở khu Bel Air thuộc Beverly Hills, với con đường quanh co nhỏ hẹp ở phía trước trị giá 12.5 triệu đô la thời giá 2006, mà nó có chủ nhân là diễn viên Sharon Stone trong phim Bản Năng Gốc - Basic Instinct.

Nhà ở góc ngã tư đường thì rẻ hơn nhà ở giữa đường. Ngược lại thuê hoặc mua một căn khu buôn bán góc ngã tư đường thì đắt hơn khu buôn bán ở giữa đường.

Cũng một câu chuyện vui khác, khi trên đường rong rủi, anh bạn đưa chúng tôi đi thăm khu trung tâm phố Beverly Hills dành cho dân trọc phú điện ảnh Hollywood, nói rằng, khu Bel Air đường rất hẹp, chỉ 2 làn xe đủ để 2 xe đi ngược chiều nhau, nhưng đắt nhất và quý phái nhất của Beverly Hiils. Quả thật, vào Bel Air đường thì hẹp, lại quanh co khúc khuỷu, nhưng nhà thì cây cối um tùm, kín cổng cao tường, ở trên, hoặc trong những quả đồi nho nhỏ, chỉ nghe thấy tiếng chim hót và một không khí yên bình. Đâu đó, có những nhân viên an ninh được thuê từ các hãng tư nhân đứng gác trên đường, hoặc bên trong những tòa nhà ở Beverly Hills hoặc của Bel Air.

Do quy hoạch cho cơ sở hạ tầng tốt, nên khu làm ăn buôn bán riêng biệt với khu nhà ở. Hầu hết những khu nhà làm ăn buôn bán là do các tập đoàn lớn mua và xây dựng, rồi cho thuê người khác kinh doanh, hoặc làm văn phòng đại diện. Một số khu là sở hữu chủ của những người sinh cơ lập nghiệp ở địa phương ngay từ đầu khu phố còn đất trống. Đại lộ Hollywood là một con đường nhỏ, với quy hoạch cho trung tâm điện ảnh. Khu Phúc Lộc Thọ ở phố Bolsa là trung tâm mua bán của người Việt tại thành phố Wesminster thuộc Quận Cam, v.v... Song những khu nhà ở thì tách biệt hoàn toàn với những khu thị tứ như thế này.

Kết

Cái văn hóa duy lý đến tận cùng đã làm nên Hoa Kỳ có một sự khác biệt trong quy hoạch cơ sở hạ tầng xã hội. Và cũng chính cái văn hóa duy lý này cũng làm nên một nền giáo dục khác biệt, luôn đi đầu trong xét tuyển nhân tài cho việc dạy, việc học và làm việc. Nền văn hóa đó đã đẩy Hoa Kỳ trở thành siêu cường số 1 toàn cầu từ 70 năm qua, mà có lẽ trong một thế kỷ tới chưa có bất kỳ quốc gia nào có thể soán ngôi được Hoa Kỳ. Đó là điều mà các quốc gia có thân phận nhược tiểu cần phải suy nghĩ cho một tương lai sáng lạn, chứ không phải bằng những câu khẩu hiệu hứa hảo của các chính khách dối trời, lừa dân.

Asia Clinic, 15h06' Chúa nhựt, 23/02/2014

Bài đọc tiếp theo: Ký sự Hoa Kỳ 3: Giải quyết những bất cập

Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

KÝ SỰ HOA KỲ 1: NGƯỜI VIỆT VÀ HOA KỲ

Bao giờ cũng vậy, một sự việc luôn có 2 mặt của nó, như tế ông thất mã. Sau 30/4/1975, nếu nhìn ở mặt tiêu cực thi đây là lần di dân lớn nhất và nhục nhã nhất lịch sử nước Việt, khi người Việt cai trị dân mình, mà dân mình phải bỏ tổ quốc ra đi. Nhưng nếu nhìn ở mặt tích cực, thì đây là lần mà người Việt chứng tỏ với thế giới, dân tộc ta có mặt trên toàn cầu. Trong cuộc chơi đó, có nhiều nỗi vui, và niềm đau. Đó là những bất cập của cuộc đời. Sau 1 tuần bươn trải ở 3 thành phố lớn: Los Angeles, San Diego và Las Vegas như con thoi, tôi xin trải lòng với các thế hệ tương lai trong loạt bài ký sự Hoa Kỳ, hòng có cái nhìn thực tế và chuẩn bị hành trang khi các bạn trẻ muốn trở thành công dân toàn cầu, và có một tương lai tốt, dù sống ở bất cứ nơi đâu trên quả đất này.

Bên bức tường của các mạnh thường quân đóng góp xây dựng UCLA - University of California, Los Angels - mà họ là những sinh viên cũ của trường quay về làm cho trường ngày một hùng cường và lớn mạnh hơn. Ảnh của tác giả vào 7h sáng ngày 19/02/2014.

Thành công và thất bại

Tất cả những người tha phương cầu thực, cầu danh vọng ở Hoa Kỳ mà tôi gặp trực tiếp tâm sự, hoặc gián tiếp qua điện thoại đều có một mẫu số chung là: thành công dù ở bất cứ lứa tuổi nào đều hội nhập tốt với đất nước này. Những ai thất bại hay còn long đong đều có một mẫu số chung là, khó hoặc không thể hội nhập vì còn mang trong đầu tư duy sĩ diện, cái tôi quá lớn do văn hóa làng xã, tiểu nông gắn chặt trong tâm thức của họ.

Có những kỹ sư, bác sỹ biết bỏ cái tôi, hoặc học lại từ đầu để làm việc, hoặc học một bằng cấp thấp hơn để làm việc. Tất cả họ đều có gia đình hạnh phúc, công ăn việc làm đảm bảo đời sống tốt và một tương lai tốt đẹp cho thế hệ thứ hai.

Song những trí thức nửa mùa, vì quá quan trọng quá khứ một thời, họ không chịu từ bỏ vinh quang của quá khứ, họ lặn ngụp với cuộc sống hằng ngày chật vật, dù có sự chở che của dòng họ, gia đình, thì bản thân họ đầy bất trắc, nhưng thế hệ thứ hai của họ cũng đầy vinh quang. 

Dù thành công, hay thất bại thì có một điều chắc chắn với những người Việt Nam ở Hoa Kỳ đều có một kết quả chung là, thế hệ thứ hai đều thành đạt ngoài mong muốn. Có hàng chục đến hàng trăm trẻ ngày nào ở Việt Nam đã từng khó khổ mà tôi biết được, không biết có thể bước vào đại học lớn của Việt Nam hay không, thì bây giờ, các cháu hiển nhiên lấy học bổng toàn phần ở Harvard hay Stanford một cách đàng hoàng, và tương lai một vài năm tới là bác sỹ, dược sỹ rất đỉnh đạt đường hoàng.

Tôi vô cùng xúc động khi tiếp xúc với một bà mẹ phải đi làm tiếp viên quán phở suốt 10 năm liền, để nuôi 5 đứa con ăn học, và ngày nay chúng đã thành bác sỹ, kỹ sư, mà ước mớ đó, người Mẹ tần tảo này, dù ngày xưa ở Việt Nam chị ta thuộc tầng lớp giàu có, vẫn không mơ được con mình sẽ vào đại học! chị tâm sự với tôi trong nước mắt của sung sướng và hạnh phúc rằng: "Giờ chị chết cũng mãn nguyện Hải ơi!". Chị em cùng khóc trong hạnh phúc, dù hạnh phúc đó được trả giá bằng khổ cực ở xứ người.

Tùy hoàn cảnh, tùy tầng lớp lúc ra đi, và tùy tư thế, tâm thế khi đến Hoa Kỳ mà mỗi gia đình có một mức độ thành công khác nhau. Đặc biệt, thế hệ 1.5 ra đi nếu, không còn đường lùi và biết dẹp bỏ quá khứ giàu sang, danh vọng thì hầu hết thành công, có nhà cửa, vợ con đuề huề. Nhưng nếu, không biết dẹp bỏ quá khứ vinh quang thì tổ ấm gia đình hầu như tan vỡ.

Cái tự do của Hoa Kỳ như cái súng trao cho người phụ nữ Việt, mà ở đó, người phụ nữ Việt như một đứa bé chưa biết dùng súng. Họ bóp cò và vết thương gia đình rỉ máu, khi người đàn ông thế hệ 1.5 không sống với thực tế của cuộc đời, mà mãi ôm quá khứ mộng mơ. Nhưng miền đất mà thì giờ được tính bằng tiền bạc này lại không làm chết đi thế hệ thứ 2, mà tạo ra những thế hệ thành công ngoài sức mong đợi, dù thế hệ 1.5 có tan vỡ. Đó là điều khác biệt tốt đẹp cần ghi nhận.

Tình người

Dù ở đâu thì người Việt vẫn vậy. Đây là ghi nhận thấm thía mà tôi đã trải qua trong một tuần ở Hoa Kỳ. Nó làm đọng lại trong tôi những niềm yêu thương quý trọng và nỗi đau của văn hóa duy tình, mà người Việt chưa xóa bỏ được.

Có những người tiếng tăm lừng lẫy trong quá khứ cũng như hiện tại, họ có những lời hứa tốt đẹp, nhưng có cánh và biến mất khi tôi đến Hoa Kỳ, chỉ vì tiếng tăm đó không có thực khi họ đang ở Hoa Kỳ. Họ làm tôi buồn cho thân phận nhược tiểu với cái văn hóa duy tình!

Nhưng ngoài sự chăm lo hết mình của người trong gia đình, còn có những người bạn thầm lặng. Họ không tiếng tăm, họ đến Hoa Kỳ bằng đôi bàn tay trắng. Họ cật lực mưu sinh và họ trụ được ở Hoa Kỳ bằng sức của mình. Họ sống rất tình người ấm áp yêu thương và đùm bọc. Những con người này đã giúp tôi đến nỗi, tôi có một thời khóa biểu lấp đầy trong chỉ 7 ngày cưỡi ngựa xem hoa, nhưng ghi nhận được bản chất của cộng đồng Việt tại Hoa Kỳ. Những Henry ngày nào là sinh viên y khoa bỏ dở ra đi, những Gavin đến đất Mỹ chật vật mưu sinh, những Khiêm, v.v... cũng tần tảo để hôm nay, tất cả họ có gia đình, nhà cửa đàng hoàng bằng tiềm lực vô biên của chính mình, quả thật đáng yêu và đáng tự hào. Tôi kính trọng và yêu các bạn suốt cuộc đời này, vì các bạn đã làm tôi ấm lòng đến bất ngờ!

Kết

Dù thành công hay thất bại ở thế hệ 1.5, thì thế hệ 2.0 của người Việt đều thành công. Đó là điều đọng lại cho mỗi chúng ta cần suy nghĩ.

Muốn thành công ở Hoa Kỳ dù bất kỳ ai, già, trẻ, trai, gái đều phải vứt bỏ cái văn hóa duy tình, hội nhập với cuộc sống. Không thể ôm quá khứ oai hùng để tính chuyện đội đá vá trời.

Đoạn phim ngắn quay ở quảng trường trung tâm của UCLA - University of California, Los Angeles của tác giả lúc 9h sáng ngày 19/02/2014.

Đến thăm UCLA - University of California, Los Angeles - đứng bên bức tường ghi tên những đóng góp cho trường của các thế hệ đã từng học ở đây, tôi mới nhận ra sự thành công của một thể chế xã hội như thế nào? Có 4 mức độ đánh giá sự thành công của một thể chế xã hội. 

Ở mức thấp nhất, thì thể chế chỉ có thể ổn định xã hội, mà không lo được dân có cơm ăn, áo mặc. Ở mức trung bình, thể chế chính trị vừa lo được ổn định xã hội, và vừa lo cho dân có cơm ăn, áo mặc. Ở mức độ khá, thể chế chính trị lo được ổn định xã hội và người dân không còn lo chuyện cơm ăn, áo mặc, mà còn tính chuyện tiêu khiển ở cuộc đời đầy bất trắc. Hoa Kỳ là quốc gia đã đưa được người dân ở mức cao nhất, chẳng những ổn định xã hội, mà còn cho người dân ngoài việc tiêu khiển, ăn chơi, còn làm được việc lớn cho cộng đồng. Cho nên Hoa Kỳ mới có những Bill Gates, Steve Jobs, Mark Zuckerberg, v.v... sau khi làm giàu, quay lại giúp trường đại học, giúp thế giới cùng khổ ở Phi Châu. Không chỉ một Bill Gates, mà Hoa Kỳ còn có nhiều những con người như Bill Gates, ít nhiều, và họ đã làm nên những đại học đứng đầu toàn cầu cũng từ sự thành công của thể chế xã hội mà họ đã tạo ra.

Biết đến khi nào đất nước Việt có được những thế hệ biết chăm lo cho cộng đồng bằng một tâm thế và nhân cách đáng kính trọng, là một câu hỏi lớn, mà mỗi chúng ta phải suy nghĩ. Vì chỉ có thế thì nước Việt mới hùng cường.

Tư Gia, 15h58' ngày thứ Sáu, 21/02/2014

Bái đọc tiếp theo: Ký sự Hoa Kỳ 2: Sự khác biệt của Hoa Kỳ

Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014

HỒ SƠ HỌC BỔNG ĐẠI HỌC HOA KỲ PHẢI NHƯ THẾ NÀO LÀ TỐT?

Bài đọc liên quan:
+ Essay là sự khác biệt
+ Tổng kết học bổng đại học Mỹ
+ Một số khái niệm học bổng bậc đại học Mỹ

Khai bút đầu xuân Giáp Ngọ bằng một bài học bổng đại học Hoa Kỳ là điều may mắn cho bản thân và cộng đồng.

Cứ tưởng xét tuyển vào đại học như Hoa Kỳ là không tốt, và nó là cái gốc để tham nhũng trong giáo dục. Nhưng khác với các nền giáo dục thi tuyển như Việt Nam, xét tuyển ở đại học Hoa Kỳ lại là rất văn minh, và không bao giờ có chuyện tham nhũng xảy ra, mà còn là mô hình cho hầu hết các nền giáo dục khác trên toàn cầu noi theo trong hơn nửa thế kỷ qua.

Như vậy, tại sao việc xét tuyển vào đại học Hoa Kỳ lại là hình mẫu, khuôn vàng thước ngọc để thế giới đi theo? Vì tuy xét tuyển, nhưng để một thí sinh hoàn thành bộ hồ sơ để được nhận vào học - chưa kể đến những kỳ thi bắt buộc dành cho du sinh như Toefl, SAT hay ACT - thì có khối việc mà một thí sinh phải gồng mình để đạt được nó.

Có 16 yếu tố mà một thí sinh là học sinh bản xứ nói tiếng Anh cần phải hoàn tất cho bộ hồ sơ của mình như sau:

1. Academic GPA: Điểm trung bình
2. Interview: Phỏng vấn
3. Recommendations: Những thư giới thiệu từ thầy cô 
4. Rigor of secondary school record: Độ khó của các môn học ở trung học
5. Application Essay: Bài luận nhập học
6. Character/Personal Qualities: Nhân cách đặc trưng
7. Extracurricular Activities: Những hoạt động ngoại khóa
8. Level of Applicant's Interest: Mức độ quan trọng của thí sinh đối với nhà trường
9. Talent/Ability: Tài năng
10. Alumni Relation: Liên lạc với các lớp đàn anh ở trường
11. Class Rank: Xếp hạng trong khối lớp 12.
12. First generation college student: Thế hệ ông bà, cha mẹ, anh chị của thí sinh đã từng có học tại trường
13. Geographical Residence: Thường trú nhân tại tiểu bang của trường
14. Standardized Test Scores(SAT): Kỳ thi chuẩn hóa quốc gia để nhập học đại học Hoa Kỳ
15. Volunteer Work: Việc làm công quả tình nguyện của thí sinh trong thời phổ thông
16. Work Experience: Kinh nghiệm làm việc của thí sinh trong các hội đoàn thời phổ thông.

Ai chưa rõ từng yếu tố trên thì, để cắt nghĩa từng yếu tố bạn đọc muốn hiểu, tôi sẽ trả lời và giải thích ở phần bàn luận. Ở đây tôi cần nhắc đến một yếu tố cực kỳ quan trọng cho du học sinh, nếu chưa học đủ 4 năm trung học Hoa Kỳ - trung học của Hoa Kỳ từ lớp 9 đến lớp 12 - thì bắt buộc phải thi Toefl là bài thi tiếng Anh dành cho người nói tiếng Anh như là một ngoại ngữ. Toefl - Test of English as a Foreign Language - quan trọng hơn cả SAT. Nếu SAT - Standard Admission Test: Cuộc thi chuẩn hóa quốc gia để nhập học đại học Hoa Kỳ - là để đánh giá mức độ thông minh của thí sinh, vì hầu hết những câu hỏi ở SAT là sử dụng trí thông minh hơn là kiến thức trường phổ thông trung học mà thí sinh được học, thì Toefl là yếu tố cực kỳ quan trọng để du sinh có đủ khả năng học ở bậc đại học Hoa Kỳ hay không? Cho nên, dù du sinh có thông minh đến đâu, hay các yếu tố khác đầy mề đay, bảng vàng, mà không nghe, nói, đọc và viết được bằng tiếng Anh trôi chảy thì thí sinh đó đừng hy vọng được nhập học, chứ đừng nói đến nhận học bổng đại học Hoa Kỳ! 

Hay nói cách khác, Toefl quan trọng hơn SAT cho du học sinh trong bộ hồ sơ nhập học. Dĩ nhiên, cả 2 đều tốt thì hoàn hảo, nhưng không phải là tất cả. Vậy thì cái gì làm nên một bộ hồ sơ tốt để có học bổng?

Những yếu tố quan tâm khi làm hồ sơ nhập học của Harvard University

Có một đặc điểm về cái gọi là chiến lược tuyển sinh các đại học ở Hoa Kỳ trên College Board mà ít thí sinh nào quan tâm. Trong chiến lực tuyển sinh thì các trường mà họ có thể phân làm 1, 2, hay 3 nhóm quan tâm đến hồ sơ của thí sinh. Thường các trường nổi tiếng hàng đầu như các Ivy League thì chia làm 1 hay 2 nhóm yếu tố. Ví dụ như Harvard College thì chỉ 1 nhóm considered(quan tâm). Vì nó là trường danh giá hàng đầu thế giới, hằng năm hồ sơ của thí sinh nộp về hàng chục ngàn từ khắp nơi trên toàn cầu, nhưng chỉ 6% được nhập học, và con số cho học bổng cũng giới hạn tối thiểu cho từng quốc gia chỉ 1 hoặc 2 thí sinh thậm chí là không có thí sinh nào vì kinh phí tài trợ. Nhưng với Yale University thì các yếu tố này được chia làm 2 nhóm: Very important và considered.(rất quan trọng và quan tâm)

Những yếu tố rất quan trọng và quan tâm khi làm hồ sơ nhập học trong chiến lược tuyển sinh của Yale University

Trong khi đó, những trường có xếp hạng ở top 100 hoặc hơn thì thường chia các yếu tố trên làm 3 nhóm. Ví dụ như Lake Forest College thì chia 16 yếu tố trên thành: very important, important và considered(rất quan trọng, quan trọng và quan tâm)

Những yếu tố rất quan trọng, quan trọng và quan tâm khi làm hồ sơ nhập học trong chiến lược tuyển sinh của Lake Forest College

Qua những khảo sát trên, chúng ta thấy, ngoại trừ ở các trường chỉ đưa ra một loạt yếu tố quan tâm thì thí sinh phải hoàn thiện tất cả các yếu tố đó. Ví dụ như Harvard có 15 yếu tố, mà không xem nặng nhẹ yếu tố nào. Lúc đó, essay và talent là sự khác biệt. Vì hầu hết những thí sinh vào Harvard các yếu tố là như nhau.

Trong khi đó, đối với Yale University thì chia làm 2 loại rất quan trọng, thì thí sinh cần đặc biệt chú tâm vào những yếu tố này để tạo sự khác biệt hơn các thí sinh khác cùng trình độ tương đương.

Và đối với các trường chia 16 yếu tố này làm 3 mức độ khác nhau thì có nhiều sự chọn lựa cho cả hội đồng xét tuyển cũng như thí sinh. Dĩ nhiên thí sinh phải xem xét các yếu tố cực quan trọng của mình có phù hợp yêu cầu của trường không là ưu tiên hàng đầu. Sau đó, là các yếu tố quan trọng, rồi mới đến các yếu tố quan tâm. 

Sự bù trừ của yếu tố này cho yếu tố khác sẽ giúp hồ sơ thí sinh được hội đồng xét tuyển quan tâm và châm chước. Nhưng bao giờ cũng vậy, một cuộc xét tuyển của bất kỳ trường đại học nào cũng phải trải qua 3 vòng sau đây.

Vòng sơ tuyển các trường luôn có phần mềm đưa vào tất cả những yếu tố trên gọi là tiêu chuẩn. Tất cả các hồ sơ sẽ được nhập vào hệ thống đã được cài đặt tiêu chuẩn thanh lọc bằng máy. 

Vòng thứ hai là đưa về từng ngành, ở đó, hội đồng khoa sẽ xét từng hồ sơ. Lúc này các yếu tố sẽ được đọc và so sánh từng hồ sơ thí sinh để chọn ra những ai được nhập học theo chiến lược xét tuyển của từng trường, khoa mà thí sinh làm hồ sơ nhập học.

Vòng cuối cùng là hội đồng khoa và nhà trường gồm những người quyết định về tài chính hoạt động nhà trường, họ sẽ ngồi với nhau tìm ra những hồ sơ khác biệt, và xuất sắc theo chiến lược tuyển sinh của khoa, trường để cho học bổng theo những kê khai tài chính của từng thí sinh. Đây là vòng quyết định ai sẽ quán quân với học bổng toàn phần, ai sẽ nhận bán phần. Tùy theo tài chính nhà trường và khoa ngành mà mức độ học bổng sẽ khác nhau, và loại học bổng khác nhau - chỉ 1 năm rồi cập nhật lại từng năm hay cả 4 năm đại học.

Và học bổng luôn là sự chọn lựa sự khác biệt của thí sinh. Sự khác biệt ấy, được chọn lựa qua hồ sơ bằng những yếu tố trên. Sau đó, những thí sinh được học bổng còn phải gặp mặt một thành viên của hội đồng tuyển sinh để phỏng vấn. Có thể phỏng vấn sẽ mang lại mức học bổng cao hơn từ vòng 3 của hồ sơ, nhưng phỏng vấn cũng có thể làm thất vọng hội đồng tuyển sinh và thí sinh có thể mất cả việc được nhận vào nhập học, đặc biệt ở các trường tốt hàng đầu Hoa Kỳ. Nhưng hầu như phỏng vấn chỉ là để khẳng định lại những gì hội đồng tuyển sinh đánh giá, và thí sinh đạt được nguyện vọng của mình.

Hy vọng những phát thảo sơ khởi này có thể giúp cho các bạn trẻ Việt tìm thấy một hướng đi khi chuẩn bị hồ sơ nhập học, và săn tìm học bổng đại học Hoa Kỳ, mà lâu nay tất cả đều cho là may rủi. Nhưng nếu nắm được cái rất quan trọng của trường mà các bạn muốn nhập học, và hoàn thiện nó tối ưu nhất thì việc săn học bổng để học là tự mỗi người có thể quyết định, và nắm được tỷ lệ % cao được học bổng khi làm hồ sơ nhập học.

Asia Clinic, 18h55' ngày thứ Tư, 05/02/2014